28 thg 3, 2023

SỞ TRƯỜNG VÀ SỞ ĐOẢN :Điều 11 Không nên quá lo buồn về khuyết điểm mà tích cực tu sửa, đồng thời nên hết sức phát huy ưu điểm (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Không nên quá đắc ý về sở trường và cũng không nên quá tự ti về sở đoản của mình. Cả 2 đều là cá tính trời cho và đặc điểm riêng của bạn.(2)

Sở trường và sở đoản đều là cá tính của chúng ta. Con người chúng ta không phải là thần. Do đó, không ai là người hoàn toàn không có khuyết điểm hoặc là người có thể biết và làm được mọi việc (toàn trí toàn năng) (3). Mặc dù có khác biệt về mức độ nhưng ai cũng có sở trường (điểm mạnh, điểm giỏi, ưu điểm) và sở đoản (điểm yếu, điểm dở, khuyết điểm). Do đó, con người hãnh diện sở trường và buồn phiền sở đoản của mình; có lúc có cảm giác vượt trội hơn người khác, và cũng có lúc phiền não sự yếu kém của mình. 

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy sở trường và sở đoản (ưu khuyết điểm) không phải là điều tuyệt đối đến mức độ chúng ta phải lúc vui lúc buồn như vậy. Tôi có cảm giác như thế. Bởi vì trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta có lúc sở trường trở thành sở đoản, và ngược lại có lúc sở đoản biến thành sở trường.

Trong khoảng thời gian kinh doanh dài trong nhiều năm tôi đã thấy nhiều thí dụ loại này ở nhiều nhà kinh doanh. Trong số người kinh doanh, có người kiến thức phong phú, lại giỏi nói chuyện và khả năng hành động của họ cũng rất năng động, có thể nói là người khéo tay lại giỏi ăn nói. Thông thường người ta nghĩ rằng đối với nhà kinh doanh, nếu là mẫu người như vậy thì chắc chắn công ty đó sẽ phát triển. Nhưng trong thực tế có nhiều trường hợp không phải vậy.

Ngược lại, các công ty do nhà kinh doanh mới nhìn thoáng qua là người rất bình thường nhưng các công ty của họ lại phát triển thịnh vượng.

Tại sao vậy? Nguyên nhân rất thú vị! Kết cuộc tôi nghĩ rằng phải chăng sở trường của nhà kinh doanh ngược lại đã trở thành sở đoản?

Bởi vì người có trí thức, tài năng lỗi lạc biết rằng mình có thể làm được bất kỳ điều gì nên khi xúc tiến công việc họ có khuynh hướng không hỏi ý kiến hoặc bàn thảo với người cấp dưới. Không những vậy mà đối với những đề nghị của cấp dưới họ lại dễ dàng cho rằng “chuyện đó tôi cũng đã biết” và bỏ qua không quan tâm đến. Kết quả sẽ ra sao? Cấp dưới sẽ trở nên không muốn nói ra ý kiến và chỉ biết tuân theo mệnh lệnh để làm việc. Như vậy công ty sẽ không phát huy được tính tự chủ của mỗi người và không thể thu thập được trí tuệ của nhiều người (chúng trí) nên việc các công ty này không có sự phát triển lớn mạnh có thể nói là hiển nhiên.

Ngoài ra, đối với những nhà kinh doanh vừa đề cập, họ xem việc chậm trễ công việc của cấp dưới là việc không thể cải thiện nên nghĩ tự mình thực hiện thì nhanh chóng hơn. Do đó, họ có khuynh hướng không giao phó công việc cho cấp dưới. Hoặc dù có giao phó nhưng mọi chuyện đều có ý kiến của họ hoặc yêu cầu nhiều điều.

Với thái độ làm việc nói trên, cấp dưới sẽ không còn hứng thú làm việc, và việc đào tạo được nhân tài ưu tú sẽ trở nên rất ít. Cả hai mặt đều ngăn trở sự phát triển của công ty.

Mặt khác, công ty do nhà kinh doanh thoáng nhìn có vẻ bình phàm lại phát triển tốt là do có hình thái trái ngược với trường hợp trên. Việc gì nhà kinh doanh cũng không tự quyết định một mình, thường hỏi ý kiến hoặc thảo luận với cấp dưới và giao phó công việc cho họ. Với cách làm này, ý muốn làm việc của tập thể nhân viên sẽ lên cao và tập trung được chúng trí (trí tuệ của nhiều người), và từ đó sẽ phát sinh lực tổng hợp to lớn. Đó là cách kinh doanh của trường hợp sau.

Việc tác dụng của sở trường như sở đoản và sở đoản tồn tại như sở trường nói trên không những xảy ra cho trường hợp kinh doanh mà ngay trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta phải chăng cũng hiện hữu.

Với cách suy nghĩ như nói trên, tôi cảm thấy rằng phải chăng chúng ta không cần phải cố chấp vào sở trường và sở đoản của lẫn nhau.

Sở trường và sở đoản đều là cá tính trời cho mỗi người và không ai giống ai, chúng ta có thể xem là một khía cạnh hương vị của mỗi người. Nếu nhìn bằng nhãn quan nhỏ hẹp thì đó là sở trường hoặc sở đoản và có thể là đối tượng vui buồn. Tuy nhiên, nếu nhìn bằng cặp mắt quảng đại như thần thì sở trường sở đoản giống như gương mặt trời cho của mỗi người, vốn không phải là thứ để chúng ta phán đoán đúng sai hoặc thiện ác của con người.

Tôi nghĩ rằng việc cảm thấy mình có sở đoản rồi mang cảm giác thấp kém hoặc tự giác ra sở trường và có ý thức ưu việt là một loại cảm tình tự nhiên của con người. Ngoài ra tôi cũng nghĩ rằng việc phát huy từng mỗi một sở trường và nỗ lực tu sửa sở đoản của bản thân cũng quan trọng ở phương diện nào đó.

Tuy nhiên căn bản là chúng ta không nên quá lo lắng về sở trường và sở đoản (ưu khuyết điểm), mà với một tâm tình nhẹ nhàng, khoáng đạt để tâm phát huy toàn thể cá tính của bản thân phải chăng là quan trọng hơn hết.

Nguyễn Sơn Hùng, 17/11/2022

 

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

 

Nhận xét của người dịch

Người dịch rất đồng ý với tác về quan điểm “sở trường sở đoản giống như gương mặt trời cho của mỗi người, vốn không phải là thứ để chúng ta phán đoán đúng sai hoặc thiện ác của con người”. Quan điểm này chắc chắn giúp chúng ta có quan hệ và làm việc tốt với người chung quanh nhưng không phải dễ làm, cần tập luyện để thành thói quen. Đôi khi kết hợp giữa người có sở trường và sở đoản đối nghịch tạo thành một cặp bổ sung lẫn nhau tốt hơn như âm hút dương và dương hút âm.

Ngoài ra, người dịch cũng đồng ý với tác giả là “không nên quá lo lắng về sở trường và sở đoản”, vì sự lo lắng ít khi cải thiện được vấn đề mà làm chúng ta không sáng suốt. Tuy nhiên, lời khuyên này không có nghĩa là chúng ta cứ giữ nguyên các sở đoản (khuyết điểm) mà không cố gắng tu sửa. Một thí dụ là tính dễ nổi giận, cộc cằn và nhiều thứ khác. Nghĩa là, đối với người thì bao dung, đối với bản thân thì nghiêm khắc.

Mức độ quan trọng của việc phát huy sở trường thì không cần phải nói thêm vì đó là một triết lý sống quan trọng, và tác giả cũng đã đề cập trong các bài 2, 4 và 5.

Ghi chú

  1. Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
  2. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
  3. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét