27 thg 12, 2019

CHUỘT NA-UY ( Từ Vanvn.net )

Naguib Mahfouz là nhà văn lớn của văn học Arab. Ông sinh năm 1911 tại Cairo (Aicập) và mất năm 2006 cũng tại thành phố này. Mahfouz đã viết tới 34 cuốn tiểu thuyết và hơn 350 truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết lớn nhất của ông là Bộ ba tiểu thuyết (The trilogy) (1956 - 1957).
Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.(Ảnh từ Wikipedia )

Thật  may mắn là không chỉ có riêng chúng tôi phải khổ sở. Ông A. M, người đứng đầu tòa nhà, đã mời chúng tôi tới căn hộ của ông để trao đổi ý kiến. Có không quá mười người đến dự, gồm cả ông A. M là người mà ngoài việc đứng đầu tòa nhà, còn là người cao tuổi nhất và khá giả nhất. Nhưng như vậy đã cho thấy không ai quên không tới dự và làm sao mà quên khi mà mọi người cần phải biết làm thế nào để đối phó với chuột, với khả năng chúng có thể xâm chiếm các căn hộ, đe dọa đến sự an toàn của chúng tôi. Ông A. M bắt đầu nói bằng một giọng quyền uy:
“Như tất cả chúng ta đều biết...”, sau đó nêu ra những gì báo chí đã đề cập tới sự sản sinh của chuột, số lượng khổng lồ và sự tàn phá khủng khiếp của chúng đối với con người. Có nhiều giọng nói vang lên trong phòng.
“Những gì người ta nói thật khó tin”.
“Chúng không phải là chuột thường. Chúng còn tấn công cả xe hơi và người”.
“Có khả năng là mọi thứ đã được cường điệu lên một chút không nhỉ?”.
“Không phải, không phải... sự thật còn lớn hơn cả cái đã bị cường điệu”.
Sau đó, với vẻ trịnh trọng, ông A. M nói, “Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng không đơn độc. Điều này đã được ngài thống đốc xác nhận với tôi”.
“Nghe hay quá!”.
“Do đó, tất cả những gì chúng ta cần làm là thực hiện tỉ mỉ những hướng dẫn do tôi và nhà chức trách truyền đạt”.
“Cái này có tốn kém nhiều không nhỉ?”, một người trong chúng tôi hỏi.
Nghe hỏi vậy, ông ấy phải dùng đến một câu kinh Koran để trả lời, “Thượng đế không đòi hỏi ai điều gì ngoài khả năng của họ”.
“Vấn đề là phải không được quá tốn kém”.
Lần này, ông ta phải dùng đến một câu cách ngôn, “Cùi không sợ lở”.
Tới lúc đó, có người nói, “Chúng tôi hy vọng các ông sẽ hợp tác với chúng tôi”.
“Chúng tôi ở bên các bạn”, ông A. M nói, “Nhưng đừng hoàn toàn dựa vào chúng tôi. Cũng hãy dùng khả năng của các bạn, hãy bắt đầu bằng những cái đơn giản”.
“Thì vậy, nhưng những cái đơn giản là những cái gì?”.
“Bẫy và thuốc độc cổ truyền”.
“Được”.
“Nuôi mèo ở cầu thang và trên mái nhà, càng nhiều càng tốt. Nếu điều kiện cho phép, cho mèo ở khắp nơi trong căn hộ”.
“Nhưng nghe nói chuột Nauy tấn công cả mèo?”.
“Mèo sẽ không vô dụng đâu”.
Chúng tôi trở về nhà với tinh thần, với quyết tâm cao. Chuột đã sớm ngự trị trong những nỗi âu lo của chúng tôi. Chúng thường xuyên xuất hiện trong những giấc mơ, chiếm hầu hết thời gian trong các cuộc trò chuyện, thu hút chúng tôi, như là vấn nạn chính của cuộc đời. Chúng tôi bắt đầu tiến hành các hành động phòng bị như đã hứa, như để đối phó với việc kẻ thù đang tới gần. Một số người nói rằng chúng tôi sẽ không phải chờ lâu, trong khi kẻ khác thì nói một ngày nào đó, chúng tôi sẽ thấy chuột chạy ngang qua và đó chính là kẻ truyền tin cho những nguy hiểm đang tới.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguyên nhân làm chuột sinh sôi nảy nở. Có ý kiến cho rằng đó là do các thị trấn ven sông đào bị bỏ hoang sau các cuộc di tản, người khác thì nói, đó là do những hệ lụy từ con đập High Dam; cũng có người đổ tội cho sự quản lý kém của hệ thống chính quyền; trong khi đó, nhiều người cho rằng, đó là do Thượng đế giận dữ vì tôi tớ không vâng theo các chỉ dẫn của ngài. Chúng tôi đã có nhiều cố gắng đáng được ca ngợi trong việc chuẩn bị và không ai dám cẩu thả. Một cuộc họp nữa được tổ chức tại nhà ông A. M đáng kính - Cầu xin Thượng đế giữ gìn cho ông ấy. Ông A. M nói: “Tôi vui mừng trước việc các ông bà đã có nhiều biện pháp phòng ngừa và tôi hân hoan khi thấy trên lối vào tòa nhà của chúng ta có rất nhiều mèo. Chắc chắn là không ai phàn nàn về chi phí phải bỏ ra vì phải cho mèo ăn. Chi phí này là không mấy quan trọng khi chúng ta so sánh nó với sự an toàn của chúng ta”. Ông ấy hài lòng nhìn rõ từng khuôn mặt của mọi người, sau đó hỏi: “Bẫy có kết quả gì không?”.
Một người là nhà giáo dục có tiếng đáp: “Tôi bẫy được một con chuột nhắt, giống chuột ở địa phương chúng ta”.
“Dù là chuột gì thì cũng có hại. Nhân đây, tôi cũng nói thêm cho các ông bà biết về sự cần thiết phải tiếp tục cảnh giác khi mà kẻ thù đã ngấp nghé ngoài cổng. Một số lượng lớn thuốc độc làm từ bắp ngô sẽ được phân phát cho chúng ta. Nó phải được đặt ở những nơi có thức ăn thừa như nhà bếp chẳng hạn nhưng cần đặc biệt đề phòng trẻ em, gia cầm, vật nuôi ưa thích ăn phải”.
Mọi việc diễn ra như người đàn ông nói và chúng tôi nói với chính mình rằng chúng tôi thực sự không đơn độc trong cuộc chiến. Chúng tôi đầy lòng biết ơn những người hàng xóm biết lo lắng và ngài thống đốc đáng kính. Tình hình đòi hỏi chúng tôi chắc chắn phải quan tâm tới những mối lo hàng ngày của mình. Một sự thiệt hại không thể tránh khỏi đã xảy ra. Đó là một con mèo ở một nhà nọ bị giết chết và ở một nhà khác, một tá gà cũng lăn ra chết, tuy nhiên, không có thiệt hại nào về người. Thời gian trôi đi, chúng tôi càng ngày càng trở nên căng thẳng, lo âu và sự hồi hộp đè nặng lên trên chúng tôi. Chúng tôi nói với chúng tôi tốt nhất là hãy cứ chờ thảm họa xảy ra. Một ngày kia, tôi gặp một người hàng xóm ở điểm dừng xe buýt và ông ấy nói, “Tôi nghe được từ một nguồn tin chắc chắn là chuột đã hủy diệt cả một ngôi làng”.
“Nhưng không thấy báo chí nói gì!”.
Ông ấy trợn tròn mắt nhìn tôi và không nói gì. Tôi tưởng tượng từng đoàn chuột tràn ngập khắp mặt đất, trong tầm mắt có thể nhìn thấy và lũ lượt người lang thang vô định trong sa mạc, Thượng đế lòng lành, chuyện đó có thể xảy ra chăng? Nhưng có gì là không thể? Thượng đế sẽ cho lụt và hàng đàn chim sà xuống như đã được nói tới trong kinh Koran? Ngày mai, người ta sẽ dừng tranh đấu và quẳng tất cả những gì họ có vào lửa chiến cuộc? Họ sẽ chiến thắng hay nhận lấy sự thất bại?
Ở cuộc họp lần thứ ba, ông A. M xuất hiện trong tâm trạng phấn chấn “Thưa các quý ông”, ông ấy nói, “Chúng ta đã tích cực như có thể. Thiệt hại là không đáng kể và người ta hy vọng sẽ không có hậu quả lớn nào xảy ra. Chúng ta đã trở thành những chuyên gia trong cuộc chiến với chuột và có lẽ trong tương lai, có nơi sẽ mời chúng ta đến. Ngài thống đốc đáng kính cảm thấy rất hạnh phúc”.
Một người trong số chúng tôi bắt đầu phàn nàn: “Thực tế là thần kinh chúng tôi...”.
Nhưng ông ấy đã bị ông A. M cắt ngang. “Thần kinh chúng ta? Anh muốn làm hỏng sự thành công của chúng ta bằng những lời thiếu suy nghĩ à?”.
“Khi nào thì chuột bắt đầu tấn công?”.
“Không ai có thể có câu trả lời chính xác, miễn là chúng ta chuẩn bị cho trận chiến thì sẽ không có hậu quả gì”. Dừng lại một lát, ông ấy nói tiếp: “Những chỉ dẫn gần đây nhất là đặc biệt quan trọng, liên quan tới cửa chính, cửa sổ và các lỗ hổng trên tường hay ở bất cứ chỗ nào. Hãy đóng hết cửa nẻo và hãy đặc biệt quan tâm tới ngạch cửa. Nếu có bất cứ lỗ hổng nào mà một cọng rơm có thể lọt qua thì hãy lấy ván tấn kín lại. Khi bạn chùi và quét dọn vào buổi sáng thì lúc mở cửa phòng, phải có một người thứ hai cầm gậy đứng chực sẵn. Sau đó mới được đóng cửa lại và khi sang lau chùi phòng khác, cũng phải làm y như vậy. Khi lau chùi xong, căn hộ phải như một cái thùng kín, dù thời tiết có như thế nào”.
Chúng tôi ủ rũ nhìn nhau.
“Thật khó mà làm được như vậy”, một người nói.
“Không được, anh phải làm đúng y như vậy khi tiến hành...”.
“Trong xà lim thậm chí còn...”.
“Chúng ta đang có chiến tranh, nếu không nói là đang trong tình trạng khẩn cấp. Chúng ta không chỉ bị sự hủy diệt đe dọa mà còn có cả dịch bệnh - Thượng đế giữ lấy chúng ta. Chúng ta cần phải nghĩ tới điều đó”.
Chúng tôi ngoan ngoãn thi hành những gì được chỉ dẫn. Chúng tôi ngày càng bị chìm sâu trong mớ bòng bong của sự ngờ vực, đề phòng, mệt mỏi và chán nản. Sự căng thẳng thần kinh gia tăng và chuyển thành những vụ ỏm tỏi hàng ngày giữa các ông chồng và vợ con của họ. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tin tức, trong khi đó, những con chuột Nauy với thân hình to tướng, ria mép dài, ánh nhìn sắc lém, đã trở thành những con quỉ lang thang trong trí tưởng tượng, trong giấc mơ và chiếm hầu hết thời gian trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi.
Ở cuộc họp cuối cùng, ông A. M nói: “Chúng ta có tin tốt lành là một toán chuyên gia đã được phân công tới để kiểm tra tòa nhà, các căn hộ và các vị trí nguy hiểm mà không nhận bất cứ đồng thù lao nào”.
Thật là tin tốt lành và chúng tôi nghe với niềm vui mênh mông, hy vọng rằng sự căng thẳng mà chúng tôi đang chịu đựng sẽ giảm. Một ngày nọ, người gácdan báo cho chúng tôi biết một viên chức đã kiểm tra lối vào tòa nhà, cầu thang, mái và gara và đồng cảm thông báo rằng những toán chuột đông đúc đang luẩn quẩn đây đó. Anh ta nhắc người gácdan phải thật cảnh giác, thông báo cho anh ta ngay nếu có bất cứ con chuột nào, dù là chuột Nauy hay Aicập, xuất hiện.
Một tuần lễ sau cuộc họp, chuông cửa căn hộ tôi rung lên và người gácdan báo tin vui rằng viên chức kia đang đến và muốn được phép thanh sát. Giờ này thật không tiện vì vợ tôi đang chuẩn bị cơm, dù vậy tôi vẫn đi ra đón anh ta. Tôi thấy mình đang đứng trước một người đàn ông trung niên, thân hình cường tráng, ria mép dày, khuôn mặt vuông, mũi hếch, ánh nhìn sắc lém, làm tôi liên tưởng tới một con mèo. Tôi chào anh ta, cố che giấu tiếng cười to và nói với mình rằng, người ta khá có khiếu trong việc chọn nhân viên. Tôi bước trước anh ta và anh ta bắt đầu xem xét bẫy, thuốc độc, cửa chính, cửa sổ, gật gật đầu đồng ý. Tuy nhiên khi thấy cái cửa sổ nhỏ trong nhà bếp được chắn bằng lưới sắt có lỗ nhỏ, anh ta nói nghiêm nghị, “Đóng cửa sổ lại”.
Vợ tôi định phản đối thì anh ta nói gắt gỏng, “Chuột Nauy có thể cắn đứt lưới sắt”.
Bằng lòng khi thấy yêu cầu của mình được thực thi, anh ta bắt đầu khịt khịt ngửi mùi của thức ăn mà anh ta đã thấy và tấm tắc khen. Tôi do vậy mời anh ta ăn. “Chỉ có kẻ tồi mới từ chối sự hào phóng”, anh ta đơn giản đáp.
Chúng tôi dọn ngay cho anh ta một cái bàn, nói với anh ta rằng chúng tôi vừa mới ăn xong. Anh ta ngồi xuống như thể đang ở nhà của mình và bắt đầu ăn ngấu nghiến, chẳng chút dè dặt và e thẹn. Anh ta ăn như một kẻ tham ăn ngoại hạng. Vì lịch sự, chúng tôi bỏ đi. Tuy nhiên, một lát sau, tôi trở lại vì thấy tốt nhất là nên kiểm tra xem anh ta có cần gì thêm không. Tôi tiếp thêm thức ăn cho anh ta và sau một chốc, tôi thấy hình dáng anh ta có sự thay đổi ngoạn mục. Hình như khuôn mặt anh ta không còn làm tôi nhớ tới một con mèo mà thực tế là một con chuột Nauy. Tôi quay cuồng trở vô để gặp vợ tôi. Nhưng tôi không nói với cô ấy những gì tôi nghĩ mà đề nghị cô ấy cứ vui vẻ với anh ta. Cô ấy bỏ đi một hai phút rồi trở vô, mặt mày xanh lét, sững đơ người nhìn tôi. “Anh có thấy anh ta giống cái gì khi anh ta ăn không?”, cô ấy thở dốc.
Tôi gật đầu và cô ấy thì thào, “Thật hết biết, khó tin nổi”.
Tôi ra dấu đồng ý bằng cách lắc cái đầu đang quay chòng chòng. Hình như sự ngạc nhiên đến hết biết làm chúng tôi quên thời gian trôi qua và chúng tôi chỉ tỉnh lại khi nghe anh ta vô tư nói vọng vào từ hành lang, “Chúc cả nhà thịnh vượng!”.
Chúng tôi đi ra nhưng thấy anh ta đã đến cửa trước và mất tích. Chúng tôi chỉ kịp thoáng thấy tấm lưng anh ta lắc lư và nét mặt có cái cười cười như chuột Nauy. Chúng tôi đóng cửa và đứng chưng hửng nhìn nhau.

: Trần Ngọc Hồ Trường (dịch từ Naguib Mahfouz, The time and the place and other Stories, NXB Doubleday, 1992)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét