30 thg 3, 2023

Tìm lại chút hương xưa – Ara Phat

Bưu điện Saigon cũng nhiều kỷ niệm với hắn, nơi đây hắn hay đưa đón bố hắn đi làm vào những lúc hắn được nghỉ, bố hắn làm nơi đây khi thuyên chuyển từ bắc vào nam năm 1953 cho đến ngày nghỉ hưu năm 1970.


Saigon vào những năm đầu của thập niên 60,

Những buổi tối, bố hắn hay dạy hắn Pháp văn, trong lúc đọc dictée cho hắn viết, có khi thấy cụ nhìn những cơn mưa ngoài sân rồi chép miệng « mưa trong này cũng khác mưa ngoài kia », cũng là câu nói này, thời gian sau hắn được nghe khi cùng cụ đi ăn chả cá Như Ý ở Tân Định, cụ còn bảo là Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng đến là lạ . Mưa đỏng đảnh đã khác lạ đến cái nắng oi oi cũng khó chịu khiến không ít người bốc hỏa, đâm ra bực dọc, lúc đó nếu cụ biết được câu « nắng Saigon anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông » chắc cụ cũng thấy thương cái nắng Saigon .
Hắn thì không thấy như bố hắn, chỉ tại cụ thương nhớ những người thân còn ở lại ở ngoài bắc . Vào nam cụ chỉ có một người chị ruột duy nhất, còn các em trai, em gái vẫn không vào được, khi trong lòng dậy lên nỗi nhớ nhung người thân thì trong ký ức trở về từng chi tiết một.
Hà Nội ghi trong ký ức cụ món chả cá Thăng Long, chả cá Lã Vọng . Nhớ ! cụ bảo hắn đưa cụ đi, nhưng ăn mà cụ lại bảo con cá lăng làm chả nơi đây thua xa con cá lăng ngoài bắc, mà con cá lăng chỉ là loại cá da trơn giống như con cá Pangasius chứ có gì lạ đâu, chỉ ướp nghệ và gia vị rồi chiên, xào ăn kèm với rau thì là. Thì là, mắm tôm, người bắc thích ăn, người trong nam ít thích, ở Âu châu cũng thích rau thì là, nhất là ở Hy lạp . Mấy đứa con nhà hắn cũng chê cái rau này, chỉ có vợ chồng hắn hay ăn ; rồi cụ để tâm trí đâu đâu . Chờ mưa tạnh đưa cụ về cụ lại nhớ đến nắng mưa ở Xuân Đình, ở Tuyên Quang , những nơi cụ từng làm việc. Cụ cũng có hai người con sinh ở Tuyên Quang là chị Khánh và anh Phú, nghĩa là đến đâu hai cụ cũng để lại kỷ niệm , như vậy Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hưng Yên, Saigon đều có dấu tích của hai cụ

Nhắc đến Tuyên Quang lại nghe cụ nhắc về con sông Lô, hỏi cụ có phải con gái ở Tuyên Quang đẹp lắm phải không ? cụ cười gật đầu,  » chả thế mà có câu trà Bắc Thái gái Tuyên Quang », sau này hắn cũng công nhận trà Bắc Thái ngon mà hắn lại thích câu ví von khác cụ là « trà Bắc Thái, gái một con »

chả cá Thăng Long (photo internet)

Có buổi sáng không biết cụ đã nhỏ to với cụ bà ra sao mà cụ bà đón một bà bắc bán bánh cuốn Thanh Trì đi ngang nhà, mua cho cụ ăn sáng, hắn cũng có ăn thử, chỉ là thứ trong nam gọi là bánh ướt lúc tráng có để hành phi, khác nữa là chấm với nước mắm nguyên chất không pha, vắt vào vài giọt chanh thêm vài khoanh ớt, chấm thêm đầu tăm cà cuống, ăn với miếng chả quế hay giò lụa cắt dầy cắn ngập răng, hoặc với miếng đậu rán, cụ ăn là tìm cái hương xưa của đất bắc chứ chưa chắc đã thấy ngon bằng những điểm tâm trong nam hoặc đôi khi chở cụ đi làm, ngồi ăn sáng với cụ ở tiệm Ngọc Sơn đường Gia Long có những món điểm tâm theo cụ là chuẩn bắc.

Photo internet

Bánh cuốn Thanh Trì , Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long xưa . Trong Hà Nội 36 phố phường Thạch Lam mô tả bánh cuốn Thanh Trì là quà chính tông của người Hà Nội.

Hương xưa của bố hắn, ông phán giây thép là như vậy, vậy mà sau tháng 4/75 cụ không một chút hứng thú đi tìm lại, các chú, cô của hắn vào thăm bác trưởng mời cụ ra, cụ cũng lắc đầu.

Còn phần hắn, những ngày này của 39 năm trước, hắn đang tất bật chuẩn bị di cư lần thứ hai, lần này chỉ có nhà ba người của hắn, ngày 13/3/1984 hắn lên phi trường Tân sơn Nhứt để di cư sang Bỉ theo chương trình đoàn tụ gia đình, là đoàn tụ của vợ hắn với gia đình thì đúng hơn, thực chất hắn được ăn theo vì là chồng và cha của cháu bé 4 tuổi và hắn sẽ như bố hắn vào một thời gian vài mươi năm nữa, lại so sánh lại tìm những hương xưa ở Saigon.

Hôm đưa hắn qua Bỉ, bố hắn cũng tiễn đưa tại phi trường, cha con ôm nhau tiễn biệt, đâu biết đấy là lần cuối . Ngày 7 tháng 8/1984 hắn nhận được điện tín bố hắn đã giã từ mọi người, cũng đúng vào hôm hắn đón vợ từ nhà bảo sanh về khi sinh nở đứa con thứ hai.

Đưa tiễn hắn ngày 13/3/1984, bố hắn đứng kế bên hắn. Ông « phán giây thép » ra ngoài là bỏ áo vào quần; lúc nào cũng lịch sự, luôn thắt cravate như lúc đi làm, cho dù sau ngày 30/4 nhiều người ngại ngùng vứt bỏ. Hắn cũng thích cái thói phong lưu này và hình như hắn cũng na ná như vậy

Bố hắn và cô dượng Bảy của vợ hắn, lúc đó vợ chồng hắn được 35 tuổi, con gái đầu lòng 4 tuổi

Ngày 14/3/2023 này là đúng 39 năm đặt chân đến Bỉ, thời gian dài còn hơn bố hắn bỏ bắc vào nam, nhiều hơn thời gian hắn sống tại Saigon … phải sắn tay áo làm việc để lo cho tương lai con cái mà bỏ mất cái hương xưa như bố hắn ngày trước.
Nhớ lại ngày đi tù sau năm 75, lúc nào cơm cũng ăn không đủ no, tối đến anh em trong láng cứ lên giường là hay nhắc lại những món ngon của Saigon hay của bất cứ tỉnh thành nào khác, anh em hay gọi là « ăn hàm thụ » vào mỗi buổi tối.
Vợ chồng hắn nay tối lên giường trước khi đi vào giấc ngủ vợ hắn cũng hay hỏi « anh muốn ăn gì ngày mai » rồi cũng nói chuyện « ăn hàm thụ », nhưng hiện tại muốn là có thể thực hiện, ngay cả những gì chưa biết làm cũng có thể học hỏi ngay trên mạng, có hình ảnh cụ thể, chẳng thế mà vợ hắn làm giò lụa, chả quế mấy đứa cháu ngoại thích ăn, gặp bà ngoại là gọi « bà ngoại chả quế », vợ hắn nghe cũng vui nên bây giở cũng hay ký tên trong những bài viết là « Chả Quế ».

Trong « Vang bóng một thời » Nguyễn Tuân nói rằng, chẳng có nơi nào trên thế giới làm giò lụa ngoài Việt Nam. Điều này quá đúng vì chỉ có ở Việt Nam mới tìm ra được một thứ ướp thịt độc đáo là nước mắm, khác hẳn hoàn toàn với loại xúc xích của tây phương, ngay cả xúc xích của Việt Nam làm cũng vậy khác mùi khác vị hoàn toàn với Saucisson de Paris, saucisson Polonais hay saucisson Ardenne của Bỉ, cùng là loại thịt bằm nhét vào ruột heo rồi hấp, nướng hay hun khói làm gì tìm ra được hương vị ngàn năm của Việt Nam. Lúc mới qua đây thấy bày bán ngập tràn xúc xích, mua một cây đem về, thất vọng ! vì không giống « bên nhà », có vị chua chua, mà thứ xúc xích của Ý gọi là Salami thì ngập mỡ ăn không mạnh miệng
Độc đáo hơn nữa là giò lụa ướp mùi nước mắm, được gói ghém trong những tấm lá chuối. Chính mùi lá chuối ôm ấp miếng mọc lợn, tẩm ướp được dậy mùi thơm độc đáo của giò lụa, các đòn giò lụa bán ngoài chợ bên này bọc plastic rồi bọc giấy màu lá chuối chứ làm gì chịu tốn kém thêm, gói lá chuối ! chỉ có hắn lúc làm ở nhà vào những dịp tết khi gói bánh chưng, sẵn có lá chuối hắn bọc thêm vào, lúc đó miếng giò lụa như được khoác thêm tấm áo màu xanh đọt chuối, vừa thơm vừa bắt mắt.

Hoạt cảnh giã giò (minh họa trên mạng)

Thời gian trôi đi nhanh quá, đứa con gái 4 tuổi lúc sang đây, nay đã vào tuổi 43 và vợ chồng hắn cũng có được 5 cháu ngoại, thoảng hoặc có nhớ về Saigon nhưng cũng để đó, cũng có về thăm gia đình nhưng cái hương ngày xưa không còn nữa và mùi hương mới không phải là cái hương hắn trông đợi muốn có được như cái hương Saigon ngày trước, chắc là « bỏ đi Diễm », ở đó mà hoài cổ !
Hắn còn cô Út thích sống độc thân, thích du lịch đây đó, cũng có cơ ngơi riêng, tự nấu nướng, nhưng ba mẹ mỗi lần có thức ăn, biết là con thích mà làm thì nhiêu khê nên papa hay làm đem lại cho con, như hôm nay hứng lên papa làm thịt đỏ để ăn với bánh mì kiểu bánh mì Saigon nổi tiếng là món ngon đường phố, kèm theo vài đòn chả lụa made in madame Chả Quế.
Nhắc tới bánh mì, đây là một trong những hình ảnh quen thuộc của ký ức những người từng sống ở Saigon, lúc mới vào nam, bố mẹ hắn vẫn còn quen miệng gọi là « bánh tây », một thời gian sau mới đổi thành được tên bánh mì, nhiều khi bố hắn còn thêm chữ « bánh mì ba ghét (baguette) » cho nó « tây ». Mỗi buổi sáng hắn được 2 đồng ăn sáng, với 2 đồng có thể mua được khúc bánh mì thịt dài đến 20cm, còn nhiều khi chỉ ăn bánh mì không rưới lên chút nước xíu mại, nước tương kèm chút đồ chua thì chỉ 1 đồng, tiền còn lại dành ăn quà vặt buổi trưa . Bánh mì « không người lái » cũng được đặt trên lò than nóng hổi dòn tan ăn không có thịt cũng ngon vô cùng, xe bánh mì ở đầu ngõ nhà hắn do chị Tư bán, và cung cấp bánh mì cho chị là một anh chạy xe đạp mang cần xé cột trên yên sau xe đạp những ổ bánh mì nóng hổi vừa lấy ở lò bánh mì ra, lò này nằm gần đó, lúc đến tuổi đi làm nhân dân tự vệ, ở phường nhà thờ Huyện Sĩ, nơi gác đối diện lò bánh mì Vita, khoảng 5 giờ sáng chủ lò đem cho bánh mì mới ra lò cho đội gác.

Còn thứ gọi là bánh mì thịt là loại thịt ba chỉ cuốn lại, lớp da ngoài có một lớp phẩm đỏ, được nêm nếm rồi luộc chín, cắt ra từng lát mỏng cho vào bánh mì, trước thì chưa có trét sauce Mayonnaise, từ khi có bánh mì gà ra đời mà cửa hàng đầu tiên tung ra là tiệm bánh mì Nguyễn Ngọ đường Trần hưng Đạo bán với giá 5 đống/ ổ .

Photo internet

Đặc biệt của « bánh mì năm tì » là chuyên bán bánh mì gà, gà này không phải là gà tươi, nướng hay khìa rồi xé nhỏ mà là gà hộp. Đặc biệt gà hộp thường bán không đúng « gu » mà dùng gà hộp của « quân tiếp vụ » là đúng gu nhất. Lúc ở trong quân trường Thủ Đức, mỗi tháng có hàng quân tiếp vụ, đem những hộp gà (khoảng 2 Kg) này qua bên trường vũ thuật cho vợ ông thượng sĩ Thòon xào khô lại nhậu, nghe bà nói là để bán bánh mì gà là như vậy. Qua đây hắn mua thử thịt gà hộp cũng khác xa gu thịt gà quân tiếp vụ.
Đánh trứng với dầu thành « sauce Mayonnaise » cho vào « bánh mì năm tì », một số xe bánh mì thịt cũng theo chân trét sauce, không biết nơi nào khởi đầu nhưng hắn ăn được là ở Hương Lan trước của chính Bưu Điện Saigon .

Photo internet

Cũng tại quầy Hương Lan này, mỗi khi đi tắm piscine Nguyễn Bỉnh Khiêm về hay tạt vào mua chiếc bánh « Baba au Rhum » là loại bánh ngọt có crème chantilly được tưới tẩm thêm rượu Rhum vào, ăn có vị đặc biệt, riết cũng mê mùi Rhum, uống đá chanh cũng có chút Rhum, ra café Thu Hương, ông chủ nơi đây cũng có thứ café au Rhum, hắn thích hương vị này hơn là loại Irist café được thêm vào Cognac.
Vợ hắn cũng là người đồng điệu với hắn, thỉnh thoảng hắn hay đem về hai cái bánh Baba au Rhum vào mỗi ngày đặc biệt, mà các hiệu bánh hơi hà tiện Rhum, nên hắn luôn có chai Rhum Saint Jame sẵn để cho thêm vào mỗi dịp này.

bánh « Baba au Rhum »

Rồi ở Chợ Cũ cũng vậy, và có một nơi làm ngon, bán chạy tên là » Ba Lẹ » nên nhiều người bên này cứ tưởng cái tên bánh mì thịt đỏ, chả lụa có tên là bánh mì Ba Lẹ hình như ở Gia Định hay Tân Định gì đó, lúc tôi ở Trảng Lớn, có một cảnh sát tù chung, anh ta xưng là con của chủ tiệm Ba Lẹ, từ đó tên Khôi của anh ta được gọi là « thằng Ba Lẹ » . Gọi đúng nhất chỉ nên gọi là bánh mì Saigon, hắn lúc ở Saigon cũng thích ra Hòa Mã, ở đầu một hẻm đường Cao Thắng, đối diện Tam Tông Miếu ăn bánh mì Pâté, theo hắn là ngon và hắn thích.

Photo internet

Ở đây một thời gian mỗi lần qua Paris vào quận 13, nguyên một dãy bán bánh mì thịt đỏ, cũng có tiệm Ba Lẹ, nhà sách Khai Trí bán sách không chạy bằng bán bánh mì và nhiều ngưới quen miệng cứ gọi bánh mì thịt đỏ Saigon là bánh mì Ba Lẹ.
Ba Lẹ chỉ là tên một cửa tiệm chứ không phải là tên của món bánh mì Saigon.

Hắn cũng vừa làm xong một miếng thịt đỏ, khoảng 2kg thịt ba chỉ, làm xong chắc chỉ còn 1,5 kg, cắt chia làm 4 tiểu gia đình và Chả Quế cũng làm cho 4 đòn giò lụa .

Photo Ara

Miếng thịt ba chỉ 2kg, sau khi làm còn khoảng 1,5Kg , hắn không mua ổ bánh mì baguette, mà mua 2 ổ demi baguette làm tiện hơn

Photo Ara/

Chia làm 4 phần, mỗi nhà một phần

Photo Ara

Mỗi đứa con một hộp thịt đỏ, hắn cắt sẵn bằng dao điện cho đều và một đòn giò lụa made in Chả Quế , sáng mai có món điểm tâm (petit déjeuner)

Photo Ara / Bữa điểm tâm sáng nay của vợ chồng hắn « La journée commence bien »,

Bên cạnh là tô đồ chua ăn kèm, đây mới là thứ làm tăng thêm hương vị của bánh mì Saigon, mà đồ chua phải có củ cải trắng, mùi củ cải trắng là mùi đặc trưng của món đồ chua đi kèm cho thêm vài mảnh dưa leo hành ngò, ớt, xịt thêm chút nước Magi, lúc đó mới đúng là bánh mì Saigon .

Photo Ara

Lúc này mới có thể tìm lại chút hương xưa

Kỷ niệm 39 năm xa rời Saigon

Viết tại Đồi Delta Auderghem
Bruxelles
Ngày 13/3/2023
Ara Phát

Mời Xem :Ăn cỗ phố hàng Bạc- Ara Phát (SPSG )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét