3 thg 3, 2023

CHỮ NGHĨA LÀNG VĂN kỳ 1/3/2023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

 ***

 Ký, Đường, Tự, Kim

Nghĩa gốc chính xác của chữ Ký trong Tường Ký, Chánh Ký, v.v… chẳng qua chỉ là “hiệu”. Chính vì thế nên chủ một số cửa hàng người Hoa mới đặt bảng hiệu của mình bằng một danh ngữ mà “ký” là trung tâm (đứng cuối) còn đứng trước là một trong những chữ dùng làm tên riêng cho cửa hàng”.
Tóm lại chữ Ký trên biển hiệu của các quán ăn người Hoa có nghĩa là ghi nhớ đến quán, là để nhớ đến, là nhãn hiệu.

(Đỗ Duy Ngọc)

Rượu Ngang

 

Rượu Nganglàng Ngang, thời Tây nấu rượu lậu.

Hay rượu quốc lủi. Nay có tên là…cuốc lủi.

 

(Phan Nghị - Bữa gỏi cá mè cuối năm)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 “sáng: sáng lạn → không viết: sán.” - Gs Nguyễn Văn Khang

 (viết đúng = xán lạn)

 (Hòang Tuấn Công)

 Chữ nghĩa làng văn

Độc giả

Theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh thì độc đọc sách. Độc giả người đọc sách. Tôi đã thử tìm chữ "người đọc" trong Từ điển An Nam – Lusitan - Latin của Alexandre de Rhodes: Không có. Tìm chữ "độc giả": Cũng không có. Cuốn Việt Nam Quốc âm Tự vị  của Huỳnh Tịnh Paulus Của cũng không có hai chữ ấy.

 Dĩ nhiên, tôi biết, chưa thể vì sự vắng mặt này mà chúng ta đã có thể đi đến kết luận là trước thế kỷ 20 hai chữ "độc giả" hay "người đọc" không từng hiện hữu. Có thể chúng đã có, nhất là chữ "độc giả". Có thể. Nhưng nếu có: Chúng nằm ngoài lỗ tai của Alexandre de Rhodes và cũng nằm ngoài sự ghi chép nhất định là rất cẩn thận và nghiêm túc của Huỳnh Tịnh Paulus Của.

(Nguyễn Hưng Quốc – Viết cho ai?)


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

sâm: sâm sấp. → không viết: xâm.” (Gs Nguyễn Văn Khang)

(viết đúng = xâm xấp, xăm xắp)

(Hòang Tuấn Công)

 

Văn hoá chửi

Vỗ nợ

 

Trích truyện Khao của Đồ Phồn:

“…Cha bố tiên nhân thằng Cò! Cha bố tiên nhân thằng Cốc! Cha họ nội họ ngoại, họ gần họ xa, họ năm đời giở lên, họ ba đời giở xuống nhà thằng Cò, thằng Cốc! Cha tam đại, tứ đại, ngũ đại mai thần chủ thằng Cò, thằng Cốc! Cha đứa già đứa trẻ, đứa nhớn đứa bé, đứa mẹ đứa con, đứa đỏ như son, đứa vàng như nghệ nhà thằng Cò, thằng Cốc, bảo nhau định vỗ nợ của bà…”

 

Chữ nghĩa bề bề

Nhiều tác giả viết trên sách báo câu:

Văn chương chữ nghĩa bề bề

Thần “l…” nó ám cũng mê mẩn đời

 Tầm chương trích cú thì câu trên xuất xứ từ một nhà văn Tầu: “Nữ nhân đối với nam nhân trước sau chỉ là cái “thiên cổ chi mê”.

Từ đấy cái “thiên cổ chi mê”  của Tầu xuất hiện khắp nơi khắp chốn trên văn đàn của Ta.

(Vũ Tài Lục – Người đàn bà trong tướng mệnh học)

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

sập: sập sè.”  (Gs Nguyễn Văn Khang)

 viết đúng = xập xè, xập xoè)

(Hòang Tuấn Công)

Góp nhặt phố văn ngõ chữ

Lê Văn Trương - 1

Phạm Thế Ngũ thì nhận xét đại để như sau:

Lê Văn Trương đã không thành công lắm về phương diện nghệ thuật. Bởi ông không có bản lĩnh để dựng nên một câu chuyện tự nhiên hoặc vẽ nên một nhân vật trọn vẹn.

Truyện ông thường đầy những vô lý về tình tiết, giả tạo về tâm lý. Cái hấp dẫn người đọc ở ông thường chỉ là ở những tiểu thuyết giang hồ: cái vị lạ, những cảnh tượng xa xôi, những gặp gỡ kỳ thú hay gian hiểm...

Còn văn của ông, thường là lối nói khoa đại, kêu mà rỗng, nhất là ở những chỗ ông nghị luận...Ông ít khi tìm được một lối bình dị thuần nhã, mà thường bị cái tật huênh hoang lôi cuốn làm cho người đọc hết cảm động. Nói chung văn nghiệp của ông có lượng mà không có phẩm, do ông không săn sóc câu văn mấy.

 Trừ mấy tác phẩm đầu như cuốn "Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích", văn viết chải chuốt, còn về sau ông viết nhanh một cách cẩu thả. Thường cứ nghị luận một câu lại xuống hàng, hoặc để cho nhân vật đối thoại lê thê nhạt nhẽo, gây cho ta có cái cảm tưởng như lối "kéo dài ăn trang" của những nhà tiểu thuyết viết thuê, nhằm đến một số công chúng dễ dãi, không cần gì đến sự trau tria nghệ thuật.

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca


Má hồng, trán bóng có duyên
Lương tâm dẫu tốt, đừng hòng tuổi cao

Góp nhặt phố văn ngõ chữ

Lê Văn Trương - 2

Sau khi phân tích một số tác phẩm của Lê Văn Trương, nhà văn Vũ Ngọc Phan  cũng đã kết luận rằng: Lê Văn Trương là một nhà tiểu thuyết luân lý, nhưng cái luân lý của ông là một thứ luân lý rất thông thường: vợ phải nghe theo chồng, em phải nghe anh...Ông lại tựa vào một lý thuyết rất hẹp. Cái thuyết sứ mạnh của ông là thứ lý thuyết nông nổi, không có gì vững vàng...

Tiểu thuyết của ông mỗi ngày một nhiều, nhưng xét chung tất cả, người ta thấy các truyện của ông không khác nhau mấy tí. Người ta lại thấy về đường tư tưởng và ý kiến, những truyện của ông chỉ có chiều rộng mà không có chiều sâu...Về cách hành văn...cũng không thay đổi mấy. xưa kia ông hay nghị luận...thì bây giờ ông cũng hay nghị một cách trường giang đại hải. Văn ông chỉ là một thứ văn hoạt, thứ văn dễ hiểu,...không có gì đặc sắc..

 190 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 Một người bạn sau này quen nhau ở trường kiến trúc, nhân lúc nói chuyện văn chương, đã tìm mua tặng tôi cuốn La Chute, với lời viết tặng cho “une petite amante de Camus”.

Bây giờ vẫn tôi còn thích văn hào này vì văn phong ở mỗi cuốn tiểu thuyết Camus có một văn phong riêng và vì ảnh hưởng sâu đậm ông đã để lại trong đời tôi. (…)

 

Cũng đồng thời trong thời gian dậy thì này tôi (Trùng Dương) làm quen với hội hoạ. Tôi có cái may mắn có thiên phú về vẽ, có được “mười ngón tay bắt được của trời” như diễn tả (hình như) của cố nhà văn Mai Thảo, chủ trương tạp chí văn học Sáng Tạo hồi cuối thập niên 1950, và Văn sau này. Tôi không bao giờ có ý tưởng trở thành nhà văn, hay cả nhà báo. Thực ra tôi vẽ từ khi mới biết cầm bút tập viết, và đã thực hiện nhiều truyện bằng tranh, đã bán cho mấy đứa nhỏ hàng xóm lấy tiền mua giấy vẽ tiếp. Có một dạo tôi mơ làm hoạ sĩ. (…) Bố tôi, vẫn muốn tôi đi thi vào trường Sư Phạm, còn phán, “Làm hoạ sĩ chỉ chết đói. Con gái không làm hoạ sĩ.” Tôi đành đi thi vào Sư Phạm, và trượt. Đành ghi danh học Luật và Văn Khoa rồi, sau này, Kiến Trúc.(…)

 

Tôi lớn lên không có người để tâm sự. Có tâm sự cũng chưa chắc đã được thông cảm, nếu không là bị phán đoán, điều chả giúp gì được cho tôi hết. Trong nỗi hoang mang cùng tận, đặc biệt từ sau khi người tình đầu của tôi (nay đã qua đời, ở tuổi mới 55) đi du học, tôi cầm bút viết. Một phần cũng vì viết không tốn kém gì nhiều, như vẽ, và chỉ cần một xấp giấy trắng và cây bút, và ngồi viết ở đâu cũng được. Nỗi niềm thì đã ở cả trong đầu, trong tim.

 

Một trong những truyện ngắn đầu tiên của tôi, “Sao Rụng”, được nhà văn Võ Phiến giới thiệu đăng trên tờ bán nguyệt san Bách Khoa do Lê Ngộ Châu làm chủ nhiệm, vào năm 1965. Ông Võ Phiến hồi ấy nghĩ tôi có thể “đi xa”, vì “Sao Rụng” là câu chuyện không phải về tôi, như với đa số những người mới viết còn ít kinh nghiệm sống và hay viết về mình. “Sao Rụng” là chuyện về một con bạn thân, mà tôi rất thương, đi lấy chồng. Người chồng lớn tuổi hơn nó nhiều và nó không yêu, song phải lấy vì một nhu cầu gia đình, như cô Kiều của Nguyễn Du, để lại một cậu bé hàng xóm, một nhân vật hoàn toàn tưởng tượng thầm yêu trộm nhớ trong tuyệt vọng.

 

Và tôi... lạc đường vào văn chương kể từ đấy.

(Lạc đường vào văn chương – Trùng Dương)

 

Góp nhặt làng văn xóm chữ

Đào Trinh Nhất

 Đã đến lúc chúng ta nên bớt tin vào một số danh xưng lưu truyền suốt nhiều năm!  Bộ tứ "Vĩnh Quỳnh Tố Tốn" có đến mức độ như thế không? Khái niệm "bộ tứ" này lại là một cái gì đó vô cùng đặc vị Hà Nội, cái xứ hễ một tí lại thấy có "Trường An tứ hổ", mỗi thuyết lại khác nhau, đại khái Nguyễn Bá Lân hổ mà ông thân phụ Nguyễn Công Hoàn lại cũng hổ nốt. Với tôi, nếu có bốn trí thức trước 1945 thực sự kiệt xuất có thể đặt thành "bộ tứ" (lại bộ tứ, đúng đầu óc Bắc Kỳ Hà Nội) thì đó là "Kim Khôi Nhất Hùm" (Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất và Phan Văn Hùm). Được cái trong này có hùm có hổ luôn đỡ phải phân vân.

Thật ra, sự xuất hiện trở lại của một nhân vật như Phan Khôi làm đảo lộn rất nhiều thứ, làm thay đổi cái nhìn và cách đánh giá về cả một giai đoạn. Vĩnh Quỳnh Tố Tốn đều là danh nhân, nhưng Kim Khôi Nhất Hùm dường như trình bày một hình mẫu trí thức khác hẳn, có thể gọi là một thế hệ mới, tuy rằng Phan Khôi, Trần Trọng Kim còn lớn tuổi hơn Phạm Quỳnh.

 (Khuyết danh)

 

Tướng mặt

Mặt là bộ phận được nghiên cứu nhiều nhất trong nhân tướng học phương Đông. Chỉ cần nhìn qua người đối diện, bạn có thể biết cá tính, vận mệnh cả đời của người đó.

Khuôn mặt chữ Thân ()

Chữ Thân trên dưới nhỏ, ở giữa lớn, nên theo đó khuôn mặt dài, trán nở phần gần chân mày nhưng hẹp ở đỉnh đầu, cằm dài. Tướng này tuổi nhỏ gặp nhiều vất vả, có cha mẹ cũng không được nhờ cậy, phần lớn đa thọ nhưng về già cô độc.

 Chữ nghĩa làng văn    

 

Nguyễn Bính đã dành trang phê bình của 2 số đầu Trăm Hoa loại mới cho bài viết của chính mình về giải thưởng văn học 1954-55, nhan đề: Vì những sai lầm nghiêm trọng, cần phải xét lại toàn bộ giải thưởng văn học 1954-1955 dưới nhan đề là mấy dòng chapeaux in đậm: “Ðề nghị đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì. Loại tập thơ Ngôi sao và một số quyển không xứng đáng. Bổ sung một số tác phẩm khác”. Ðây là bài tiểu luận vào loại khá hiếm hoi trong đời văn Nguyễn Bính, trong đó tác giả đã trình bày thẳng thắn ý kiến của mình về một sự kiện đang chia rẽ giới nhà văn vừa tập hợp về Hà Nội sau kháng chiến chín năm.

 

Xin dừng lại kỹ hơn ở bài này của Nguyễn Bính.

“…Kết quả giải thưởng văn học 1954-55 đã gây nên rất nhiều dư luận, nhiều thắc mắc trong giới văn nghệ và yêu văn nghệ. Những dư luận và thắc mắc ấy đã kéo dài đến nửa năm nay. Dư luận càng sôi nổi từ sau lớp học tập lý luận văn nghệ 18 ngày và nhất là sau bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của ông Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa thu tập I.

Tại sao lại có nhiều dư luận thắc mắc? Chính vì căn cứ vào những tác phẩm trúng giải, người ta thấy có nhiều quyển không xứng đáng, nhiều quyển cần phải xét lại thứ bậc, nhiều quyển tại sao không trúng giải? Thành phần ban giám khảo cũng như lề lối làm việc độc đoán, hẹp hòi, xa rời quần chúng, bè phái, và có cả cái tệ sùng bái cá nhân nữa.

 

Nhờ có dư luận ấy mà ban giám khảo và Thường vụ Hội Văn Nghệ đã kiểm điểm lại vấn đề giải thưởng. Mới đây Hội Văn Nghệ có ra một thông báo và ông Nguyễn Tuân (vừa là trưởng ban giám khảo vừa là tổng thư ký ) có viết một bài về giải thưởng văn học 1954-55. Theo tinh thần hai văn kiện ấy ta có thể kết luận là ban giám khảo và thường vụ hội có nhận một số khuyết điểm về quan niệm, tổ chức và lề lối làm việc của giải thưởng…”

Sau khi trích dẫn một đoạn trong bài nói trên của Nguyễn Tuân và tóm tắt một số điểm trong thông báo của thường vụ Hội Văn Nghệ, lưu ý đến một vài đề xuất sửa đổi (đưa tập Ngôi sao từ giải nhì xuống giải ba, sẽ cân nhắc trường hợp Người người lớp lớp), Nguyễn Bính cho rằng các đề xuất đó là quá ít, trong khi những khuyết điểm về nhận thức và tổ chức xét giải đã khiến toàn bộ giải thưởng “mất đi rất nhiều giá trị và tác dụng”.

 

(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)

Bên lề chữ nghĩa

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ngồi trà đá ở trước cửa Nhà Hát Lớn

 (Nguồn: Tôi đi đâu)

 Hậu Nhân văn Giai phẩm

 

Hành trình tư tưởng của Phùng Quán thực ra đơn giản. Suốt đời ông ca ngợi lý tưởng, kêu gọi người ta chiến đấu cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Nhưng tính bộc trực, lòng nhiệt thành khi đăng bài trên NVGP đã làm ông chịu nhiều oan ức. Vừa câu cá trộm ở hồ Tây để sống ông phải viết hàng trăm truyên thiếu nhi, truyện tranh cho các nhà xuất bản với bút danh mới hoặc mượn tên người khác.

Ông đã hoàn thành bộ tiểu thuyết 3 tập gần 1000 trang về quãng đời niên thiếu chiến đấu trong đơn vị độ đội với tên Tuổi thơ dữ dội xuất bản lần đầu ở Huế. Tuổi thơ dữ dội được Giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1987. Ông mất năm 1995.

(Biên niên Nhân văn Giai phẩm – Thái Kế Toại)

Nhà thơ, nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế Toại, nguyên đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa)

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Những người tai ngửa ra sau
Tướng hèn mà lại cứng đầu, chậm nghe
                                                                                                             

Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 1


Vào cuối thập niên 1880, rất ít người VN đang sống tại Algérie, đa số là những thanh niên Nam Kỳ được người Pháp cấp học bổng để theo học tại các trường trung học đệ nhị cấp (lycée) vì tại VN chưa có ban tú tài. Trong tác phẩm “Như Tây Nhựt Trình” (De Sàigon à Paris) xuất bản vào năm 1888,
cụ Trương Minh Ký có ghi lại cuộc hành trình mà ông đã hướng dẫn 10 du học sinh VN sang Phi châu vào năm 1880. Có lẽ đây là chuyến đầu tiên một số người VN được học bổng sang học tại Algérie.

Khi vua Hàm Nghi đến Algérie vào năm 1889 thì những nguời đang theo học bậc trung học, họ đã đi đón tiếp nhà vua và thường tới lui thăm viếng, hầu cận và giúp đỡ cho nhà vua bị lưu đày làm quen với nếp sống và nền văn hoá hoàn toàn mới lạ tại xứ người.

Ngay từ khi mới đặt chân lên đất Algérie, dù được khuyến khích nhưng trong năm đầu tiên ngài nhất định từ chối không thèm học tiếng Pháp để liên lạc với người Pháp, Ngài chỉ nói tiếng Việt trong mọi sự giao tiếp và ông Trần Bình Thanh phải lo việc thông dịch cho ngài.

 Tuy nhiên dần dà, có lẽ vì có cảm tình với những người Pháp tại đia. phương, có lẽ vì chịu ảnh hưởng bởi một số du học sinh người VN như ông Bùi Quang Chiêu và cũng có lẽ vì nhu cầu cần được hiểu biết về nền văn hoá trong môi trường sinh sống hoàn toàn mới lạ và nhất là nhu cầu cần mở mang kiến thức. Vua Hàm Nghi đã thay đổi thái độ và bắt đầu chịu học tiếng Pháp. Khi đó Ngài đã gần 20 tuổi, và chỉ trong một thời gian rất ngắn, chàng thanh niên VN bị lưu đày này đã ăn nói trôi chảy, về sau rất giỏi tiếng Pháp và được mọi người tại Alger gọi bằng một danh vị đầy thương mến và kính trọng: “Le Prince d’Annam” (Hoàng tử xứ VN). Một tờ báo ở Alger đã viết như sau về cái tên đó:

“…một người bị xem như là tù nhân chính trị được nổi tiếng dưới cái tên “Prince d’Annam,” cái tên mà báo chí cũng như là công chúng đã gọi ông ngay từ năm 1889, khi ông mới bị đưa đến sống cuộc đời lưu đày tại thành phố này…” (9)

(9) Es’mma : “Le mariage du Prince d’Annam “. Es’mma là trang web của Hội Cựu Học Sinh các Trường Trung Học Alger, , thủ đô nước Algérie.

Hầu hết những tấm hình của vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe đều trích từ trang web của hội Es’mma, Alger.

(Trần Đông Phong)

 Thành ngữ tục ngữ

 Chim ra ràng


Ràng là từ cổ, có nghĩa là chuồng. Một số nơi còn dùng từ ràng trâu để chỉ chuồng trâu. Chim ra ràng là chim đã đủ lông đủ cánh, mới ra khỏi chuồng (tức chim non). Hiện nay, ta dùng từ ràng buộc nghĩa gốc là nhốt vào chuồng và cột chặt.

Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 2

 Người tù bị lưu đày biệt xứ Hàm Nghi đến nước Algérie vào đầu năm 1889 và được toàn quyền Pháp tại xứ này cho trú ngụ tại ngôi biệt thự mang tên là “Villa des Pins”  Trong một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp nhan đề Le Laos, trong chương “La Cour d’Annam en fuite dans la province,” tác giả có viết về vua Hàm Nghi và ngôi biệt thự này như sau:


 

”Cựu hoàng Hàm Nghi, mà mọi người gọi là “Hoàng tử xứ Annam,” cư ngụ tại biệt thư Villa des Pins trong làng El Biar, trên những ngọn đồi Mustapha Thượng ở cách thủ đô Alger 8 cây số. Ông sống ở đây trong sự cô tịch, chỉ đón tiếp một vài người bạn thân tình họ đã giúp cho ông chịu đựng được những nỗi thống khổ khắt khe của cuộc sống lưu đày nơi xứ người.

 Có lẽ không ai mô tả được về vị hoàng tử này khéo hơn là nhà vẽ hoạ đồ nổi tiếng De Varigny trong một bài được đăng trên báo Le Temps vào tháng 12 năm 1894:

“…Qua một người bạn, ông ta đã chấp thuận đón tiếp tôi vào ngày hôm sau. Rời Alger, chiếc xe hơi leo từ từ lên cao nguyên Sahel hướng về vùng đồi núi Mustapha Supérieur. Ngay khi tôi lên đồi, nhìn về phiá trước, cảnh vật càng đẹp lạ kỳ, nhìn về sau lưng, thành phố Alger màu trắng nổi bật lên giưã màu xanh của biển Địa Trung Hải với những cánh buồm màu trắng tưa. như những đôi cánh của đàn chim hải âu đang cất cánh tung trời.
Khi đến làng El Biar, chiếc xe ngừng lại trước cổng sắt của một ngôi nhà mang tấm biển “Villa des Pins.” Một con đường nhỏ hai bên là hai rặng thông già chạy dài đến một ngôi nhà kiến trúc theo kiểu mauresque (kiểu của người Maures ở Bắc Phi).


Đó là nơi mà Hàm Nghi, Hoàng tử xứ Annam đang sinh sống. Ông ta đã ở đó từ năm năm qua và dường như vào trạc 24 tuổi. Tuổi thật của ông ta, ông ta không thèm để ý đến hay là chỉ muốn cố tình dấu đi vì có ích lợi gì mà nhớ đến con số của những năm tháng lưu đày! Khi hỏi về thời thơ ấu, ông ta giữ im lặng, về thời trưởng thành thì thật là bi đát khi ông ta nghĩ đến thời gian khi mới còn là một thiếu niên trẻ tuổi, ông ta được thưà kế ngai vàng rồi chẳng bao lâu sau đó phải bôn đào qua khắp nẻo đường đất nước của ông đang bị xâm chiếm…


Khi đặt chân xuống vùng đất Phi Châu thuộc Pháp này, một quốc gia  mà cái tên ông ta cũng chưa hề được biết đến, ông ta đã từ chối không học cái ngôn ngữ của những người đã giam cầm ông, ông đã tự giam mình trong một sự câm lặng…”
 

 Trần Đông Phong)

Giai thọai làng …vua xóm chữ

“…Sau 1975, chúng ta biết có những đợt thay đổi tên đường theo sau đổi tên thành phố. Nhìn qua cách đổi tên đường, chúng ta có thể đoán được rằng mấy người trong chính quyền hiện nay không ưa triều Nguyễn, vì những ông vua và quan của triều này bị cho biến đi gần hết.

Vài ví dụ :

* Tự Đức bị cho lên đường, và thay vào là cái tên lạ hoắc Nguyễn Văn Thủ.

* Duy Tân là con đường đẹp đã đi vào thơ ca, nhưng nay thì bị Phạm Ngọc Thạch cho lên đường biến mất luôn.

* Khải Định cũng là một vị vua triều Nguyễn, nhưng sau 1975 thì ông bị đuổi đi và nhường cho Nguyễn Thị Tần (là ai?)

* Hàm Nghi vì cụ vua ta chống Pháp nên vẫn là….Hàm Nghi

 (Khuyết danh)

 

Sài Gòn: Những con đường đã mất tên

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do

 Hai con đường như vận vào vận mệnh của đất nước. Công lý chẳng còn mà tự do cũng đã đánh mất mãi cho đến hiện nay và…không biết còn kéo dài tới bao giờ?  
Chúng ta đã tiêu Công Lý vào tay Nam Kỳ Khởi Nghĩa và mất Tự Do vào một chiến dịch Đồng Khởi. Người viết xin mời bạn đọc thong dong trên những con đường của Sài Gòn từ Xa Cảng Miền Tây đến đại lộ Thống Nhứt! Để nhớ về một Sài Gòn.

Đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý bạn sẽ thấy cả một chiều dài 4000 năm lịch sử của nước Việt trên từng bước chân. Khởi đầu từ Xa Cảng Miền Tây có đường Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Đà… Bà Triệu… rồi thì tiếp theo có đường Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục… kề cận đó là đường Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh…Lý Chiêu Hoàng.

 Nhà Trần có đường Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo và các tướng quây quần như đường Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư…Từ ngoại thành vào thành phố là đi quãng đường mấy ngàn năm lịch sử. Nhà Nguyễn gần trung tâm nhất vì đó là triều đại cận kề nhất. Cuối cùng là hội tụ lại đại lộ Thống Nhứt, đẹp và rộng, dẫn thẳng vào Dinh Độc Lập, một thời của thời VNCH.

 (Uy Bảo)  

 Khoa cử thời xưa

Đời Lê (1428-1527)

Khi Lê Lợi thu hồi độc lập xong cho tái lập lại thi cử theo Tống nho để bảo vệ ngôi vua. Nho giáo đánh bật Phật và Lão giáo ra khỏi trường thi. Thi cử hạn hẹp trong vài quyển sách, xa rời thực tế, vì theo lề lối Tống nho. Và kéo dài trong 300 năm trị vì của nhà Lê qua đến đời Nguyễn thêm 150 năm nữa kể từ đời Gia Long.

Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên làm chủ khảo các kỳ thi Đình, đặt ra lệ xướng danh, vinh quy bái tổ. Sau khi đăng khoa xướng danh được cờ quạt võng lọng do vua ban cho để vinh quy. Tiếp đến là bảng vàng bia đá, Năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia khắc tên các tiến sĩ ở trường Quốc tử giám. Tổng cộng có 82 bia có 1323 tên tiến sĩ  đặt ở hai bên tả vu, hữu vu.

Đời Lê mở mang việc học, lập thêm những trường Quốc tử giám ở các châu, phủ, huyện (trong dân gian gọi là Văn chỉ như ở Hưng Yên). Năm 1429, cho phép các quan từ hàng Tứ phẩm trở xuống, các ẩn sĩ thông kinh sử, các võ tướng thi Hội. Quan văn thi kinh sử, quan võ thi võ kinh. Đời Lê, thi Hương 4 năm như đời Trần Anh Tông, ai đỗ cả 4 trường được gọi là hương cống, đỗ 3 trường gọi là sinh đồ.

 Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

 Bản kỷ (chính sử) về Hùng vương trong Đại Việt sử ký tòan thư chỉ xuất hiện sơ lược trong Lĩnh Nam chích quái qua truyện Dưa hấu, Bánh dầy bánh chưng, Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Truyện Hồng Bàng của Trân Thế Pháp dựa vào Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên viết năm 1329, vua Hùng không được nhắc đến nhiều, phải đợi Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp với những truyền thuyết và thần tích trong dân gian để chứng tỏ nước ta cũng có quá trình “truyền kỳ” như người phương Bắc.

Thế kỷ 15, người tới sau xuất hiện gốc tích mù mờ tên là Trần Thế Pháp. lưu danh thiên cổ là truyện…”người lấy cá đẻ ra trứng” qua Sùng Lãm. Vũ Quỳnh góp nhặt những truyện ấy cho là truyện truyền khẩu sọan thành tập như cuốn sách mỏng

(Lĩnh Nam chích quái 1959 : Lê Hữu Mục)

 Sài Gòn xưa

Bánh bao Cả Cần

 Bánh bao Cả Cần là thứ bánh bao đặc chất của người miền Nam, sản xuất ở Sài Gòn trước 75, khác với bánh bao của người Hoa. Bánh bao Cả Cần không trắng như bánh bao gốc của người Hoa, mà hơi hẩm, vì không dùng bột tẩy. Vị bánh bao bùi hơn, ăn không dính răng, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa.

Bánh bao Cả Cần nổi tiếng ở Sài Gòn từ trước 75. Nhân bánh bao Cả Cần gồm tôm – thịt – trứng muối – nấm đông cô.. Bánh bao Cả Cần thơm ngon, tuy nhiên cũng không vượt trội bánh bao nhiều nơi khác, nhất là bánh bao ở Mỹ Tho.

 

Tuy nhiên cho tới ngày nay, thương hiệu “Cả Cần” đã đi vào lịch sử ẩm thực của Sài Gòn. (nguồn : ST)

 Dầu cháo quẩy

 Chuyện kể rằng: thời nhà Tống có người tên Tần Cối là tể tướng. Thời ấy, cũng có Nhạc Phi là một vị tướng nổi tiếng dẫn binh chống lại quân Kim, Tần Cối bán thân cho ngoại bang (nước Kim), cam tâm làm một kẻ tay sai, Tần Cối đã không từ một thủ đoạn nào để lập mưu hãm hại Nhạc Phi. Hắn tâu lên rằng: “Thiên hạ bách tính đều biết có Nhạc Phi chứ không biết còn có vua Cao Tông”. Do âm mưu thâm độc của Tần Cối và vợ là Vương Thị mà Nhạc Phi bị mang ra xử chém. Sau cái chết của Nhạc Phi, lòng dân khắp nơi oán hận, căm thù Tần Cối...

Ở kinh thành, có người bán bánh rong, trong lúc ế khách lấy bột ra nặn 2 chiếc bánh hình người, một hình đàn ông là Tần Cối, một hình đàn bà là Vương Thị vợ hắn. Nặn xong, 2 cái bánh bị ném vào chảo mỡ sôi sùng sục. Ông rán chiếc bánh như đang hành hình hai kẻ bán nước hại dân để thỏa lòng căm tức. Ngày nào cũng có người đến xếp hàng để chờ rán và ăn ngay tại chỗ.

Chuyện đến tai Tần Cối, hắn cho quân lính đến bắt cửa hàng bán bánh nọ. Họ trốn khỏi kinh thành và tiếp tục bán bánh kiếm ăn. Nhưng do ở trong tình thế bị săn đuổi, họ không còn đủ thời gian nặn bánh thành hình người như trước nữa mà chỉ còn vê hai thỏi bột dài rồi quấn vào nhau, giả làm 2 vợ chồng Tần Cối.

 Tên của món bánh đó là "Du Gia Quỷ" tức là con Quỷ bị chan (gia) dầu (Du) lên người, cũng có nơi gọi là "du thiêu quỷ" , "dầu thiêu quỷ" ... đều có nghĩa là con quỷ bị chiên trong vạc dầu.

Món bánh này phổ biến sang ta và "Du Gia Quỷ" hay "Dầu chá kuảy" hàm ý cặp vợ chồng kẻ phản nghịch bị nấu trong chảo dầu ở địa ngục. Âm "Kuảy" có nghĩa là quỷ mà cũng trùng âm là "Cối" tức dầu chiên Tần Cối đọc thành "Dầu cháo quẩy", người Tàu ngày nay ăn kèm món với cháo, ta thì hay ăn với…phở. 


Đến đời Tống Minh Tông, mọi chuyện sáng tỏ, Nhạc Phi được minh oan, được đem hài cốt về chôn và lập miếu tại Hàng Châu. Người ta làm 2 pho tượng theo hình vợ chồng Tần Cối đặt quỳ ở trước mộ, trong khuôn viên miếu Nhạc Phi.

 

 

Tại sao gọi họ là người Tàu?

 

Cách giải thích thứ hai: Cách này phát xuất từ những người có ăn học, có biết chút chữ Hán. Họ bị cái vòng cái vòng kim cô thít đầu mình lại, ấy là do sự kém cõi của lớp người có ăn học trước đây: "Người Việt vốn từ người Tàu mà ra" đây là câu kinh điển của Hoàng Cao Khải viết quyển Việt Sử Lược, có câu "Người Việt vốn từ Hán tộc mà ra".

 

Tại Miền Nam Việt Nam thập niên 60, giáo sư linh mục, tiến sĩ thần học Nguyễn Phương tốt nghiệp tại Học viện Công giáo Pháp về nắm giữ chức giáo sư trưởng khoa sử của VĐH Huế. Ông Linh mục này cũng viết một câu chắc nịch như thế này: "Người Việt, tiếng Việt vốn từ Tàu mà ra cả".

 

(Lai Quảng Nam)

 

“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?

 

Cho tới hôm nay, từ từ tôi đã tập được thói quen "sáng tác", hết còn "tối tác". Và thay vì viết tay, tôi gõ thẳng vào máy vi tính. Sau đó đọc và sửa với bàn phiếm, trên màn hình. Chữ không còn đơn thuần là tình nhân với mực in và giấy trắng nữa, mà trở thành những tín hiệu điện tử chằng chịt tiềm ẩn trong nhu liệu, chờ ngày xông pha ra trận mạc tin mạng toàn cầu. Nhưng, dẫu là gì gì đi nữa, chữ nghĩa, đối với tôi, trước sau vẫn là phương tiện, không phải để dẫn tới cứu cánh, mà là một cách để tôi giao tiếp với bạn đọc, những người mà tôi chưa hề quen biết.

 

Nếu thuở trước, thỉnh thoảng tôi lại nhận được thư làm quen của độc giả do toà soạn chuyển tới tận nhà qua đường bưu điện, với danh chính ngôn thuận, địa chỉ người gởi cùng nét bút, chữ ký và đôi khi, kèm theo cả hình ảnh với lời đề tặng hẳn hoi. Thì giờ đây, độc giả vi báo chỉ còn là những "ẩn danh" qua các bài góp ý gọi là "phản hồi", "phản biện", và không biết sẽ có thêm những "phản" gì nữa. Tốc độc liên lạc giữa người viết và người đọc càng ngày càng tiện lợi và nhanh chóng. Nhưng hình như, tiếc thay, không vì vậy mà mối giao hảo giữa họ gần gũi và mật thiết nhau hơn. Mà nhiều khi, ngược lại.

 

Những thay đổi này bắt tôi lắm lúc không khỏi ưu tư. Lẽ nào, những bạn đồng hành cùng tôi trong những chặng đường văn chương chữ nghĩa thủa nào, đột nhiên hoá thân thành những "nhân vật ảo", ẩn mật như một màn xảo thuật tài tình theo đà tiến bộ kỹ thuật của nhân loại?

 

(Ngô Nguyên Dũng)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Những giải thích sai, hoặc không giải thích nghĩa đen, ghi sai, ghi nhầm, hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ tục ngữ trong “Tự điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam ” của Nguyễn Lân.

 

Ốc chẳng mang nổi mình ốc, còn làm cọc cho rêu 

Chế giễu những người bản thân mình còn khổ sở, lại còn giúp đỡ người khác. Nhưng thực ra những người như thế lại đáng được khen, vì tinh thần hi sinh, quên mình vì người khác.

 

Vì không hiểu ý dân gian nên khi giải thích xong, dường như GS vẫn còn băn khuăn, bận lòng cho rằng dân gian đã chế giễu oan người tốt nên phải nói lại một câu 

“Thực ra những người như thế lại được đáng khen vì tinh thần hy sinh quên mình vì người khác”.

Cần giải thích nghĩa đen: Ốc là loài di chuyển rất chậm chạp, nặng nề, trên vỏ ốc thường bám đầy rong rêu. Dân gian mượn hình ảnh này để phê phán, chê cười những người có thói ôm đồm, không biết lượng sức mình, hay quan tâm những việc bản thân mình chưa lo nổi. Nếu “hy sinh, quên mình” là phải giúp được người khác. Bản thân còn chưa đủ khả năng lo cho chính mình thì giúp đỡ người khác sao nổi?

(Hoàng Tuấn Công)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân

 lang bạt kỳ hồ

Ðây là một thành ngữ Trung Quốc. Soạn giả cho biết: lang = chó sói; bạt = chạy qua, nhảy qua; kỳ = cái ấy; hồ = phần dưới cằm; và, nghĩa đen của thành ngữ lang bạt kỳ hồ là: con chó sói nhảy qua cả cằm nó.

Sự thực thì không phải như vậy, mà lỗi là do soạn giả quá thông thái của chúng ta. Nay chúng tôi xin giải nghĩa lại như sau. Lang =chó sói; bạt = nhảy qua, bước qua; kỳ = của nó; hồ = cái yếm thịt ở dưới cằm và dưới cổ của con vật. Vậy, lang bạt kỳ hồ có nghĩa đen là: con sói bước qua (hay giẫm lên) cái yếm thịt dưới cổ nó, và nghĩa bóng là: lúng túng, vướng víu không gỡ được.

Chúng tôi chưa biết tại sao người VN ta lại sử dùng thành ngữ lang bạt kỳ hồ với nghĩa là đi xa và không có chỗ ở nhất định.

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Bích Câu kỳ ngộ, một truyện Nôm thuần Việt bị lãng quên

 

2- Bích Câu kì ngộ nên có vị trí quan trọng

trong văn học vì 2 lẽ

 

- Một là Bích Câu kì ngộ  truyện Nôm thuần Việt. Nếu các truyện nước ta ít nhiều có liên quan đến nhân vật, cốt truyện của truyện, tích xưa Trung Hoa thì Bích Câu kì ngộ là ngoại lệ. Truyện viết bằng thể thơ lục bát diễn lại một sự tích lịch sử lưu truyền trong dân gian nước Việt. Theo Dương Quảng Hàm và GS. Thanh Lãng thì Bích Câu kì ngộ  truyện thơ Nôm khuyết danh(1).

 

- Hai là phải đọc, phải học Bích Câu kì ngộ để biết một địa chỉ Văn hóa Việt Nam.

GS. Vũ Ngọc Khánh cho rằng: “…Chữ Bích Câu đã có từ lâu, nhưng chính thức được xem như là một sự kiện (một thời đại) thì có lẽ phải tính từ năm 1788, năm mà nhà học giả Bùi Huy Bích (1744 - 1848) chính thức cho ra đời cuốn Bích Câu thi tập. Có thể nói với sách này, Bùi Huy Bích chính thức thừa nhận phường Bích Câu ở Hà Nội là một địa chỉ văn hóa Việt Nam […] Hình như văn hóa Thăng Long có một sự kiện đẹp, mà lại ít được chú ý, đó là hiện tượng Bích Câu. Bích Câu là một vị trí đẹp của Hà Nội đã từng có chùa, có quán. Quán ấy là quán Đạo giáo thuộc thôn An Thạch, phường Bích Câu (nay là phố Cát Linh - Hà Nội). Xưa kia ở đây có con ngòi. Các vua chúa đời Lê Trịnh, thường đi thuyền ra đây chơi câu cá, nên cũng có tên là Ngự câu […]. Do có những đặc điểm như vậy mà Bích Câu từ sau thế kỷ XV (sau chuyện vua Lê Thánh Tông gặp tiên nữ) đã trở thành một vùng đất tiếng tăm, tập trung được nhiều gia đình quan lại, nhiều sinh hoạt học thuật sôi nổi: chung quanh Văn Miếu có nhiều văn nhân sĩ tử hội họp, các nhà trường danh tiếng hồi thế kỷ 17 đã được thành lập: trường Nguyệt Áng của Nguyễn Quốc Trịnh, trường Hào Nam của Vũ Thạnh. […] Nhiều nhà ngôn luận, nhà tư tưởng cũng góp tiếng nói, góp khuôn mặt rực rỡ của mình trong không khí đàm luận văn chương, chính trị này. Bích Câu vào lúc đó (thế kỷ 17, 18) chắc chắn được thành một cái tên có ý nghĩa văn hóa mà các nhà thức giả phải nhắc đến. Sau này Bùi Huy Bích đã viết hẳn một cuốn sách lấy tên là Bích Câu thi tập chuyên về chủ đề Thăng Long. Hiện tượng Bích Câu đã rõ ràng là một hiện tượng văn hóa đáng chú ý, nhưng từ trước đến nay, các tác giả nghiên cứu văn học sử, và sưu tầm văn học thường không nhắc đến.

 

- Bích Câu quả thực là nơi đào tạo (hoặc gây tác dụng sâu sắc đến các tài năng của hai họ Nguyễn Tiên Điền, họ Nguyễn Trường Lưu. Hai bà vợ của Nguyễn Huy Tự (là cháu của Nguyễn Du) đều có tài văn thơ. Con của bà Nguyễn Thị Đài đã sinh ra Nguyễn Huy Hổ là tác giả Mai Đình Mộng ký. Em của các bà lại cũng là danh sĩ. Nguyễn Thiện đã nhuận sắc lại cuốn Hoa Tiên. Hình như các họ Phan (của Phan Huy Ích), họ Ngô (của Ngô Thì Nhậm), họ Lê (của Lê Hữu Trác) đều lui tới khu vực Bích Câu này của Nguyễn Khản. Nguyễn Hành đã tự xưng mình là công tử Bích Câu (trong bài viết về phường Đồng Xuân). Rõ ràng ở Bích Câu có đủ những gì mà cuộc sống đài các (xã hội phong kiến) cuộc sống thị dân và cuộc sống nghệ thuật để bồi dưỡng cho một tài năng như tài năng Nguyễn Du sau này.

 

(Nguyễn Cẩm Xuyên)

***

 Phụ đính I

 Tranh không phải của... hoạ sĩ

 Có ý kiến cho rằng tranh không phải của hoạ sĩ, song của tác giả đã nổi tiếng ở lĩnh vực khác, hiện được nhiều gallery lùng mua với giá "cao đến chóng mặt" vì tên tuổi của người vẽ chứ chưa hẳn vì chất lượng nghệ thuật mà bức tranh chất chứa. Nhân đây, chúng ta thử xem xét lại danh xưng "hoạ sĩ" theo nghĩa "tài tử" hoặc "nghiệp dư" trong mối tương quan với "chuyên nghiệp".

Năm 1973, trong cuốn Tác giả tác phẩm xuất bản tại Sài Gòn, Trần Tuấn Kiệt nhắc đôi câu khi đề cập Bùi thi sĩ: "Bùi Giáng cũng có vẽ rất nhiều tranh, nhưng sau này ông dẹp đi đâu mất cả, không nói đến nữa. Những bức tranh đó, hoạ sĩ Nghiêu Đề bảo là rất đẹp". Một hoạ sĩ chuyên nghiệp và uy tín như Nghiêu Đề (7) khen ngợi tranh của Bùi Giáng như thế, song Bùi thi sĩ vẫn cứ là... thi sĩ họ Bùi.

(7) - Nghiêu Đề có họ tên Nguyễn Tiếp (1939 - 1998), người Quảng Ngãi, học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, đoạt Huy chương bạc Hội hoạ mùa xuân 1961 với tác phẩm Chân dung, là thành viên sáng lập Hội Hoạ sĩ trẻ Việt Nam năm 1966, làm Tổng thư ký Hội này giai đoạn 1973 - 1975. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1985. Bên cạnh hội hoạ, Nghiêu Đề còn làm thơ, viết văn. Đã xuất bản tập truyện ngắn Ngọn tóc trăm năm (Sài Gòn, 1965).

Hoạ sĩ Đinh Cường tỏ rõ lòng "kết" tranh do Bùi Giáng lẫn Trịnh Công Sơn vẽ. Trong bộ sưu tập của hoạ sĩ chuyên nghiệp họ Đinh, hiện có tranh của hai nhân vật này. Đây là nhận định của Đinh Cuờng về tranh Trịnh Công Sơn qua bài Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê: "Không gian tranh của Sơn bao giờ cũng dở dang nhưng lại đầy sáng tạo. (...) Tranh Sơn thanh thoát đến hư tưởng. (...) Những hình thể mảng màu trong tranh xếp đặt ngộ nghĩnh và đầy suy tính, lại rất đúng với nguyên lý của nghệ thuật mới."

Ít nhất có một người gọi Trịnh Công Sơn là hoạ sĩ thực thụ. Hoạ sĩ Nguyễn Trung khẳng định: "Michel Ragon, nhà lý thuyết, người bênh vực nghệ thuật mới, nghệ thuật trừu tượng, có viết rằng trong thời đại chúng ta, không còn những họa sĩ vẽ chơi (peinture du dimanche) nữa. Rất đúng với Trịnh Công Sơn. Anh mới vẽ một vài năm và đã trở thành họa sĩ thực thụ". Còn Trịnh Công Sơn thì sao? Đích thân Trịnh Công Sơn nhiều lần dí dỏm nhắc rằng trong hội hoạ và ngay cả âm nhạc, bản thân mình thực thụ là... amateur / tài tử / nghiệp dư. Đây, trích đoạn từ thủ bút của Trịnh Công Sơn: "Không bao giờ muốn chạm đến bờ cõi của giới chuyên nghiệp. Có hai bờ cõi: chuyên nghiệp và tài tử. Cái tài tử thường cho phép đi xa, lạc lối, mênh mông. Từ khước khuôn phép (convention) để trôi nổi trong thế giới của mộng mị".

Vậy trong địa hạt nghệ thuật, sự khu biệt "chuyên nghiệp" với "nghiệp dư" dường mơ hồ lắm! Người nghệ sĩ đích thực chẳng nề hà danh xưng hư hão. Rất tự nhiên, thoải mái, họ cứ say sưa phát hiện và thể hiện cái Đẹp bằng bất kỳ phương tiện nào mà họ cảm thấy thích hợp, đem lại hiệu quả thẩm mỹ như ý. Phần còn lại, xin dành để công chúng tiếp nhận và định giá cho Đoá hoa vô thường là... nghệ phẩm. ♥         

Trịnh Công Sơn,  Bùi Giáng (ảnh của Báo Quảng Nam )

 ***

Phụ đính II

 Trịnh Công Sơn, Võ Văn Kiệt

 “Dù là lãnh đạo, ông rất cởi mở với chúng tôi. Ngày ấy, vô tình mà ba chúng tôi – Nguyễn Duy (Bắc), Trịnh Công Sơn (Trung), Nguyễn Quang Sáng (Nam) – là ba nghệ sĩ thân thiết nhất với ông Sáu Dân.


Nhà thơ Nguyễn Duy (ngồi, phía trái) bên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngồi) và Trịnh Công Sơn (đứng, bên phải) cùng hát Nối vòng tay lớn bên sông Sài Gòn năm 1999. 

Có thể mỗi người có cảm nhận riêng về những đóng góp của ông, còn với tôi, ông là một người bạn lớn”, Nguyễn Duy nói:

Nhiều ca khúc nhạc Trịnh nổi tiếng sau này được gợi cảm hứng nhờ ông Sáu DânNhớ mùa thu Hà Nội là một sáng tác như thế, theo ông Nguyễn Địch – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng của ông Võ Văn Kiệt thời kỳ 1982-1985. Tháng 8.1985 (1) (xem khúc dưới), nhạc sĩ lần đầu ra Hà Nội trên chuyên phi cơ của ông Sáu Dân. Chuyến bay hôm đó, ông gợi ý nhạc sĩ sáng tác một ca khúc về thủ đô vì “Hà Nội bây giờ là của cả nước, cũng là của Sơn”. Sau khi lang thang khắp phố phường, Trịnh Công Sơn phác thảo những nốt nhạc đầu tiên: “Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ…”. Khi Trịnh Công Sơn vừa ngưng đàn guitar, ông Võ Văn Kiệt ôm chầm, vỗ vai nhạc sĩ và khen ngợi: “Thật tuyệt vời”.

(nguồn Mai Nhật, theo Vnxpress)

Trịnh Công Sơn, Văn Cao

ảnh :

(Gặp gỡ tại nhà riêng gác 2, 108 phố Yết Kiêu)
 

(1) Họa sĩ Văn Thao (con Văn Cao) cho biết, vào một ngày mùa thu năm 1985, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến nhà nhạc sĩ Văn Cao, hồ hởi: “Anh Văn, em vừa sáng tác một bài hát về mùa thu Hà Nội. Em hát thử anh nghe nhé”. Tiếng hát của Trịnh Công Sơn vang trong căn phòng nhỏ, với những ca từ hay về Hà Nội. Văn Cao nghe Trịnh Công Sơn đã hát đoạn cuối: “Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người/Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai/Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi…”.

Nghe đến đây, tưởng chừng bài hát đã kết thúc, nhưng Trịnh Công Sơn bất ngờ lắng xuống bởi câu hát cuối cùng:

“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/Nhớ đến một người, để nhớ mọi người”.

Họa sĩ Văn Thao cho biết: “Trong lúc Trịnh Công Sơn hát, cha tôi lặng lẽ nghe. Tới đoạn gần cuối, ông ngẩng lên, ngỡ bài hát đã kết thúc. Đến khi nghe Trịnh Công Sơn hát nốt câu cuối, cha tôi nhận xét: “Sơn viết hay quá. Nhiều nét tinh túy của Hà Nội đọng lại trong bài hát. Nhưng bài hát đó kết thúc ở câu “Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi” là được rồi, sao còn thêm đoạn vĩ thanh vào làm gì?”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cười: “Đúng là em định kết thúc ở câu đó rồi, nhưng rồi lại nhớ đến anh nên em thêm phần vĩ thanh đó vào. Nhớ đến một người là nhớ đến anh, như vậy được không?”. Cha tôi gật đầu cười”.

(Văn Cao và Trịnh Công Sơn, tri âm với tri âm – Kiến Nghĩa)

Mời Xem :

 Chữ Nghĩa Làng Văn - Kỳ 15/2/2023 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét