Na Uy nổi tiếng khắp thế giới với những cung đường tuyệt đẹp. Dù vậy, quốc gia Bắc Âu này luôn chịu nhiều tác động bởi thời tiết khắc nghiệt, khiến các con đường bị đóng băng vào mùa đông, gây khó khăn cho giao thông. Dự án đường hầm ngầm giữa đại dương, nằm ở vịnh Sognefjord ở độ sâu 30m so với mặt nước biển vì thế được xem như “giải pháp cứu cánh” cho giao thông Na Uy.
“Giấc mơ” giữa lòng đại dươngĐây là dự án đường hầm bê tông đầu tiên trên thế giới được thiết kế ngay trong lòng biển, có tổng chi phí đầu tư lên đến 25 tỉ USD, theo Tạp chí Wired.Thiết kế của đường hầm chạy dọc bờ biển, men theo các vịnh hẹp. Tổng thể công trình bao gồm 2 ống bê tông kép chạy xuyên suốt vịnh Sognefjord (rộng 915m và sâu hơn 1.219m). Nâng đỡ 2 ống kép này chính là các ụ nổi trên mặt nước, kết hợp với hệ thống trục gia cố toàn bộ hệ thống, sao cho ống không bị chìm. Khoảng cách giữa các ụ nổi trên mặt nước được thiết kế đủ rộng để phà và tàu có thể dễ dàng đi qua. Ngoài ra, phần thân mỗi ống được thiết kế đủ chỗ cho hai làn xe chạy, một làn để đi lại, còn một làn dành cho trường hợp khẩn cấp hay phục vụ công tác sửa chữa, bảo trì.
Ống bê tông kép được nâng bởi các ụ nổi khổng lồ trên mặt nước Giai đoạn đầu tiên của dự án gồm 2 đường hầm bê tông dài 1.300m, nối đảo Oppedal và Lavik.Cục Quản lý Đường bộ Na Uy (NPRA) cho biết, dự án góp phần giảm tải mật độ tham gia giao thông đường bộ, đường không, đường sắt… ở nước này. Do nằm sâu dưới nước, công trình sẽ không bị ảnh hưởng bởi gió và sóng, đồng thời được thiết kế nhằm đáp ứng được áp lực của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như: băng giá, chuyển động thủy triều.Hiện các chuyên gia Na Uy đang trong quá trình khảo sát địa chất để có thể bắt tay vào dự án. Nếu kế hoạch được thông qua, sẽ mất khoảng thời gian 7-9 năm để hoàn thành và đưa đường hầm vào khai thác. Họ hy vọng, dự án đầy tham vọng này có thể được hoàn thành vào năm 2035.Với kinh nghiệm xây dựng 1.150 đường hầm đã được đưa vào sử dụng trong cả nước (35 trong số đó là ở dưới nước), Na Uy dường như không có nhiều khó khăn trong việc xây dựng con đường độc đáo này.
Giải pháp nào cho “quốc gia ngàn vịnh”?Có một thực tế rằng, người dân Na Uy muốn lái xe từ nơi này tới nơi khác phải di chuyển qua rất nhiều điểm trung chuyển, cầu cống và vô số lần đi phà. Bởi ở “vương quốc ngàn vịnh” này, phà là phương tiện giao thông thiết yếu. Dù vậy, việc có quá nhiều phà đã ít nhiều làm xấu đi cảnh quan và gây trở ngại cho thuyền bè đi lại. Đó là chưa kể tới việc đi du lịch bằng phà không hấp dẫn, chặng đường đi dài gấp 2-3 lần và thường làm du khách rất mệt mỏi.Trang Seeker dẫn thống kê cho hay, Na Uy có tới hơn 50.000 hòn đảo trải dài trên 2.500km và hơn 1.100 vịnh biển hẹp hình thành giữa các bờ đá dốc, phân bố chằng chịt khắp cả nước. Các chuyên gia cho rằng, các vịnh hẹp này được hình thành cách đây 10.000-15.000 năm khi băng tan. Việc di chuyển bằng đường thủy giữa các hòn đảo không thuận lợi như đường bộ, khá khó khăn và mất nhiều thời gian.Chưa kể, yếu tố nước sâu với những đoạn sâu hơn 1,5km, khiến cho việc xây dựng các cây cầu truyền thống trở nên bất khả thi.
Đường hầm trong lòng biển của Na Uy với thiết kế hai làn xe chạy Đơn cử như, để di chuyển từ thành phố cảng Kristiansand, ở phía nam Na Uy đến thành phố lâu đời nhất của quốc gia Bắc Âu Trondheim mất “1 ngày 1 đêm” vì phải chuyển tiếp qua 7 lần phà.Chính vì các lý do này, Dự án đường hầm dưới biển được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 thành phố trên chỉ còn chưa đầy 11 giờ, thay vì phải mất tới 21 giờ đồng hồ như trước.Arianna Minoretti, kỹ sư cao cấp của Cục Quản lý Đường bộ Na Uy đã nhấn mạnh, việc lái xe trên các đường hầm trong lòng đại dương sẽ chẳng khác nào lái xe qua các đường hầm thông thường.Ông Minoretti nói: “Đường hầm nổi dưới nước có thể chịu được thời tiết xấu ở Na Uy. Nó cũng cho phép tiếp cận dễ dàng hơn tới các vùng nông thôn xa xôi. Khi công trình hoàn thành, người dân sẽ không còn phải chờ trực thăng để tới bệnh viện nữa”.
Ý tưởng không mớiCần phải khách quan rằng Na Uy không phải quốc gia đầu tiên “sáng tạo” ra mô hình hầm ngầm dưới biển. Trước đó, ở quốc gia châu Á – Nhật Bản, người ta đã xây dựng hầm đường sắt Seikan dài 53,85km, trong đó có tới 23,3km ngầm dưới đáy biển.Đây là đường hầm dài nhất thế giới, dù đường hầm eo biển Manche giữa Anh và Pháp có đoạn ngầm dưới biển dài hơn.Hầm Seikan chạy bên dưới eo biển Tsugaru, nối liền hòn đảo Honshu với đảo Hokkaido nổi tiếng của Nhật Bản. Quãng đường này có chiều rộng 9,3m, cao 7,85m. Hầm nằm trên tuyến đường Kaikyo, do Cục Công nghệ, Vận tải và Kỹ thuật đường sắt Nhật Bản và Công ty Đường sắt Hokkaido điều hành thi công.Cũng là ý tưởng giúp giảm tải áp lực cho giao thông nối hai lục địa Âu – Á, song Thổ Nhĩ Kỳ lại là quốc gia giữ kỷ lục đường hầm dưới biển sâu nhất thế giới: Đường hầm tại eo biển Bosphorus với độ sâu 60m dưới mực nước biển.Được biết, để thi công được đường hầm dưới độ sâu “ấn tượng” này, các kỹ sư đã phải vượt qua các dòng hải lưu, áp lực nước, động đất, tàu thuyền đi lại trên eo biển…Không chịu “kém cạnh”, cường quốc dân số thế giới – Trung Quốc cũng đã khởi công xây dựng cầu xuyên biển dài nhất thế giới nối tỉnh Quảng Đông ở phía nam đất nước với Hongkong và Ma Cao vào năm 2009 nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa đại lục và 2 đặc khu hành chính.Bắt đầu từ đảo Đại Nhĩ Sơn tại Hongkong, cây cầu hình chữ Y mang tên Ma Cao – Chu Hải – Hongkong sẽ có tổng chiều dài gần 55km, trong đó bao gồm một đường hầm dưới nước dài 6,7km, khiến nó trở thành cây cầu xuyên biển dài nhất thế giới.Cầu được xây dựng với 6 làn xe, cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độ tối đa 100km/h. Nó có khả năng chịu được động đất mạnh lên tới 8 độ ritcher, sức gió 184-201km/h. Cầu có thời gian phục vụ 120 năm.Dự án xây dựng cầu xuyên biển dài nhất thế giới có tổng kinh phí đầu tư lên tới 10,7 tỉ USD và được chính quyền đại lục, Hongkong và Ma Cao đóng góp. Cây cầu dự kiến hoàn thành trong năm nay.(Petro Times)Minh Quân
(Từ Cảnh chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét