9 thg 7, 2021

Thời dịch bệnh: đọc tin xấu để bớt sợ hãi?

  • Jessica Klein
  • BBC Worklife

 

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Emily Bernstein, 29 tuổi, đã lướt mạng, lướt và lướt.

Là nhà văn viết chuyện hài ở Los Angeles, Bernstein cần đọc qua Twitter và các trang tin tức để có chất liệu sáng tác.

Nhưng cô không chỉ đọc vì công việc: đó là sự bắt buộc phải 'doomscrolling' - lướt qua dòng hiển thị tin không ngừng nghỉ, bất kể tin tức tồi tệ thế nào đi nữa, hoặc bất kể có bao nhiêu bình luận bông đùa mà cô đọc đi nữa.

"Tôi nằm trên giường vào buổi tối, lướt các trang tin tức và biết rằng điều này không lành mạnh cho tôi... vậy tại sao tôi lại làm việc này?" Bernstein nói.

Đó là câu hỏi mà nhiều người lướt tin không ngừng đã tự hỏi.

Có nhiều lý do tại sao chúng ta có sự thôi thúc phải đọc mạnh mẽ như vậy: cảm giác an toàn vì nắm được kiến thức, nhất là vào những lúc khó khăn; thiết kế của các nền tảng mạng xã hội vốn không ngừng làm mới và khuếch trương những những tiếng nói ồn ào nhất; và, tất nhiên, còn có khía cạnh lôi cuốn con người nữa. "Giống như khi nhìn thấy tai nạn xe thì bạn không thể nhìn sang chỗ khác được," Bernstein giải thích.

Ngoài việc xác định được rằng việc lướt tin không ngừng khiến cho ta cảm thấy chán nản, các nghiên cứu tiến hành trong đại dịch cho thấy có sự liên hệ giữa tâm trạng lo lắng, trầm cảm với việc tiếp nhận truyền thông về Covid-19 và việc dành nhiều thời gian hơn cho điện thoại thông minh.

Vậy thì, tại sao chúng ta tiếp tục lướt không dừng - và tại sao làm như thế lại có thể đem lại cảm giác nhẹ nhõm một cách lạ lùng?

Và thực sự thì việc dán mắt lên trang hiển thị tin liệu có đem lại những mặt tốt đáng ngạc nhiên nào hay không?

Hầu hết chúng ta đã dành một phần thời gian trong năm 2020 để 'doomscrolling' - đến mức Từ điển Tiếng Anh Oxford gọi nó là 'từ của năm' và thậm chí còn thêm nó vào từ điển.

Nhưng lướt tin không ngừng không hẳn là hành vi mới của con người.

Tuy thuật ngữ này dường như bắt đầu đi vào từ vựng công chúng vào khoảng đầu năm 2020, khi bắt đầu có tình trạng phong tỏa do Covid-19, nhưng từ lâu nay công chúng đã có tâm lý không thể rời mắt khỏi tai nạn xe mà Bernstein đề cập khi nói đến tiếp nhận tin tức.

"Tiền thân của việc lên mạng lướt tin là việc xem bản tin 11 giờ, vốn thật đáng sợ," Dean McKay, giáo sư tâm lý ở Đại học Fordham, chuyên ngành về hành vi cưỡng ép và rối loạn lo âu, nói.

Tuy nhiên, khi chúng ta xem tin lúc đang ở nhà một cách thoải mái thì nỗi kinh sợ đó lại có khả năng đem đến cảm giác trấn an.

McKay mô tả thái độ của mọi người khi thừa nhận rằng "mọi thứ khá khủng khiếp, nhưng tôi thấy thoải mái, vì vậy tôi có thể sẽ ngủ ngon tối nay khi biết rằng tôi có thể cảm thấy vui với hoàn cảnh của mình".

McKay cho rằng doomscrolling có thể là 'hình thức tương đương' với bản tin 23h thời hiện đại. Nhưng không giống như bản tin 23h, nó không dừng lại ở một giờ giấc cố định.

Trong thời điểm bất định và đáng sợ chưa từng thấy trong năm 2020, không có gì ngạc nhiên khi những người như Bernstein lướt tin cho đến tận ban đêm. Họ cần thông tin - lúc đầu vì có rất ít thông tin về virus, và sau đó vì họ bị hút vào vòng xoáy tin tức về dịch bệnh không bao giờ kết thúc.

Như bà Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học Truyền thông ở California, đã nói, doomscrolling "thực sự chỉ mô tả nhu cầu bắt buộc phải tìm cách có được câu trả lời khi chúng ta thấy sợ hãi".

Suy cho cùng, chúng ta phải đánh giá xem thông tin mới có cấu thành mối đe dọa hay không. "Về mặt sinh học, chúng ta được thúc đẩy để chú ý đến điều đó," Rutledge nói.

"Thật không may, báo chí ở một mức độ nào đó lại đi theo xu hướng đó," bà nói thêm. Những câu chuyện và tiêu đề mang tính khiêu khích thu hút độc giả vì chúng gợi lên nỗi sợ và sự khẩn trương - như Bernstein nói, "có cảm giác rằng nếu tôi biết tất cả tin tức mới nhất, tôi có thể bảo vệ bản thân và gia đình mình tốt hơn."

Điều này nghe cũng hợp lý - nhưng hầu hết mọi người lướt tin thì đi xa hơn so với việc chỉ nhằm nắm bắt được các thông tin giá trị.

Chẳng hạn như Bernstein bắt đầu doomscrolling bằng cách đọc tin tức, nhưng cuối cùng bà thường xuyên lướt qua các bình luận phía dưới bài báo.

"Tôi biết đó sẽ chỉ là một đám những kẻ điên khùng xúc phạm những kẻ điên khùng khác," bà nói. "Tôi thực sự không biết tại sao tôi làm như vậy." Bằng một cách nào đó, bà bị kéo về hướng tiêu cực.

McKay thấy có một cách giải thích tiến hóa khả dĩ cho điều này.

Tất cả các trạng thái cảm xúc của con người xuất hiện bởi vì bằng cách nào đó chúng mang tính thích nghi. Vì vậy, việc muốn gián tiếp có cảm xúc nào đó từ việc đọc tin hay bình luận, như tức giận hoặc tuyệt vọng, có thể là cách để chúng ta "thực hành các cơ chế đối phó đã tiến hóa" mà chúng ta đã hình thành để xử lý các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống.

Chẳng hạn như nỗi sợ khiến chúng ta cảnh giác cao độ, mà điều này rất hữu ích trong các hoàn cảnh nguy hiểm. Theo nghĩa đó, McKay phân tích, thì "doomscrolling gần giống như một cách thu thập thông tin và chiến lược".

Vì vậy, vâng, đại dịch đã cộng dồn thêm nhu cầu về thông tin và cảm xúc từ tin tức. Những ai không thể giao lưu hoặc làm việc xa nhà trong thời đại dịch cũng có nhiều thời gian hơn để lướt tin.

Một cuộc khảo sát của Đức từ cuối tháng Ba, đầu tháng Tư 2020 cho thấy mối liên hệ giữa "tần suất, thời gian và sự đa dạng của việc tiếp xúc với truyền thông" với sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm cũng như sự lo lắng nói chung và hay lo lắng do đại dịch.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Dartmouth cũng nhận thấy sử dụng điện thoại tăng liên quan đến lo lắng, trầm cảm và ít vận động ở các sinh viên khi nỗi quan ngại về Covid-19 gia tăng hồi tháng Ba.

Dòng tin tức trong đầu

Với Rebecca Linton, 28 tuổi, người làm việc tạo nguyên mẫu giày ở Denver, Colorado, việc lướt tin không ngừng trong đại dịch là để "cố gắng tìm ra điều gì sẽ xảy ra kế tiếp", cô nói.

Sau khi "sự mới mẻ của việc kẹt trong nhà và việc có thể chế tác mọi lúc" trong giai đoạn đầu phong tỏa hạ nhiệt, Linton thấy mình "tiếp nhận mọi nguồn tin có thể về Covid, cách ly và tương lai", cô cho biết.

Cô thường thấy mình bị hút vào cái hố doomscrolling thăm thẳm vì cô đang cố gắng trả lời một câu hỏi cụ thể về chuyện gì đang xảy ra - và điều đó sẽ dẫn dắt cô đọc các góc độ khác nhau của cùng câu chuyện.

Nó cũng đem đến những vấn đề hoàn toàn mới mà cô cảm thấy phải trả lời, kéo dài hơn nữa thời gian lướt tin của cô và tạo ra dòng cập nhật tin xấu kéo dài mãi.

Hành vi đắm mình trong dòng cập nhật vô tận này có thể rất giống rối loạn lo âu tổng quát (GAD), nhà tâm lý học Jade Wu nói. "GAD về cơ bản thì giống như bạn có dòng cập nhật Twitter về những nỗi lo lắng, và dòng cập nhật đó chạy trong đầu bạn."

Do GAD có liên quan đến các vấn đề như căng cơ, mệt mỏi và trầm cảm, Wu nói rằng bà hình dung ra "những tác dụng tương tự" có thể xảy ra với những người có thói quen lướt tin liên tục.

"Doomscrolling giống như có GAD," bà nói. "Nếu bạn chạy bộ hàng ngày, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cơ bắp của bạn. Nếu bạn lướt tin liên tục mỗi ngày thì nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và đầu óc bạn."

Doomscrolling cũng bắt chước các hành vi cờ bạc, bởi vì chúng ta không chỉ lướt tìm tin xấu, mà còn lướt tìm những tin vui vẻ.

"Chúng ta bị cuốn hút bởi khả năng có tin tốt ở đâu đó," Wu nói (hoặc thậm chí chỉ tìm thấy video về chó con dễ thương để thấy nhẹ nhõm tạm thời).

Bà so sánh việc lướt tin liên tục, theo nghĩa đó, với chơi cờ bạc trên máy. Người chơi bạc cứ nhấn chiếc cần với hy vọng sẽ ăn, mặc dù nhiều khả năng họ thua.

Thua, đối với người lướt tin, có nghĩa là đối mặt với cùng một tin xấu cũng như hiệu ứng vật lý và tâm lý tiêu cực kèm theo.

Điều này, Wu nói, "là mô hình phần thưởng gây nghiện nhất". Đó là lý do máy đánh bạc được thiết kế như vậy - cũng như cách thiết kế dòng cập nhật trên mạng xã hội.

Thế giới thực bên ngoài

Nếu lướt tin liên tục gây nghiện tương đương mức độ chơi máy đánh bạc, và có lẽ không phải là tốt nhất cho sức khỏe tâm thần của chúng ta, vậy nên làm thế nào để dừng lại?

Rutledge nhấn mạnh rằng nhận thức về thói quen lướt tin không ngừng của chúng ta là cách tốt nhất để cai nó.

Đối với những người ăn kiêng chẳng hạn, việc ghi "nhật ký ăn uống", bà nói, là "một trong những yếu tố dự đoán thành công lớn nhất" trong việc giảm cân, vì nó khiến mọi người ý thức thói quen hiện tại của họ.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với doomscrolling. Theo dõi thời gian bạn bỏ ra cho việc này để "nhận diện xu hướng tiêu cực", Rutledge nói tiếp, "sau đó thực hiện các bước để thay đổi".

Rutledge đề nghị đặt hẹn giờ để cảnh giác với việc bạn dành thời gian trên điện thoại bao lâu - đặt ra thời điểm vào buổi tối để bỏ điện thoại xuống sau một ngày hoặc nhờ bạn đời nhắc bạn tắt điện thoại.

Đề xuất cuối cùng hợp với Linton. Người bạn đời của cô cũng đã dính vào doomscrolling trong năm vừa qua, vì vậy họ 'tích cực hỗ trợ' lẫn nhau trong nỗ lực dừng lại, cô cho biết.

"Tôi thấy điều hữu ích nhất là có được khoảng cách vật lý," Bernstein nói. "Tôi sẽ bỏ mạng Internet, đi dạo và nhận ra rằng thế giới thực ngoài kia không phải đều toàn những chuyện chọc tức nhau."

Tương lai của việc... lướt tin tốt?

McKay nói rằng ông đã thấy một bản tin cách nay không lâu rằng chúng ta đang bước vào những ngày đen tối nhất của đại dịch, "nhưng ngay bên cạnh đó là tin kiểu như, 'đây là tổng số lượng vaccine đã được triển khai'," ông nói. "Và đột nhiên, bạn thấy bức tranh trông bớt ảm đạm hơn."

Sự so sánh máy với đánh bạc nghe có vẻ thuận tai hơn dưới cách nhìn này. Có lẽ những người lướt tin không phải tìm kiếm tuyệt vọng và u ám - họ đang làm điều mà McKay thử gọi là 'hopescrolling', tức là lướt tin trong hy vọng.

Bernstein thậm chí còn nghe thấy thuật ngữ 'joyscrolling' (lướt tin vui) sử dụng trong những tháng gần đây, "giống như vào một số ngày nào đó đặc biệt tuyệt vời... tâm trạng mọi người giống như, 'Tôi không thể ngừng lướt tin vui!'."

Một ngày lướt qua những tin tốt không nhất thiết sẽ xóa bỏ hoặc đẩy lùi những thói quen mà chúng ta đã hình thành từ nhiều tháng lướt tin xấu cộng với tác động tiêu cực của nó đối với sự an lạc của chúng ta.

Tuy nhiên, việc hiểu rằng lướt tin tốt mang lại niềm vui cho chúng ta có thể giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về hành vi trực tuyến ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của chúng ta như thế nào, mà Rutledge nói đó là chìa khóa để thay đổi hành vi của chúng ta.

Linton đã chặn những người mà cô nhận ra là "không mang lại thông tin có giá trị" cho trang mạng xã hội của cô, và đã cố gắng trông coi trang Instagram của mình để nó chỉ có các tài khoản chứa nội dung tích cực - để cô có thể thấy vui mà lướt tin.

"Tôi nghĩ không thực tế khi nói một ngày nào đó Covid sẽ chấm dứt và tôi sẽ không bao giờ lướt tin xấu nữa," Bernstein nói. "Tôi có nghĩ rằng nó sẽ giảm, nhưng đó cũng là điều tôi đã nhận ra - tôi phải bỏ công sức để làm điều đó."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét