14 thg 7, 2021

Cũng Là Những Mảng Vụn Chuyện Đời Người - Thuyên Huy

Tranh Trần Thanh Cảnh

Chuyện Một
Cho một người cũng giống như người trong chuyện



Mùa Thu, bây giờ những ngày cuối Thu, lâu lắm rồi mới về lại đây, nơi anh bỏ đi, từ mùa thi cuối năm. Chiều nay cũng như buổi chiều ngày đó, ngày người theo về thăm cho biết quê anh, một tỉnh lẻ lần đầu, và cũng không ngờ là lần cuối, không gặp lại. Nắng tàn, cái nắng của hoàng hôn, vàng úa như màu của lá Thu trải ngập đường, rơi rớt bên kia sông để đêm mau xuống, cây hoa dại đơn lẻ, một mình khó nhọc mọc len lên từ khe nứt vô tình của phiến đá lớn rong rêu, nằm trơ trọi sau cái ghế cây hoang phế duy nhất mà nó với người đã ngồi, nhìn xuống cuối đường, thì thầm thương con phố nhỏ, ở góc công viên nghèo nàn, ngày đó chắc giờ tuổi đã già và gầy guộc hơn nhưng vẫn còn hoa, cũng là cái hoa lẻ loi, duy nhất.

Ở một thành phố khác, hôm nay, người bỏ anh về nhà chồng, một bác sĩ quân y Dù, vị bác sĩ mà có lần anh đã gặp với chiếc xe jeep đục màu bụi rừng đất đỏ, buổi chiều cuối trời giao mùa Xuân Hạ, hôm anh tới chờ đón người sớm hơn giờ hẹn trước cổng trường xong giờ dạy. Anh hơi ngỡ ngàng, đứng khựng nép sau gốc cây Phượng già nhìn, thấy người cười tươi, anh nhíu mày tự nhủ, chắc người quen vậy thôi. Trên đường bên nhau ra phố chợ, anh bất chợt ít nói hơn và không hỏi gì chuyện trước đó, người nói cười như những hẹn lần cũ từ lúc quen nhau cho tới bây giờ.

Từ trên dốc nhìn xuống con sông, con sông vẫn vô tình, thản nhiên nước lớn nước ròng như những ngày tháng cũ, đèn đường lên héo hắt mù mờ từ lâu, đêm chầm chậm xuống, chim đâu đó gọi nhau đi ăn đêm, người thưa thớt qua cầu xuống chợ, chợ đêm chắc cũng như chim, giờ này công viên không ai màn tới, anh ngồi đó buồn cho mình, nhặt mớ lá vàng khô, gom lại thành nấm mộ nhỏ, chôn mùa Thu của mối tình đầu, mùa Thu chết, ngày mai một lần nữa anh bỏ đi và có lẽ lần này đi biền biệt đi không về.


Chuyện Hai
Cho một chuyện tình nào có cái gọi là định mạng như chuyện này

Được một ông anh quen, người cùng dân ấp chợ quê nhà, là lính quân cụ, giới thiệu, anh đến kèm dạy thêm toán cho cô con gái, học lớp Đệ Nhị chuẩn bị thi Tú Tài Một, con gái út của ông Thiếu tá đã giải ngủ vì bị thương chân, phải chống nạng, nhà ở trong cư xá sĩ quan gần bên cạnh một cái chợ, mỗi chiều Chủ nhật hàng tuần, vợ chồng ông rất tử tế, vui vẻ, trong nhà còn có một cô chị nữa, lớn hơn chừng hai ba tuổi, là giáo viên dạy ở trường tiểu học gần nhà.

Hai chị em, đẹp không làm bộ làm điệu, cô em có chút bẽn lẽn, ít nói hơn chị , chị nhanh nhẩu, vồn vã, chị lớn hơn nên lúc nào anh cũng xem như người chị, còn chị, mấy ngày đầu nói trỗng nhưng rồi thì ngược lại, sau đó cứ xưng gọi bằng tên. Vậy mà gần như chiều Chủ nhật nào anh đến dạy thì hai chị em cũng làm bánh nấu chè, tiếng cười tiếng nói, chờ dạy xong, bảo nhất định ở lại ăn rồi về. Những ngày sau đó, xem ra anh chuyện qua chuyện lại với cô chị nhiều hơn, vì chuyện gì cũng nói được, với cô em, cô nàng vẫy vậy, vẫn cười mĩm ít nói như từ lúc mới gặp, chỉ khác là đã gọi tên anh thay vì là thầy hôm mới tới dạy.

Cứ như vậy, ngày qua ngày, anh và cô chị càng lúc càng xich lại gần nhau, những gì chị nói hình như có cái gì xa hơn là những gì chị muốn nói và cái gì đó đã làm anh nhiều lần, khi nghĩ tới rồi mĩm cười vu vơ riêng mình. Cuối cùng, cái gì đó là cái hai người hiểu ra, chị và anh đã thương nhau cũng như những mối tình khác do đất trời đặt ra theo quy luật thiên mạng. Những buổi học chiều Chủ nhật sau đó vẫn như cũ, vẫn có đủ tiếng cười, của cả nhà và của hai chị em.

Hạ ngấp nghé đâu đó, phượng đua nhau nở đỏ một trời trên đường phố, bải trường không bao lâu nữa, mùa thi sắp tới nay mai. Buổi chiều học cuối để cô em chuẩn bị, cả nhà kéo ra góc ngã Sáu ăn chiều, bữa ăn tạm biệt, hẹn gặp lại với tin vui. Vẫn vậy, chuyện tình anh với cô chị còn giữ kín, chuyện thầy trò giữa anh với cô em vẫn tở mở, anh với em.

Mùa thi xong, cô em đậu hạng khá, cả nhà ông bà Thiếu tá mừng bao nhiêu thì anh cũng mừng bấy nhiêu, mừng vì không uổng công suốt gần một năm qua. Buổi chiều Chủ nhật, trời lất phất mưa bụi, sau bữa tiệc ăn mừng, có mặt bà chị quen, dạy chung với cô chị, ở cách nhà ông bà Thiếu tá vài căn, cùng đường, cũng là hôm anh chào từ giã, về quê thăm nhà vài tuần luôn. Đưa anh và bà chị quen ra về, cô chị đứng trước cửa nhìn mơ mộng, cô em theo ra tới cổng, hình như định nói gì đó nhưng lại thôi, ngập ngừng ấp úng vỏn vẹn hai tiếng “cám ơn”. Bà chị đi bên, nhìn cô nàng thở dài, không nói chỉ cười, nụ cười bỏ lững có chút buồn, không biết bà chị đang nghĩ gì.

Về tới gác trọ, lấn cấn, ngỡ ngàng, lời bà chị nói với anh cứ lẩn quẩn trong đầu trên suốt đường về, anh đứng thờ người, thở dài nhìn ra đường, đèn nhá nhem tối, lâu lắm chưa chịu lên gác, bất chợt buồn quặng thắt, một lần nữa thở dài ray rứt, buột miệng “định mạng”.

Tốt nghiệp, anh chọn về làm việc ở một tỉnh cận biên giới miền Đông, từ đó anh yên tâm, mỗi lần về quê thăm nhà, đường xe không phải qua ngang Sài Gòn, nơi mà anh cố bỏ đi và bỏ lại mối tình đầu tưởng như là hạnh phúc.

Chuyện Ba


Cho một người chị không phải người trong chuyện



Hôm nào cũng vậy, từ ngày đổi về dạy ở đây, chắc cũng chừng hai tháng, trường trung học quận, nằm ngó ra bến xe bên kia đường, xuôi ngược lên tỉnh xuống thành, lúc nào cũng đông người đón xe người bán hàng lỉnh kỉnh, tiếng gọi tiếng rao nghe rõ mồn một, vang rân cả một khúc ngã ba. Tới giờ nghỉ trưa, thả bộ về nhà trọ, anh thường đứng lại ở góc đường, nhìn hai đứa nhỏ, một gái một trai, chắc là chị em, chị chừng chín em độ sáu bảy, đầu tóc màu khét nắng, chị bưng cái mâm đan bằng tre, đựng mớ bịch bánh tráng kẹo, đứa em khệ nệ cái rỗ đội trên đầu, mấy xấp bánh tráng dẽo, chạy lúp súp theo mấy cái xe đò, đậu lại chờ đón thêm khách, miệng mời tiếng ông tiếng bà, thằng nhỏ trông thật dễ thương và xem ra lanh lợi, mời mọc cười toe tét. Nhìn mà lòng cứ ray rứt, con cái nhà ai tội nghiệp quá, ngày qua ngày anh cảm thấy có cái gì là lạ trong đầu, thấy mà thương thương làm sao đó, nhất định sẽ làm quen.

Trưa thứ sáu, trời nắng chang chang, cũng cái nóng như mấy ngày trước, bến vắng xe, đám người bán hàng tụ nhau tốp ba tốp năm, ngồi nghỉ dười tàn mấy gốc me lớn bên kia đường, xen kẻ những cái sạp bán hàng, cũng không có mấy ai mua, từ trường ra, cũng đi men theo bên này đường như thường lệ, chưng hửng nhìn qua bên kia, ngó lên ngó xuống, không thấy bóng dáng hai chị em đứa nhỏ đâu hết, lấy làm lạ, anh băng đại qua đường, lẹ chân tìm, đi gần tới chỗ mái hiên nhà cuối dãy phố, sau gốc cây me vắng, đầu bến xe, không thấy thằng em, chỉ thấy có con bé chị ngồi một mình nhìn ra đường ăn dỡ dang trái bắp nguội.

Con bé ăn nói dễ thương, một dạ hai thưa, mặt mày xinh xắn, trả lời anh mà mắt rưng rưng muốn khóc, em nó hôm nay bị bệnh, nóng ho, ở nhà với mẹ, nhà nó nghèo lắm, mẹ có tật, chân bị què, đi khập khễnh, phải chống nạn, mắt kém, nó học tới lớp nhì ở miền nào xa lắm, rồi thôi, nó không nhớ ở đâu, mẹ dắt hai chị em trôi giạt về đây, ở đậu bên chái hiên sau của cái chùa nhỏ cuối chợ quận. Anh giựt thót người nhìn con bé, khi nói tên mẹ nó là “Thường”, anh hỏi lại, con nhỏ giờ mới cười “dạ”, anh thừ người ngó ra hướng dưới chợ, lầm thầm “chị Thường”.

Anh không giàu có gì, nhưng cũng đủ tiền mua trọn cái mâm bánh tráng kẹo và bánh tráng dẽo của hai đứa nhỏ, nghỉ bán sớm, có cái gì đó linh tính làm anh cứ nghỉ ngợi suốt mấy ngày, nên nhất định phải theo về chỗ ở của hai đứa nhỏ cho bằng được. Trời buổi sáng chưa nắng, vừa tới cổng chùa, cái cổng rĩ sét, khép hờ không đóng, thằng nhỏ vừa chạy vào vừa hô to “má ơi má ơi, bán hết rồi má ơi”, không thèm đợi chị nó và anh ở đằng sau. Tới chái hiên, đứa con gái chỉ về hướng người đàn bà, quần áo một màu nâu bạc phết đang cặm cụi, khập khễnh đở mấy miếng vạt tre trải bánh tráng lên cái giàn cây, dựng sơ sài phơi nắng, con nhỏ bỏ cái mâm xuống, đi lẹ về chỗ người đàn bà, nói vọng lại “má con đó”, nghe tiếng nó, người đàn bà bỏ tấm vạt xuống, quay lại, anh cũng vừa kịp tới, anh chết trân đứng bất động “trời ơi chị Thường”, chị cũng há miệng bật khóc “cậu út”.

Chị Thường, chừng mười lăm mười sáu, không biết ở đâu, ông sư già dẫn về ấp chợ ở, lo chuyện đèn đuốc, quét dọn như “ông từ” trong chùa, chị siêng năng, nói năng nhỏ nhẹ. Nhà anh ở cuối phố, ba mẹ chỉ có anh là con, lúc đó mới lên tám, ông bà cũng già, có miếng vườn trồng lộn xộn, xoài bưởi, cam quýt, không lớn nhưng bán cũng bộn tiền, mấy năm trước anh còn nhỏ, chẳng biết ất giáp gì công việc coi sóc, cứ chạy nhảy theo ông bà, hết mương này tới mương kia, tưới cây tĩa nhánh, nhưng ngày qua ông bà thường bệnh luôn, không chỉ mõi chân, nhức tay mà còn ho hen, thấy chị Thường dễ thương, thật thà, ông bà xin ông sư già cho phép chị tới phụ việc, lo giùm ông bà một tay hàng ngày.

Từ đó mỗi sáng sau khi lo nhang đèn ở chùa chị nhanh nhẹn qua vườn làm việc đã giao, chẳng những vậy, chị còn không quảng ngại việc nhà, chị nhanh nhẹn giúp mẹ anh, nấu nướng giặt giũ, nhiều khi chị làm cả chuyện thoa dầu nắn bóp chân cẳng ba mẹ những lúc trở gió trái trời, ba mẹ thương quá mất, xem chị như con trong nhà, ông bà lo cho chị thêm tấm quần miếng áo ngoài số tiền trả công hàng ngày. Chị còn lăng xăng bận rộn với anh, nào là tắm rửa, cơm nước, chơi đùa, anh giờ quấn quit bên chị hơn là lẽo đẽo theo ba theo mẹ như ngày trước, anh thương mấy con trâu con gà, trái cam trái xoài mà chị mằn mò nắn bằng đất sét lấy từ đám đất cày ngoài ruộng cuối làng, thương những cái đó và thương luôn chị nữa.

Cứ vậy, vài tháng sau ông sư già viên tịch, vài ông bà lớn tuổi trong làng, đứng ra lo liệu, nhang đèn, chuông mõ chờ người sư mới thế, không biết họ bàn với ba mẹ anh thế nào, chị Thường khăn gói về ở hẳn nhà anh, trong nhà từ đó có chị thêm vui. Có lần mẹ bị bệnh nặng, chị theo lo cho bà tận dưới nhà thương quận, chị đi về, miếng cháo miếng thuốc cả mười ngày, thức đêm thức hôm mà vẫn cười luôn miệng. Năm anh lên lớp Đệ Lục trường tỉnh, có anh trai ấp chợ phải lòng, quen không bao lâu, xin hỏi cưới, ba mẹ vui lòng, con gái lớn rồi, mừng cho chị. Hè năm đó, đám cưới xong, chồng chị nhập ngủ, chị theo chồng lên một tỉnh sát biên giới nơi đơn vị anh đóng. Từ đó nhà vắng hơn trước, còn lại ba mẹ già, miếng vườn không ai coi sóc, hoa trái dường như vắng chị cũng buồn, không còn rộn ràng trổ mặc cho mùa tới và cũng từ đó anh không gặp lại chị Thường. Năm anh lên Đệ Nhị, mẹ mất vì căn bệnh tiểu đường kéo dài, ba đem mẹ về chôn trong cái nghĩa địa, có mồ mả ông bà, miếng vườn bán rẻ lại cho ai đó, rồi ba dọn về trên tỉnh.

Hai chị em cứ nhìn nhau mà khóc, hai đứa nhỏ chẳng biết tại sao, đứng xa một khoảng ngắn, dáo dát ngó rồi thúc thít khóc theo. Bà sư cô già đứng nhìn từ góc sân nãy giờ, buồn thiu, đưa tay ngoắt rồi quay lại bỏ đi, hai đứa nhỏ chạy theo bà về hướng chánh điện. Cả hai ngồi xuống cái băng cây đặt dài theo chái hiên, chị sụt sùi kể chuyện mình, anh rươm rướm mắt nghe, theo chồng về tỉnh xa, chị sinh ra con chị trước rồi thằng em sau, năm thằng em lên ba thì không may chồng chị tử trận, người ta đem anh về chôn ở một nghĩa trang quân đội, vốn tứ cố vô thân, chị dắt hai đứa nhỏ về lại quê cũ, tìm nhà ba mẹ anh, nhưng nhà không còn đó, chòm xóm giờ cũng lạ, ở tạm ai đó một hai ngày rồi trôi giạt xuống đây, nhờ có người bạn hàng thương tình chỉ đường đi nước bước cho việc bán hàng bến xe, chắc kiếp đời đã định vậy, một lần nữa chị Thường nương náu cửa chùa.

Bải trường, học trò nghỉ hè, từ giã bà sư cô già, từ giã chái hiên cửa chùa, chị dắt hai đứa nhỏ theo anh đón xe đò về tỉnh nhà, gia tài của ba mẹ con mang theo xếp gọn không đầy hai túi xách bằng vải, thêm bộ quần áo mới hai đứa nhỏ mặc lần đầu đời mà anh đã mua cho ở chợ quận ngày hôm trước. Trên chuyến xe đò lớn sáng hôm đó, chị Thường ngồi nhìn hai đứa con, ngây thơ, vô tư chỉ chỏ cảnh vật ngoài cửa kiếng nói cười, chị cười vui lây nhưng cười mà muốn khóc. Anh ngồi nhìn, cũng một lần nữa như lần cầm trên tay con trâu trái cam ngày cũ, nắn bằng đất sét mà chị làm, anh thương mấy cái đó bao nhiêu thì giờ đây anh cũng thương cho chị Thường bấy nhiêu.
Tranh Trần Thanh Cảnh



Chuyện Bốn
Cho một người dửng dưng chuyện đời minh

Hắn, ra trường Y Khoa Sài gòn, sau ngày miền Nam thua cuộc, với cấp bằng bác sĩ. Hắn hiền, vui vẻ xuề xòa, cười nhiều hơn nói, dân miền Nam chánh hiệu, cũng còn may, hắn được cho về làm bác sĩ tại một phòng khám bệnh có tên “phòng khám khu vực” ở bên kia cầu Phạm Thế Hiển nên còn loanh quanh mà nhớ đường xưa lối cũ “hồn thu thảo”, cũng ngộ, hắn có cô bạn gái, gọi là người yêu thì đúng hơn, học xong năm thứ hai Y Khoa Sài Gòn, tiếng Pháp tiếng Anh gì cũng lưu loát, ngược lại hắn “toi moi” thế thôi, cùng trường sau hắn vài năm, còn được học tiếp theo chương trình mới, hắn người Nam cô này người Bắc, cha mẹ cô là người Bắc 1954, hai người xem ra không “rời nhau nửa bước”.

Qua Tết vài năm sau, hắn cùng cô bạn gái xuống tàu vượt biển trong một đêm tháng Ba “tháng ba bà già đi biển”, may mắn biển yên sóng lặng, hai người đến Nam Dương sau bốn năm ngày đêm, tạm ở tại một trại tỵ nạn nằm dọc theo bờ biển, ngó qua phía Tân Gia Ba, xa chừng nửa ngày tàu chạy. Chừng hai tháng, hắn cùng cô bạn gái rời Nam Dương đến định cư ở một nước thứ ba với lời khai là vợ chồng.

Tại thành phố này, nhóm bác sĩ VNCH cũ thoát được cũng khá, trong đó có vài người bạn cùng khóa với hắn, chính phủ nước này cũng như tiểu bang hắn đang ở, cho phép họ thi để hành nghề trở lại, người ta lăng xăng họp nhóm, bàn chuyện sách vở, tiếng Anh tiếng u như trẫy hội, hắn bình chân như vạt, cười hề hà, chuyện đâu còn có đó, rồi cũng tới phiên mình, quyết định để vợ đi học lại, xong trước đi cái đả một cách vui vẻ. Hắn chịu khó đi làm công nhân tại một phòng kiểm nghiệm lông trừu, chuyên cấp giấy chứng nhận phẩm chất của các loại lông trừu từ những nông trại, dùng vào việc xuất cảng hay bán cho công ty may mặc nổi tiếng trên thế giới, sau khi hắn cùng vợ rời khỏi trung tâm tạm trú của chính phủ, dọn ra ở nhà mướn, cách thủ phủ tiểu bang đâu đó chục cây số, tiền lương không nhiều nhưng cũng tạm đủ sống cho hai người, không phải lo lắng chuyện tiền mướn, tiền điện nước, không có gì buồn phiền, trách móc, hai vợ chồng hủ hỉ nhau, vợ yên tâm học hành, hắn vui sướng đi làm ngày qua ngày lại ca chiều ca đêm.

Vợ tốt nghiệp bác sĩ xứ người cùng một lúc với hai ba người bạn cùng khóa y khoa trường cũ của hắn, hắn mừng ra mặt khi có ai đó hỏi gia đình ra sao, xem ra mãn nguyện với những gì mình đã làm từ bao nhiêu năm qua, hắn nghỉ việc cả tuần, hai vợ chồng đưa nhau đi chơi xa, tới mấy tiểu bang khác, coi như một tuần “trăng mật” muộn màng, là những ngày vui. Ngày vui qua, tân nữ bác sĩ, vợ hắn lên xuống tìm chỗ mở phòng mạch, lúc này cộng đồng người Việt ở đây chưa có ai, hắn yên tâm làm kiếp công nhân như cũ, chưa vội chuyện học thi lại chờ khi vợ có phòng mạch hẳn hoi, sẽ tính tới, chuyện mở phòng mạch hắn để cho vợ tính, có hỏi hắn chắc cũng không biết gì để bàn hơn và dường như cô ít nói ra nói vô về chuyện này, hắn cũng chẳng thắc mắc gì lúc này cô vợ bác sĩ thường có ngày đi sớm về muộn.

Hắn ký sấp hồ sơ ly dị, để lên bàn, nhìn lại mọi thứ trong nhà, dửng dưng cười, không buồn không than thở, dọn mớ quần áo và những thứ lặt vặt cần cho mình vào cái va li thường xài, bỏ lại tất cả, trong đó có những tấm hình chụp hai người hôm quần ống thấp ống cao mới lên trại tỵ nạn Nam Dương và mấy tấm hình ưng ý những ngày vui “tuần trăng mật” muộn vừa qua, tắt đèn, lầm lũi ra xe, hắn rời nhà chẳng buồn nhìn lại.

Hắn nghỉ làm, về ở tạm với người bạn cùng trốn chui trốn nhũi, từ Cần Thơ, Gò Công tới Bình Tuy Vũng Tàu trong những chuyến vượt biển thất bại, ở một khu phố đông người Việt, đám bạn cùng khóa giờ được gọi “một bác sĩ hai bác sĩ” đến thăm, thương cho bạn nhưng thật lòng chê hắn ngu, cho sáng mắt ra, vẫn vậy hắn cười mà không than trách gì cả, đến nổi họ có lúc bực tức dù không phải chuyện của mình.

Chuyến xe buýt tối xuyên tiểu bang rục rịch chầm chậm rời trạm, hắn chào người bạn cho ở tạm mấy ngày qua, đưa hắn đi, hẹn ngày gặp lại, đường phố những ngày giữa Đông loáng thoáng sương mù, đèn không làm cho đêm đủ sáng, hắn ngã người trên ghế, không nhìn ra ngoài, qua ánh sáng mờ đục lùa vào xe, lúc xe ngừng lại ở một ngã tư đường lưu thông đèn xanh đỏ, không thấy hắn cười, hắn bỏ đi và lâu lắm rồi không ai biết hắn ở đâu và làm gì.

Trên đường chính của khu phố, đông cửa hàng tiệm quán người Việt, mấy ngày nay người ta thấy có thêm phòng mạch mang tên người nữ bác sĩ vừa tốt nghiệp.

Thuyên Huy

Viết để hồi tưởng những mảng vụn của đời mình – tháng Ba sang mùa năm 2021.

Chuyện được viết bằng tưởng tượng từ nhân vật tới bối cảnh, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình nếu có.

🍂🍂🍂🍂🍂🍃🍃🍃🍃🍃

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét