Laurent Sagalovitsch, http://www.slate.fr/story/157456/fatigue-vivre-parfois
Nguyễn Quang Bình dịch
Có nhiều hôm, cố hỏi sao mình thèm sống, sống
nơi nào mà cứ như là muốn nhông nhông cởi truồng lượn lờ trước tay gác
cổng của chung cư mình ở đến vậy.
Sống đôi khi thấy oải làm sao ấy. Quái như thế nào mà
tự nhiên thấy tim gan nặng trịch, tâm trạng sầu bi, trí hồn áo não. Đầu
óc rỗng tuếch, mở sách ra không biết làm chi để rồi đóng nó lại, một
cảm giác trống rỗng, thấy chi cũng chán và trong cơn mệt mỏi ê chề ấy
của cõi lòng chẳng có thứ gì kích nó được nhích nó được, con người mình
như bị choáng loạn trước cái hư vô của cuộc đời.
Thì thế giới vẫn đi hoài đi hoài đó thôi, con
người cứ múa may quay cuồng, xã hội vẫn tiến bước liên tu bất tận đó
thôi, nhưng sao mình không chú tâm vào đó nổi, cứ có cảm giác ngờ ngợ
như thế nào đối với cảnh nhộn nhịp không ngưng nghỉ ấy, mình chẳng nhận
ra thứ gì khác ngoài cái lu bu ồn ào của một vở hài kịch gồm những hình
hài đeo mặt nạ để giấu đi cái bất an, cái bất lực đối với chuyện sống
làm sao cho lương thiện tử tế, che đi sự hèn yếu, chạy trốn thực tại và
một ngàn lẻ một thứ xảy ra trong cuộc đời đầy cay đắng của những lần ngã
ngựa.
Mình đứng đấy đôi tay buông xuôi, bất lực, chẳng
mong chi chẳng muốn chi, đầu hàng, mệt lả đến độ đôi mắt tự dưng nhắm
nghiền lại như mấy cánh cửa trập của căn nhà ở chốn quê mình kéo xuống
để đóng lại lần cuối cùng trước khi rao bán: có cái gì đó trong không
gian phảng phất một thứ cảm giác “trái sầu rụng rơi”, vỡ mộng, buồn đau
mà từng giọt sầu cứ lăn chầm chậm chầm chậm lạnh lùng của một thời dĩ
vãng.
Mình chẳng biết sống như thế nào… như thử là
người đã lãng quên hết lối cũ của những kỷ niệm xưa, không biết phải
quay theo hướng nào, chung quanh chỉ là một thứ im lặng, hỏi ai bây chừ,
hỏi bốn bức tường của căn phòng kín, réo ánh sáng vào nhưng nào ai thèm
trả lời: mình cô quạnh với cả nỗi day dứt, thắc mắc và cả nghi hoặc mà
chẳng biết đâu ra đâu, một thứ huyền hoặc chẳng thể nào thẩm thấu.
Mình cũng cố thoát ra, đi tìm bạn nhậu, cũng đến
tiệm kéo bàn nhưng “tâm bất tại”; mình cũng cố kiếm cớ và rán vội về nhà
nhưng có ai đó đợi mình đâu ngoài cái giường như là bằng hữu rộng cửa
đón mình đưa mình vào giấc ngủ, ngủ say ngủ sưa, không mơ không mòng gì
nữa.
Sáng mai lại, thức dậy trong cơn ngái ngủ, chung
quanh chẳng có chi thay đổi, mọi thứ đều y nguyên nhưng lòng vẫn trĩu
nặng với những cơn thở dài ai oán, nỗi buồn như vẫn chầu chực ngay cửa
nhà: ngoài kia trời vẫn buồn, hàng cây đứng đó mà như những đứa trẻ bị
bỏ rơi, giàn hoa run rẩy trong sương lạnh, công viên như khoác lên cái
hình hài của những nghĩa địa hoang vắng với hàng ghế u sầu, những cái
xích đu ướt nhẹp, thảm cỏ lộn xộn tứ tung; rừng người đi nhanh, như từ
khắp mười phương tám hướng đổ về hướng mình, đặt mình ngay cái chỗ như
mình chưa hề tồn tại, như mình là một bóng tối, như mình đã đi vào cõi
thiên cổ tự lúc nào.
Và mọi thứ phảng phất mùi tang chế, cái sự thể
chẳng đặng đừng ấy đâu phải dành cho riêng ai, nó mê hoặc bạn bao nhiêu
thì cũng phũ phàng với bạn bấy nhiêu, khi thì nó đến như muốn an ủi vỗ
về bạn, như tiếng gọi cô bạn gái xinh xắn kêu bạn đến chơi trong một đêm
cô đơn cùng cực nhưng nỗi cô đơn muộn phiền ấy không bứt bạn ra khỏi
cuộc đời này được vì bạn chính là người yêu cuộc đời này hơn ai hết.
Đôi khi phải trải nghiệm đớn đau của cuộc đời mới
so lường được cái vẻ đẹp bất thường của sự tồn sinh – thôi thôi, ngươi
lại rề rà bằng những lời than vãn ai oán làm ta sưng cả đôi mắt, những
trải lòng ướt át của ngươi như kiểu người Nga kể lể chẳng ai ưa đâu, chỉ
dụ được vài ba thằng nhóc đòi quyên sinh, ở đây tôi muốn nhắc đến nhà
văn Brazil Paulo Coelho bị thuốc ngủ vật, thôi, đứng dậy mà đi, trời
xanh này là của ngươi, hãy đi, hãy sống và hãy trở thành, một lần này
cho ngươi dụ ngọt được ta, đừng như bà má Do Thái bị dụ rồi cuối cùng
thằng con trai cưng cũng lấy người con gái ngoại đạo là được, được chứ?
Được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét