Mì ngon 70 năm ở Sài Gòn
Mì là một món ăn độc đáo. Tôi nghĩ chắc không ngoa khi nói rằng món mì do người Việt chế biến là ngon nhất thế giới.
Tôi có thể nói câu đó nhiều lần mà không sợ sai. Đọc bài dưới đây tôi
mới biết thêm một địa chỉ mì ở Sài Gòn. Lần sau về phải ghé qua cho biết
.
Một
điều thú vị là dù món mì ở Việt Nam do người Hoa nấu, nhưng nó không
giống như ở Tàu; món mì ở Việt Nam ngon hơn nhiều. Tôi đoán có lẽ món mì
khi du nhập vào Việt Nam -- dù là người Việt hay người Hoa nấu -- nó đã
được "tiến hóa" theo văn hóa ẩm thực địa phương, vốn hòa quyện giữa Á
châu và Pháp. Nhìn tô mì Việt Nam, nước trong veo, vừa đủ ngọt, cộng
thêm một chút hành ngò, một con tôm chiên bột, và vài lát thịt gà, là
thấy đẹp ngay. Đẹp từ màu sắc đến vị của soup và cái giòn của con tôm
chiên. Trên thế giới này (tôi có cơ duyên đi nhiều nơi), không có chỗ
nào nấu một tô mì hoàn hảo như ở Việt Nam.
Món
mì chắc không phải xuất phát từ Việt Nam, rất có thể là xuất phát từ
Tàu hay Ý. Hai nước này còn trong vòng tranh luận về nguồn gốc của mì.
Nhưng như nói trên món mì bên Tàu hay cách nấu/chế biến theo kiểu ở bên
Tàu không ngon như ở Việt Nam. Nhìn cái màu của soup mì bên Thượng Hải
là ... chán. Nước soup gì màu đen như thuốc bắc, lúc thì mặn chát, lúc
thì lạc nhách, chả ra thể thống gì cả. Ngay cả khi món mì được du nhập
sang các nước Á châu khác như Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, hay xa hơn
như Đại Hàn và Nhật, cách nấu cũng không đậm đà như cách nấu ở Việt Nam.
Cọng mì ở Việt Nam nhỏ hơn, dai hơn, giòn hơn so với cọng mì thô kệch
của Nhật và Hàn. Đặc biệt là món soup để ăn mì thì mấy nước kia thua
Việt Nam cả ngàn năm ánh sáng. Việt Nam đã đạt được trình độ chế biến
món soup mà trên thế giới này khó có văn hóa ẩm thực nào bì kịp.
Ngày
xưa, ở Sydney có tiệm mì Á Đông lừng danh một thời. Ông chủ là người
Việt gốc Hoa, hình như quê ở Trà Vinh, sang đây tị nạn năm 1980. Ông mở
quán mì lấy tên là "Á Đông" ở Cabramatta. Điểm đặc biệt của quán mì này
là ông làm mì tại chỗ. Khi khách kêu tô mì, ông vào trong làm, và sau đó
cho soup vào cùng món tôm chiên bột kèm theo. Món soup của ông thì cho
đến nay chưa có tiệm mì nào qua được. Còn cọng mì của ông thì vừa nhỏ,
vừa giòn, ăn hoài không chán. Thành ra, quán lúc nào cũng đông khách,
người ta xếp hàng chờ mệt nghỉ. Còn ông làm mì thì ... chậm, nên dù khi
đã có bàn, thì phải chờ đến 15 phút mới có tô mì. Ông nói là chỉ làm mì
vì yêu nghề thôi và muốn khách phải thưởng thức ngón nghề độc đáo của
ông. Rất tiếc là sau khi ông qua đời thì con cháu ông không nối nghiệp
và quán đóng cửa. Cho đến nay, mỗi lần đi ngang qua quán này tôi vẫn nhớ
ông chủ quán hiền lành và yêu nghề mì. Không biết chừng nào mới có một
quán mì Á Đông trong tuơng lai.
Mì ngon 70 năm ở Sài Gòn
Tôi
đã được nghe rất nhiều giai thoại về xe mì Thiệu Ký trong con hẻm 66 Lê
Đại Hành này. Nào là danh tiếng của chủ quán, ông Tư Ky, lừng lẫy đến
mức con hẻm 66 này được người dân xung quanh gọi là “hẻm Tư Ky”. Rồi bề
dày lịch sử 70 năm của quán, trải qua bao nhiêu ngày tháng, biến cố lịch
sử vẫn giữ nguyên một hương vị. Về cọng mì bí truyền, ăn cho đến gần
hết tô vẫn dai mà không bị nở…
Những
người kế nghiệp quán mì Thiệu Ký ngày nay gọi ông Tư Ky là ông ngoại.
Những năm 30 của thế kỷ trước, ông Tư Ky đã chọn Việt Nam làm quê hương
thứ hai của mình với nghiệp mưu sinh là gánh mì nhỏ bán quanh khúc giao
lộ Thuận Kiều, Trần Quý, Hòa Hảo (quận 11 ngày nay). Rồi gánh mì chuyển
lên thành xe mì đẩy đi bán xung quanh khu vực có đông người Hoa sinh
sống. Đến sau năm 1975 thì xe Thiệu Ký mới chính thức yên vị trong con
hẻm nhỏ 66 Lê Đại Hành này.
Hành
trình sản sinh cọng mì và hủ tiếu của người Hoa là một chủ đề khá khá
vị. Nếu như cọng hủ tiếu dai trong hủ tiếu Nam Vang là một biến thể thú
vị từ những người Mẫn Nam (Phúc Kiến) trong giai đoạn di cư về phía
những nước Đông Nam Á, với bột gạo là nguyên liệu chính. Do không có
nguyên liệu làm mì, họ đã dùng nguyên liệu tại chỗ là gạo để chế sợi
thay cho mì (từ đầu thế kỷ trước 3 nước Đông Dương đã là một vựa gạo
khổng lồ với sản lượng xuất khẩu lên đến 1.5 triệu tấn hàng năm).
Tuy
cọng hủ tiếu được sản sinh ở những nước Đông Dương xưa (có thể từ thế
kỷ 17 đến 18), thì sợi mì vẫn tồn tại song song trong cộng đồng Hoa
kiều. Và tất nhiên mỗi quán mì đều có bí quyết chế biến sợi mì, xem như
bản sắc của mình. Với quán Thiệu Ký cũng vậy. Đã 70 năm qua, các thành
viên trong gia đình ông Tư Ky vẫn giữ nguyên thói quen làm sợi mì riêng
cho quán mình. Một quy trình khép kín từ 2h chiều kéo dài đến 5-6h tối.
Sợi mì được làm theo một bí quyết chuyên biệt : bột mì trộn cùng trứng
vịt và nước tro tàu, ủ một thời gian rồi mới mang đi cán và cắt sợi.
Cũng
nhờ vậy mà món chủ lực ở Thiệu Ký – mì khô dầu hào – ngon một cách khó
tả. Sợi mì dai, giòn một cách tự nhiên, và đặc biệt không giờ bị nở cho
dù bạn ăn thật chậm. Vị mì ngon hòa với một chút dầu hào và tốp mỡ, nêm
thêm một chút giấm đỏ (vị chua mà người Việt thường chọn chanh để thay
thế), gắp chung một đũa với miếng xá xíu mới là trọn vẹn một tô mì
“chính hiệu” Tư Ky.
Bên
cạnh món mì bí quyền qua bao nhiêu năm tháng, ở Thiệu Ký còn nhiều món
ngon khác như hủ tiếu thập cẩm, bò kho, hoành thánh và sủi cảo. Sủi cảo ở
đây khá chất lượng, to và đầy đặn nhân tôm chứ không nhỏ để đáp ứng về
mặt số lượng như các quán khác. Hủ tiếu thập cẩm ăn với lòng, sườn heo
cũng là món nên thử.
Thời
khắc đẹp nhất đế ăn ở Thiệu Ký có lẽ nằm trong khoảng từ 9 đến 10 giờ.
Khi đó trời Sài Gòn vừa dịu nắng sáng, con hẻm nhỏ 66 Lê Đại Hành cũng
đã vãn bớt thực khách… Để tôi được cảm nhận trọn vẹn hương vị của thời
gian, của những đam mê được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Như là một đặc ân
dành cho người Sài Gòn vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét