Truyện Trương Quang (Văn Việt )
Ông đã về hưu từ năm năm nay.
Ông sống trong một đất nước yên bình, hoa cỏ, cảnh vật thay đổi bốn mùa như tranh vẽ trong truyện thần thoại. Thế nhưng, ông không bao giờ có được một giấc ngủ yên lành, trọn vẹn. Ông thường tỉnh dậy vào nửa đêm, gần sáng, với một cảm giác bất an, tuyệt vọng như một con thú hoang bị đám thợ săn giấu mặt thường xuyên truy lùng, bám sát, không một phút nào ngưng nghỉ. Ông thấy mình đã hoàn toàn kiệt lực sau một cuộc chạy việt dã dài vô tận và vô ích. Những ngày tháng phía trước không dẫn tới một (những) con đường, mà một ngõ cụt, một bức tường. Ông không thể bước tới phía trước như những năm đã qua, và cũng không thể quay lại, như một lối thoát còn có thể chọn lựa. Phía trước ông giăng một cái bẫy chờ lùa ông vào một quyết định bức tử.
Ông thực sự muốn (được) dừng lại, không phải để lấy lại hơi thở hoặc nghỉ ngơi đôi chút, mà chỉ để được nằm lăn ra, bất cứ ở đâu (một bãi cỏ xanh mướt, thềm bê-tông thô tháp, hay gầm cầu lộng gió), buông tay, nhắm mắt. Ông cũng không màng dõi mắt một lần cuối lên bầu trời trong xanh, lâu nay đã hào phóng ôm ấp, bao bọc, cung cấp nguồn sống và lý do để sống cho mình trong mấy chục năm qua. Ông muốn được thầm thì với chính mình (chỉ đủ cho riêng mình nghe): “Thôi, xuôi tay, nhắm mắt cho rồi”, sau lời tự thú ngắn ngủi “Mệt quá rồi, không thể chịu đựng được nữa!”.
Những ngày chờ đợi dài, ông thấy thích khái niệm antichambre (tiền sảnh), trong giai đoạn ông đang “trú ẩn” tạm thời trước khi bước vào vùng miên viễn, đầy mơ hồ và rặt ảo tưởng. Nó phân biệt rành rọt hai cảnh giới: khách viếng được gia nhân đưa vào phòng chờ, chỉnh sửa trang phục, chuẩn bị ngôn từ, chọn lựa thái độ thích hợp; trước khi bước vào phòng khách gặp chủ nhân để bắt đầu cuộc diện kiến và đối thoại.
Điều đáng nói là ông (tuy tự nhận là đang mon men cửa Phật) không có hoặc chia sẻ những cảm giác hoang mang, hiếu kỳ của một người đang đứng chờ ở một tiền sảnh nào đó, háo hức sắp được bước qua một không gian vô cùng, lạ lẫm, đầy những điều huyền diệu, của một cảnh giới khác. Ông cũng đang đứng ở một tiền sảnh, nhưng không hề chuẩn bị, hay có ý định bước vào phòng khách lớn, mà chỉ muốn bước ra, lùi lại về phía sau, trở về với bầu trời trong xanh, hạn hẹp, nhưng là của riêng mình. Nhưng không thể được nữa.
Ông không biết tại sao mình đã quyết định về thăm quê lần này. Hiện ông đang ở giữa những cái gì hằng ngày vẫn canh cánh bên lòng, nhưng không thể ôm giữ được trong tay. Ông tự thấy mình như một cụm mây nhỏ nhoi cố nương theo những tảng mây lớn đang lơ lửng, mời gọi giữa trời cao vô cực, nhưng không thể hoà mình được vào cõi không gian tự do vô hạn đó. Một cảnh giới ông hoàn toàn không thể ảnh hưởng, như một vòng cầu vồng ngũ sắc thoát hiện, bao quanh, rồi tự tan biến nhanh chóng.
Hai ngày nay ông ngồi trong nhà tránh cơn nắng gay gắt kéo dài từ tháng tư, tự nguyện từ bỏ quyền thong dong, lang thang hít thở, lơ đãng đếm bước trên những con đường vô định. Khi ông đang đứng ở cuối hành lang một tòa nhà cao ngất, nhìn ra cơn mưa đầu mùa bất chợt đổ xuống như một sự trừng phạt giận dữ từ trời cao, sau một cơn hạn hán kéo dài khiến con người khô khốc vì tuyệt vọng, người bạn đang làm việc ở trung tâm thành phố điện thoại hỏi, khi ông cho biết trời đang mưa:
“Ở đó có view nhìn ra mưa không?”.
Ông mau mắn, như có câu trả lời sẵn:
“Có cái cửa sổ nhỏ ở cuối hành lang tầng lầu nhìn ra ngoài trời. Từ độ cao này, một người có thể kết thúc đời mình một cách gọn gàng, chóng vánh!”.
Người bạn của ông chấm dứt cuộc nói chuyện đột ngột sau khi nghe câu trả lời của ông. Ông đứng đó nhìn những mảng mưa rào đang ào ạt đổ xuống, cố nhớ lại những gì mình đã nói, nhưng đầu ông rỗng không như một lon thịt hộp đã được vét sạch. Những gì vừa thoát ra từ miệng ông đã bị tẩy xóa, không còn lưu lại dấu vết. Ông nhướn người qua hàng rào an toàn từ lầu cao, nhìn xuống bãi cỏ xanh bên dưới, đang thu nhỏ dần lại trong mắt ông, như ống kính của một chiếc máy ảnh, tự nói với mình: “Đó không phải là nơi và cách lý tưởng cho mình tự bức tử”.
Và ông bình thản đứng ngắm mưa cho đến khi người em gọi vào ăn cơm chiều. Bữa cơm không có món cá nục biển thường ông rất thích, từ suốt tháng nay. Bỗng dưng ông có cảm tưởng như có một thanh sắt mỏng đỏ rực xuyên suốt lồng ngực, đâm thẳng vào giữa trái tim mòn mỏi của ông.
Ông chảy nước mắt khi nhìn xuống chén cơm trắng trước mặt.
***
Một buổi sáng thức dậy, ngồi vào bàn viết như thường lệ, bỗng dưng ông ngộ ra số phận bí hiểm, tưởng như may mắn, nhưng lại là đầu mối của nỗi cô đơn khốc liệt hiện tại của mình. Ông luôn luôn là người thứ ba còn sống sót sau những ngày tháng thăng trầm, đau buồn của đất nước. Cuộc đời của ông có vẻ như dài hơn các bạn bè và đồng nghiệp thuở thiếu thời, thân thiết của ông, nhưng sự lạc lõng giữa một cuộc sống càng ngày càng mở rộng ra, khiến ông cảm thấy nhạt nhẽo và vô nghĩa. Ông bắt đầu một cuộc sống có chọn lựa, chỉ nghĩ, nhìn, nghe những gì giản dị, không lưu lại gì trong trí nhớ, để có thể bắt đầu lại một ngày mới, như một trang giấy trắng chưa có tì vết.
Sau những lần tìm tòi, tự vấn đó, ông lại thấy đầu óc mình rỗng tuênh toang. Ông không thấy mình bận bịu, vương vấn với bất cứ một điều gì cụ thể trong ngày. Có khi có vẻ như rất rảnh rỗi, nhưng ông không thấy mình nhàn tản để có những giây phút “thân tâm thường an lạc” như bạn bè và sách thánh hiền khuyên nhủ, cầu chúc.
Ông bắt đầu đọc sách giáo lý Phật và cuốn The Tibetan Book of Living and Dying của Sogyal Rinpoche, mong bắc được cây cầu nối giữa hai cảnh giới sống và chết. Sống thì ông đã trải qua, đau đớn lẫn hưng phấn; nhưng chết thì vẫn còn nguyên xi một vùng đất lạ, một khuôn mặt vô hình, bí hiểm mà ông vẫn chưa thể định hình. Ông không ngại (sợ) đi vào cõi ấy và đối diện với những khuôn mặt dữ-lành, thân thiện-tàn ác như người đời thường mô tả để răn đe. Ông chỉ hiếu kỳ và có đôi chút hoang mang vì chưa có một ý tưởng và hình dung rõ rệt về cõi-sống-sau-cái-chết đó. Nhưng tự chuẩn bị để sẵn sàng đi vào vào cõi vô minh đó thì “tại sao không?”, ông nghĩ.
Thật ra, ông đã có dịp tiếp cận với cõi không gian chuyển tiếp giữa hai cảnh giới, khi đi thăm một người bị ung thư ở thời kỳ cuối. Khu Terminal Zone, nơi bạn ông nằm chờ, đã vật vã, đau đớn vì hoang mang nhiều hơn là từ mức lan tỏa của đám tế bào nguyên tử hùng hổ đục khoét, tham lam gặm nhắm những sợi máu tươi còn lại. Nơi đó có thể coi là một tiền sảnh đúng nghĩa. Những bức tường được quét màu tươi nhạt, những bức tranh thanh nhã, hài hòa, những bác sĩ và y tá lúc nào cũng nở nụ cười trên môi, lời lẽ ân cần, lịch thiệp, thân thiện. Tất cả đều được “lập trình hóa” khéo léo và thông minh, góp phần tạo cho những bệnh nhân đang chờ bước vào “phòng khách”, đến một cảnh giới không thời gian/không gian, tràn đầy thức ăn, nước uống ngon lành, âm nhạc véo von và chim muông nhàn hạ, nhởn nhơ ca hát suốt ngày, như con người đã được hứa hẹn và mơ mộng. Nhưng trong suốt thời gian viếng thăm, ông cảm nhận được sự phân cách cảnh giới rạch ròi giữa những con người di động/nằm trong không gian hạn hẹp đó. Một nhóm người áo quần ngăn nắp, da dẻ hồng hào, thì luôn luôn nở nụ cười; những người kiệt lực khác thì nằm như dán chặt trên giường, mặt mày tiều tụy, ốm yếu, đầu tóc nhẵn nhụi vì những cuộc xạ trị liên tục, thường hiếm có một nụ cười nào trên môi, lại thường hay quạu cọ, nhăn nhó. Có lẽ ông quá giàu trí tưởng tượng hoặc xét nét thái quá, nhưng ông không thể chịu được sự phản tác dụng của cái hệ thống có dụng ý tốt đẹp đó. Nó như đảo ngược qui trình tiến hóa trước/sau giữa hai cảnh giới, với đôi chút mỉa mai, cay độc đối với những người hay tủi thân, mặc cảm và mẫn cảm như ông.
Chính lần thăm viếng người bệnh đó đã dẫn ông đến ý định viết chúc thư, nhưng ông đã viết rồi lại xé bỏ đi nhiều lần. Ông vẫn chưa biết rõ mình muốn cái gì, viết cái gì, để lại cho ai? Viết cho mình thì tất cả những ý nghĩ chính và cần thiết đã nằm sẵn trong đầu ông, không cần phải viết, thổ lộ ra trên giấy. Vả chăng, như một người viết tiểu thuyết, ông không thể bắt đầu khi chưa có khung ý, dự trù diễn biến tâm lý của các nhân vật và chưa định sẽ kết thúc thế nào, happy ending hay không. Ông tự nhủ, trong bất cứ kịch bản nào cũng không nên bi-hài hóa, nhất là tạo cho mình một “kết thúc toàn hảo”, để khỏi phải đỏ mặt, xấu hổ khi đọc lại điều mong ước mà chính mình đã viết cho mình, như một kẻ “tự sướng”.
Sáng nào ông cũng rời nhà, đi dạo một vòng, theo một lộ trình cố định, để có những giây phút đơn độc, yên vắng và thư giãn cho một người ít việc, nhưng đầu óc luôn bận rộn, xáo trộn như ông.
Sáng nay trên con đường lót đá xám, thô tự nhiên, vung vãi những cành cây khô đã bị cơn mưa gió cuồng nộ đêm qua giật ra từ những hàng cây dọc hai bên đường vứt xuống, cùng với những vũng nước đọng và những bãi cứt chó nhẽo nhẹt, khiến ông phải liên tục điều chỉnh bước chân trong suốt cuộc đi dạo.
Khi qua khỏi khúc quanh, trước khi về nhà, ông bỗng giật mình kinh hãi nhận ra mình không nhớ lại được một điều gì đã nghe, đã thấy, trong cuộc đi dạo mới xảy ra đây thôi, như chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm vào được và định dạng rõ ràng. Ông kinh hãi vì đã đi suốt lộ trình dạo buổi sáng như thường lệ, gần một tiếng đồng hồ, mà như mình vẫn đứng yên một chỗ, không chuyển dịch một ly phân. Trong lúc cùng quẫn, ông nghĩ khi mất khả năng nhận thức thông thường, có thể là lúc ông sắp bước qua “tiền sảnh”, để bước vào vùng an lành, vĩnh cửu hơn.
Lúc vào nhà, ngã người trên chiếc ghế dựa trước màn hình TV, ông lại nhớ mới tối hôm qua đây thôi, ông đã đọc mẩu tin dự đoán Alzheimer sẽ trở thành một “căn bệnh thời đại” phổ biến trên toàn cầu. Riêng nơi ông đang cư ngụ, số bệnh nhân có thể tăng lên đến nửa triệu người, trên tổng số dân tròm trèm 17 triệu; một con số dự đoán khiến ông vừa kinh hãi, vừa tò mò về hậu quả liên quan đến nhóm bệnh nhân tiềm năng đầu bảng là những người đã có tuổi như ông.
Những tin tức và khám phá mới nhất về chính mình sáng nay sau cuộc đi dạo (để đầu óc thanh thản) đã khiến ông rối rắm, nhưng không thể chia sẻ được với ai. Ông đã đọc và nghe kể về rất nhiều trường hợp thay máu, tim, thận, tủy sống…, và kỳ diệu hơn nữa, có khi bị lấy hẳn đi một quả thận, một lá lách, một lá phổi… nhưng bệnh nhân vẫn có thể sống, hoặc trong nhiều trường hợp, còn có thể kéo dài cuộc sống thêm vài chục năm nữa. Nhưng ông chưa từng nghe hay chứng kiến một cuộc thay não nào, để đổi mới hoàn toàn bộ nhớ, như trường hợp ông đang cần, sáng nay. Và chính vì thế, ông đã sống những ngày hầu như tuyệt vọng, vô thức tương tự như một zombie di động trong bộ phim truyện Walking Dead, ông và nhiều người đã/đang xem, mặc dù hờ hững.
Một lúc nào đó, rất tình cờ, não bộ được kích động, bất chợt tỉnh giấc và còn mơ màng trong cõi ý thức/tiềm thức/vô thức, ông chợt nhớ lại một mẩu email, người em gửi cho ông cách đây không lâu, khi thấy những tấm hình ông chụp cảnh câu cá trên con kênh trên đường đi dạo hằng ngày mà ông đã “treo” trên FB. Người em trai rủ rê ông sang thăm và câu cá sturgeon cho đỡ buồn. Thứ cá “tầm” sống trong thiên nhiên đã làm những tay câu (chuyên nghiệp hay tài tử) mê mệt, chỉ tồn tại ở hai nơi trên thế giới là Mỹ và Nga. Ông lục lại hộp thư, đọc qua chi tiết, tự nhủ: “Tại sao không?”, mặc dù ông không thuộc một trong hai hạng người câu cá người em mô tả. Điều ông cần là sự phục hồi chức năng ghi/nhớ hầu như đã kiệt quệ vì mệt mỏi và tự chất vấn, bằng phương pháp thiên nhiên, đơn giản và ít phiền hà nhất. Và vợ ông đã thu xếp chuyến đi cho ông, trong vòng một tuần lễ. Ông tự thấy nặng người thêm vì biết ơn người đàn bà đã trung thành sớm hôm với mình, bao bọc mình gần hơn một nửa thế kỷ. Ông nghĩ nếu bộ não ông được thay thế hoàn toàn, ông sẽ vẫn lò mò tìm về với những hình ảnh không thể xóa nhòa của vợ và người mẹ của mình trong cuộc đời đã khá dài và phức tạp của ông, như một người đui mù loay hoay với điểm sáng lung linh mơ hồ, để trầm mình, rồi tự chết đuối trong biển quá khứ mênh mông, êm đềm.
Một ngày sau khi ông đến Mỹ, người em trai chuẩn bị những trang bị đủ loại dụng cụ lỉnh kỉnh cho một chuyến đi câu suốt một ngày, ở hồ chứa nước trên đập Bonneville Dam, ở Portland. Cảnh trí hùng vĩ, cỏ cây xanh mướt, khiến có lúc ông hoàn toàn đắm mình vào thiên nhiên, liên tưởng đến những phút giây thư thái, khi dừng chân đứng bên chiếc cầu nhỏ, thẫn thờ nhìn xuống vùng nước trong xanh bên dưới, trên con đường di dạo hàng ngày của ông ở phía bên kia đại dương. Nước xanh, trong và vắng lặng đến nỗi những con vịt di chuyển trên đó không tạo ra một vệt sóng lăn tăn hay tiếng động nào.
Người em trai chọn những địa điểm thích hợp, cách quãng xa những người đi câu khác, gắn mồi, vung lưỡi câu và cước nối ra xa, rồi cẩn thận chèn cần câu vào giữa hai tảng đá. Ông cũng thực hiện những động tác tương tự, nhưng ngồi tại chỗ, giữ cần câu trong tay, không bỏ đi nói chuyện phiếm với các tay câu khác, như em trai.
Ông ngồi đó, trầm ngâm, thả hồn hòa chung vào cảnh vật xung quanh. Có lúc ông tưởng như nghe thấy những tiếng nói phát ra từ cỏ cây và những con cá dưới nước, muốn trao đổi, tâm sự với mình. Ông thấy mình trở nên tươi trẻ, sáng láng, năng động, như những sinh vật đang giao hòa quanh ông.
Ông ngồi bất động như một người đã quên mình trong một cảnh giới khác, cho đến khi bất ngờ có tiếng la lớn và nhiều tiếng chân dồn dập chạy về hướng của ông. Ông giật mình thấy chiếc cần câu đang cầm trong tay rung động mãnh liệt và cuộn dây cước tiếp tục tuôn băng băng ra phía trước như chiếc thang máy mất trọng lực. Người em trai nhanh chóng giật lấy chiếc cần câu từ tay ông, rồi cùng với hai người bạn câu khác ra sức trì lại sức kéo mạnh mẽ của một sinh vật vô hình dưới nước sâu. Sau gần nửa tiếng đồng hồ kéo/trì, đối thủ bên đầu kia đã mỏi mệt, buông thả theo chiều cước cuốn vào. Một thân cá sturgeon nổi lên, vẫy vùng trên mặt nước, được một người bạn câu tóc vàng, vai rộng vớt vào lưới, cùng với người em trai và một người kéo con cá mắc câu lên bờ. Kích cỡ đồ sộ của con cá khiến mọi người ngạc nhiên và vỡ òa trong hưng phấn. Họ lăng xăng lục lọi trong túi xách, lấy ra những loại máy hình, quay phim và điện thoại di động để ghi lại “giờ phút hiếm có” của đời câu cá tài tử. Con cá dài 11 feet, nặng gần 300 pounds. Người em trai của ông phải đứng trên bục đằng sau chiếc truck, thêm một chiếc ghế, ôm đầu con cá, giữ thân không chạm đất để chụp tấm hình “lịch sử” ghi dấu một kỷ lục đáng ra là của ông, nhưng ông đã từ chối không nhận.
Ông không nhận vinh dự đó, nhưng vui vì các bạn câu đã lần lượt bắt tay chúc mừng ông và con cá lại được thả trở về với nước, với một chút rách ở miệng do cuộc dằn co thắng/thua kéo dài nửa giờ vừa rồi. Những người đi câu tài tử hay chuyên nghiệp đều tôn trọng luật thành văn hay luật “giang hồ”. Những con cá dài từ 42 đến 60 inches (trước dây là 36-65 inches) đều phải trả về với nơi chúng sinh sống, để giữ cân bằng sinh thái, sự bền vững của thiên nhiên và nguồn giải trí cho con người không bị cạn kiệt.
Những giờ sau đó, em trai ông và những người bạn câu đã bắt được nhiều con cá trong khổ cho phép. Ông trả lại cần câu, bỏ đi lang thang và ngồi trên một mỏm đá nhìn cảnh vật mông lung, cho đến khi người em ra gọi đi về. Tối đó ông được đãi món gỏi sturgeon, được thái từng lát mỏng, trộn với đậu phụng, rau răm, bánh tráng cuốn với rau sống, chấm với nước-mắm-ớt-tỏi, ăn tái chanh như “thịt bò bảy món”. Ai cũng trầm trồ, ngồm ngoàm thú vị, nhưng ông chỉ thử một miếng cho biết, rồi thôi. Suốt đêm hôm đó, ông tưởng như nghe được tiếng than khóc thảm thiết của những con cá nạn nhân.
Sáng ngày hôm sau, ông thức dậy với một cái đầu vẫn còn mung lung vì khác biệt múi giờ, một mình ra nhà chứa xe của người em trai, mang cái hộp đồ câu ra đầu sân, nơi ánh sáng ngọt ngào của sớm mai đổ xuống từng đợt qua những chùm lá xanh trong cùng với tiếng chim hót rộn ràng, dễ thương của đủ loại chim. Ông mở cái hộp, dùng kềm uốn thẳng những chiếc lưỡi câu đã dùng trong lần đi câu một ngày trước đó. Ông thực hiện việc đó một cách tỉ mỉ, đầy thành tâm và tập trung cao độ, có khi tự thủ thỉ những lời vô nghĩa với mình như một người cha già lui cui với chiếc rựa vót tre, phất giấy bóng để tạo cho đứa cháu trai đích tôn một con diều giấy. Người em trai từ sân sau đến đứng sau lưng ông, chứng kiến tất cả những động tác quay chậm như trong một cuốn phim câm qua hai vai xuôi xị của ông. Anh lặng lẽ đi vào nhà.
Người em trai hiểu và chia sẻ tâm trạng của ông. Ông không thể làm buồn lòng hay gây đau đớn cho bất cứ một sinh vật nào nữa trên Hành-tinh-trái-đất (nơi ông đang sống và góp phần tàn phá vô tội vạ), kể cả những sinh vật không được xếp vào loại biết suy nghĩ và tinh khôn hơn, như ông và đồng loại. Ông miên man nhớ lại những gì Hemingway đã kể lại trong The Old Man and the Sea. Cuốn truyện mỏng lét, chỉ nhỉnh hơn một trăm trang giấy in chữ lớn (rất hợp với thị lực của những người già như ông), nhưng chứa chất một sức nặng ngàn cân của những con chữ, thể hiện tập hợp những ý niệm vô bổ, vô ích, vô lý, vô luân, vô nhân, vô thường, vô tích sự, vô duyên và vô số những thứ “vô” (không) khác, như những nhãn hiệu dán chồng chất lên trên thân thể một con cá biển rất nhỏ bé trong đại dương bao la. Nhưng cái sinh vật thể không-đáng-để-quan-tâm đó đã kiên trì, bền gan, thách thức một lão ngư dân dày dặn sương gió và đầy kinh nghiệm nghề nghiệp ở Nam Mỹ phải vật vã, khốn khổ từng giây từng phút, trong một cuộc giao tranh tưởng như không tương xứng, trong suốt một tuần, để sống còn, với một kết cục lãng xẹt.
Không có những chuyến đi câu nào khác nữa trong suốt thời gian ông ở lại thăm nước Mỹ. Cũng không có những cuộc đi thăm thú lòng vòng, họp mặt hội ngộ bà con/bè bạn, ăn uống vui đùa, phè phỡn. Cũng không có những tấm ảnh selfie treo lên FB cho tất cả trầm trồ, ngưỡng mộ hay thèm khát. Ông trở lại ít nói, đăm chiêu và hầu như mất trí nhớ. Ông chỉ hồi phục trở lại khi về đến nhà, ngồi trong chiếc ghế dựa trước TV, chờ bữa cơm vợ ông đã nấu sẵn, đầu vẫn còn lâng lâng sau chuyến bay dài, nhưng yên tâm trong cảnh nhà thân quen.
Những ngày sau đó, ông tự kết luận mình như một con bệnh, mang mầm ung bướu ở giai đoạn cuối tất yếu, không còn hy vọng nào nữa để tiêu hủy đám tế bào nguyên tử đang phát tán ra toàn thân và não bộ, thì không còn lo âu, sợ hãi hay hiếu kỳ gì nữa. Ông có thể bình thản rời tiền sảnh hay terminal zone để bước qua cảnh giới mênh mông và mông lung bên cạnh. Chỉ cần một bước ngắn nữa thôi. Rất ngắn.
Mùa cá chết.
5-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét