Khoai lang là một món ăn dân dã nhưng từ lâu cũng được công nhận là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh.
Khoai lang còn gọi với những cái tên khác như cam thử, phiên chử. Theo Đông y, củ khoai lang tính bình, vị ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm.
Rau lang tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn.
Tính về thành phần dinh dưỡng, trong 100g củ khoai lang tươi có 6,8g nước, 0,8g protid, 0,2g lipit, 28,5g gluxit, 1,3g xenluloza, và cung cấp cho cơ thể 122 calo. Ngoài ra, trong khoai lang còn có nhiều vitamin và muối khoáng, có canxi, sắt, các vitamin B2, PP và C.
Trong 100g rau khoai lang có 91,9g nước, 2,6g protit, 2,8g gluxit, 48mg canxi, 54 mg phospho, 11 mg vitamin C...
Trong cuốn "Những cây thuốc và bài thuốc Việt Nam" của cố GS Đỗ Tất Lợi có ghi lại tác dụng dược lý của khoai lang như sau:
"Thí nghiệm trên chuột và trên người tác dụng của nước sắc lá khoai lang, chúng tôi thấy tá dụng nhuận tràng rõ rệt cả với chuột và người, không có hiện tượng nào khó chịu.
Kết quả này phù hợp với nhận xét trong nhân dân: Một số lớn người ăn rau khoai lang thường đi đại tiện rất dễ dàng".
Cũng trong cuốn sách này, GS Đỗ Tất Lợi giới thiệu một bài thuốc được áp dụng nhiều tại các bệnh viện của Liên Xô cũ dùng để trị táo bón và bệnh trĩ cho bệnh nhân bằng của khoai lang mà không cần dùng thuốc.
Bài thuốc như sau: Rửa củ khoai cho sạch, gọt vỏ, nghiền nát vắt lấy nước. Buổi sáng sớm cho bệnh nhân uống vào lúc đói bụng 1/2 cốc to, trước bữa ăn 1/2 cốc nữa.
Sau 2 đến 3 ngày bệnh nhân khỏi táo bón, một số chỉ khỏi sau 3 - 4 ngày. Nếu có bệnh trĩ phải tới 6 ngày, một số cá biệt lên tới 12 - 20 ngày sau mới khỏi.
Ngoài ra, có thể sử dụng khoai lang làm thuốc nhuận tràng giúp đi tiêu phân mềm, không lỏng, không đau bụng bằng cách ngày uống nước sắc và ăn lá với liều 60 - 100g lá tươi hoặc 30 - 40g lá khô hoặc dùng củ như trên đã giới thiệu.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét