Sưu Tầm : NQ. Hiệp(Trang Văn Học Nghệ Thuật)
Truyền thuyết:
Theo sách “Liệt tiên toàn truyện” của Vương Thế Trinh đời Minh, có một câu chuyện kể rằng: Xưa có một người họ Tân, bán rượu ở chân núi Hoàng Cốc kiếm sống qua ngày. Một hôm có có đạo sĩ già ăn mặc rách rưới đến xin rượu uống. Anh bán rượu nghèo tốt bụng, thấy ông lão đáng thương, bèn cho rượu uống. Từ đấy, ngày nào đạo sĩ cũng đến xin rượu. Một hôm, đạo sĩ từ biệt anh bán rượu, nói: “Một năm qua, ngày nào anh cũng cho rượu uống, chẳng có gì đền đáp. Lão có con hạc quí, tặng anh để tỏ lòng biết ơn”. Nói rồi ông lấy vỏ cam vẽ lên tường một con hạc, dặn: “Chỉ cần anh vỗ tay là hạc sẽ bay ra nhảy múa, mua vui cho khách”.
Sa bàn Hoàng Hạc Lâu (Ngày xưa )
Dứt lời, đạo sĩ biến mất. Anh bán rượu làm theo, quả nhiên có hạc vàng bay ra nhảy múa. Từ đấy, khách uống rượu hiếu kì kéo đến rất đông, chẳng bao lâu, anh trở nên giàu có. Bỗng một hôm đạo sĩ quay lại nói: “Mười năm qua, tiền anh kiếm được chắc đã đủ trả chỗ rượu anh cho lão uống?”. Rồi, ông rút cây sáo thần thổi lên một khúc, gọi hạc vàng bay ra, cưỡi hạc bay đi mất. Vì thế, về sau, căn lầu xây ở nơi này được mang tên Hoàng Hạc.
Tuy nhiên, theo Vương Tượng Chi của đời Bắc Tống viết trong “Dự Ðịa kỷ thắng” thì lại ghi nhận rằng sở dĩ tháp quan sát được gọi là Hoàng Hạc Lâu là vì tháp này nằm trên Hoàng Hộc Sơn, phía tây nam của Từ Thành ngày xưa. Vào thời cổ đại, chữ Hộc (con ngỗng trời: thiên nga) trong ngôn ngữ cổ đại Trung Hoa cũng còn có nghĩa là Hạc, nên về sau người ta dùng chữ Hạc cho rõ nghĩa hơn. Từ đó, Hoàng Hộc Sơn được gọi là Hoàng Hạc Sơn. Nhưng về sau, ngọn núi nhỏ Hoàng Hạc này có hình thù ngoằn ngèo giống như Rắn nên đời sau đã lấy môt tên khác là Xà Sơn thay vì gọi là Hoàng Hạc Sơn.
Lầu Hoàng Hạc vốn là một đài quan sát quân sự, được xây từ thời Tam Quốc, ở bờ nam Trường Giang, thuộc địa phận nước Ngô(thành phố Vũ Xương, Vũ Hán ngày nay). Đài quan sát này tồn tại được 50 năm thì nước Ngô bị diệt vong. Từ đấy không có ý nghĩa quân sự nữa. Nhưng, do được xây ở nơi phong cảnh hùng vĩ, lầu Hoàng Hạc dần dần trở thành điểm tham quan của tao nhân, mặc khách và ngày càng nổi tiếng, là biểu tượng, niềm tự hào của người dân Vũ Hán.
Lầu Hoàng Hạc nguyên thuỷ là một kiến trúc bằng gỗ chạm trổ gồm ba tầng, ở trên đỉnh bằng đồng. Trải qua nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc, chịu biết bao cuộc chiến tranh huỷ diệt; rồi lại được dựng lên, sau nhiều lần trùng tu thì cho đến nay lâu Hoàng Hạc được tái sinh trở lại với sự kết tinh nhuần nhuyễn những phong cách độc đáo của Hoàng Hạc Lâu của các triều đại trước, lộng lẫy hơn nhiều gồm 5 tầng với chiều cáo 51.4 mét, ngói vàng, trụ đỏ.
Các tầng mái hiên được uốn vênh lên như đôi cánh hạc. Lầu có thể chia ra làm 3 phần chính. Phần thứ nhất bao gồm cách thiết kế bên trong của tầng 1, tầng này cao hơn 10m và phần trang trí bên trong được thiết kế cho người xem hiểu ngay được về sự tích của Hoàng Hạc Lâu. Phần hai bao gồm các tầng từ tầng 2 cho đến tầng 4. Ðây là các tầng gìn giữ lại những bài thơ, những bài từ bất tử nói về Hoàng Hạc Lâu, những bức họa tranh nói về các sự kiện lịch sử từ thời tam quốc, những danh nhân của đất Sở ngày nào như Khuất Nguyên, những thi tài Lý Bạch, Thôi Hiệu, danh tướng Tống Nhạc Phi, những kiến trúc cũ của Hoàng Hạc Lâu đời Ðường, đời Nguyên, Minh, Thanh..v..v. được trưng bày tại đây để mọi người thưởng ngoạn.
Phần ba bao gồm tầng 5 cũng là tầng cao nhất của Lầu. Ðứng ở đây, người ta có thể ngắm cảnh trời sông bao la bát ngát, nhìn dòng sông Trường Giang và Hán Thủy hợp lưu lại thành hình một chữ “Nhân” trong Hán tự .
Nhạc phẩm Hoàng Hạc Lâu - Cung Tiến
* Hoàng Hạc Lâu Camille Huyền
Các bài thơ về Hoàng Hạc Lâu:
Theo tài liệu văn học Trung Quốc thì có khoảng 300 bài thơ tả cảnh lầu Hoàng Hạc, nhưng chỉ có bài thơ của Thôi Hiệu đời Đường là xuất sắc nhất, phổ thông nhất, có giá trị nghệ thuật vượt không gian và thời gian, được lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Tương truyền, khi “Thánh thi” Lý Bạch đến lầu Hoàng Hạc du ngoạn, định đề thơ, nhưng đọc xong thơ Thôi Hiệu đã đề trước đó, ông đành nghiêng mình gác bút, ngửa mặt lên trời mà than rằng :“Nhãn tiền hữu cảnh đạo vô tắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Cảnh đẹp nhường kia sao khó viết, Trên đầu Thôi Hiệu đã đề thơ).
Để ghi nhớ giai thoại văn học “Thôi Hiệu đề thơ, Lý Bạch gác bút” thú vị này, ngày nay ở phíaNam lầu Hoàng Hạc, người ta xây dựng “Đình gác bút”, làm điểm tham quan, dừng chân cho du khách.
Còn với các thi sĩ Việt Nam, khi đi sứ sang nhà Thanh,
Nguyễn Du cũng qua lầu Hoàng Hạc và viết bài Hoàng Hạc Lâu:
黃鶴樓 Hoàng Hạc lâu
阮攸 Nguyễn Du
何處神仙經紀時 Hà xứ thần tiên kinh kỉ thì
猶留仙跡此江楣 Do lưu tiên tích thử giang mi
今來古往盧生夢 Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng
鶴去樓空崔顥詩 Hạc khứ lâu không Thôi Hiệu thi
軒外煙波空渺渺 Hiên ngoại yên ba không diểu diểu
眼中草樹尚依依 Nhãn trung thảo thụ thượng y y
衷情無限凴誰訴 Trung tình vô hạn bằng thùy tố
明月清風也不知 Minh nguyệt thanh phong dã bất tri
Lầu Hoàng Hạc
Nào thuở tiên đi mãi đến giờ ,
Dấu tiên bên bến đứng trơ vơ .
Xưa qua nay lại Lư dồn mộng ,
Hạc khuất lầu không Hạo để thơ .
Thăm thẳm nước mây ngoài vạn dặm ,
Dờn dờn cây cỏ vẫn nghìn xưa .
Nỗi lòng ấp ủ cùng ai tỏ ?
Gió mát trăng trong luống hửng hờ
(Quách Tấn dịch)
Chưa hết, những bài thơ về lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu và Nguyễn Du, lại khiến cho một tài thơ khác có một nỗi đồng điệu, đó là nhà thơ Vũ Hoàng Chương với bài thơ cùng tên Hoàng Hạc Lâu:
Hoàng Hạc Lâu
- Vũ Hoàng Chương -
Đã bao giờ có hạc vàng đâu
Mà có người tiên để có lầu!
Tưởng hạc vàng đi mây trắng ở
Lầm Thôi Hiệu trước Nguyễn Du sau.
Hạc chưa thoát khỏi mê hồn kịch
Tiên vẫn nằm trong vạn cổ sầu
Trăng gió hão huyền như khói sóng
Nồi kê đã chín nghĩ mà đau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét