Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại
Việt Nam ước tính có hơn 164.000 ca ung thư mới và hơn 114.000 ca tử
vong. Đặc biệt, ung thư gan đã ‘vượt mặt’ ung thư phổi để trở thành loại
ung thư phổ biến nhất.
Báo Người Lao Động cho biết,
thông tin này được TS. BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu
TP. HCM, công bố tại hội thảo phòng chống ung thư do Bệnh viện Ung Bướu
TP. HCM phối hợp tổ chức từ ngày 4 đến 6/12.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới
(WHO) năm 2018, ung thư gan là một trong 5 loại ung thư gây tử vong hàng
đầu với gần 800.000 ca tử vong mỗi năm.
Đáng lưu ý, tỷ lệ mắc ung thư gan tại
Việt Nam xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có số liệu về ung
thư. Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan.
Với tỷ lệ này, Việt Nam chỉ đứng sau
Mông Cổ (tỷ lệ 93,7/100.000 dân), Ai Cập (32,2), và Gambia (23,9). Vị
trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt thuộc về Lào (22,4) và Campuchia (21,8), vị
trí thứ 8 thuộc về Thái Lan (21).
Đặc biệt, ung thư gan đã “vượt mặt” ung
thư phổi để trở thành loại ung thư phổ biến nhất. Đây cũng là lý do mà
các chuyên gia hàng đầu về ung thư đang nghiên cứu để ngăn ngừa đại dịch
viêm gan nhằm “ngừa đại họa ung thư gan”.
Theo báo Tuổi Trẻ, riêng tại
TP. HCM, sự gia tăng của ung thư là 9%/năm. Cụ thể, năm 2010 có 6.800 ca
ung thư mới thì đến năm 2015-2017 tăng lên trên 9.000 ca, dù cho có
thêm nhiều bệnh viện chuyên khoa và các trung tâm điều trị ung thư.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, lượng
tiếp nhận bệnh nhân ung thư đến điều trị tăng hằng năm. Trong năm 2019
tăng 10% bệnh nhân ung thư mới, tương đương trên 23.000 người.
5 nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan
TS.BS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Ngoại gan mật tụy, bệnh viện K cho biết trên báo Vietnamnet,
ung thư gan khó sàng lọc phát hiện sớm vì ở giai đoạn sớm biểu hiện của
bệnh thường mơ hồ, người bệnh ít chú ý tới. Trong đó, có 80% ung thư
gan là dạng ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát (chiếm 80%).
Có 5 nguyên nhân chính gây ung thư gan khiến người Việt có tỷ lệ mắc và tử vong cao thứ 4 thế giới:
Xơ gan
80% bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào
gan (HCC) có biểu hiện của xơ gan, do đó các yếu tố nguy cơ của xơ gan
cũng được xem là yếu tố nguy cơ của HCC.
Bình thường, gan có màu nâu, mềm, nhẵn,
khối lượng 1,2-1,5kg. Khi bị xơ, gan bị đổi sang màu vàng nhạt, khối
lượng giảm xuống, các mô gan được thay thế bằng mô xơ, sẹo, gan cứng, bề
mặt sần sùi do các cục u nổi lên.
Rượu bia
Uống rượu bia thường xuyên là nguyên nhân quan trọng của xơ gan. Xơ gan do rượu chiếm khoảng 15% các trường hợp mắc HCC.
Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế
(IARC) xếp rượu bia là tác nhân gây ung thư mức độ 1. Đây là nguyên nhân
trực tiếp gây ra 7 loại ung thư phổ biến gồm: Miệng, thực quản, thanh
quản, vú, gan, đại trực tràng, dạ dày.
Tác hại dễ thấy nhất của rượu bia là làm tổn thương các tế bào gan, gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan.
Viêm gan B và viêm gan C
Với ung thư gan, người ta đã xác định
được nguyên nhân hàng đầu là do virus viêm gan B hoặc C. Đây là 2 loại
virus gây nhiễm trùng mạn tính, được ví là “sát thủ thầm lặng” dẫn đến
xơ gan và ung thư gan.
Trên 80% bệnh nhân ung thư gan là do
tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan được xác
định là do virus viêm gan C.
Theo số liệu mới nhất, Việt Nam có
khoảng 20 triệu người nhiễm virus viêm gan B (15 triệu) và C, trong đó
khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan và ung thư
gan., nằm trong top cao của khu vực và thế giới.
Đáng nói, cả viêm gan B và viêm gan C
đều diễn tiến hết sức âm thầm, thường khi bệnh bước vào giai đoạn nặng
(xơ gan, ung thư gan) bệnh mới có những biểu hiện rõ ràng hơn. Trong đó,
đến nay viêm gan C vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.
Thừa sắt
Bệnh thừa sắt (hemochromatosis), bệnh di
truyền tyrosin huyết, và bệnh viêm gan mạn tự miễn thể hoạt động là
nguyên nhân gây xơ gan và làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển HCC.
Ngoài ra, các yếu tố khác ít có bằng
chứng thuyết phục như nhiễm độc tố aflatoxin B1 (được tiết ra từ nấm
Aspergillus), steroid androgenic, thorotrast (chất cản quang), thuốc
uống tránh thai, và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Hoàng Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét