20 thg 12, 2019

CHUYỆN PHIÊN DỊCH VÀ NHỮNG GIAI THOẠI

I. Đại cương. 
Từ khi việc giao-tiếp giữa các dân-tộc phát-triển, con người đi gần lại với nhau hơn. Từ đó, có sự trao đổi các thành quả, các kinh-nghiệm sống đến những sáng-kiến, các phát-minh để học hỏi, bổ-sung đã giúp cho nhân-loại tiến-bộ như ngày nay. Một trong những phương cách trong giao tiếp quan-trọng là chữ viết, một phương-tiện ghi lại các trao đổi. Với việc chuyển dịch các văn bản từ ngôn ngữ nầy qua ngôn ngữ khác được gọi là phiên dịch. Bên cạnh đó, khi con người giao tiếp với nhau mà không cùng ngôn ngữ, khi đó cần có người biết cả hai ngôn ngữ để chuyển dịch lại, để hai người khác tiếng nói hiểu nhau, người đó gọi là thông dịch viên. Trong đề tài nầy, chúng ta thử nói đến việc thông dịch, phiên dịch cùng với những giai thoại đáng nói của việc làm nầy.
II. Nhiệm vụ khó khăn của các thông dịch viên. 
Đối với việc thông dịch (translate) cho các yếu nhân trong các cuộc họp, các cuộc đối thoại, những cuộc họp báo hai bên, v.v…, nhiệm vụ của người thông dịch rất cần thiết. Trong các cuộc đối thoại của các nhân vật đứng đầu chính phủ, phiên dịch là một việc làm vô cùng khó khăn cho các thông dịch viên (translator). Họ là người bắt nhịp cầu trong sự liên hệ, đóng vai trò không thể thiếu khi các yếu nhân không biết trôi chảy ngôn ngữ của nhau. Nhiệm vụ có vẻ đơn giản nhưng không phải như vậy. Chỉ cần một sai lầm, một sự thiếu nhạy cảm, thiếu kinh nghiệm, một sơ sót nhỏ...của thông dịch viên là có thể biến cuộc đối thoại không dẫn đến kết quả mong muốn, đôi khi đi ngược lại ý nghĩ của người đã nói ra. Trong đối thọai, một câu nói kèm theo nụ cười, một cái bỉu môi, một cử chỉ lắc đầu v.v… thì những sai lầm của người thông dịch có thể biến nụ cười hay các cử chỉ khác trở thành “hăm dọa”; một sai lầm nhỏ đôi khi có thể làm thay đổi cả cục diện thế giới. Mọi người đều biết rằng các “ông lớn” thường hay có giọng điệu “kẻ cả” nhất là trong bàn cãi hay khi họ hiểu sai ý đối phương. Nhiều khi trong cơn giận dữ, họ không còn giữ được bình tĩnh khi sử dụng ngôn từ, cho dù họ biết họ đang nói chuyện với người nào. Do vậy, người dịch phải biết khéo léo, tế nhị, nhún nhường. Thông dịch viên có thể chuyển đạt từ lời “khen” thành “đe dọa”, hay “chê bai”; hoặc từ quan điểm “mềm dẻo, nhân nhượng” thành “cứng rắn”. Nếu họ biết “hạ giọng” của câu nói, biết bỏ qua chữ “không” hay nói trái đi một chút thì có thể dẫn cuộc đàm thoại, đối thoại đi đến chỗ tốt đẹp.
III. Những tình huống, giai thoại đáng chú ý. 
1. Radio BBC: Trong chương trình “Breaking The League Barrier” do James Robbins đảm trách trên kênh Radio của đài BBC, một số thông dịch viên nổi tiếng đã kể lại những buồn vui, những khó khăn, các giai thoại trong cuộc đời làm nghề thông dịch của họ cho các lãnh đạo quốc gia. Họ thú nhận đôi khi họ cố tình không dịch chữ “không” vì biết tầm nguy hại của từ ngữ nầy. Đôi khi vì vậy, sau đó họ đã nhận lỗi. Thật tế, không có bằng chứng nào cho thấy lịch sử thay đổi do thông dịch nhưng không có nghĩa là ảnh hưởng do họ gây nên không lớn. Xin nêu vài trường hợp đáng nói.
2. Các lãnh đạo có cá tính gây khó cho người thông dịch: Lịch sử cận đại ghi nhận, trong các yếu nhân thế giới, Nikita Sergeyevich Khrushchev, người được mệnh danh là “con cáo già Cộng sản”, được kể là người nóng nảy, vui buồn bất chợt, đôi khi có những cử chỉ và lời nói thô lỗ nhất, đã từng “làm khổ” nhiều thông dịch viên khi họ làm nhiệm vụ. Điển hình, trong cuộc họp thượng đỉnh Paris năm 1960 giữa Tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower và Thủ tướng Nga Nikita Sergeyevich Khrushchev. Những ngôn từ của Khrushchev đã gây cho thông dịch viên nhiều bối rối, phải dứt quãng nhiều lần để tìm từ ngữ thích hợp cho từng tình huống. Giận dữ do việc máy bay U-2 của Mỹ dọ thám đất Nga mới bị bắn hạ, vừa vào cuộc họp, Nikita S. Khrushchev dùng những từ ngữ nặng nề, cứng rắn, to tiếng dần đến độ chửi rủa… Ông không cần dành thì giờ cho thông dịch viên chuyễn ngữ, không cần biết những người khác có nghe ông ta nói hay không,… rồi ông ta bỏ ngang cuộc họp ra về. Ông ta đã quen với thói tính hung hăng, với những hành động mà người ta thường thấy nơi ông ta tại các cuộc họp ở Hội-đồng Tối-cao Xô-viết, với những bài diễn văn dài lê thê từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ mới dứt. Những từ ngữ đầy giận dữ lần nầy của ông đã gây nhiều khó khăn cho người chuyển ngữ trong một hội đàm mà thông dịch viên biết trước sẽ rất cam go do những biến cố mới xảy ra trước đó nhưng vẫn bị lúng túng, không làm tròn nhiệm-vụ.
3. Những khó khăn mà người thông dịch gặp phải:Theo ông Igor Korchilov, thông dịch viên người Nga, người từng phục vụ cho các lãnh đạo Nga từ thời Nikita S. Khrushchev đến Gorbachev, đã kể lại cuộc gặp gỡ giữa Mikhail Gorbachev và George Herbert Walker Bush trong thời gian chiến tranh lạnh sắp chấm dứt. Hai ông thảo luận về vấn đề việc thành lập “Ủy ban Kiểm soát Vũ khí” của hai khối. Khi thảo luận đến chỗ “kiểm soát” thì bị bế-tắc. Vấn đề được đặt ra: “máy bay bên nào được phép bay trên lãnh thổ phía kia để “kiểm soát” việc tuân thủ, thi hành hiệp ước?”. Cuộc tranh luận chú trọng đến hai chữ “kiểm soát” và “bị kiểm soát”.
Sau khi Mikhail Gorbachev nói, Igor Korchilov dịch lại cho Tổng thống Bush nghe. Sau khi nghe, ông Bush yêu cầu Gorbachev lặp lại lời vừa nói. Và sau khi nghe lời của thông dịch viên lời nói của ông Bush, lần nầy, Gorbachev nói ngược lại ý lần nói trước. Về việc nầy, Igor Korchilov kể lại: “Gorbachev không phát âm rõ ràng âm cuối của một trong hai từ ngữ vốn rất quan trọng trong văn cảnh khi đó. Ông ta nói một từ Nga mà tôi nghe thành phía “kiểm soát”, và dĩ nhiên đi ngược lại quan điểm của phía Nga”. Và ông ta thêm: “Ngoại trưởng James Baker và Tổng thống Bush tỏ ra ngờ vực. Họ nhìn tôi và có vẻ thích thú khi Gorbachev thay đổi quan điểm. Nhưng để cho chắc, họ (TT Bush và Bộ trưởng James Baker) yêu cầu Gorbachev nhắc lại điều vừa nói”. Khi tôi dịch ngược lại tiếng Nga, Gorbachev nói: “Không, tôi không nói thế. Tôi nói phía “bị kiểm soát” phải được quyền cung cấp phi cơ chứ không phải phía đi “kiểm soát”. “Sau cuộc họp, tôi gặp TT Bush để xin lỗi. Ông ấy (TT Bush) chăm chú nghe tôi giải thích rồi nói: “Chà, đó là tin xấu!”. “Nhưng đừng lo. Tin tốt là ông đã không tạo ra Thế chiến thứ ba”.
4. Chuyện thông dịch cho Margaret Thatcher: Là một người đàn bà nhưng ngôn ngữ của bà ta rất cứng rắn nên từng mệnh danh “người đàn bà thép” (iron lady), nhất là các cuộc đối thoại liên quan đến chính trị, quân sự, v.v… mà các vấn đề đó đi ngược lại quan điểm về chính trị và lập trường của bà, hay là của đảng do bà lãnh đạo. Ông Charles Powell, cố vấn ngoại giao của bà Thủ Tướng kể lại một giai thoại, trong đó, một câu nói đã đặt thông dịch viên vào chỗ khó xử vô cùng. Ông Charles Powell kể:
-“Một lần, Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu văn phòng Thủ Tướng nên gặp Tổng Thống Congo (một quốc gia Phi Châu). Ông ta là một người nổi tiếng tin theo Cộng-sản, là một nhà Marxist. Vị đại diện Bộ Ngoại Giao Anh gặp đại diện Tổng thống Congo và nhận được yêu cầu TT Congo xin gặp mặt Thủ tướng Thatcher. Sau nhiều nài nỉ, bà miễn cưỡng đồng ý gặp ông ấy (TT Congo)”. “Vị Tổng thống được đưa đến văn phòng bà Thủ Tướng. Sau khi chào hỏi qua loa, ông ngồi xuống đối diện với bà Thatcher. Bà Thủ tướng nghiêng mình tới, với cái nhìn ác cảm, bà nói: “Tôi ghét những người Cộng sản!”. Người thông dịch tiếng Pháp trông thật tội nghiệp, khá là bị sốc, đã dịch thành “Thủ Tướng Thatcher nói bà không hoàn toàn ủng hộ tư tưởng của Kark Mark”. Tôi nghĩ đó là một cố gắng dũng cảm trong hoàn cảnh ấy”. Trong suốt cuộc diện kiến ấy, vị TT da đen nhận được những cái nhìn và cử chỉ không bình thường mà vị nguyên thủ chủ nhà dành cho mình. Còn người thông ngôn, phải cố gắng tối đa trong việc vận dụng khả năng của mình để dịch “trại” đi nguyên nghĩa của các ngôn từ mà bà Thủ Tướng thép đã dùng trong cuộc diện đàm ấy.  Biết được tánh khí của vị nữ Thủ Tướng của mình, chính phủ Anh thường phải chọn lựa các thông dịch viên cừ-khôi nhất của Anh quốc (cho nhiều ngoại ngữ) để làm nhiệm vụ nầy và dĩ nhiện họ phải cố gắng tối đa và nhạy bén để cố gắng làm tròn nhiệm vụ.
5. Chuyện thông dịch của người Mỹ gốc Việt. 
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 11-2000 của vị tonton “mèo chuột” Bill Clinton, một tay trốn lính nhưng lại là “Tổng Tư Lệnh quân đội Mỹ”, rắc rối đã xảy ra liên quan đến chuyện thông dịch. Seam Lâm, một người sinh tại Việt Nam và đã nhập quốc tịch Mỹ, được nội các Clinton chọn là thông dịch viên cho tổng thống trong chuyến Việt du. Khi được chọn, Lâm biết đó là một nhiệm vụ quan trọng khi tổng thống Mỹ sẽ nói chuyện trước người khác ngôn ngữ. Sau buổi dịch bài nói chuyện tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội của Bill Clinton vào ngày 17-11-2000, hôm sau, Sean Lâm bị ông Sandy Berger, cố vấn an ninh Quốc gia của Clinton đuổi việc.
Theo chương trình, buổi nói chuyện của Bill mà người nghe là “sinh viên Hà Nội”, khoảng 400 người, thực chất đại đa số là cán bộ và công an, cởi “đồ lớn” và “áo vàng” ra để đóng bộ đồ sinh viên vào rồi đến dự. Các cô cậu “sinh viên bắt buộc” nầy được “học tập” kỹ đến độ thuộc lòng lời “đảng dạy”: không được vỗ tay bậy bạ, chỉ được vỗ tay 2 lần – một lần trước và một lần sau khi Bill chấm dứt; phải “tuyệt đối” vỗ tay ngắn hơn bài đáp từ của đại diện nhà trường để “giữ lập trường, quan điểm của cách mạng và làm sáng tỏ chính nghĩa của đảng quang vinh”.
Thấy hội trường loe ngoe vài trăm mạng, Bill yêu cầu bắt loa ra ngoài cho nhiều người khác nghe: Hà Nội lại lắc đầu. Trước khi bắt đầu buổi nói chuyện, Hà Nội yêu cầu phía Mỹ đưa bài diễn văn của Clinton cho “trên” (bộ sậu ở Bắc Bộ phủ) duyệt trước, cho dù đại sứ Mỹ tại Việt Nam ra sức hứa hẹn là “không có gì đáng quan ngại”. Cái gì thì cái, “nhập gia” phải “tùy tục” cho qua truông, bài nói chuyện đã đến tay chính quyền trước giờ Clinton đăng đàn. Trong bài diễn văn, đầu tiên, Bill nghiêng đầu làm duyên nhắc đến cái huy chương Bạc môn Thái Cực đạo mà lực sĩ VN kiếm được ở Sydney trước đó để “lấy điểm” với Việt Cộng. Kế đến, Bill khéo léo nhắc đến chuyện người T.T. tiền nhiệm là Jefferson đã từng xin lúa của Việt-Nam để về trồng tại Virginia – nhưng chưa thấy báo chí, tin tức, tài liệu nào nói về chuyện nầy trước đó - làm “người nghe” - được khen “sướng tê người, sướng rên mé đìu hiu” mà không được phép vỗ tay vì đã “thuộc bài” về chuyện vỗ tay rồi.
Bài diễn văn của Clinton đúng là “không có gì” như lời cam kết của tay đại sứ Mỹ tại VN, ngoài một đoạn nói về nhân quyền mà Bill đã nói “lạc điệu”, làm nảy sinh rắc rối. Clinton hứng chí một cách “không bài bản”, điều nầy làm cho Lâm Sean không biết đâu mà dịch, dẫn đến chuyện tréo cẳng ngỗng giữa diễn giả và người dịch. Nội vụ, theo tin AP đã đưa sau đó, một viên chức ngoại giao trong phái đoàn Mỹ cho biết như sau:
“Lâm đã nghiền ngẫm và yên tâm với bài diễn văn của Bill đã được đưa trước. Trở ngại bắt đầu khi Lâm được trao bản mới sửa đổi vài phút trước khi đăng đàn, tuy rằng có thêm một thông dịch viên khác là Thanh Vương, người đứng cạnh bên quầy thông ngôn, có nhiệm vụ nhắc Lâm những chỗ mới sửa lại khác với bản cũ. Vào giữa bài nói chuyện, một phụ tá trong phái đoàn của T.T. Clinton ra lệnh cho Thanh Vương rời vị trí để giúp Bill Clinton trao đổi những mẩu chuyện nhỏ với thính giả sau buổi nói chuyện. Cùng lúc đó, đám ký giả đồng lúc ùa vào quầy thông dịch, nơi Lâm đang đứng để làm nhiệm vụ, gây ồn ào, âm thanh vang ra to, vì hội trường không có vách ngăn tiếng động, làm cho Lâm mất tập trung, bối rối, không biết đâu mà dịch. Chính vì thế, có ít nhất 3 cú điện thoại gọi vào Tòa Đại sứ Mỹ than phiền về bản dịch.
Tại hội trường, một số người gỡ bỏ headset (mang headset để nghe lời thông dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ của Lâm Sean) để nghe Clinton nói bằng Anh ngữ, cho dù họ không hiểu bao nhiêu (vì đa số là “sinh viên dỏm”). Rồi chính Clinton tạo thêm khó khăn nữa khi tăng tốc độ nói mà không dừng lại từng đoạn văn để chờ thông dịch như thông thường các diễn giả hay làm, khi Clinton nói về nhân quyền. Lại nữa, tất cả ngôn từ ông ta dùng không hề có trong bản văn sơ thảo được đưa cho Lâm trước đó. Ngay cả ý chính của ông ta cũng không mạch lạc”.
Cũng theo viên chức ngoại giao Mỹ này: “Thêm vào đó, âm giọng người miền Nam của Lâm một phần cũng tạo “khó nghe” cho thính giả mà đa số là người miền Bắc, nên đã tăng thêm than phiền cho lời dịch của Lâm”. Những nguyên-do khách-quan trong vụ nầy không hoàn toàn do Lâm (bị một số người cho là “dịch… vật”) mà phần nào do chính Clinton và nhóm tùy tùng gây nên. Theo AP, lâu nay, trong các bài phát biểu ngoại giao, không riêng cho bất cứ quốc gia nào, mà cần có chuyển ngữ, bản văn đó cần đưa ra trước với nhiều thời gian hơn cho người thông dịch nghiên cứu trước và nhất là tránh sửa đổi nhiều, nếu thấy không cần thiết. Tiếc thay, phái đoàn Clinton đã không làm được điều này. Thế là mọi lỗi lầm đổ cho Lâm, “trăm dâu đổ vào đầu tằm” như lâu nay vẫn thế. Lâm Sean là người chịu trận. Ngay sau đó, khi được hỏi, thông dịch viên Lâm, đã than: “Đó là một kinh nghiệm kinh hoàng” (It was a terrifying experience), từ ngữ nguyên văn của Lâm mà AP đã đưa tin).
Nhân đây, xin nói thêm một chút về chuyến Việt du của Clinton, chuyến đi mà anh hề James Douglas Muir Leno của hãng truyền thông NBC của Mỹ nói là “Clinton sang VN trễ mất… 30 năm” (ý nói đến việc Bill trốn quân dịch, không chịu sang VN chiến đấu khi Clinton còn đi học cách đó 30 năm trước). Đầu tiên là việc Clinton “đòi đi tàu chiến Mỹ” vào. Chính quyền VC chơi trò Cống Quỳnh, muốn “làm nhục Mỹ”, đưa điều kiện: “tàu Mỹ phải cưa cột cờ Mỹ trên tàu chiến cho thấp hơn cờ VC trên tàu”. Hải Quân Mỹ đời nào chịu vậy, vì theo truyền thống Hải Quân Mỹ, cột cờ của Mỹ phải cao nhất.
Thế là Bill phải đi Air Force One (AF1). Rồi giờ giấc mà Bắc Bộ Phủ (BBP) buộc AF1 đáp xuống Hà Nội và Sài Gòn phải là canh khuya hiu hắt với lý do: “để đảm bảo an ninh” (sic). Hà Nội sợ nếu đến ban ngày, có thể dân chúng tự động vác cờ hoa đi đón chàng Bill đông quá, có thể đông hơn khi đón Giang Trạch Dân, sẽ làm “mất mặt” đàn anh vĩ đại láng giềng, cho dù “môi hở răng lạnh”. Hà Nội còn sợ lợi dụng lúc đông đảo, các “thế lực thù địch” hô hào, hét lên đòi “diễn biến hòa bình” thì khốn. Mà AF1 đáp vào canh khuya xuống cái phi đạo tối thui, ngắn cũn cỡn như cái mini-jupe của em thực tập sinh Monica Samille Lewinsky, chắc sẽ làm cho Bill sợ “teo bu-gi”, như trong lần trước ống kính của báo chí Mỹ mà Bill phải trả lời về vụ “tập cho em Monica thổi kèn đồng” dạo nào).
Theo chương trình, Bill sẽ gặp Võ Nguyên Giáp nhưng giờ chót, Hà Nội lờ đi, không cho gặp. Bill muốn đọc diễn văn trước Quốc hội Việt Cộng nhưng cũng bị BBP lắc đầu. Bài diễn văn của Clinton dài 3.300 chữ, khi chấm dứt, Bill xin cho 30 phút hỏi đáp nhưng ông ta chỉ nhận được lời từ-chối thẳng thừng. Nhiều người cho rằng “câu trả lời không” của Hà Nội có thể là điều may-mắn cho Bill: “Lỡ có ai đó đứng lên hỏi thẻ “trưng binh” (thẻ quân dịch) của ông ta thì “chàng Bill” chỉ có nước… độn thổ”.
Tưởng cũng cần biết thêm, trong bài phát biểu của Clinton khi khen VN “diệt” được nạn “suy dinh dưỡng” và đã “tiến lên hàng thứ nhì về xuất cảng gạo”; người ta không hiểu vô tình hay cố ý, câu nói đó được xem là một đòn độc, đã “chơi” Hà Nội sát ván. Vào tháng 12-2000, chưa được một tháng sau ngày Bill đến VN, Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (World Food Programme, WFP) quyết định cúp “viện trợ lương thực” cho VN như họ đã từng làm. Trong 25 năm trước đó, họ đã “bỏ ra 500 triệu USD hàng năm để mua gạo… do VN xuất cảng để mà… cứu đói cho dân VN”. Quả là trò hề của một tổ chức thế giới!
Nhắc đến “chàng Bill” mà không nhắc đến Monicagate với nhiều kỷ lục, quả là điều thiếu sót. Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về đề tài này và nhiều người đã biết. Ở đây, chỉ nhắc lại vài “kỷ lục” để độc giả biết thêm về việc nữ ký giả nổi tiếng Barbara Walters của hệ thống truyền hình ABC (của Mỹ) thực hiện cuộc phỏng vấn Monica Lewinsky trong chương trình đặc biệt “20/20” vào tối ngày 3-3-1999, trong suốt 2 giờ đồng hồ.
Trả lời Walters trong cuộc phỏng vấn kỷ lục nầy, Monica mô tả Bill Clinton như là “một người rất dâm dục”, người hiện nay đang “chiến đấu chống lại tính dâm dục của mình”. Monica còn nói: “Bill Clinton đã tuyên thệ láo” (Clinton lied under Oath)” và “Anh ấy rất quyến luyến và âu-yếm tôi, làm cho tôi cảm thấy tha-thiết ràng buộc”, và “Tôi sẽ không bao giờ dám liên-hệ (tiếng Việt phải dịch là “lén-phéng” mới sát nghĩa với vụ nầy) với một người đàn ông có vợ nữa”. Đây là một chương trình phỏng vấn có đến 70 triệu người theo dõi, nhờ đó, ngày hôm sau, cuốn tự truyện của Monica “bán chạy như tôm tươi”. Đài ABC cũng hốt được bộn bạc, với 35 triệu Mỹ kim tiền quảng cáo chỉ nhờ riêng vào chương trình phỏng vấn nầy.
Theo Viện Nielson Media Research cho biết, chương trình phỏng vấn nầy chiếm đến 47% thị trường quảng cáo ngày hôm đó của tất cả các hệ thống truyền thông Mỹ (truyền thanh, truyền hình), đứng hạng nhì, chỉ thua cuộc phỏng vấn ca sĩ Michael Jackson do Oprah Winfrey thực hiện năm 1993, chiếm 56% thị trường quảng cáo mà thôi. Monica còn cho đài truyền hình Channel-4 của Anh quốc thực hiện cuộc phỏng vấn khác và ẳm thêm $600.000 đồng thù lao, rồi Channel-4 bán lại bản quyền lại cho 32 nước khác chiếu lại sau đó, mang lại cho Channel-4 món lời khá lớn.
Ba tháng sau vụ tai tiếng Monicagate nầy, lại một kỷ lục khác: trên hệ thống internet toàn cầu có đến 1,3 triệu websites liên quan đến vụ nầy, với nhiều tài liệu, hình ảnh, đồ chơi… “ăn theo”. Ngoài ra, kỹ nghệ sản xuất cũng không bỏ lỡ cơ-hội. Họ chế tạo các mặt hàng từ “khôi hài vô hại” (ví dụ máy chơi game Video, người chơi bấm nút điều khiển đưa hình người giống Monica đi từ tòa nhà Watergate đến văn phòng bầu dục của Clinton) đến “tục tĩu” (như búp bê biết ngâm thơ của Whitman, mang trên ngực áo chữ “intern” – tập sự). Sự kiện nguy hiểm đến độ đảng Dân Chủ phải “dựng” nên tổ chức Patriotic Profits (PP) với mục đích “bảo vệ uy-thế của Tổng Thống”, cổ động các nhà sản xuất đừng tạo các sản phẩm làm giảm uy tín của vị tông tông của họ. Theo bà Hozell (giám đốc PP) cho biết, vụ Monica là: “Món lợi từ trên Trời rơi xuống cho các nhà sản xuất đồ chơi nhưng chỉ mong chọ làm ăn đứng đắn”. Bà ta nói: “Chúng tôi không phủ nhận quyền kiếm tiền của họ, vì thế nên chúng tôi đề nghị với những nhà sáng chế tìm các giải pháp thay thế vừa có lợi cho họ vừa tôn trọng được chức vụ Tổng thống”.
Tuy nhiên, khó mà ngăn cản những ý tưởng “càng khôi hài càng kiếm được nhiều tiền”. Ông Clay Resin - chuyên viên tài chính đặc trách “Nghiên cứu Thị trường Những sản phẩm Sưu tập” cho biết: “Việc buôn bán liên quan đến vụ này có thể lên đến 80 triệu USD, gấp 5 lần các sản phẩm của chiến tranh vùng Vịnh và 15 lần vụ Watergate. Rất khó ngăn cản họ, nhất là các tay chuyên sản xuất những sản phẩm quái dị để câu khách”. Quả vậy, sau đó, Joel Carni, chủ nhân của hãng Four Aces tung ra thị trường sản phẩm mang tên “Monicondom”, với lời quảng cáo xỏ xiên Clinton như sau: “Bao cao su này mỏng hơn, đặc biệt để dùng cho chuyện “thổi kèn tình dục”, một hành động mà người ta không chịu phòng ngừa”. Trên hộp bao, còn có câu quảng cáo rằng người sử dụng bao Moni sẽ: “Biến vụ tai tiếng của Bạch Cung thành dịch vụ công cộng nhằm cổ động cho chuyện an toàn tình dục”.
Trở lại đề tài, các trường hợp điển hình đã được nêu ra trên đây cho thấy những khó khăn trong việc chuyển ngữ ở tất cả mọi trường hợp, mà quan trọng nhất là các cuộc hòa đàm chính trị. Điều đó cho thấy tầm quan trọng trong nhiệm vụ phiên dịch. Ta hãy xem tiếp các sai lầm tai hại của thông dịch đã từng xảy ra trong biên niên sử của “nghề” nầy.
4. Sự thật về lời hăm “We will burry you” của Khrushchev. 
Xưa nay, nhiều người hiểu lầm câu “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông” (We will bury you) là nguyên văn lời của Thủ Tướng Nga Nikita Sergeyevich Khrushchev hăm dọa phương Tây (mà Mỹ là mục tiêu chính), bằng vũ khí hạt nhân. Sự hiểu lầm “chết người” nầy ngay thời đó được báo chí đăng tràn ngập, gây ra nỗi ám ảnh bị Nga tấn công hạt nhân trong tâm trí người Mỹ, làm băng giá thêm quan hệ giữa Nga và Âu Mỹ. Sự thật, vào ngày 18-11-1956, trong một cuộc tiếp tân tại Sứ quán Ba Lan tại Moscow, trước nhiều vị Đại sứ phương Tây hiện diện, thủ tướng Nga Nikita Khrushchev có nói bằng tiếng Nga gần sát với nội dung “Bất kể các ông có thích hay không thì lịch sử vẫn đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ đào hố cho các ông” (Whether you like it or not, history is on our side. We will dig you in). Tiếc thay, người thông dịch riêng, đệ tử ruột của Khrushchev là Viktor Sukhodrev lại dịch sang Anh ngữ thành “we will bury you” và đã làm dấy lên nỗi lo ngại lớn ngay lúc đó và nhiều năm sau nầy. Trong khi cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra khốc liệt, báo chí phương Tây lập tức coi đấy là lời đe dọa trực tiếp, nhưng phía Liên Xô vội vã tuyên bố rằng người ta đã hiểu lầm Khrushchev và lời nói của ông đã bị tách ra khỏi ngữ cảnh.
Từ lâu, người Cộng sản luôn chủ quan nghĩ rằng chủ nghĩa Cộng sản sẽ tồn tại lâu hơn chủ nghĩa Tư bản. Nikita Sergeyevich Khrushchev là một người Cộng sản chính thống thì thuộc lòng lý thuyết Karl Marx, lấy một ý trong Tư Bản luận của Karl Marx: “Do đó, hơn hết, những gì mà giai cấp tư bản làm sẽ là tự đào mồ chôn mình” (What the bourgeoisie therefore produces, above all, are its own grave-diggers) nói trước đám đông như để “ban huấn từ” với mọi người mà ông đánh giá thấp địa vị của họ so với mình, ông ta dùng những lời lẽ không thích hợp cùng với cử chỉ thiếu nhã nhặn trong một bối cảnh cử tọa là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp hiện diện lúc đó, thành ra như một lời hăm dọa, thách thức. Để biện minh cho việc nầy, trong lần tuyên bố tại Tiệp Khắc (Yugoslavia) vào ngày 24-8-1963, ông ta nói: “Tôi từng nói “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông”, và tôi đã gặp rắc rối to. Tất nhiên là chúng tôi sẽ không dùng xẻng chôn xác các ông. Chính tầng lớp lao động của các ông [̉ở các nước tư bản] sẽ chôn vùi các ông”. (“I once said, “We will bury you”, and I got into trouble with it. Of course we will not bury you with a shovel. Your own working class will bury you". Dĩ nhiên phần thiệt thuộc về ông. Thái độ khiếm nhã trong ông tồn tại suốt thời gian ông tại vị.
Sau nầy, theo dự trù, một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh tụ Nga Mỹ sẽ được tổ chức tại Paris vào ngày 16-5-1960 nhưng khi một do-thám-cơ U-2 của CIA rơi trên đất Nga vào ngày 01-5-1960 đã làm cho Nikita Khrushchev nổi giận. Ngay trong buổi hội-nghị sơ-bộ đầu tiên trước cuộc họp thượng đỉnh, vừa vào cuộc, Khrushchev dùng những từ ngữ nặng nề, cứng rắn, to tiếng dần đến độ chửi rủa… chỉ trích Mỹ và T.T. Eisenhower, không cần dành thì giờ cho người thông dịch chuyễn ngữ, không cần biết người khác có nghe ông ta nói hay không,… rồi ông ta bỏ ngang cuộc họp ra về. Khrushchev đã quen tính với những hành động côn đồ khiếm nhã người ta thường thấy nơi ông tại các cuộc họp ở Hội-đồng Tối-cao Xô-viết ở Nga, với những bài diễn văn dài lê thê từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ mới dứt. Những từ ngữ đầy giận dữ lần họp sơ bộ nầy của ông đã gây nhiều khó khăn cho người chuyển ngữ - dù là người quen thuộc với tính tình của ông - trong một hội đàm mà thông dịch viên biết trước sẽ rất cam go do những biến cố mới xảy ra trước đó nhưng vẫn bị lúng túng, không làm tròn nhiệm-vụ do bối rối trước cử chỉ, giọng nói, thái độ của ông ta khi đang nóng giận. Trước khi trở về Nga, ông còn chủ-tọa một cuộc họp-báo với toàn những lời chửi-rủa và đập bàn ầm-ỉ. Lịch sử cận đại ghi nhận trong các yếu nhân thế giới, Nikita Sergeyevich Khrushchev, người được mệnh danh là “con cáo già Cộng sản”, được kể là người nóng nảy, vui buồn bất chợt, đôi khi có những cử chỉ và lời nói thô lỗ nhất, đã từng “làm khổ” nhiều thông dịch viên khi làm nhiệm vụ.
5. Dùng từ ngữ không chính xác dẫn đến bị bom nguyên tử. 
Thế chiến thứ hai đang đến hồi khốc liệt nhất, cuộc chiến sắp đi đến những quyết định cuối cùng do phe đồng minh định đoạt. Ngày 26-7-1945, các nước đồng minh công bố Tuyên ngôn Potsdam, ghi rõ những điều kiện đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản. Bảng tuyên bố nhấn mạnh rằng nếu từ chối đầu hàng, nước này sẽ bị “hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn”. Tuyên ngôn nầy cũng là tối hậu thư gởi đến chính phủ Nhật. Sau khi nhận được, Thủ tướng Nhật Bản Suzuki Kantaro tổ chức họp báo và sau đó tuyên bố: “Không bình luận. Chúng tôi đang tiếp tục suy nghĩ”. Tuy nhiên đại diện của các nước Đồng minh đã hiểu lời nói ông theo cách khác từ cách dùng chữ. Suzuki đã mắc sai lầm khi sử dụng từ ngữ “mokusatsu”, có nghĩa là “không bình luận” mà cũng có nghĩa “chúng tôi bác bỏ”. Chỉ 10 ngày sau buổi họp báo, Tổng thống Truman giải thích với thế giới thế nào là “hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn” bằng hành động, là 2 quả bom nguyên tử. Đây là sai lầm to lớn không thể tha thứ của chính phủ của Thủ Tướng Suzuki Kantaro: trong các văn bản ngoại giao, tuyệt đối tránh dùng những thuật ngữ chính trị có 2 nghĩa, nhất là 2 nghĩa trái ngược nhau, như trường hợp nầy. Quyết định thả bom nguyên tử của Tổng Thống Truman, đến bây giờ vẫn còn tranh cãi vì nó đã làm cho lịch sử thế giới thay đổi.
6. Dịch sai trong chuyến công du của Jimmy Carter. 
Năm 1977, khi chuẩn bị cho chuyến thăm Ba Lan của tổng thống Jimmy Carter, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký kết một hợp đồng với Steven Seymour, một người phiên dịch nói tiếng Nga và biết cả tiếng Ba Lan, nhưng chưa bao giờ làm việc theo lối chuyên nghiệp với ngôn ngữ này. Lúc đó Ba Lan đang nằm trong khối xã hội chủ nghĩa và Carter đã cố gắng lấy lòng người dân Ba Lan bằng cách đọc một bài diễn văn đầy tình hữu nghị. Ông Carter nói “Tôi đến để nghe ý kiến và hiểu được các khát vọng về tương lai của người Ba Lan” (I have come to learn your opinions and understand your desires for the future) nhưng người phiên dịch, Steven Seymour lại dịch sai bét thành “Tôi ham muốn thể xác người Ba Lan” (I desire the Poles carnally). Ngoài ra, người phiên dịch này đã “làm nên lịch sử” với câu của tổng thống “Tôi rời Hoa Kỳ vào sáng nay” được chuyển ngữ ra thành “Tôi rời nước Mỹ và không bao giờ quay lại”. Ngay cả một câu nói trong sáng với nội dung nói rằng ông Carter “rất vui được có mặt tại Ba Lan” đã được dịch thành “ông cảm thấy hạnh phúc vì đã nhìn thấy những chỗ kín của Ba Lan”. Khi ông Carter ca ngợi Hiến pháp Ba Lan năm 1791 là một trong ba văn bản vĩ đại nhất vì nhân quyền, Steven Seymour nói với cử tọa người Ba Lan rằng bản hiến pháp “thật đáng buồn cười”. Không ngạc nhiên gì khi Seymour không còn làm nên tích sự gì nên phía Mỹ đã nhanh chóng tìm một người khác thay thế, ông Jerzy Kryski, người từng làm việc cho Sứ quán Hoa Kỳ ở Ba Lan. Thế nhưng sự thể vẫn chưa dứt, còn khôi hài hơn. Sau khi Tổng thống Carter nâng ly tại quốc yến, khi được mời phát biểu, Jimmy Carter nói câu đầu tiên rồi dừng lại một chút chờ người phiên dịch làm việc nhưng bầu không khí vẫn hoàn toàn yên lặng. Ông nói tiếp một câu nữa, và chờ, nhưng rồi vẫn như cũ, yên lặng một cách bất thường. Cả hội trường ai nấy đều chờ đợi một cách ngạc nhiên. Hóa ra người phiên dịch mới nầy do không hiểu phần tiếng Anh của vị tổng thống nói gì nên đã quyết định “im lặng là vàng”. Cho đến hết chuyến công du, ông Carter không nói gì thêm vì không ai hiểu Anh văn. Đến khi chuyến công du của Tổng thống Carter kết thúc thì mọi tình huống đều được thêu dệt để trở thành những câu chuyện “tiếu lâm tân thời” ở Ba Lan cũng như nhiều nước khác, nhất là trong khối Cộng sản; trở thành những chuyện khôi hài “chưa từng có” trong những sinh hoạt ngoại giao thế giới trước đó. Cung cách làm việc của chính phủ thuộc đảng Dân Chủ như thế đó.
7. Người phiên dịch đã “thêm thắt” lời của Shinzo Abe. 
Chính phủ Nhật đã khiển trách người phiên dịch vì đã “thêm thắt” phát ngôn của Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 22.1.2014, về việc so sánh quan hệ Tàu cộng với Nhật giống như quan hệ Anh với Đức trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong phần phát biểu ông Abe (được dịch sang tiếng Anh) nhắc đến chuyện chiến tranh thế giới thứ 1 đã bùng nổ vào năm 1914, mặc cho quan hệ kinh tế vững chắc giữa Đức và Anh vào thời đó. “Tôi nghĩ rằng Nhật và Trung Quốc đang trong tình huống tương tự. Chúng tôi không muốn xung đột giữa hai quốc gia xảy ra”, đó là lời của ông Abe được dịch “thêm” sang tiếng Anh. “Bộ Ngoại giao Nhật cho biết ông Abe không hề đưa ra những câu phát ngôn kiểu “so sánh” kể trên tại buổi họp báo và đã khiển trách người phiên dịch tự ý thêm thắt ý “so sánh” vào, theo tin AFP ngày 3.2.2014 đã dẫn.
AFP thu thập được bản ghi lại lời phát biểu của ông Abe bằng tiếng Nhật không hề hàm chứa ý “so sánh” mặc dù ông Abe có nhắc đến chiến tranh thế giới thứ 1. Theo bản ghi âm tiếng Nhật, khi được phóng viên hỏi liệu rằng Trung – Nhật sẽ xảy ra chiến tranh, ông Abe trả lời: “Năm nay đánh dấu 100 năm kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ 1 bùng nổ. Vào thời đó, Anh và Đức có quan hệ kinh tế vững mạnh, nhưng hai nước đã xảy ra chiến tranh. Tôi đề cập đến yếu tố lịch sử này như một lời bình luận thêm”. “Nếu một điều gì đó giống như các bạn (phóng viên, PV) hỏi sẽ xảy ra (tức chiến tranh xảy ra), nó sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng không những đối với Trung Quốc và Nhật Bản mà cả thế giới. Chúng ta phải bảo đảm điều này (chiến tranh Trung - Nhật, PV) sẽ không xảy ra”.
Câu phát ngôn của Abe bị dịch “thêm thắt” sang tiếng Anh đã khiến cho Trung Quốc giận dữ, theo AFP. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng Tần Cương hôm 23.1.2014 đã lên tiếng chỉ trích câu nói bị dịch “thêm thắt” của ông Abe. Truyền thông Tàu cộng còn ví Thủ tướng Shinzo Abe như trùm phát xít Đức Adolf Hitler do câu phát ngôn “bị dịch thêm thắt”. Căng thẳng Hoa – Nhật leo thang sau chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe và tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, theo AFP một phần cũng từ chuyện nầy xảy ra.
8. Dịch sai trong văn bản ngoại giao, Hiệp ước Waitangi. 
Dịch sai trong các cuộc đàm phán cũng thường gây ra nhiều tranh cãi trầm trọng, như giữa Mỹ và Pháp đã xảy ra. Trong một văn bản ngoại giao Pháp gởi cho Mỹ, việc dịch nhầm chữ “demande”, có nghĩa là “đề nghị” đã gây tác động tai hại cho các cuộc đàm phán giữa Paris và Washington hồi năm 1830. Sau khi viên thư ký dịch thông điệp Pháp gửi cho Tòa Bạch ốc với nội dung bắt đầu bằng “Le gouvernement français demande” thành “chính phủ Pháp đòi hỏi”; T.T. Mỹ đã cho rằng ông “vừa nhận được một loạt các yêu sách”. Sau khi biết rằng đây là một sai sót, đàm phán mới được tiếp tục và mọi chuyện êm xuôi.
Ngoài chuyện lỗi dịch thuật là vô tình, nhưng có khi người ta cố tình làm thay đổi ý nghĩa thực sự của một vấn đề nào đó. Rõ nhất là Hiệp ước Waitangi. Năm 1840, chính phủ Anh thực hiện một thỏa thuận với 500 tù trưởng người Maori ở New Zealand. Người Maori muốn được bảo vệ khỏi những tên tội phạm, thủy thủ và thương lái đang tự do cướp bóc trong những ngôi làng của họ, còn người Anh thì muốn mở rộng phạm vi thuộc địa của mình. Do vậy, Hiệp ước Waitangi đã được soạn thảo và hai bên cùng ký kết. Một số giới chức đã bị cáo buộc là khai thác sự khác biệt trong ngôn ngữ để trục lợi. Trong Hiệp ước Waitangi đã xảy ra rắc rối bởi có những khác biệt trong bản tiếng Anh và tiếng Maori đã dẫn tới các tranh chấp, đến độ người ta đã trương biểu ngữ “Hiệp ước gian dối” trong phong trào biểu tình phản đối của người Maori. Người Anh và Maori ký hai văn bản hợp đồng, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Maori. Hai văn bản khá giống nhau, trừ phần quan trọng nhất. Trong bản tiếng Anh, người Maori phải “nhượng lại cho Nữ hoàng Anh một cách tuyệt đối và không bảo lưu tất cả các quyền và quyền hạn của Chủ quyền”, có nghĩa là chuyển hòn đảo thành thuộc địa của Anh. Còn trong phiên bản tiếng Maori, được soạn thảo bởi một nhà truyền giáo người Anh, người Maori sẽ không từ bỏ chủ quyền của mình, mà là sự cai quản. Người Maori nghĩ rằng họ sẽ nhận được một hệ thống pháp lý, nhưng vẫn được giữ quyền tự trị. Nhưng kết quả đã không như vậy, người dân địa phương đồng ý cho người Anh lên đảo để đổi lấy sự bảo vệ thường trực của Đế quốc Anh. Sau bao thế hệ, cho đến ngày nay người ta vẫn còn đang cố giải nghĩa những vấn đề xoay quanh hiệp ước này.
9. Cái “sừng” của Moses 
Trong giai đoạn từ cuối thời Gothic đến tận nửa sau thời Phục hưng, các nghệ sĩ, các nhà điêu khắc Công giáo vẫn mô tả và vẽ Moses với những chiếc sừng trên đầu. Nguyên nhân là do sai lầm của ông tổ của những người làm nghề dịch thuật, Thánh St. Jerome. Thánh Jerome (Hierom) là một linh mục Ki-tô giáo, một nhà thông thái, được phong là Tiến sĩ Hội thánh. Ông là người đầu tiên dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin, gọi là Vulgate (Kinh Thánh) là văn bản chính thức của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Trong suốt 1.637 năm (382-2019), trong bản dịch Latin cuối cùng, vốn đã trở thành cơ sở cho hàng trăm bản dịch sau này, lại có một sai sót nổi tiếng. Khi Moses đi xuống từ núi Sinai, trên đầu của ông có một “vầng quang” (radiance) hay trong tiếng Hebrew là “karan”. Nhưng vì tiếng Hebrew trong văn viết không có nguyên âm, nên Thánh Jerome đã đọc “karan” thành “keren”, một từ có nghĩa là “có sừng” (horned). Chính từ lỗi dịch thuật này mà hàng thế kỷ sau, Moses đều xuất hiện với một cặp sừng trong các bức họa và tác phẩm điêu khắc, và cũng từ đó xuất hiện khuôn mẫu kỳ lạ và mang tính xúc phạm về những người Do Thái mọc sừng. Thật là tai hại! Nhưng ai dám nghi ngờ Kinh Thánh?
Theo tự điển Wikipedia, lý lịch của Moses như sau: Moses (tiếng Latin: Moyses), là lãnh tụ tôn giáo, người công bố luật pháp, nhà tiên tri, nhà chỉ huy quân sự và là sử gia. Ông cũng được xem là người chép kinh Torah (5 sách đầu tiên của Kinh Thánh, còn gọi là Ngũ kinh Moses). Trong tiếng Hebrew, ông được gọi là "Moses Thầy chúng ta" (Moshe Rabbeinu). Moses cũng là một nhà tiên tri quan trọng trong Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Đạo Bahá'í, Mormon và Phong trào Rastafari. Theo ký thuật của Kinh Thánh, Moses là con của một phụ nữ Hebrew (Do Thái). Khi biết đứa bé sơ sinh là con trai, bà tìm cách cứu con mình khỏi bị giết (theo một chiếu chỉ của Pharaoh ra lệnh tàn sát tất cả bé trai thuộc dân tộc Do Thái nô lệ, ngay khi chúng vừa chào đời). Cuối cùng, Moses được nhận nuôi để trở nên một thành viên của Hoàng gia Ai Cập. Sau khi ra tay giết chết một quản nô Ai Cập để cứu một người Hebrew, Moses bị buộc phải chạy trốn, rồi trở thành mục tử. Về sau ông được Thiên Chúa kêu gọi trở về Ai Cập với sứ mạng giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ, dẫn dắt họ băng qua Hồng Hải, tiến vào hoang mạc và, vì lòng vô tín và sự cứng lòng của dân Israel, ông cùng với họ lưu lạc trong đó suốt 40 năm. Moses không được vào Đất Hứa. Ông sống thọ 120 tuổi. Ông là một thiên tài quân sự. Buổi đầu sự nghiệp của ông khá giống với vua Cyrus Đại Đế, vị Hoàng đế khởi lập Đế quốc Ba Tư. Ông cùng với Cyrus Đại Đế đóng vai trò vô cùng lớn lao trong lịch sử. Ông là một vị anh hùng dân tộc của người Do Thái.
10. Một từ ngữ giá trị 71 triệu USD. 
Chuyện xảy ra ở Hoa Kỳ, nhầm lẫn xảy ra do dịch sai. Năm 1978, ông Willie Ramirez được đưa vào một bệnh viện ở Florida do đang đau nặng. Do thân nhân không thể giải thích được Ramirez mắc bệnh gì vì họ không biết tiếng Anh, họ nói với bác sĩ bằng tiếng Tây Ban Nha rằng họ ngờ là Ramirez bị ngộ độc thực phẩm. Một nhân viên y tế cho rằng mình hiểu tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh nên đã dịch từ “bị ngộ độc” (being poisoned) thành “say” (intoxicated), mà trong tiếng Anh, từ ngữ này chỉ dùng cho những người đã sử dụng quá nhiều ma túy hay rượu. Mặc dù người nhà Ramirez tin rằng ông bị “viêm dạ dày ruột” (gastroenteritis), nhưng thực ra ông ta bị xuất huyết não. Các bác sĩ tin rằng bệnh nhân bị ngộ độc nên đã đưa ra phác đồ điều trị hoàn toàn sai. Do sơ suất như thế nên Ramirez bị liệt cả tứ chi và bệnh viện đã phải bồi thường cho ông ta 71 triệu đô la. Chỉ dịch sai một chữ mà thiệt hại đến 71 triệu và một mạng người, quá đắt!
III. Lời kết: 
Trong lịch sử giao tiếp của nhân loại, có không ít lỗi thông dịch, phiên dịch, dịch thuật đã tạo ra những cuộc xung đột ngoại giao, những hiểu lầm, những tốn kém tiền bạc vô cùng tai hại ngoài những chuyện buồn cười từ lỗi chuyển dịch từ ngôn ngữ nầy qua ngôn ngữ kia ra xảy ra trong cuộc sống. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, vẫn có những lỗi dịch thuật trong các vấn đề quan hệ quốc tế, trong mọi lãnh vực, tạo ra biết bao nhiêu điều rắc rối. Một người có thể nói được hai thứ ngôn ngữ, nhưng không có nghĩa người đó biết cách dịch giữa hai ngôn ngữ đó. Dịch thuật là một kỹ năng đặc biệt và cần đến nhiều công sức để học hỏi và thực hành. Trong cuốn sách Found in Translation, hai dịch giả chuyên nghiệp Nataly Kelly và Jost Zetzsche mang đến một góc nhìn đầy sinh động về thế giới dịch thuật, với những câu chuyện hấp dẫn về mọi ngóc ngách của lĩnh vực này. Một người thông ngôn, dịch thuật “xuất sắc” phải hội đủ rất nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu một cách thông suốt cả 2 ngôn ngữ trong phạm vi người đó làm nhiệm vụ.
Để chấm dứt đề tài, xin đề cập đến chuyện dịch thơ Hồ Xuân Hương, như một chuyện… cười. Trong cuốn “Spring Essence, The Poetry of Ho Xuan Huong” do nhà xuất-bản Copper Canyon ấn-hành, một người Mỹ dịch thơ của Hồ-Xuân-Hương. Trong bản dịch có câu: “Kind sir, if you love me, pierce me with your stick”, người dịch chuyển dịch câu: “Quân tử có thương thì đóng cọc”. Dịch như vậy bởi kiến-thức hạn hẹp về ý và lời của người dịch, tuy có lời giải-thích: “mít có thể chín sớm nhờ đóng cọc, theo kinh-nghiệm của người Việt” nhưng để diễn dịch ý quân tử có thương thì đóng “cái cọc của chàng” vào thì người Mỹ nầy hoàn-toàn mù tịt. Còn câu: “Rúc-rích thây cha con chuột nhắt/ Vo-ve mặc mẹ cái ong bầu” thì ông ta dịch: “The little father mouse squeaking about, doesn’t care, nor the mother honeybee buzzing along, fat with pollen”; “thây cha con chuột nhắt” mà lại dịch là “con chuột cha” với “mặc mẹ cái ong bầu” là “con ong mẹ” thì rõ-ràng người dịch chưa biết gì về Việt ngữ, chưa hiểu “thây cha”, ”mặc mẹ”, một lối nói ví-von trong dân-gian Việt là gì. Đúng là việc phiên dịch, dịch thuật là việc làm thiên nan vạn nan vậy!
Lê Chánh Thiêm
Tổng hợp.
(*ĐAD chuyển)
9-2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét