Điều gì sẽ còn lại ở thành phố hay thị trấn nơi chôn nhau cắt rốn của bạn trong 100 năm nữa: công trình điểm nhấn hay tòa nhà nào?
Còn 500 năm nữa thì sao?
Tác giả gây tranh cãi Nassim Nicholas Taleb đưa ra một quy tắc vàng phản trực giác để trả lời những câu hỏi như vậy.
Nếu bạn muốn biết thứ gì đó không bị hủy hoại sẽ tồn tại bao lâu - nghĩa là, thứ gì đó không chịu giới hạn của tuổi thọ tự nhiên - thì câu hỏi đầu tiên bạn nên hỏi là nó đã tồn tại bao lâu.
Càng lâu năm, nó càng có khả năng tiếp tục trụ vững.
'Hiệu ứng Lindy'
Hãy xem thành phố quê hương tôi, London.
Nếu tôi muốn đặt cược vào tòa nhà nào của nó sẽ còn tồn tại sau vài thế kỷ nữa, quy tắc vàng của Taleb Khan gợi ý tôi nên bắt đầu với công trình xưa nhất.
Với độ tuổi 941 năm, Tháp London là một lựa chọn tốt. Theo sát là Tu viện Merton ở nam London, cũng đã vượt qua 900 năm.
Nơi thờ phượng lâu đời nhất của London, Nhà thờ St Bartholomew-the-Great ở Smithfield, cũng chứng tỏ sức bền bỉ của nó: một số phần của nó có từ 896 năm trước
Logic trong lập luận của Taleb rất đơn giản. Bởi vì người phán xử quan trọng duy nhất khi nói đến tương lai là thời gian, nên phương pháp đáng tin cậy thật sự duy nhất của chúng ta khi nhìn về phía trước là hãy hỏi điều gì đã chứng tỏ sự bền bỉ: điều gì đã thể hiện sự phù hợp và sự kiên cường khi đối mặt với thời gian, vẫn trụ vững sau những cú sốc và những đợt tấn công từ thập kỷ này tới thập kỷ khác, từ thế kỷ này tới thế kỷ khác, thậm chí từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác.
Tháp London có vẻ khiêm tốn so với tòa nhà chọc trời Shard - nằm đối diện ở phía bên kia sông Thames với chiều cao gấp 11 lần - nhưng nó cũng đã chứng minh sức sống của nó với số thời gian gấp 94 lần.
Tòa nhà Shard có thể mang tính biểu tượng và đồ sộ, nhưng vị trí của nó trong lịch sử còn lâu mới được đảm bảo. Khi nói đến thời gian, Tháp London sừng sững hơn.
Bản quyền hình ảnh Getty ImagesImage caption Tháp London (The Tower of London) ở tiền cảnh bị tòa nhà Shard phía sau cao vượt lên
Taleb thích gọi dạng lý luận này là Hiệu ứng Lindy.
Vào tháng 6/1964, tác giả người Mỹ Albert Goldman xuất bản một bài báo có tựa đề là 'Luật Lindy' trên tạp chí The New Republic, trong đó ông trình bày 'truyện ngụ ngôn thận trọng' về cuộc trò chuyện trong giới biểu diễn ở nhà hàng Lindy's ở New York.
Chính tại đây, những diễn viên hài đang nổi danh đã tụ tập để thảo luận về khả năng duy trì tên tuổi của các đồng nghiệp.
Họ lập luận rằng nếu ai đó tung mình ra quá mức bằng cách sử dụng cạn kiệt nguồn lực với sự xuất hiện bùng nổ trong thời gian ngắn, thì sự nghiệp của người đó sẽ sớm kết thúc. Nhưng nếu họ đi đường dài, xuất hiện ít hơn nhưng có tác động lớn hơn thì việc giữ gìn sức lực này có thể giúp họ trụ lâu trong ngành trong nhiều thập kỷ.
'Lão hóa' ngược
Taleb đã mở rộng ý nghĩa của giai thoại này một cách đáng kể.
"Những thứ đã tồn tại trong thời gian dài không 'già đi ' như người, mà là 'lão hóa' ngược lại, ông viết trong cuốn 'Antifragile Things that Gain from Disorder' hồi năm 2012. "Mỗi năm trôi qua mà không bị diệt vong sẽ tăng gấp đôi tuổi thọ có thêm."
Ông lập luận rằng một cuốn sách đã được in trong nửa thế kỷ có thể hy vọng sẽ được in thêm nửa thế kỷ nữa.
Tuy nhiên, khi nó đã trụ được thêm 10 năm, tuổi thọ tương lai của nó lại tăng thêm 10 năm nữa.
Mỗi năm thêm nữa cho chúng ta biết điều gì đó mà sự tiên đoán không thể biết được. Do nhiều nguyên nhân đan xen lẫn nhau mà không thể nào nhìn thấu được, quyển sách này tiếp tục có khán giả - và việc nó tiếp tục có khán giả như vậy xứng đáng được tôn trọng hơn hàng trăm ngàn bản của cuốn sách hoàn toàn mới được bán năm ngoái.
Hãy xem xét các tòa nhà ở London một lần nữa.
Chúng cũng phải chịu lực hao mòn tự nhiên như mọi thứ khác trên Trái Đất: chúng có thể vững chắc, nhưng không thể ở trong tình trạng tốt nếu không có sự hỗ trợ của con người.
Một thứ tồn tại càng lâu thì càng tích lũy nhiều giá trị và ý nghĩa tượng trưng - và nó càng vượt qua được nhiều thách thức về công năng và thị hiếu.
Cũng giống như hầu hết các thành phố khác có lịch sử hàng trăm năm, phần hiện đại của London vặn mình đan xen xung quanh các di tích của thành phố. Qua nhiều thế kỷ, vận may và sự ưu ái đã đưa chúng gắn chặt vào bản sắc của thành phố.
Chỉ sau vài ngày xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà Paris 800 năm tuổi hồi đầu năm nay, thế giới đã cam kết quyên góp hơn một tỷ Euro để tái thiết. Tòa nhà Shard khó có khả năng nhận được phản ứng tương tự từ công chúng.
Sức mạnh của hiệu ứng Lindy - và mối quan hệ giữa kiến trúc và văn hóa - cũng có thể được nhìn thấy trong nỗ lực của những người muốn loại bỏ cái gì đó cũ kỹ.
Lấy lý do là để đảm bảo tính hiệu quả và để bài trừ tình trạng sùng bái thần tượng, Ả-rập Saudi trong vài thập kỷ qua đã phá hủy một lượng lớn các di sản cổ xưa của họ, nhằm đáp ứng cho cả con số lượng khổng lồ khách hành hương đến thăm thánh địa Mecca lẫn ý thức hệ siêu bảo thủ của giới cai trị đất nước.
Phần lớn văn hóa và di sản của đất nước bị coi là mối đe dọa đối với ý thức hệ này, có lẽ bởi vì những thứ đã tồn tại trong nhiều thế kỷ đó có thể sinh ra lòng trung thành phức tạp và bền vững hơn những gì mà giới cai trị cảm thấy chấp nhận được.
Chuyện tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc hiện đại, với việc phá trụi và tẩy rửa thành phố nhân danh hiện đại hoá và thanh lọc ý thức hệ - một chiến lược mà trong những năm gần đây đã chuyển thành những hành động quyết liệt chống lại người Hồi giáo ở nước này.
Sự mong manh
Tại thời điểm này, sự phù hợp theo nghĩa tiến hóa - những gì chứng minh giá trị và khả năng thích ứng bằng cách sống sót - dường như mâu thuẫn với một trong những nguyên tắc cơ bản của lập luận trên.
Nếu bạn không thể đưa ra những lý do chính đáng cho điều gì đó, thì thật không hợp lý khi tin vào nó; và nói rằng 'lâu nay mọi thứ vẫn như thế' chắc chắn không phải là lý do tốt để tiếp tục làm điều gì đó.
Tuy nhiên, điều này chỉ là vấn đề nếu chúng ta nhầm lẫn giữa các 'lý do tốt' được hiểu theo nghĩa là các lý do thuyết phục - với các 'lý do tốt' được hiểu theo nghĩa là đáng khen ngợi hoặc đáng được mong đợi về mặt đạo đức.
Rất nhiều những tập quán khủng khiếp có một sức mạnh vô cùng lớn, vì những lý do bắt nguồn từ những phần đen tối nhất trong bản chất con người: nô lệ, giết người, hãm hiếp, cuồng tín.
Những tội ác đen tối nhất của con người cũng là những tội ác được chứng thực từ xa xưa nhất - và chính vì lý do này mà bất kỳ nỗ lực nào để giảm thiểu và vượt khỏi chúng cần phải được bắt nguồn tương tự trong việc đọc kỹ lưỡng lịch sử.
Hiệu ứng Lindy là một nửa bộ công cụ mà Taleb dùng để phân tích tương lai. Nửa còn lại cũng quan trọng không kém: sự mong manh.
Một cái gì đó mong manh khi, thay vì thích nghi và sống sót, nó vỡ tan thành từng mảnh ở cú sốc lớn đầu tiên.
Trong sơ đồ tiến hóa của sự vật, các sinh vật đơn lẻ cực kỳ mong manh - nhưng sự mong manh này phục vụ cho sự mạnh mẽ hơn của giống loài của chúng.
Tính đa dạng và cạnh tranh khiến các loài có khả năng thích nghi và đổi mới từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và tính cực kỳ đa dạng của sự sống trên hành tinh này đảm bảo cho một số cá thể sống sót thậm chí sau những sự kiện thảm khốc nhất.
Khi nói đến sự sáng tạo của con người - các tòa nhà, đồ tạo tác, ý tưởng - có một sự đa dạng trong thích ứng tương tự.
Những tòa nhà cứng cáp nhất cũng vẫn là mong manh, nhưng cảm xúc và ý tưởng khiến chúng ta ngưỡng mộ, duy tu một số ít những công trình này lại rất mạnh mẽ.
Tương lai là quá khứ
Tương tự như vậy, mặc dù các đồ tạo tác cá nhân có thể mong manh, chuỗi tiếp nối của chúng có thể sẽ tiếp tục duy trì nếu chúng phục vụ và mở rộng các nhu cầu có gốc rễ sâu.
Do đó, có cặp thần chú của những nhà sáng tạo: "nó giải quyết được vấn đề quan trọng nào?" và "nó làm cho cuộc sống dễ dàng hơn như thế nào?"
Nếu một nhà sáng tạo không thể trả lời một trong hai câu hỏi này về một sự sáng tạo nào đó - nếu bạn không thể kết nối cái tạm với cái vượt thời gian - thì có lẽ bạn nên chờ đợi thay vì đánh cược vào việc đầu tư vào ý tưởng sáng tạo đó.
Nếu bạn muốn nghĩ về tương lai ở khía cạnh mong manh và mạnh mẽ, bạn có thể phác thảo một dạng đẳng thức dựa trên điều trên.
Tương lai là những mảnh quá khứ đã phát triển và bền vững, trừ đi những phần của hiện tại mà có khả năng bị rạn nứt, vỡ vụn nhiều nhất.
Đây chính là chỗ mà chúng ta nên xem xét nếu chúng ta hy vọng sẽ đưa ra những dự đoán có ý nghĩa: hai thái cực của sự thích nghi và bất cập.
Xu hướng có sức hút mới là gì? Điều hoành tráng kế tiếp là gì? Dù lớn đến đâu, nó gần như chắc chắn không trụ được lâu. Chỉ có rất ít thứ có thể trụ vững lâu dài.
Như tác giả William Gibson viết: tương lai thì đang ở đây, nhưng những phần quan trọng nhất của nó thì đã xảy ra từ rất lâu trước đó.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét