Cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền 3 thành phố của Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Cây cầu vượt biển dài nhất thế
giới nối 3 thành phố của Trung Quốc được chính thức khai trương ngày
23/10, đánh dấu việc hoàn thành dự án sau 9 năm xây dựng.
Cây cầu dài 55 km nối liền đặc khu hành chính Hồng Kông, Macau với thành phố Châu Hải của Trung Quốc, theo BBC.
Các chuyên gia nói rằng cây cầu có thể
chịu được động đất mạnh 8 độ Richter, siêu bão và tàu thuyền va chạm. Nó
được xây từ 400.000 tấn thép, đủ để xây dựng 60 tháp Eiffel (Pháp).
Công trình này còn có một đường hầm dài 6,7 km nhằm tránh làm gián đoạn tuyến đường vận chuyển tấp nập qua sông Châu Giang.
Cây cầu sẽ chính thức lưu thông và phục vụ hành khách từ ngày 24/10.
Sự ra đời của cây cầu sẽ giúp người dân ở
những thành phố trên giảm được đáng kể thời gian đi lại. Hành trình
giữa Hồng Kông và Châu Hải được rút ngắn từ 4 giờ đồng hồ xuống còn hơn
30 phút.
Cây cầu, có vốn đầu tư 20 tỷ USD, ban
đầu dự kiến được đưa vào sử dụng từ năm 2016 nhưng đã bị trì hoãn nhiều
lần. Đây là một phần kế hoạch của Bắc Kinh nhằm phát triển khu vực vùng
vịnh mang tên “Greater Bay Area” – rộng 56.500 km2 với 68 triệu dân tại
Hồng Kông, Macau và 9 thành phố khác ở miền Nam Trung Quốc.
Để được qua cầu, chủ phương tiện ở Hồng
Kông phải có giấy phép đặc biệt và trả phí. Hầu hết người dân sẽ phải đỗ
xe ở cảng và chuyển sang xe buýt hoặc thuê xe ô tô đặc biệt.
Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích và đặt ra câu hỏi rằng liệu cây cầu có quá tốn kém mà hiệu quả không cao.
Trước đó, chính quyền ước tính có khoảng
9.200 xe lưu thông qua cầu mỗi ngày. Tuy nhiên, đầu năm nay, họ đã hạ
thấp con số này xuống do sự cạnh tranh từ cây cầu Thẩm Quyến – Trung Sơn
và hệ thống đường sắt phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Việc thi công cầu cũng gặp phải rất
nhiều khó khăn. Hồi tháng 5, chính quyền cho biết ít nhất 18 công nhân
đã thiệt mạng và hơn 600 người bị thương trong khi xây dựng.
Ngoài ra, năm 2017, cơ quan chống tham
nhũng đã truy tố 19 người làm việc cho một nhà thầu chính phủ vì làm giả
các báo cáo kiểm tra về bê tông của cầu.
Các nhóm bảo vệ môi trường cũng bày tỏ
quan ngại về việc cây cầu có thể khiến số lượng cá heo trắng và sinh vật
biển ở đây suy giảm nghiêm trọng.
Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên
(WWF), số lượng cá heo ở vùng biển Hồng Kông giảm từ 148 con xuống còn
47 con trong 10 năm qua.
H.Đ (Tổng hợp) - daikynguyen.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét