27 thg 10, 2018

Cuộc đời dị thường của nhà khoa học Nikola Tesla

Trong lịch sử, chúng ta luôn ghi nhận Thomas Edison là nhà phát minh vĩ đại nhất trừ trước đến giờ tuy nhiên ngay trong thời đại của ông cũng có một nhà phát minh tài năng không kém. Đó chính là Nikola Tesla.
Do nhiều lý do mà so với Edison không nhiều người hiểu hết được tầm vĩ đại của Tesla cũng như những ứng dụng quan trọng từ những phát minh của ông. Tất nhiên bài viết không cố gắng để phải đặt cùng lúc hai con người vĩ đại lên bàn cân, cả hai đều có những thành công riêng. Đối với Edison, ông đã thành công với mục đích thương mại, những phát minh mang tính ứng dụng cực cao và khá gần gũi. Còn với Tesla thì hầu hết mọi người nhìn nhận ông như một nhà khoa học đơn thuần, luôn cống hiến hết mình cho khoa học và để lại những di sản đáng quý. Bài viết này sẽ đề cập đến Tesla và những gì khác biệt giúp ông trở thành một nhà khoa học vĩ đại.
Cuộc đời dị thường của nhà khoa học Nikola Tesla

Thấy được tiềm năng

Ở thời kì đó khi đồng tiền là thứ được đặt lên hàng đầu, hầu hết các nhà khoa học và kỹ sư đều chú trọng vào vấn đề thương mại của các chương trình khoa học cũng như các phát minh. Đối với Tesla thì khác, ông luôn đi trên con đường riêng của mình. Chính vì lý do này mà cuộc đời khoa học của ông có nhiều thăng hoa nhưng cũng lắm gian khổ, bần hàn. Theo một số tư liệu thì thậm chí có một số lần ông còn bị lợi dụng bởi những người đồng nghiệp.
Cuộc đời dị thường của nhà khoa học Nikola Tesla
Tesla không giống như Edison, ông không tích cực vận động, quảng bá hình ảnh mạnh mẽ tới công chúng hay vận dụng báo chí để có được lợi thế. Ông chỉ đơn thuần đi sâu vào công việc của mình, đấu tranh để vận động trong công việc nghiên cứu lâu dài. Tesla đã đưa ra được nhiều ý tưởng, công trình mang tầm vĩ mô và tiềm năng cho tương lai. Ví dụ như khi ông đăng kí phát minh cuộn dây Tesla sử dụng để truyền và nhận các tín hiệu vô tuyến mạnh khi được điều chỉnh cho cộng hưởng ở cùng tần số hay vào khoảng những năm 1900 ông đã viết một bài dài 60 trang cho tạp chí Thế kỷ với tiêu đề "Vấn đề tăng cường nguồn năng lượng của loài người". Sự sáng tạo của ông không đủ thực dụng như những đồng nghiệp cùng thời nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn tới các vấn đề trong tương lai.

Những giấc mơ lớn

Cuộc đời dị thường của nhà khoa học Nikola Tesla
Tesla không chỉ có tài mà còn mang trong mình những hoài bão lớn, tuy nhiên đôi khi ông cũng bị coi là một nhà khoa học điên vì điều này. Ngay trong những năm thơ ấu, ông còn nung nấu trong mình một ý tưởng đó là khai thác sức mạnh của thác Niagara. Sau này ông cũng giành được một hợp đồng để thực hiện kế hoạch của mình, nhưng ngay cả như thế cũng không nhiều người tin tưởng rằng những máy thủy điện của Tesla sẽ làm việc. Tuy nhiên, nửa đêm ngày 16 tháng 11 năm 1896, công trình này đã truyền điện năng qua một khoảng cách 25 dặm tới những nhà máy ở Buffalo, New York. Dám mơ ước, dám thực hiện những điều ít người nghĩ đến là một trong những nét riêng của Tesla.
Cuộc đời dị thường của nhà khoa học Nikola Tesla
Năm 1883, tại tại Hội chợ Thế giới ở Chicago (Mỹ), Tesla đã nói về mạng lưới truyền dẫn điện không dây. Theo đó, những cuộn dây lớn có thể thắp sáng các bóng đèn huỳnh quang không cần dây nối cách xa cả chục mét, và do điện trường tác động trực tiếp thành ánh sáng và không sử dụng các điện cực. Ông cũng mơ đến ngày công nghệ này cho phép con người có thể thu được năng lượng từ khoảng cách xa hơn mà không cần dây. Tuy giấc mơ này đến nay cả thế giới vẫn chưa thực hết được nhưng với tốc độ phát triển công nghệ thì cũng không còn xa nữa giấc mơ của ông sẽ thành hiện thực.

Lối sống đặc biệt và những điều kì lạ

Nikola Tesla là một nhà khoa học bị đánh giá là khá “điên” đối với nhiều người. Ông mắc một hội chứng đó là chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD - một loại rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến của bệnh đó là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng, đây là một dạng trong nhóm bệnh liên quan trực tiếp đến Stress).
Cuộc đời dị thường của nhà khoa học Nikola Tesla
Cuộc đời ông có nhiều dấu hiệu đặc biệt liên quan đến con số 3. Người ta nói rằng Tesla thường đi vòng quanh 3 lần trước khi vào 1 tòa nhà, và ông luôn yêu cầu 18 (1 con số chia hết cho 3) chiếc khăn ăn để đánh bóng đồ bạc và cốc nước mỗi tối. Ông sống 1 mình những năm cuối đời trong căn hộ 3327 (cũng 1 con số chia hết cho 3) trên tầng 33 của khách sạn New York. Cuối cùng thì ông mất 3 ngày trước sinh nhật lần thứ 87 của mình.
Cuộc đời dị thường của nhà khoa học Nikola Tesla
Có những tin đồn rằng Tesla đã từng làm việc suốt 84 giờ không ngủ. Và những giấc ngủ của ông cũng luôn chập chờn, đứt quãng. Thậm chí còn có một số người cho rằng ông nảy sinh ra phát minh trong giấc ngủ của mình. Ngoài sự khác thường trong giấc ngủ thì bình thường ông có lối sống khá lành mạnh và chú trọng đến bề ngoài. Tesla tin rằng, điều mà những nhà chuyên môn về chăm sóc sức khỏe ngày nay đều đồng tình, rằng một thân thể khỏe mạnh sẽ tạo nên một trí óc sáng suốt. Vì thế, ông thường đi bộ 8 đến 10 cây số mỗi ngày. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, ông thường massage các ngón chân vì tin rằng điều đó sẽ kích thích các tế bào não bộ. Tuy nhiên Tesla lại chọn cho mình một cuộc sống độc thân. Cuối đời, Tesla đã trả lời phỏng vấn rằng lý do khiến ông không cưới vợ chính là vì khoa học. Ngoài ra Tesla rất yêu thích động vật mà đặc biệt là loài chim bồ câu.

Kết

Nhìn chung, Tesla là một con người tài giỏi và đặc biệt. Tuy nhiên tầm quan trọng của ông trong nhiều thập kỉ đã bị đánh giá thấp, thậm chí có những phát minh của ông còn bị lầm tưởng là của người khác. Đến ngày nay, người ta đã có cái nhìn đúng hơn về con người cũng như những phát minh của ông. Có thể khẳng định rằng ông là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.
Nikola Tesla (10 tháng 7 1856 – 7 tháng 1 1943) là một nhà phát minh, nhà vật lý, kỹ sư cơ khí và kỹ sư điện người Mỹ gốc Serb. Ông sinh ra ở Smiljan, Đế quốc Áo, sau này trở thành công dân Hoa Kỳ. Tesla được biết đến với nhiều đóng góp mang tính cách mạng trong các lĩnh vực điện và từ trường trong cuối thế kỷ 19 đầu thế kỉ 20. Các phát minh của Tesla và các công trình lý thuyết đã làm nên cơ sở của hệ thống phát điện xoay chiều, bao gồm cả hệ thống phân phối điện nhiều pha và động cơ điện xoay chiều, giúp tạo ra Cách mạng công nghiệp lần 2. Vì tính cách lập dị và những tuyên bố kỳ lạ và khó tin về sự phát triển của khoa học kỹ thuật, Tesla bị cô lập và bị coi là một nhà bác học điên lúc cuối đời. Ông qua đời năm 86 tuổi trong một phòng khách sạn ở New York với một số tiền ít ỏi trong túi.



 Theo Genk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét