Đọng Hờ Rồi Tan
Mượn tên của một người có thật, bối cảnh, tình tiết viết bằng tưởng tượng
1
Hạ cuối mùa, ngấp nghé đầu thu, trời Sài Gòn làm dáng se lạnh, buổi sáng chưa có nắng, vẫn còn nấn ná chút sương đêm muộn nhạt nhòa, người Sài Gòn áo len xanh hồng vàng tím đua nhau khoe màu trên đường phố, Sài Gòn vẫn vậy vẫn nhộn nhịp, bận rộn mỗi ngày, sáng trưa chiều, chiến trận hình như chưa về ngang còn xa xa đâu đó, cũng có áo trận giày sô đầu phố cuối ngõ xuôi ngược thêm chút điểm trang cho đời ngựa xe xiêm áo. Về ghé ngang Sài Gòn trưa hôm qua, từ chỗ làm dưới Cái Nhum Vĩnh Long lên, trên đường về thăm nhà, gặp lại vài thằng bạn quen, dân đất này, trọn đêm cũng đủ, xuống xe buýt từ bên kia góc bồn binh Lê Văn Duyệt, băng qua bên này bến xe đò, quàng túi xách lên vai, Lộc lẹ chân sợ trễ chuyến sớm đầu ngày.
Người đứng người ngồi, tay xách tay mang chật cả mấy cái quán nước, dọc theo phòng bán vé, chú tài xế thản nhiên ngồi rung đùi, nhấp cà phế rít thuốc lá, mấy anh lơ gọi nhau ơi ới, cũng còn lâu xe mới chạy, Lộc tới cái quán xa cuối dãy, kêu ly cà phê, ngồi nhìn đám xe xích lô, chất đầy bao thùng, ồn ào nối đuôi về hướng chợ Bến Thành. Chiếc xích lô nào đó ngừng không mấy xa chỗ Lộc, ra khỏi xe, không có vẻ gì vội, người con gái quần tây áo cánh hồng, tóc dài xỏa ngang lưng, thong thả chậm bước đi lên lề, không nhìn lên, qua ngang tới chỗ Lộc ngồi, bỗng dưng quay lại, cùng lúc Lộc cũng ngẩn người, chưng hửng, không ngờ lại là Hoàng Trang, chắc cũng chừng hơn năm năm, sau ngày đươc tin đính hôn với Thuận cuối mùa Hạ năm đó, mới gặp lại. Chào nhau, Hoàng Trang kéo ghế ngồi lại, cả hai cũng nhìn ra đường, đường đông người và vui hơn, không ai nói thêm nói bớt tiếng nào, kỷ niệm chuyện cũ của ngày nào chợt nhớ lại hình như gần hết nhưng Lộc không biết phải nói cái gì bây giờ và có lẽ Hoàng Trang cũng có cùng cảm nhận như anh nên lặng thinh cười vẫn vơ.
2
Là đôi bạn khá thân từ nhỏ, từ những ngày cùng học chung, ngồi chung lớp ở trường tiểu học xã, Lộc cũng như Thuận lúc nào cũng có đôi có cặp, học hành khá giỏi, bà con quanh chợ không còn ai lạ gì với họ. Nhà Thuận khá, Thuận còn cô em gái tên Thùy, cùng mẹ ở nhà ông bà nội, tại chợ xã, ba Thuận là sĩ quan khá cao, làm việc dưới trung tâm Huấn luyện Quang Trung, thường hay đi về, nhà ở giữa dãy phố tường gạch bên này đầu đường vào chợ, mẹ Thuận hay ông bà nội đều vui vẻ, hiền từ, tử tế. Ngược lại, nhà Lộc nghèo, ba làm công nhân giữ kho hàng của một vựa phân bón dưới quận, mẹ thì ở nhà trồng rau trồng cải, nhà nằm sau lưng dãy phố một con đường đất làng rộng chạy quanh xuống tận mấy ấp dưới xa, nối từ trên đường tỉnh lộ, căn nhà lợp tôn vách ván.
Trường thì không xa phố chợ bao nhiêu, một khoảng đường cát trắng đất mịn chừng trăm mấy thước, hai người đi về có đôi, ngày nghỉ, hè về thì cứ mặc tình bên nhau, lội mương bắt cá lia thia, ra đồng đá banh, bắt dế trống than trống lửa, cho đá nhau tối chết rồi ngồi nhìn mà thương mà khóc, bắn bi chọi đáo, lặng hụp bắt ve, cắc ca cắt củm đem về bỏ trong hộp giấy, ngồi bên hiên nhà chờ ve kêu nhưng con ve không thèm nhúc nhích, lặng thinh cho bỏ ghét. Với bữa cơm cá rô kho tiêu hay tô thịt kho hột vịt cũng như nhau, ly nước mía góc chợ chia hai là chuyện bình thường. Tình bạn đó, đầy ắp kỷ niệm, vui nhiều buồn ít đó, họ mang theo, ấp ủ, nâng niu nhớ hoài cho tới những năm lên trung học trường quận.
*
Đầu năm đệ Tam, hình như ba của Thuận lên chức, được cấp cho một căn nhà trong khu sĩ quan khác, lớn hơn căn cũ bên dãy cư xá trước đây, Lộc chia tay bạn, Thuận theo mẹ và em gái, rời chợ xã, dọn về Hốc Môn Quang Trung, hai người chia tay, biệt ly nào cũng có buồn có thương như trời đất định. Phố chợ xã không còn thấy Lộc thường nữa, đi về một mình, ngó cảnh cũ lối xưa mà tiếc nuối một thời buồn vui của tuổi thơ và tuổi của tập tành làm người lớn ở ngưỡng cửa trung học, của tuổi biết mộng mơ, ngồi bên nhau mà người thương ngàn thu áo trắng sân trường, người thương hoa Phượng đỏ nơi góc phố. Tuy vậy, ngày tháng qua, tình bạn vẫn còn đâu đó, mất mát chút đi nhưng kỷ niệm xưa khó lòng quên lảng, thỉnh thoảng Thuận cũng về lại chợ xã, ngày tết ngày giỗ, gặp nhau thì khỏi nói, đủ thứ chuyện mà kể mà nói, rồi Lộc cũng nhiều lần theo xe đò xuống Hốc Môn, ở chơi vài hôm với anh em Thuận.
Lộc quen Hoàng Trang, khi theo Thuận qua nhà cô nàng làm quen, ba của Hoàng Trang cũng làm việc ở trung tâm huấn luyện, nhà nằm ở dãy bên kia ngó qua nhà Thuận, hai dãy cách nhau một khoảng sân cỏ khá rộng, có hoa có lá, chuyện chạy qua chạy lại là chuyện bình thường, Hoàng Trang học dưới Thuận một lớp, trên Thùy em gái anh ta, một lớp, cùng trường trung học Lý Thường Kiệt. Hai cô chơi khá thân, chị chị em em nói cười luôn miệng, đánh đôi đánh đọ hết nhà bên này tới nhà bên kia, ba mẹ Hoàng Trang cũng như ba mẹ Thuận, hiền hậu, vui tánh, như ngày còn ở chợ xã dưới quê. Hoàng Trang cũng như Thùy ăn nói có duyên, nhỏ nhẹ dịu dàng, dễ gần dễ gủi.
Quen nhau, vài lần xuống chơi, chuyện qua chuyện lại, dần dần thân hơn, rồi cái gì tới cũng tới, Lộc cảm thấy lòng mình biết thương, biết nhớ Hoàng Trang, nhưng chưa dám nói ra, vì thật tình mà nói, không biết ý Thuận ra sao, dù Thuận chưa hề tỏ ra có gì đó với cô nàng, hay là cố tình giữ riêng, không tâm sự ỉ ôi với Lộc như ngày xưa, Lộc cũng giữ cái biết thương đó cho riêng mình, ở dưới này một hai ngày về lại nhà, đi ra đi vô, trang sách trang vở, thấy cứ da diết nhớ nhưng nhớ vậy thôi. Hoàng Trang thì vẫn như từ ngày mới quen Lộc hay đã quen Thuận từ lâu, vẫn không có “bên trọng bên khinh”, vẫn “chia đồng chia đều buồn vui”, từ cử chi cho tới lời nói không tỏ ra thương ai nhiều thương ai ít.
*
Đậu Tú Tài Một, Lộc, Thuận lên đệ Nhất thì Hoàng Trang lên đệ Nhị, cũng năm thi, nhất là mùa thi cuối trung học, mùa thi “định mạng” của đám con trai, có qua được ải này thì có hy vọng “đường tương lai “sẽ rộng mở hơn, như đám bạn thường nói, bài vở chất chồng, học ngày học đêm bận rộn nên Lộc không còn thường xuống dưới nhà Thuận, chỉ năm ba lần, cũng không ở lại lâu, nán qua đêm thì thôi, không như trước, lần này hai ba bữa lần kia hai ba ngày. Về trên nhà mà cứ nhớ, Lộc cố nén lòng, hy vọng sẽ không lâm vào hoàn canh khó xử, khó xử như thế nào, cũng chỉ có một mình anh hiểu, vậy đó, thương da diết thương khôn cùng nhưng chưa dám nói ra và cũng chưa biết khi nào, Hoàng Trang vẫn hồn nhiên, thân mật như những ngày tháng qua, nhưng linh tính cho Lộc biết, hình như cô nàng cũng đã nhận biết, qua cử chỉ và lời nói hay cái nhìn bất chợt nói thầm của Lộc, từ ngày đầu quen nhau hay những lần gặp lại sau này, nhiều đêm ngồi bên bàn học, nhìn sách vở ngổn ngang, nhìn ra khoảng trời xa xăm Lộc thẩn thờ tìm câu trả lời cho lòng mình chứ không phải câu trả lời cho bài toán khó giải.
Vừa vào hè, bải trường, sau lần gặp lại Thuận và Hoàng Trang, vài hôm trước ngày mùa thi của cả bọn, ai nấy vẫn vui vẻ như xưa, chúc nhau đỗ đạt, mọi sự may mắn. Về lại nhà, Lộc biết là sau mùa thi, đậu hay rớt thì sẽ không còn dịp gặp lại Hoàng Trang nhiều nữa, không nói là có thể không, vì chẳng có lý do gì chính đáng nếu không có Thuận, Lộc quyết định viết thư cho Hoàng Trang, cái thư sẽ gởi qua đường bưu điện, anh trải lòng mình theo từng chữ trong lá thư, nói trọn nổi niềm riêng chưa dám ngỏ từ ngày mới gặp, dài suốt hơn hai trang giấy trắng mỏng, Lộc xếp gọn gàng, cẩn thận trong trang cuối cuốn sách toán dầy cọm trên bàn học.
Ngồi bên nhau ở một góc hiên của cái quán nước trong khu cư xá sĩ quan thường ngồi nhìn ra, buổi trưa, trời quá giữa mùa hạ, nắng nhọc nhằn từng vạt hanh vàng héo hắt, lắc lư trên đường gió nhẹ, hai người cứ nhìn mà không ai nói lời nào, mùa thi qua rồi, người đậu người rớt, đường trước mặt buộc phải chia hai, Lộc lại khăn gói xuống Sài Gòn tiếp tục những ngày tháng tới với giảng đường bàn ghế, tiếp tục nợ nần với sách vở bút mực, Thuận sẽ làm gì, học lại hay có ngã rẽ nào khác, trước tình huống này, không gặp lại Hoàng Trang, có muốn nhưng Lộc cũng đành không nhắc tới tên. Chia tay, hai người rời quán nước, hai ly cà phê vẫn còn hơn phân nửa, nguội lạnh từ lâu, Thuận đưa Lộc ra tới cổng, đón xe về trên tỉnh, không chờ xe tới, quay trở lại nhà, vừa đi vừa vẫy tay chào, cái vẫy tay buồn buồn. Lộc đứng đó nhìn theo, buồn.
*
Vào đại học, nửa năm rội, chỗ ăn chỗ ở, đường đi nước bước giữa phố xá rộn ràng xiêm áo ngựa xe, hoa đèn, đủ thứ phải lo, rồi cũng tạm ổn, sẳn hôm về trên nhà nghỉ Tết, trên đường trở xuống Sài Gòn, cũng lâu rồi, nên Lộc ghé ngang Hốc Môn thăm Thuận và cũng hy vọng gặp lại Hoàng Trang. Dạo này chiến cuộc xem ra nặng nề, căng thẳng hơn, chuyện đi ra đi vào nhà Thuận cũng không dễ như xưa, an ninh kiểm soát chặt chẽ, gạn hỏi kỹ càng. Gặp lại mẹ Thuận và Thùy, hai mẹ con thiếm mừng rỡ hỏi đủ thứ chuyện , con bé Thùy ngày nào, vắng không lâu mà giờ trông đẹp ra phết, thiếu nữ rồi mà, Hoàng Trang đã xuống Sài Gòn, cô nàng vào Quốc gia Sư phạm sau khi đậu Tú Tài Một, không có nhà, cái buồn hơn là Thuận đã vào lính, và thiếm báo tin vui của gia đình, Thùy đứng sau lưng bà cười, Hoàng Trang và Thuận đã đính hôn, Lộc chết trân, choáng váng nhưng gượng cố cười theo, cười mà nghe mắt mình cay xé, bỏ ngang ý định hỏi Thùy địa chỉ của Hoàng Trang ở Sài Gòn. Trên đường xuống Sài Gòn, chuyến xe chiều, nắng lấp lửng tàn phía sau lưng, Lộc như người mất hồn, quặt thắt tim đau, xe tới bên lâu rồi, anh lơ thúc giục, hành khách hối hả xuống, đường về nhà trọ, chân đếm từng bước nặng, Lộc thì thầm như người say “cái thư, cái thư”. Chiều hôm sau, đứng trên bao lơn gác trọ nhìn phía trời tim tím nắng lịm xa xa, lắc đầu, thở dài, quay vào trong, Lộc đọc lại cái thư tình của tháng ngày ấp ủ, mang theo người lần cuối cùng, rồi xé nát từng mảnh vở, vĩnh biệt mối tình thầm đầu đời.
*
Ngồi nhìn mông lung, chờ người bạn năm cuối Cao học Luật, hỏi mượn một số sách cho kỳ thi ở trường cũ, được phép về nộp đơn từ chỗ làm lên, ngoài lề cái quán kem vòng quanh công trường hồ Con Rùa, trời đứng bóng, nắng hâm hấp nóng lửng lơ trên hàng cây, đường Duy Tân mặc tình dài bóng mát, sinh viên cô cậu rộn rịp ra vào cổng trường, tốp năm tốp ba cười nói. Hai cô áo dài xanh lá mạ, vàng hoa Cúc đi ngang qua vào hướng phía mấy cái bàn trống bên trong, Lộc giựt thót người, quay nhìn theo gọi nhỏ “phải Thùy không”, đúng là Thùy, em gái Thuận, giờ đã là cô sinh viên, dừng lại, vừa gật đầu vừa ngạc nhiên “anh Lộc, em nè”. Lộc làm dấu ra ngồi chung bàn, cô bạn của Thùy e ấp, hai người nói nhỏ gì đó rồi chào Lộc bỏ đi trở lại bên trường, vẫy tay với mấy cô nào đó đang đi tới đi lui, ngó ngó nhìn nhìn trước cổng. Giọng Thùy buồn và mất đi nụ cười lúc cùng cô bạn bước vào khi nãy, chạnh lòng Lộc nín lặng nghe.
Hoàng Trang tốt nghiệp Sư phạm, may mắn về gần nhà, dạy ở trường tiểu học Hốc Môn, mọi việc ổn định như ý của cả hai bên gia đình, Thuận rời quân trường, theo binh chủng TQLC nhưng lại được chọn về làm huấn luyện viên cho sư đoàn, rồi lên lon năm sau, đổi về làm sĩ quan cán bộ ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, khỏi lo chuyện ăn ở và gần bên Hoàng Trang, chờ ngày lành tháng tốt làm đám cưới, hai bên dự tính là lần bải trường nghỉ hè năm tới.
*
Một chiều lưng lửng vào đầu đêm, mưa xối xả như thác đổ kéo theo từng chập gió lớn, chưa đến nổi là giông bão, trên đường dẫn một đại đội tân binh thực tập di hành trên xa lộ Đại Hàn, trời không tối đen nhưng âm u, đoàn tân binh trùm bông – sô lặng lẽ đi ven đường, cũng như họ, Thuận chạy xe Honda chầm chậm song song, chập chập ngừng lại chờ đám sau lên, dặn dò gì đó, lúc qua khỏi một khu nhà dân xóm trong, Thuận cho đoàn tân bình dừng lại nghỉ, xuống xe, loay hoay gì đó, trong màn đêm mù mờ, nhập nhằng, từ hướng quốc lộ Một vô, hai trong mấy cái đi đầu của đoàn xe GMC, che kín bít bùng, chạy quá nhanh, bị lạc tay lái sao đó, đụng vào đít nhau, tông vào Thuận trước khi cả hai lật quay mấy vòng xuống cái hố cỏ đọng nước xa lề đường, đoàn quân la hét gọi nhau, đở Thuận lên, người đầy máu, xe cứu thương của trung tâm ra tới, đưa Thuận vào Tổng Y viện Cộng Hòa, không may Thuận mất sau hai ngày hôn mê bất tỉnh.
Cũng có nước mắt người ở lại, trong đó có Hoàng Trang, có vòng hoa tang trắng, có nến thắp hai hàng, Thuận được đưa vào chôn ở nghĩa trang quân đội Gò Vấp, cuối cùng chuyện đính hôn không còn và cái đám cưới ngày bải trường mùa hè năm tới không có nữa.
3
Qua lại, ngỡ ngàng, vài câu vô nghĩa, không bắt đầu không kết thúc, vậy rồi thôi, xe vẫn còn chờ khách lâu, trời mới vừa hé chút nắng, cuối cùng Lộc đứng dậy, kiếm cớ quên mua vài thứ cho ba mẹ dặn, chào và hẹn chút nữa gặp nhau trên xe, một lần nữa quàng túi xách lên vai, bước vội băng qua đường, làm bộ đi mau cho kịp gì đó về hướng công trường Quách Thị Trang, không quay lại. Hoàng Trang ngồi nhìn theo buồn buồn chờ, xe nổ máy, lơ gọi khách thúc hối lên, vẫn không thấy Lộc trở lại, đành thôi, xe rời bến, chầm chậm qua bồn binh, chợ Bến Thành dần dần mất dạng sau mấy cái cao ốc bên đường, một lần nữa, dỏi mắt tìm, trống không, Hoàng Trang bổng dưng muốn khóc.
Bằng lòng với quyết định, tuy xót xa, như cái xót xa của lần xé lá thư không bao giờ gởi ngày nào, Lộc chậm bước trở lại bến, chuyến xe đầu ngày không còn đó, ngồi ở cái quán nước buổi sáng, nhìn phía trời xa miệt tỉnh nhà, chờ chuyến xe chiều muộn, buồn cay xé có nước mắt mặn nhưng chợt thấy vui mà không biết tại sao.
Thuyên Huy
Tặng những người bạn đã có một thời như vậy.
Mời Xem :
Như Cánh Vạc Bay Chiều Ấy - Thơ Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét