Như
các nhà khoa học đã chỉ ra, nếu con người bỗng nhiên biến mất vì một lý
do bất hạnh nào đó, mọi vết tích của nền văn minh chúng ta như các công
trình, thành phố… có thể biến mất hoàn toàn trong chỉ 10.000 năm. Nhưng
các công trình đá thì khác, chúng có thể chống chọi tốt hơn sự khốc
liệt của thời gian. Vậy, sẽ ra sao nếu người xưa tạo dựng các công trình
đá để gửi tới chúng ta một thông điệp? Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện thú
vị của vòng tròn đá Avebury, Anh Quốc – một người anh em của vòng tròn
Stonehenge nổi tiếng.
—
Khi mặt trăng tròn nhuốm sắc hồng
chầm chậm nhô lên giữa bầu trời đêm, ánh trăng bàng bạc tỏa xuống thấm
đẫm vòng tròn đá Avebury, tạo ra những cái bóng mờ sau các tảng cự thạch
khổng lồ. Trời đêm đầy sương và sương mù, và bầu không khí tràn ngập
một sự kì vọng nào đó. Đột nhiên, một bóng hình ma quỷ chậm rãi bước ra
từ đằng sau một tảng đá khổng lồ ở vòng tròn trung tâm, đầu ông ta để lộ
những đường nét đáng sợ của loài sói. Đám đông tụ họp trên bờ lớn của
vòng tròn đá đang cố gắng hít lấy từng hơi thở nặng nề.
Tiếng trống nổi lên theo nhịp, thầy
phù thủy di chuyển từng bước nhẹ nhàng từ tảng đá này đến tảng đá khác
theo điệu múa vòng tròn, chân ông khuấy đảo những giọt sương bám trên
những lá cỏ dài. Đám đông cũng hòa cùng giai điệu, dần trở nên tự tin
hơn và tăng dần nhịp lên, nhanh hơn và nhanh hơn nữa, và rồi, bất chợt –
ông ta ngừng lại. Thầy phù thủy lôi ra khỏi túi đeo lưng một quả tìm bò
… còn tươi, đang rỉ máu, vẫn đủ ấm nóng để tỏa làn hơi nhiệt vào màn
đêm lạnh. Thầy phù thủy chầm chậm giơ quả tim lên cao, máu nhỏ xuống mặt
nạ của ông và phát ra một tiếng thét dài thê lương đến tận khung trời –
Aaaarrrrr!
Ảo tưởng?
Đoạn văn mô tả bên trên có thể khá quen
thuộc trong những tài liệu tuyên truyền phổ biến về xã hội thời kỳ Đồ Đá
ở Tây Bắc Châu Âu. Nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy thoải mái với
cách miêu tả xã hội nguyên thủy sinh sống gần vòng tròn đá Avebury và
Stonehenge như vậy? Phải chăng những nghi thức phù thủy tưởng tượng đó
quá đỗi xa vời đối với nền văn hóa hiện đại, đến nỗi chúng ta tách giai
đoạn này ra, và xếp nó vào một thời quá khứ chậm tiến không có liên hệ
gì với cuộc sống hiện đại? Tuy nhiên, hiểu biết định kiến của chúng ta
về cuộc sống thời Đồ Đá là hoàn toàn sai lầm. Và bài viết này sẽ chứng
minh cho bạn thấy.
Nhưng nếu hiểu biết cơ bản của chúng ta
về cuộc sống thời Đồ Đá là sai lầm, vậy chúng ta phải vẽ nên một bức
tranh khác như thế nào? Con người cổ đại biết được bao nhiêu về thế giới
xung quanh? Hệ thống giáo dục của họ phức tạp đến mức độ nào? Đây là
những câu hỏi chúng ta sẽ cố gắng giải thích trong bài viết ngắn này, và
câu trả lời từ quá trình này sẽ vô cùng kinh ngạc, nhưng cũng rất khó
bác bỏ.
Xuất phát điểm ở đây là những vòng tròn
đá. Giống như kim tự tháp Ai Cập, đã có rất nhiều ý tưởng khác nhau về
những công trình cự thạch tuyệt vời này. Tại sao con người cổ đại lại
dành nhiều thời gian và công sức để xây dựng chúng? Và nếu chúng có vai
trò quan trọng, (mà chắc chắn là có), thì chức năng của chúng là gì?
Chúng ta không thể trốn tránh những câu hỏi này bằng cách kể những cảnh
tượng phù thủy như được miêu tả bên trên. Thực sự, đây sẽ là một sự lảng
tránh.
Nếu con người cổ đại biết tại sao những công trình này được xây dựng, vậy tại sao chúng ta không thể?
Có lẽ là do chúng ta chưa có một cái
khung nhận thức đúng đắn. Chúng ta đang cố diễn giải những cấu trúc này
theo nhận thức của bản thân; cố giải phương trình của họ với cái khung
nhân thức cố định của xã hội, lịch sử và tôn giáo. Sai lầm lớn nhất
trong phương pháp này là giả định lộ liễu rằng chúng ta biêt nhiều hơn
cổ nhân – rằng họ chắc hẳn đã sống trong một thời kỳ man rợ và thiếu tri
thức. Nhưng có lẽ chúng ta đã lầm. Có lẽ hiểu biết định kiến của chúng
ta về lịch sử là dựa trên các diễn giải sai lệch. Có lẽ quan điểm của
chúng ta về khả năng ưu việt giáo dục và công nghệ hiện đại là không
đúng.
Sẽ ra sao nếu rất lâu trước đây, một nền
văn minh tri thức cao đã biết đến hầu hết khoa học và thiên văn học
hiện đại; chính họ đã thiết kế và xây dựng các công trình vĩ đại ở cả
Wessex và Ai Cập. Đây có thể là một đề xuất rất khác thường, nhưng hãy
cùng xem xét chúng và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Câu hỏi sẽ trở thành: một nền văn minh công nghệ cao muốn nhắn nhủ điều gì qua công trình cự thạch hùng vĩ như vậy?
Vòng tròn đá Avebury
Chúng ta hãy cùng xem xét một vài điểm
nổi bật của vòng tròn đá Avebury, và xem xem chúng ta có thể tìm ra chức
năng và ý nghĩa thực sự của nó hay không. Ở bán cầu trên của vòng tròn
lớn có một vòng tròn nhỏ, và ở trung tâm của nó là 3 khối đá lớn được
dựng đứng. Nếu không tính đến đài kỷ niệm ở vòng tròn phía nam, thì đây
chính là những tảng đá lớn nhất ở di chỉ Avebury, và người ta cho rằng
chúng hẳn phải có một vai trò quan trọng nào đó. Ba tảng đá này cũng rất
khác với những tảng đá khác trong khu vực: chúng dẹp, có hình chữ nhật
và được đặt trên mặt đất thành hình chữ nhật, chứ không phải hình thoi.
Chúng có kích thước 5 x 4 m mỗi tảng và được đặt thành một hình cung,
nên chúng được gọi là Cove (Khung tò vò).
Rất nhiều người đã nhìn nhận những khối
đá này là một mộ đá – thông thường bao gồm ba tảng đá đứng thẳng và một
tảng đá nắp đậy khổng lồ đặt bên trên. Nhưng đây không phải là một mộ đá
thông thường: cách đặt các tảng đá thấp là không thông dụng, và không
có bằng chứng cho thấy đã từng có một tảng đá nắp.
Thực ra, vòng cung này có một chức năng
hoàn toàn khác biệt. Nó bao gồm ba tảng đá tạo thành hình móng ngựa với
đầu mở hướng về phía đông bắc, một hình móng ngựa rào kín bên trong một
vòng tròn đá.
Cách miêu tả này nghe có quen thuộc
không? Liệu ‘Khung tò vò’ có phải là một phiên bản thu nhỏ của tạo hình
trung tâm trên di chỉ Stonehenge hay không? Ở Stonehenge chúng ta có
Trilithon, các cặp đá đứng tạo nên hình dạng móng ngựa ở trung tâm của
vòng tròn đá sa thạch; cặp đôi đá đứng lớn nhất trong di chỉ, bố cục
móng ngựa cũng chỉ về hướng đông bắc. Chẳng phải đây chính xác là những
gì chúng ta nhìn thấy trong vòng tròn phía bắc ở Avebury, một phiên bản
thu nhỏ của Stonehenge?
Sự tương đồng trong thiết kế giữa móng
ngựa của vòng tròn đá Avebury và Stonehenge dường như khá rõ ràng, và
hai công trình cự thạch này nằm khá gần nhau trên đồng bằng Marlborough.
Nhưng phải chăng sự tương xứng này đã thật sự được lên kế hoạch trước?
Nếu như vậy, thì vòng tròn đá Avebury chứa một mô hình thu nhỏ của vòng
tròn Stonehenge, hoặc thậm chí có lẽ cả một mô hình hay bản đồ của
Stonehenge.
Khái niệm bản đồ có lẽ hơi kì lạ khi đặt
trong một di chỉ thời Đồ Đá, nên để tiếp tục cuộc khám phá, chúng ta
phải cố gắng gạt sang một bên những kiến thức “nguyên thủy” hay “tiền
sử” mà ta đã biết về di chỉ này. Những người thợ thời cổ đại này là
những người nam và nữ giống như chúng ta. Nền giáo dục của họ có thể có
đôi chút khác biệt, nhưng giới trí thức của họ có lẽ cũng không hề thua
kém chúng ta. Hãy nghĩ rằng họ có cùng ý tưởng, và có lẽ cùng kiến thức
về thế giới như chúng ta. Rất nhiều người có thể sẽ phản đối một tuyên
bố táo bạo thế này, nhưng cũng vì thế mà vòng tròn đá Avebury chưa được
nhìn nhận đúng đắn trong một thời gian lâu dài như vậy. Chúng ta cần một
tâm trí cởi mở để nhìn thấy bản chất thật sự của Avebury.
Thiên đường trên Trái đất
Đã đến lúc tiết lộ một trong những bằng chứng đáng kinh ngạc trong quyển sách “Thoth, Kiến trúc sư của vũ trụ”. Avebury – một trong những bí ẩn chủ chốt trong lịch sử Anh Quốc – chính là một công trình mô phỏng Trái đất, một bản mô phỏng khá tốt!
Giả thuyết trên nghe có vẻ phi lý. Chúng
ta đang đề cập đến những con người tiền sử vào thời Đồ Đá ở đây, vậy
làm thế nào con người thời kỳ Đồ Đá lại có thể biết được hình dạng và độ
nghiêng của trục Trái đất? Đây chính là điểm mà các giáo điều định kiến
và các tuyên truyền phổ cập sẽ chặn đứng dòng suy luận của chúng ta.
Chúng ta phải giữ một tư duy cởi mở, nếu không giả thuyết mới mẻ và cách
mạng này sẽ không thể hướng đến kết luận cuối cùng. Hãy cùng xem xét
một số bằng chứng ủng hộ giả thuyết này, và có rất nhiều bằng chứng như
vậy:
1. Hãy để ý trục đường đông tây cắt xuyên qua vòng tròn Avebury, vì đây có thể được coi là đường xích đạo của Trái đất Avebury.
2. Hãy để ý rằng
vòng tròn đá Avebury nghiêng một chút sang bên trái, tạo một góc 23° so
với hướng bắc. Đây không phải là kết quả của việc định hướng thiếu chính
xác. Vì đường thẳng nối tâm của hai đường tròn ở bên trong cũng có góc
nghiêng tương đối chính xác như vậy, nên công trình này chắc chắn đã
được thiết kế như vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta dám nhìn nhận giả thuyết
đầy tranh cãi vừa nêu trên, chúng ta sẽ để ý thấy độ nghiêng trục quay
hiện tại của Trái đất (so với trục thẳng đứng) là vào khoảng 23,4°.
3. Để ý rằng vòng
tròn đá không phải là hình tròn hoàn hảo. Trước đây người ta thường cho
rằng đây là do con người cổ đại không biết cách tạo một hình tròn hoàn
hảo; nhưng có rất nhiều ví dụ về các vòng tròn đá hoàn hảo ở Anh, bao
gồm di chỉ vòng tròn đá Stonehenge và các vòng tròn nhỏ hơn ở Avebury.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có một lý do hoàn toàn hợp lý để giải
thích tại sao di chỉ Avebury không được thiết kế theo hình tròn, đó là
vì Trái đất tự nó không phải là một khối cầu hoàn hảo. Khi quay, Trái
đất sẽ phình ra ở xích đạo (và hẹp hơn ở hai cực, giống một quả bí ngô),
và đây chính là điều chúng ta phát hiện ở di chỉ Avebury; Chiều
đông-tây của vòng tròn đá dài hơn chiều nam-bắc, cũng giống như trên
Trái đất trên thực tế.
4. Chúng ta đã nhận
dạng được Khung tò vò ở vòng tròn nhỏ phía bắc Avebury là một mô phỏng
của vòng tròn đá Stonehenge, nhưng tại sao nó lại lại được đặt ở đó? Câu
trả lời hiện giờ đã trở nên rõ ràng, đó là vì Stonehenge nằm ở Bắc bán
cầu, cả trên Trái đất thật và trên Trái đất Avebury. Cái chúng ta có ở
đây là một bức tranh cự thạch của Trái đất, lơ lửng trong không gian,
một bức tranh với Stonehenge được đánh dấu rõ nét để tất cả chúng ta có
thể nhìn thấy.
Đây chắc chắn là một giả thuyết gây chấn
động, một giả thuyết có thể làm đảo lộn tất cả những quan niệm định
kiến trước đây, không chỉ về vòng tròn đá Avebury mà còn về lịch sử nhân
loại. Trong quan niệm của chúng ta, đây chỉ là những con người thời Đồ
Đá chỉ biết săn bắn hái lượm, những người vừa mới thoát thai từ lối sống
rừng rậm, bắt đầu công việc trồng trọt và sống trong những túp lều
nguyên thủy làm từ cây cối và bùn. Thật khó tưởng tượng những con người
nguyên thủy này lại có đủ công nghệ và cơ cấu tổ chức cần thiết để kéo
các khối đá khổng lồ vào bên trong những vòng tròn đá chi tiết và kỹ
thuật cao như vậy, cũng giống như Stonehenge. Ở đây, họ không chỉ làm
được điều đó, mà họ còn vẽ ra bức tranh về Trái đất có độ chính xác cao
như khi chúng ta quan sát từ không gian.
Những tiết lộ như thế này có thể là
không dễ chấp nhận trong tâm trí chúng ta, nên bạn hãy nghĩ về nó một
lúc để cho khái niệm này đọng lại và trở nên bình thường hơn. Tuy
nhiên, đây sẽ vẫn chỉ là một giả thuyết đáng kinh ngạc nếu không có một
điểm nữa góp phần củng cố nó.
Bức tranh hoàn thiện
Avebury thật sự là công trình mô phỏng
Trái đất lơ lửng trong không gian, bằng chứng cho nhận định này nằm
trong vòng tròn phía nam của Avebury – vòng tròn nhỏ với tạo hình trăng
lưỡi liềm ở bên trong. Trong cuốn sách ‘Thoth, Kiến trúc sư của vũ trụ’,
tác giả đã giải thích rõ rằng những khối đá tạo hình trăng lưỡi liềm
này chính là quần đảo South Sandwich ở phía nam Đại Tây Dương. Không chỉ
vậy, vĩ tuyến của vòng tròn đá Stonehenge và vĩ tuyến của quần đảo hình
trăng lưỡi liềm này cũng được đánh dấu chính xác trên vòng tròn
Avebury, bởi số lượng chính xác các khối đá được sử dụng.
Chờ một chút. Vậy chúng ta đang nói rằng
con người thời Đồ Đá không chỉ có thể hiểu và phác họa đường nét của
Trái đất, mà cũng có thể đo đạc các đường vĩ tuyến trên Trái đất sao?
Chắc chắn điều đó là không thể. Họ đã sử dụng loại phương tiện nào để đo
lường cơ chứ?
Tuy rằng vẫn chúng ta vẫn chưa biết dụng
cụ đo lường nào đã được sử dụng để tạo ra vòng tròn đá Avebury, nhưng
có thể chứng minh được trên thực tế việc con người cổ đại có thể đo
lường những đường vĩ tuyến. Trong cuốn sách, tác giả đã chứng minh rằng
số nguyên tố 7 là con số thần thánh do có mối quan hệ gần gũi với con số
xấp xỉ với số π (Pi) là 22/7, và rằng hai con số 7 và 22 đã được sử
dụng nhiều lần trong những di chỉ thần thánh. Tuy nhiên, nếu đường tròn
đầy đủ 360° của địa cầu chúng ta được chia làm bảy phần, kết quả sẽ là
51.42857143. Hay nếu chúng ta quy đổi con số chính xác đó ra độ, phút và
giây chúng ta sẽ có 51° 25ʹ 43ʺ.
Tuy nhiên:
Vĩ tuyến 51° 25ʹ 43ʺ nằm ở ngay trung tâm của vòng tròn đá Avebury.
Bạn có thể xác nhận nó ngay bây giờ với phần mềm Google Maps.Đầu
tiên, hãy chọn chế độ vệ tinh (thay vì chế độ bản đồ) để có thể xem
trực tiếp quang cảnh di chỉ này. Trong bảng tìm kiếm, điền vĩ độ (N
51.42857143) kinh độ phù hợp ngay bên cạnh (W 1.8541980).
Hãy để ý xem dấu đỏ chỉ ở đâu, nó ở ngay
trung tâm vòng tròn đá Avebury. Xác suất xảy ra khả năng này là khoảng
một phần triệu. Cá nhân tôi tin rằng kinh độ chính xác như vậy đã được
những kiến trúc sư cổ đại chọn lựa có chủ đích, từ đó cho thấy hệ thống
đo lường 360° đã được nhận thức rõ ràng vào thời kỳ đó, và chắc chắn họ
cũng nhận thức được về hình dạng khối cầu của Trái Đất.
Và nếu con người thời Đồ Đá biết về hình dạng thực của Trái đất, họ sẽ có thể dễ dàng nhấn mạnh và bảo tồn kiến thức này bằng cách tạo nên một vòng tròn đá có hình dạng Trái đất.
Bằng chứng cách mạng này đã đưa ra một
cái nhìn hoàn toàn mới về khả năng của con người thời cổ đại, cũng như
trình độ khoa học công nghệ mà họ sở hữu.
Tác giả: Ralph Ellis, Ancient OriginsĐăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.Quý Khải biên dịch.
VCCorp.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét