Sài Gòn chỉ có "con kinh" chứ không hề có "con kênh",nếu cho rạch thành kinh thì phải là "Kinh Tham Lương"cho nó trúng
Tại sao chánh quyền và truyền thông cứ "kênh Tham Lương" vậy?
Miền Nam chỉ có "con kinh" chớ nào có "con kênh"
Miền Nam mình ngày xưa chỉ có "con kinh" chứ không có "con kênh" tràn lan như bây giờ.Kênh là từ ngữ Miền Bắc
Nhiều lúc thấy tức cười,cầu Kinh Thanh Đa cái biển ghi rõ vậy mà lên truyền thông bị biến thành cầu Kênh Thanh Đa,nghe phát mệt.Rồi là "Kênh Nước Mặn"
Cà Mau có nhiều kinh rạch,chữ "con kinh" cũng bị biến thành kênh như kinh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, Cà Mau - Bạc Liêu, Chợ Hội - Huyện Sử, kênh Chắc Băng, Bà Kẹo, Đội Cường, Biện Nhị...
Đừng lấy bài "Con kênh xanh xanh" ra so bì vì tác giả bài nhạc "cách mạng" này là người Sài Gòn chánh gốc nhưng đã cố tình tráo chữ xài từ ngữ Miền Bắc áp vô Miền Nam từ những năm 1949 nói là ở Đồng Tháp Mười
"Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh
Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha
Tiếng ai hò khoan vẳng đưa những câu tình ca
Ngả nghiêng hàng tràm vang hòa tiếng hò xa xa"
Miền Nam giữa Đồng Tháp Mười mà "hò khoan" sao ta? Miền Nam làm gì có hò khoan
Cái chữ "kinh" bị thay bằng kênh có từ lâu rồi,giống như Sài Gòn bị đổi tên
Người Miền Nam phân biệt kinh và rạch khác nhau
-Con kinh là con sông nhỏ, lấy nước từ sông lớn vào đồng ruộng,thông với những con sông khác.Kinh có thể do người đào,cơ bản là thẳng
-Rạch là con sông nhỏ tự nhiên,nó lòng vòng,cong queo
Miền Nam có kinh Bảo Định,kinh Vĩnh Tế,kinh Tàu Hủ,rạch Nhiêu Lôc,kinh Thanh Đa,kinh Nước Mặn,kinh Ông Cò...
Nghe "Bên dòng sông Trẹm" có khúc:
"Tới bên bờ kinh Tân Bằng,Cán Gáo
Ngồi trên đất giồng qua thương chiều lững lơ về
Tình yêu sông nước duyên quê
Nói sao cho vừa miếng trầu gửi bạn tình chung thủy chung"
Kinh Cán Gáo ở Cà Mau là con kinh thẳng như cái cán gáo múc nước.Kinh Cán Gáo nối sông Cái Lớn với rạch Cái Tàu
1/Kinh Vĩnh Tế huyền thoại
“Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi”
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc là ám chỉ tới chuyện đào kinh Vĩnh Tế
Châu Đốc không có cái đèn đường nào cao nhứt Nam Kỳ lục tỉnh cả ,kể cả trồng cột điện trên núi Sam cũng không thể
Công trình đào kinh Vĩnh Tế khởi công ngày 30/01/1820 và hoàn tất vào tháng 5 năm Giáp Thân 1824 kéo dài trong khoảng 4 năm rưỡi và chỉ đào được vào mùa khô,đào bằng bằng tay
Kinh Vĩnh Tế dài 90 km,rộng 30 m, sâu 2.5 m chạy dọc theo biên giới Nam Kỳ –Cam Bốt nối sông Hậu từ Châu Đốc đến Phương Thành (Hà Tiên) đổ ra biển Hà Tiên
Tổng cộng trong 3 đợt đào kinh Vĩnh Tế đã huy động hơn 80.200 binh dân người Việt và người Khmer ,người Chàm miệt mài đào dưới sự quản trị của Gia Định thành Tổng trấn Lê Văn Duyệt ,đốc công là ông Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại,quản lý binh Khmer là Thống quản đồn Uy Viễn Nguyễn Văn Tồn (Tên thực là Thạch Duông người Khmer Trà Ôn),còn có Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Trần Công Lại
Đào xong vua đặt tên là kinh Vĩnh Tế.Người Khmer kêu là Prêk Yuan (Canal de Prêk Yuan).Prêk là con rạch,Yuan là ám chỉ người Việt
Sau khi kinh Vĩnh Tế xong xuôi, triều đình tự hào đã cho khắc Vĩnh Tế lên cửu đỉnh ở Huế,Vĩnh Tế hà 永濟河 nằm trên Cao đỉnh,chiếc đỉnh tượng trưng cho vua Gia Long
Năm 1823, Thoại Ngọc Hầu lập 5 làng mới bên bờ kinh Vĩnh Tế gồm: Vĩnh Tế, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông
Xưa ông cha ta rất hay,để đào con kinh được thẳng thì họ đốt đuốc trên đầu những cây sào tre dài và cao ,dựng sào lên vào ban đêm và dân binh cứ theo ánh đèn mà đào tới thẳng băng
Cực khổ vô vàn vì đất vùng này biên địa,nước linh láng rắn rít ,muỗi mòng,lam sơn chướng khí ,có đoạn đụng đá của Thất Sơn đào rất khó .Dân phu chỉ có ăn mắm sống và cơm vắt mà làm miệt mài
Những ánh sáng trên cây sào đã thành điển tích “Đèn Châu Đốc”
2/ Rạch Bến Nghé và kinh Tàu Hủ
Thành Gia Định có có sông Sài Gòn chảy qua .Sông Sài Gòn có khi còn được kêu là sông Bến Nghé
“Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò”
Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì tên Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Kompong Kon Krabei.Kompong là bến,còn Kon Krabei là con trâu
Bến Nghé là cái bến mà người ta thường cho trâu, bò ra tắm
Tên Bến Nghé sau này ám chỉ một con rạch ,con rạch bắt đầu từ vàm Cột Cờ Thủ Ngữ -Khánh Hội chảy qua chợ Cầu Ông Lãnh,Chợ Cầu Muối ra tới sông Bình Điền
Rạch Bến Nghé chảy từ sông Sài Gòn (cầu Khánh Hội) đến cầu Chữ Y,đoạn còn lại là kinh Tàu Hủ
Năm 1772, chúa Nguyễn lịnh Nguyễn Cửu Đàm đào kinh Ruột Ngựa để lưu thông giữa Sài Gòn về miệt Lục Tỉnh Miền Tây
Sau đó con kinh bị cạn nên năm 1819 vua Gia Long lịnh cho phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý đào rộng ra,vét lại năm 1819 và đặt tên là An Thông Hà cũng gọi là Kinh Mới
Kinh này dài ,Pháp gọi là Arroyo Chinois tức kinh Ba Tàu,dân Việt kêu là kinh Cắc Chú
Kêu là kinh Arroyo Chinois vì nó chảy qua những cái chợ,những xóm buôn bán của người Tàu
Kinh Cắc Chú chảy qua hai làng Bình Đông và Bình Tây ,rồi do ghe thuyền tụ về rất đông vì haiu bên là vựa lúa gạo,nhà máy xay xát ,hãng rượu ...đã hình thành nên Bến Bình Đông và Bến Bình Tây
3/ Kinh Bảo Định
Kinh Bảo Định được đào trước kinh Vĩnh Tế
Kinh Bảo Định được đào đầu tiên ở Nam Kỳ nối Vũng Cù ở Tân An chảy từ sông Vàm Cỏ Tây đến rạch Mỹ Tho ra sông Tiền
Danh tướng Nguyễn Cửu Vân hồi năm 1705 thời chúa Nguyễn Phước Chu đã cho đào một con kinh Bảo Định nối liền Vàm Cỏ Tây và Tiền Giang
4/ Kinh Nước Mặn
Kinh Nước Mặn ở Cần Đước là con kinh dài chỉ 1,9 km ,nối sông Vàm Cỏ (sông Bao Ngược) với sông Cần Giuộc (sông Rạch Cát)
Kinh Nước Mặn rút ngắn đáng kể thì giờ trên con thủy lộ độc đạo từ Sài Gòn về miệt dưới Nam Kỳ
Kinh Nước Mặn dài 1,9 km, cắt cái eo nhỏ của làng Long Hựu ,tổng Lộc Thành Hạ ,tỉnh Chợ Lớn ,ngày nay là Cần Đước Long An.Con kinh vô tình biến làng Long Hựu từ bán đảo thành ra một đảo nhỏ giữa sông
Bến đò Kinh Nước Mặn ra đời từ đó và kéo dài tới những năm 2010 khi có cầu thay thế
Để kiểm soát quân sự thủy lộ,trấn giữ phòng thủ thành Sài Gòn, năm 1903 Pháp xây một pháo đài lớn nhứt Việt Nam tên là Rạch Cát ở đầu làng Long Hựu,mặt nhìn ra 3 nhánh sông
Kinh Nước Mặn do ông Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương) trực tiếp chỉ huy đào
Trong "Lịch sử khẩn hoang Miền Nam " Sơn Nam viết:
" Tổng đốc Đỗ Hữu Phương.Năm 1878, điều khiển việc sửa con kinh Nước Mặn, bắt dân ở tổng Lộc Thành Hạ làm xâu, dân vùng này nổi tiếng là cứng đầu. "
Người Nam Kỳ gọi là kinh Nước Mặn,bằng chứng là kế bên có ngôi chợ rất lớn tên là Chợ Kinh Nước Mặn ,nhưng sau 1975 ghi trên bản đồ ,trên truyền thông là Kênh Nước Mặn
5/ Kinh xáng Xà No
Kinh xáng Xà No là con kinh đào dài gần 34 km nối từ Cần Thơ đến Hậu Giang trổ qua tới tỉnh Rạch Giá
"Hò ơ!
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Anh có thương em thì mua một con đò
Để em qua lại
Hò ơ!
Để em qua lại thăm dò ý anh"
Kinh được Pháp cho xáng múc từ 1901 - 1903,mặt rộng 60 m, đáy rộng 40 m, kinh phí 3,6 triệu francs
Xà No là từ tiếng Khmer là Sok Snor có nghĩa là xóm cây điên điển.Xáng thời này đốt bằng củi,tạo ra hơi nước
Kinh xáng Xà No là đường thủy lớn nhứt Nam Kỳ, quan trọng ngang với đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho
Từ kinh Xà No ,Pháp đào những con kinh nhỏ chạy ngang dẫn nước vô điền,cứ vài trăm mét lại đào một con kinh,địa danh Một Ngàn,Ngàn Rưỡi,Bảy Ngàn,Tám Ngàn tới Mười Bốn Ngàn Rưởi … có từ đó
Trong văn minh lục tỉnh thì chữ " Xáng" đã trở nên quen thuộc,có một vị trí thân thuộc
Xáng do chữ Pháp chaland (xà lan) mà ra .Do người Pháp đặt cái máy đào có cái hàm cạp đất trên một cái xà lan trên sông nên dân Nam gọi là xáng
Người Nam Kỳ miệt Sài Gòn,Long An,Gò Công gọi là xáng cạp ,Hậu Giang gọi xáng múc,và sau này có thêm xáng thổi
"Ăn như xáng múc làm như lục bình trôi"
Tân Hiệp Kiên Giang có những con kinh mang số .Nhưng tại sao có chợ Kinh 8 mà lại có chợ Kênh 5?Có Bến Đò Kinh 3A lại có Bến Đò Kênh 4?
Vì bị lây con kênh ở vùng khác đem vô
6/ Kinh Chợ Gạo
Kinh Chợ Gạo là con đường mà ghe tàu chạy ngày đêm,con đường tấp nập từ Miền Tây về Sài Gòn
Kinh Chợ Gạo đào bằng tay năm 18756 nối vàm Kỳ Hôn ở Mỹ Tho với Sông Tra trổ ra sông Vàm Cỏ ở mé Gò Công ,Cần Đước đễ ghe tàu đi tắt từ Mỹ Tho qua sông Vàm Cỏ, sau đó theo kinh Nước Mặn để ra sông Soài Rạp đi Sài Gòn
Chợ Gạo có 2 con kinh nổi tiếng là kinh xáng Chợ Gạo và kinh Bảo Định quanh năm nước ngọt mát lòng,thành ra vườn ruộng Chợ Gạo xanh mướt quanh năm ,chạy ngang nhìn đã con mắt
7/Kinh đào Thanh Đa (kinh Bình Quới)
Kinh đào Thanh Đa xẻ ngang vùng Bình Qưới, rút ngắn thời gian lưu thông thương thuyền từ thượng lưu đến hạ lưu sông Sài Gòn căt ngắn 12 km đường sông
Kinh Thanh Đa đào trong hai năm 1897 và 1898 dài 1km, rộng 40m và sâu 6m ,khi đào xong vô tình biến Bình Qưới Thanh Đa thành cái đảo giữa sông Sài Gòn
Thanh Đa là tên sai âm
Thạnh Đa mà ngày nay kêu là Thanh Đa.Đây là những địa danh tại Sài Gòn Gia Định bị kêu sai tên
Thời nhà Nguyễn các thôn Thạnh Đa, Phú Mỹ và Bình Quới Tây thuộc tổng Bình Trị Thượng huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định
Thời VNCH ,đất Thạnh Mỹ Tây xã là do sáp nhập từ 3 làng Thạnh Đa, Bình Lợi Trung và Bình Quới Tây mà ra
Bán đảo Thạnh Đa hay Bình Qưới là cái ẹo de ra giữa sông Sài Gòn .Những con sông già hay có những cái cù lao,bán đảo nổi giữa sông,sông uốn éo ra biển
Bán đảo Thạnh Đa làm cho tàu bè qua lại trên sông Sài Gòn phải vòng vèo mất thời gian.Trong hai năm 1897 và 1898 Pháp đào kinh Thạnh Đa dài 1 km rộng 40m và sâu 6m rút ngắn cho tàu bè qua lại
Kinh đào Thạnh Đa (kinh Bình Quới) có tên chánh thức là Canal de Thanh Đa theo tiếng Pháp,người Pháp viết không có dấu nặng nên dân từ đó đọc biến âm ra Thanh Đa
Pháp bắt một cái cầu sắt qua bên kia Thạnh Đa tục kêu là Cầu Kinh ,dân gian kêu là cầu ‘Đờn Bà’
Ngày xưa đây là vùng nước lên xuống,đất không chưn toàn sình lầy của sông Sài Gòn
Năm 1960 VNCH xây cư xá Thanh Đa theo kiểu những block chúng cư cao tầng ngay trên nền đất sình lầy ,đây là những chúng cư đầu tiên tại Sài Gòn
Khu cứ xá Thanh Đa của sĩ quan VNCH có trường học,có bịnh viện ,chợ búa,nhà thờ,công viên …
Miệt Thạnh Đa là miệt ngoại ô của Sài Gòn xưa. Ở đây nổi tiếng dịch vụ câu cá,sau này có café ,nhà hàng ,quán nhậu bờ sông,quán cháo vịt và …coi bói
Cầu Kinh Thanh Đa là cầu tử thần nước chảy xiết,nó cùng cầu Bình Lợi là nơi người chán đời hay chọn để về thăm ông bà ông vãi
Trên truyền thông ngày nay cầu Kinh bị biến thành Cầu Kênh Thanh Đa
8.Trở về kinh Tham Lương
Đáng lẽ phải là Rạch Tham Lương vì hệ thống chảy từ sông Sài Gòn xuống sông bến Lức có tên là :Sông Vàm Thuật ,Bến Cát ,Trường Đay,Tham Lương ,Rạch Nước Lên
Tham Lương là địa danh lịch sử của Sài Gòn xưa
Đại Nam nhứt thống chí viết:
"Tham Lương kiều ở huyện Bình Dương. Cầu dài 9 trượng.Trùng tu năm Minh Mạng thứ 17. Nơi đây từng là nơi giao tranh giữa quân của Tiết chế Tôn Thất Dụ với quân Tây Sơn vào năm Nhâm Dần...".
Năm 1778 sau khi bị Tây Sơn thảm sát,cướp bóc,phá hủy cù lao Phố -Biên Hòa ,người Hoa lục đục bỏ xứ cù lao kéo về khúc Gia Định lập ra Chợ Lớn ,lúc đó gọi là Tây Cống
Năm 1782 Tây Sơn hành quân tàn sát Chợ Lớn giết hơn 10.000 người quăng xác xuống sông,từ rạch Tham Lương tới sông Bến Nghé xác người dập dềnh khiến nước sông không chảy được,dân chúng không dám ăn cá tôm
Tham Lương có địa danh Chợ Cầu
Chợ Cầu nằm trên đường Nguyễn Văn Qúa của làng Đông Hưng Thuận
Xưa làng Đông Hưng Thuận là tên mới của cả thảy 4 làng nhập lại là Tân Đông Trung, Tân Hội, Trung Hưng và Thuận Kiều thuộc Tổng Bình Thạnh Hạ Quận Hóc Môn tỉnh Gia Định, đất này thuộc 18 thôn vườn trầu
Chẳng biết Chợ Cầu có từ bao giờ,nó nằm một mặt de ra mé rạch Tham Lương,bán đủ món,nhưng chắc chắn phải có 2 món nổi tiếng của vùng này,đó là trầu cau, và thuốc rê Gò Vắp
Đất của những bà già trầu,Chợ Cầu nằm rất gần Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nơi đào luyện hàng trăm ngàn lính cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Khu này xưa là đất quê,thuộc ngoại vi ngoại ô thành Gia Định, muốn đi vô thành chỉ có thể bằng bằng xe thổ mộ,ngựa Hóc Môn lọc cọc nổi tiếng trong tâm thức dân Nam Kỳ
"Qua Bảy Hiền nhớ trầu Bà Điểm
Gà canh ba rộ gáy Tham Lương
Vó câu xưa nhịp bước trên đường
Người xà ích mơ màng roi khẽ"
Tham Lương là một địa danh bắt đầu từ con rạch hay con kinh chảy qua vùng này
Chưa ai giải thích rõ nghĩa địa danh này ,nhưng chắc chắn Tham xuất phát từ chức “Tham tướng” của một ông tướng nào đó của Chúa Nguyễn đã từng trấn nhậm vùng này
“Lương”có thể là họ của ông tướng đó hoặc lương có nghĩa là lương dân như Trung Lương
Tại Chợ Cầu cũng có một cái cầu cùng tên bắt qua kinh Tham Lương ,thì cũng giống như bên cầu Tham Lương mé Bà Quẹo lên hồi xưa cũng là cây cầu ván
Tại đây,năm 1781 hay tin tướng Đông Sơn Đỗ Thành Nhơn bị giết chết ,Tây Sơn đem đại binh vô Gia Định,chúa Nguyễn Ánh thua bỏ chạy
Ai dè quan hộ giá Phạm Ngạn của Tây Sơn chạy tới khúc này bị quân Hòa Nghĩa (đội quân người Hoa ) do Võ Nhàn ,Đỗ Bảng cầm đầu chỉ huy phục kích giết chết ở cầu Tham Lương
Nguyễn Nhạc tức giận mở cuộc tấn công vào Vườn Trầu ,Chợ Lớn ra lệnh tàn sát hàng chục ngàn người Hoa quăng xác xuống sông làm nước không chảy được
Nên nhớ tướng Võ Nhàn là anh trai của tướng Võ Tánh và là phó tướng của Đỗ Thành Nhơn ,sau khi tướng Đỗ Thành Nhơn bị chúa Nguyễn Ánh giết chết thì tướng Võ Nhàn ôm một cánh quân rút về Ba Giồng ly khai Nguyễn Ánh ,dù ly khai chúa Nguyễn Ánh nhưng vẫn đập Tây Sơn.
FB Nguyễn Gia Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét