TS. Phạm Quốc Nghị :
Với đặc tính bền với nhiệt độ và tác động cơ học và các môi trường hóa
học như axit, bazơ, nên các chất PFAS được sử dụng rộng rãi và phổ biến
trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công nghiệp. Các hợp chất này
hoàn toan do tổng hợp và được đưa vào sử dụng từ khoảng những năm 1940,
thời gian có thể nói là quá ngắn so với các chất có nguồn gốc tự nhiên
mà chúng ta biết, nhưng mức độ sử dụng thì rất rộng rãi.
Chúng
ta có thể kể đến một vài ví dụ cụ thể, thứ nhất là chảo chống dính. Các
chảo chống dính thường dùng đến hợp chất gọi là Teflon. Đây là hợp chất
polymer rất bền và chịu được nhiệt. Ngoài ra, hợp chất Teflon còn được
sử dụng làm băng dính cách điện và chịu nhiệt. Lĩnh vực thứ hai là ngành
công nghiệp bao bì, đóng gói thực phẩm công nghiệp, ví dụ đóng gói thức
ăn nhanh, khiến bao bì vẫn bền khi dính nước hoặc các loại mỡ, thuận
tiện cho việc vận chuyển và mang theo đồ ăn. Ngoài ra, có thể kể đến bọt
chữa cháy, cứu hỏa. Đây chỉ là một vài ví dụ, còn có rất, rất nhiều ví
dụ khác.
RFI :
Thời gian gần đây, báo chí Pháp và châu Âu nói nhiều đến tác hại của
PFAS. Anh có thể giải thích thêm về tác hại của hợp chất này đối với môi
trường, sức khỏe con người ?
TS. Phạm Quốc Nghị :
Trước tiên, về môi trường, vì các chất PFAS rất bền và khó bị phân hủy.
Vì vậy, một khi bị đưa vào tự nhiên rồi thì các chất này sẽ thấm vào
đất và các mạch nước nguồn, lan theo gió … Chính vì thế, các chất này có
mặt ở gần như khắp mọi nơi trên Trái đất, thậm chí có những nghiên cứu
gần đây chỉ ra rằng có chất PFAS ở tận Bắc cực.
Chúng
ta có thể tượng tượng đơn giản là khi rửa chảo chống dính đã qua sử
dụng, sẽ có những các hạt nhỏ Teflon như tôi đã nói ở trên thoát ra và
bị cuốn vào nguồn nước thải. Các quy trình xử lý nước hiện nay, bao gồm
cả ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, cũng chưa xử lý được các hạt
nhỏ PFAS này và nó sẽ phân tán vào môi trường. Hoặc như khi lính cứu hỏa
phun các loại bọt chống cháy, sẽ có những chất họ PFAS bị phân tán vào
không khí, nước …
Theo
1 nghiên cứu năm 2018 của nhóm nghiên cứu ở Mỹ, các chất họ PFAS có ở
trong máu của trên 98% người Mỹ. Theo 1 nghiên cứu khác của các trung
tâm kiểm tra và phòng chống bệnh của Mỹ, trong các kết quả xét nghiệm
máu của 10.000 người được thực hiện vào khoảng thời gian từ năm 2003 đến
năm 2014 (trên 11 năm) thì có 5 chất PFAS được tìm thấy trong máu của
trên 70% người được thử máu. Đây chỉ là 5 chất mà người ta nghiên cứu.
Có thể còn có nhiều chất PFAS khác mà người ta chưa tìm thấy.
Một
điều rất đáng lưu ý là chất PFAS khi vào cơ thể con người thì rất khó
bị loại thải, bởi vì không như một số chất khác được thải loại qua gan
hoặc một số quy trình khác, các chất PFAS có thể tồn tại trong cơ thể
tới nhiều tháng.
Theo
Cơ quan quốc gia về an toàn thực phẩm, môi trường và lao động của Pháp,
ANSES, các thực phẩm có nguồn gốc từ biển thường chứa một lượng lớn các
chất PFAS so với các nguồn thực phẩm khác, đặc biệt là các động vật
giáp xác như tôm, cua, ốc ... và các loài thân mềm. Cũng theo tổ chức
này, các chất PFAS làm tăng hàm lượng mỡ máu (cholestérol), gây bệnh ung
thư và ảnh hưởng đển sự phát triển của bào thai. Đặc biệt là theo 1 báo
cáo năm 2020 của Tổ chức An toàn Thực phẩm châu Âu thì các chất PFAS có
thể gây ra sự suy giảm với phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với tiêm
chủng.
Ở
vùng quanh sông Rhone, phía nam thành phố Lyon, nước Pháp, có nhiều nhà
máy công nghiệp hóa chất, như Arkema và Daikin. Hệ quả là các nguồn
nước bị ô nhiễm chất PFAS. Báo chí Pháp gần đây đã loan báo các kết quả
nghiên cứu theo đó hàm lượng PFAS trong trứng gà nuôi ở các làng Oullins
et Piere-Bénite, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, cao hơn 16 lần ngưỡng cho
phép. Chính quyền vùng khuyến cáo người dân ở đây không tiêu thụ trứng
và thịt gia cầm trước khi có các nghiên cứu cụ thể hơn.Các nhà khoa học
lý giải bằng giả thuyết đất bị ô nhiễm và khi gà nuôi trong các trang
trại tư nhân ăn thức ăn trên đất thì sẽ bị nhiễm theo. Một nghiên cứu
khác cũng chỉ ra sự có mặt của các chất PFAS trong cá sống ở quanh vùng
này. Theo chính quyền vùng thì nhà máy Arkema thải trực tiếp nước thải
có chứa PFAS vào sông Rhone. Điều này gây ảnh hưởng đến các nguồn nước
sinh hoạt ở vùng này.
RFI : Vậy theo anh làm thế nào để có thể hạn chế các tác hại của PFAS đối với môi trường và đặc biệt là đối với sức khỏe con người ?
TS. Phạm Quốc Nghị :
Câu trả lời là những vấn đề này cần được xử lý ở cấp cao nhất có thể,
cấp chính phủ, quốc gia và thậm chí là cấp châu Âu, thế giới. Như tôi đã
nói thì PFAS có mặt ở khắp mọi nơi. Con người, với những sinh hoạt bình
thường, thì rất khó có thể tránh được việc bị ô nhiễm. Dù có ý thức hay
không có ý thức, thì theo một nghiên cứu của Pháp trên rất nhiều cá
thể, trong mẫu máu của gần như 100% số người này đều có chất PFAS. Về cá
nhân từng người, cách đơn giản nhất là trong cuộc sống nên hạn chế dùng
chất này, chẳng hạn hạn chế mua và dùng đồ ăn nhanh, hạn chế dùng chảo
chống dính, thay vào đó có thể dùng chảo chống dính bằng gốm. Tuy nhiên,
cũng có thể chảo chống dính bằng gốm cũng có những nguy cơ khác mà khoa
học bây giờ vẫn chưa tìm thấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét