23 thg 3, 2023

THANH TÂM TUYỀN và HOÀNG HẠC LÂU


Trong lời phát biểu hôm tang lễ Thi sĩ Tô Thùy Yên, tôi có kể câu chuyện là trong một lần ngồi uống trà tại hàng hiên nơi vườn sau nhà ông, nhân đang nói chuyện về Đường thi, và về các bài thơ tôi dịch, Tô tiên sinh bảo theo ông thì bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là bài thơ hay nhất từ xưa đến giờ, và kể với tôi là từ lâu ông vẫn có ý định sẽ viết một bài về bài thơ ấy, về cái sự u uất của trời đất và của dòng thời gian, cũng như là kể với tôi là Thanh Tâm Tuyền cũng đã dịch Hoàng Hạc Lâu, là ông có được Thanh Tâm Tuyền đọc cho nghe bài dịch ấy, rất hay, nhưng tiếc là ông không còn nhớ.
Một vài bạn văn sau đấy có viết thư hỏi tôi về mẩu đối thoại ấy, và tỏ vẻ nghi ngờ về mức xác thực của câu chuyện. Có người nêu lý luận với tôi rằng nhạc sĩ Cung Tiến thân với Thanh Tâm Tuyền dường ấy, thì không có lý gì khi Cung Tiến phổ nhạc Hoàng Hạc Lâu lại không dùng bản dịch của Thanh Tâm Tuyền, nếu bản dịch ấy là có thật, mà lại dùng bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Thật ra giữa Vũ Quân và Cung nhạc sĩ cũng có mối giao tình thầy trò từ những năm Cung Tiến theo học ở Chu Văn An, và nghe đâu trong lòng nhạc sĩ Cung Tiến từ lâu vẫn muốn phổ nhạc một bài thơ của Vũ Hoàng Chương. Nhưng điều ấy vẫn không đủ để xóa đi mối nghi ngờ về sự có mặt của bản dịch Hoàng Hạc Lâu của Thanh Tâm Tuyền, chỉ vì Cung Tiến đã dùng bản dịch khác khi phổ nhạc Hoàng Hạc Lâu. Tôi không tin là anh Tô Thùy Yên đã nhớ lầm khi kể tôi nghe chuyện ấy, và tôi cũng không tin là mình nhớ lầm chuyện anh kể.
 
Kịp may, một thời gian ngắn sau khi anh Tô Thùy Yên mất thì thi sĩ Nguyễn Thanh Châu từ Arizona ghé thăm chị Huỳnh Diệu Bích và các cháu. Được biết qua lời kể của chị Bích là anh Nguyễn Thanh Châu vốn trước là bạn tù cùng anh Tô Thùy Yên, và là người sau khi ra tù trước anh Yên, đã chép lại nhiều bài thơ TTY làm trong tù mà anh thuộc lòng, nên tôi mang chuyện Hoàng Hạc Lâu ra hỏi anh Châu. Anh xác nhận chuyện ấy đúng, chính anh cũng đã được nghe Thanh Tâm Tuyền đọc cho nghe, và cũng đã nhận được bản chép tay từ dịch giả. Rồi anh mở điện thoại, lục ngay ra bài thơ và đọc cho tôi nghe tại chỗ. Hóa ra anh Nguyễn Thanh Châu không những chỉ có bài Hoàng Hạc Lâu mà còn có nhiều bài khác mà Thanh Tâm Tuyền đã dịch thơ của Shakespeare, Dickinson, Prevert...từ trước cũng như sau 1975. Và hơn thế nữa, anh lại còn có một bộ sưu tập đồ sộ gồm thơ của nhiều người khác nữa như Tạ Tỵ, Nguyễn Quang Hiện v.v. mà anh thu góp từ các tờ tạp chí như Sáng Tạo, Văn, Khởi Hành...
 
Dưới đây là nguyên văn bản Thanh Tâm Tuyền dịch Hoàng Hạc Lâu mà tôi nhận được từ Nguyễn Thanh Châu, kèm theo sau một câu cảm khái của dịch giả: 𝑀𝑜̂̃𝑖 𝑡ℎ𝑒̂́ ℎ𝑒̣̂ 𝑐𝑎̂̀𝑛 𝑐𝑜́ 𝑚𝑜̣̂𝑡 𝑏𝑎̉𝑛 𝑑𝑖̣𝑐ℎ 𝑐ℎ𝑜 𝑚𝑖̀𝑛ℎ. (Ý 𝑐𝑢̉𝑎 𝐸.𝑃𝑜𝑢𝑛𝑑 )
 
HOÀNG HẠC LÂU, Thôi Hiệu
𝑁𝑔𝑢̛𝑜̛̀𝑖 𝑥𝑢̛𝑎 𝑟𝑜𝑛𝑔 𝑐ℎ𝑖𝑚 ℎ𝑎̣𝑐 đ𝑖 𝑘ℎ𝑢𝑎̂́𝑡
Đ𝑎̂́𝑡 𝑐𝑢̃ đ𝑒̂̉ 𝑡𝑟𝑜̛ 𝑙𝑎̂̀𝑢 𝑣𝑎̆́𝑛𝑔 𝑘ℎ𝑜̂𝑛𝑔
𝐻𝑜𝑎̀𝑛𝑔 ℎ𝑎̣𝑐 𝑡ℎ𝑢𝑜̛̉ 𝑏𝑖𝑒̣̂𝑡 𝑟𝑜̃𝑖 𝑡𝑢𝑦𝑒̣̂𝑡 𝑑𝑎̣𝑛𝑔
𝑀𝑎̂𝑦 𝑛𝑔ℎ𝑖̀𝑛 𝑘𝑖𝑒̂́𝑝 𝑡𝑟𝑎̆́𝑛𝑔 𝑚𝑎̃𝑖 𝑏𝑜̂𝑛𝑔 𝑙𝑜̂𝑛𝑔
𝑇𝑎̣𝑛ℎ 𝑞𝑢𝑎𝑛𝑔 𝑐𝑎̂𝑦 𝑏𝑒̂́𝑛 𝑙𝑢𝑛𝑔 𝑙𝑖𝑛ℎ 𝑛𝑎̆́𝑛𝑔
𝑋𝑎𝑛ℎ 𝑛𝑔𝑎́𝑡 𝑐𝑜̉ đ𝑜̂̀𝑛𝑔 𝑡ℎ𝑖𝑒̂𝑚 𝑡ℎ𝑖𝑒̂́𝑝 ℎ𝑜𝑎𝑛𝑔
𝑋𝑒̂́ 𝑚𝑢𝑜̣̂𝑛 𝑙𝑎̀𝑛𝑔 𝑞𝑢𝑒̂ 𝑛𝑜̛𝑖 𝑛𝑎̀𝑜 𝑛ℎ𝑖̉?
𝑀𝑎̣̆𝑡 𝑠𝑜̂𝑛𝑔 𝑘ℎ𝑜́𝑖 𝑞𝑢𝑦𝑒̣̂𝑛 𝑏𝑢𝑜̂̀𝑛 𝑙𝑎̣ 𝑙𝑢̀𝑛𝑔.
 
Quả là một bản dịch độc đáo và xuất sắc. Nó lột tả rất thực, rất sát, cái thần của nguyên tác. Nó khác hẳn bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Bản dịch của VHC rất tài hoa, nhưng bản dịch ấy rất khác với cái thần của nguyên tác. Trong một dịp khác tôi sẽ xin so sánh hai bản dịch này, cùng các bản dịch khác của Tản Đà, Ngô Tất Tố...
Bây giờ xin tạm ngưng ở đây, sau khi trình bản dịch của Vũ Quân, và mời quý vị cùng đọc lại.


Khưu KimHoa chuyển

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét