Một cây cầu dây 500 tuổi được làm bằng cỏ bị sập hồi tháng 3 trong khu vực Cusco của Peru. Cư dân địa phương đã tổ chức xây dựng lại cây cầu bằng kỹ thuật dệt cỏ truyền thống.
Cầu Q’eswachaka dài khoảng dài 30 mét, còn được gọi là cầu dây Inca được người Inca xây dựng cách đây hơn 500 năm, nằm trên sông Apurimac, giúp kết nối các cộng đồng lân cận với nhau.
Việc cải tạo cầu dây Inca diễn ra hàng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa do đại dịch vào năm ngoái đã khiến công việc thay mới dây thừng xuống cấp bị trì hoãn, dẫn đến việc cầu bị sập vào ngày 23/3 năm nay.
Cư dân địa phương đã quyết định khôi phục lại cây cầu bằng kỹ thuật dệt cỏ truyền thống. Họ thu gom cỏ dại trên núi, phơi khô rồi đan thành những sợi dây có độ dày khác nhau để làm cầu.
Các cư dân địa phương đã kéo thẳng sợi dây khổng lồ băng qua sông từ hai đầu của thung lũng sâu, sau đó giữ thăng bằng trên dây và dần dần di chuyển về phía trung tâm. Họ sử dụng những sợi dây mỏng hơn để buộc giữa tay vịn và lối đi làm lan can bảo vệ cho đến khi toàn bộ cây cầu được khôi phục lại hình dạng ban đầu và có thể đi qua.
Thống đốc thành phố Cusco, Jean Paul Benavente, nói với Reuters rằng cây cầu đã không được gia cố và bảo trì nên đã bị sập vào năm nay, nhưng nó cũng tượng trưng cho việc dịch bệnh đang dần rời khỏi Peru.
Peru là một đất nước giàu kho tàng cổ xưa. Nó có nhiều di tích lịch sử có từ hàng nghìn năm và trải qua hàng chục nền văn hóa, bao gồm cả Đế chế Inca, đế chế lớn nhất ở châu Mỹ trong thời kỳ tiền Colombia.
Cây cầu Q’eswachaka không chỉ có lịch sử 500 năm mà nó còn được UNESCO chọn là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013.
Ông Benavente mô tả cây cầu là “lịch sử”. Ông tin rằng cây cầu sống này của Đế chế Inca thực sự là một biểu hiện của văn hóa.
Ông tự hào nói rằng cư dân địa phương đang làm việc để khôi phục cây cầu, “cây cầu không chỉ kết nối cộng đồng mà còn kết nối truyền thống và văn hóa”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét