Radio FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ
Hai 03/04/2017
Lần cuối nhiếp ảnh viên Brice Laine trông thấy Mattar là khi bà đang trên đường chạy thoát thân với
muôn vàn giận dữ, bà giận bọn khủng bố ISIS nổ súng bắn người, giận những người
lính Iraq đang lẩn trốn trong nhà mình, giận luôn sự bất hạnh của gia đình, đã
phải sống tại Iraq trong thời buổi như thế này và giận cả cô vì cô bảo với họ
là, toán quân cứu viện đang trên đường tới giúp nhưng chẳng có một người nào.
Nhiếp ảnh viên Laine và cô phóng viên Mỹ Arwa, đi cùng với một toán quân
chống khủng bố Iraq, khi họ cố vươt băng ngang qua khu phố nơi quân ISIS trấn
đóng, ở phía đông thành phố Mosul còn kháng cự, nhưng chuyện xảy ra không đúng
như họ muốn, đường ngõ chật hẹp, gạch đá chất cao từng đống, bùn sâu lầy lội,
xe phải lòn lách qua nhưng cuối cùng con đường thoát của họ bị chận cứng. Chiếc
xe thiết giáp chở họ bị trúng đạn, hai người phóng viên ngoại quốc cùng mấy người
lính Iraq, rời bỏ chạy trốn vào từng nhà này qua nhà kia trên đường phố, với hy
vọng không bị quân ISIS phát hiện ra, cuối cùng họ tới căn nhà của bà Mattar, họ
được gia đình chủ nhà tiếp một cách hết sức tử tế cả đêm, có lẽ đêm đó là một
trong những đêm kinh hoàng nhất mà họ đã trải qua, giữa tiếng bom tiếng súng
vang dội chết người ngoài đường. Gia đình bà Mattar đã nấu nước trà, dọn thức
ăn, đưa mền cho đắp đầy ắp tình người.
Chỉ hơn cô phóng viên chừng bảy tuổi mà Mattar trông già đi, lăng xăng sắp
xếp như một “người mẹ” trong những giờ
phút đó, Mattar cũng nói đùa là trời bất công quá, tại sao người phóng viên lại
trẻ hơn bà và sao tóc không bạc, bà cúi đầu xuống, kéo mấy sợi tóc bạc lên, chỉ
cho họ nói rằng “xem đây, đây là cái gì
mà đất nước Iraq này gây ra cho nó”. Bình minh lên, tiếng súng lại vang lên
nữa, ghê gớm hơn trước, trái bom từ chiếc oanh tạc cơ nào đó rớt xuống, nổ tung
ngay căn nhà bên cạnh, cả gia đình mà Mattar thét to sợ hãi dưới chân cầu
thang, rồi kéo nhau chạy thoát trong run rẫy, chân trần không giày dép và không
nhìn lại, sau lưng tiếng súng kéo dài liên hồi và tiếng lựu đạn nổ tung từng chập,
mù mờ giữa khói bụi, họ không còn thấy nhau và cũng không có dịp nói một lời từ
giã. Rồi thì hai người phóng viên Mỹ cũng chạy thoát khỏi Mosul, về lại Mỹ,
sung sướng với những ngày an toàn trên quê nhà nhưng họ không làm sao, không
nghĩ tới số phận của mấy người lính Iraq, cùng trốn một đêm an toàn trong nhà
bà Mattar, và nhất là tính mạng của gia đình bà ra sao trong suốt hai tháng trời,
cuối cùng họ quyết định phải đi tìm họ cho được, để tâm hồn thôi ray rứt.
Trở lại Mosul, trong cái hoang tàn đổ nát, họ nhớ mang máng chuyện ngày
hôm đó, chiếc xe hơi bị nổ tung, theo toán lính Iraq chạy tìm sự an toàn qua từng
căn nhà một, rồi uống tách trà nóng tại nhà bà Mattar và tiếng bom nổ kinh
hoàng ở căn nhà bên cạnh, ai nấy lo chạy thoát thân không thấy nhau sau đó, hai
người lòng vòng lên xuống mấy con đường gạch đá ngỗn ngang, nghĩ rằng họ nhận
ra và cũng hy vọng là mấy con đường này sẽ nhận ra họ, một người đàn ông trung
niên, giấu mình trong căn nhà còn chút mái che, bước ra, tiến tới họ lên tiếng
chào. Nawfal, tên người đàn ông, mời họ cùng toán lính dẫn đường vào nhà, ông
thong thả chiên trứng gà mời tất cả ăn, bà vợ Farah và mấy đứa con, xem ra vẫn
còn sợ sệt, đứng nép đằng sau cái tủ đựng chén dĩa bằng gỗ. Bà Farah ngài ngại
bước ra, run run nắm tay cô nhiếp ảnh viên chào. Từ giã vơ chồng ông Nawfal, đám
lính và hai người phóng viên Mỹ đi tiếp, tìm đến nhà của bà Mattar, phía trên đầu
đường, họ bỗng cảm thấy e ngại, hy vọng là sẽ gặp lại gia đình bà ở đó nhưng lo
sợ cho những gì họ tìm thấy nếu có chuyện không may.
Hai người không thể nhớ là phía ngoài nhà bà Mattar ra sao, không biết
chính xác là căn nào, chần chừ nhìn qua nhìn lại cho tới khi cô phóng viên Mỹ
nhận ra cái gì đó quen quen, khuôn mặt, khuôn mặt của một người đàn ông đứng
nhìn trời trước cửa, đó là Abu Abdullah, chồng của bà Mattar, không còn bộ râu
hàm bạc như lúc trước, cô nhiếp ảnh viên Mỹ, nói với ông rằng, ông bảnh trai
hơn khi mày râu nhẳn nhụi, ông gật đầu cười “ông đã trông chờ từng ngày một, cái ngày quân ISIS bỏ chạy để được dịp
cạo bỏ bộ râu nặng nề này”. Ông trách nhẹ, “cô hứa là sẽ trở lại đây, cô là một người tốt mà”, ông nắm lấy tay
hai người phóng viên Mỹ, cho biết cả nhà họ bình an. Mattar nghe ồn ào tiếng chân người, từ trong
nhà bước ra, họ ôm chầm lấy nhau sướt mướt khóc, bà ôm hôn lên trán cô nhiếp ảnh
viên cái hôn thật dài, rươm rướm “cô đã
trở lại”.
Bà cảm thấy hết sức mệt mỏi trong mấy tháng qua, nhớ lại ngày cuối ở nhà
mình hôm đó, sau khi chạy vụt ra khỏi nhà, gia đình bà bị quân ISIS chận lại
nhưng bọn họ cũng phải trốn vào căn nhà của một người bà con của Mattar. May mắn,
giữa lúc bom rơi đạn nổ, gia đình bà trốn được đến Gogjali, một cái thị trấn nhỏ
nằm ngoài ngoại ô Mosul, nơi đã được quân đội Iraq chiếm lại, họ ở đó khoảng một
tháng, trong một tháng đó, gia đình bà, chưa có giày mang. Giờ đã trở lại
Mosul, trở lại nhà cũ và đặc biệt hơn là, có thêm một em bé trong gia đình. Được
hỏi Mattar có giận hai người không, bà khẳng định là không, bà không hề ghét họ,
để chứng minh điều mình nói, bà đã đặt tên cháu ngoại mình là tên của cô phóng
viên bởi vì bà thích cô, người phóng viên xúc động lặng thinh không nói nên lời.
Bà Mattar và cô phóng viên Mỹ, bên nhau nói cười, chuyện trò suốt mấy giờ
đồng hồ, nấn ná chưa chịu ngưng, mặc dù toán quay phim thúc hối ngoài sân. Đêm
xuống, Mattar kéo cô nữ phóng viên vào nằm cạnh bên giường, cười khúc khích đùa
“nằm xuống đi tôi sẽ ru cô ngủ nhưng sợ
là tôi mập quá, đè cô ngộp thở luôn thì khổ”, sáng sớm hôm sau, sau một đêm
lo lắng, vẫn còn sợ quân ISIS lảng vảng đâu đó, Mattar thức dậy sớm, sự vui mừng
cố giữ trong lòng từ lâu giờ lộ hẳn ra ngoài, bà đi tới đi lui cười cười, nhìn
quanh dưới cái lạnh của trời đầu thu. Mattar, người đàn bà, mới mấy tiếng đồng
hồ trước đây, còn mang cái khăn quàng quấn trùn che kín đầu cổ, mắc cở e dè
không dám lộ khuôn mặt trước mấy người lính Iraq, giờ mở tung, chạy tới chạy
lui ngoài sân, gọi hết người này tới người kia, cám ơn họ đã giúp đở bà, đã cứu
sống gia đình mình. Tại phía tây thành phố Mosul, trận chiến đánh đuổi quân
ISIS của quân Iraq vẫn còn xãy ra ác liệt nhưng ở phía đông thành phố, cuộc sống
dân chúng đang dần dần trở lại, mặc dù rủi ro cũng còn lấp ló đâu đó, người dân
Mosul đã về lại nhà cũ, tiệm quán, chợ búa mở cửa, trẻ em có thể đến trường học,
ai nấy gặp nhau, tay bắt mặt mừng, nói nói cười cười như cố quên những gì kinh
khiếp, mà họ đã phải chịu đựng suốt hơn hai năm trời dưới sự cai trị tàn bạo của
quân khủng bố ISIS.
Nhìn cậu con trai Ahmed của bà Mattar, họ nhớ lại hôm đó, Ahmed vừa mười
tuổi, cuộn người núp dưới cầu thang, sợ hãi khóc thét khi mấy người lính Iraq,
trong nhà dùng súng bắn quân ISIS bên ngoài qua cửa sổ nhà bếp, nhớ câu nói của
thằng bé “con vẫn còn nhỏ, con sợ quá,
con không muốn chết đâu”. Hôm nay đã hết rồi sợ hãi, Ahmed mơ tới tương
lai, ngày trở lại trường và giấc mộng trở thành người bác sĩ. Mấy ngày, sau lần
tái ngộ đầu, đám làm phóng sự Mỹ trở lại nhà bà Mattar, thăm họ lần nữa trước
khi rời Iraq, sau bữa ăn từ giã, Mattar gọi giục cô phóng viên theo bà vào gian
nhà trong “vô đây, vô đây, có ai muốn gặp
cô đây này”, đó là em bé Arwa, có cái tên của mình, người nữ phóng viên
Arwa, cô quá cảm động muốn rơi nước mắt, thật là một vinh hạnh lớn được gia
đình Mattar ưu ái như vậy. Bé Arwa nằm ngủ một cách bình yên, như một thiên thần,
không màng biết gì về những hiểm nguy kinh hoàng đã xảy ra quanh mình.
Mattar
nhìn cô phóng viên Arwa, nói khẻ “nhận nó đi”, rồi đặt đứa bé lên tay của
cô ta cười, một nụ cười nửa đùa nửa thật “mang nó theo cô về Mỹ đi”, nhưng tiếc
thay nơi này, quê hương của bé Arwa, là thành phố Mosul, là đất nước Iraq, có lẽ
tới lúc em lớn lên, lớn đủ để nhớ, hy vọng, cuộc chiến sẽ không còn nữa.
Thuyên
Huy
Mon 03.04.2017
(ảnh từ báo Atlantic tháng 3/2017 : Mosul hoang tàn )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét