Chúng đến hòn đảo khi theo chân
người Anh đến hòn đảo heo hút xa xôi và từ đó trở thành một giống loài
đặc biệt đã góp công xây dựng nên vùng đất này.
Nếu Newfoundland trông như một thế giới tách rời hẳn khỏi đất nước Canada, thì bước chân lên Quần đảo Change là một điều gì đó khác hẳn.
Vẻ đẹp kỳ dị
Cách gần 450km từ thủ phủ St John của Newfoundland, Quần đảo Change xa xôi nằm giữa Vịnh Notre Dame và Biển Labrado là nơi ta chỉ có thể đến bằng phà.
Ở nơi đầy những cái tên thị trấn kỳ dị này, như thị trấn Heart’s Content and Cupids, rõ ràng là nguồn gốc của quần đảo Change cũng ẩn giấu trong những truyện cổ dân gian.
Người địa phương tin rằng biệt danh được đặt cho hòn đảo là khi những cư dân ở Đảo Fogo gần đó quyết định đến sinh sống ở Quần đảo Change [thay đổi] – có nghĩa là họ đã thay đổi quần đảo này. Tên gọi chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng đã mở ra một góc nhìn vào tinh thần tuyệt đẹp và lạ lùng của cộng đồng nơi đây.
Trong khi vùng đất được tạo nên từ ba hòn đảo nhỏ, nối với nhau bởi một eo biển (gọi là ”tickle’ theo tiếng Anh của dân vùng Newfoundland), cộng đồng 300 dân này hầu hết sống ở khu vực phía nam và trung tâm đảo.
Nhưng trên Quần đảo Change, còn có những cư dân khác, không phải ai trong số 300 người dân địa phương – được cho là đã giành lấy mọi sự vinh quang: đó là chỉ còn chừng một tá những chú ngựa lùn Newfoundland, một loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Loài vật khỏe mạnh
Ngựa lùn Newfoundland đã có mặt ở nơi này từ đầu thập niên 1600, khi những cư dân xa xưa nhất của hòn đảo từ Anh tới đây định cư. Chúng là hậu duệ của loài ngựa ở vùng thảo nguyên Exmoor, Dartmoor và New Forest – vốn quen với những vùng đất khô cằn và khí hậu khắc nghiệt của Bắc Đại Tây Dương. Nhờ vào vị trí hẻo lánh của vùng Newfoundland, các chú ngựa này kết đôi trong hàng trăm năm và cuối cùng tạo ra loài ngựa đặc biệt, một giống ngựa rất khỏe.
Những chú ngựa ở đây nổi bật với sự khỏe mạnh, vững chãi nhưng rất nhẹ nhàng. Chúng thường thấp lùn – cao chưa tới 14 gang tay, và đặc biệt chân của loài ngựa này thường có màu tối hơn phần còn lại trên cơ thể.
Xây dựng hòn đảo
Như hầu hết các nơi ở Newfoundland, ngựa lùn trên Quần đảo Change được sử dụng để làm các công việc nặng nhọc, để cày và làm ruộng, kéo gỗ xây nhà, vận chuyển sỏi đá để làm đường. Chúng thậm chí còn làm việc ở hầm mỏ. Trong nhiều tháng mùa đông, người ta thả ngựa tự do cho đến mùa xuân. Chúng được thả chạy tự do khắp nơi trên đảo.
Do công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng ngựa trong các công việc nặng nhọc giảm dần. Ngựa được tự do đi dạo trên đảo, và dần bị lãng quên. Số lượng ngựa bắt đầu giảm dần, trong những thời gian khó khăn, người ta giết ngựa lấy thịt và bán đi nước ngoài.
Vào hồi thập niên 1970, số lượng ngựa ở Newfoundland là 12.000 con. Nhưng đến thập niên 1980, chỉ còn hơn 100 cá thể.
Bảo tồn loài ngựa
Vào năm 1997, chính quyền tỉnh Newfoundland thông qua Đạo luật Bảo tồn Động vật của Newfoundland và Labrador, nhằm bảo vệ loài ngựa Newfoundland bằng pháp luật. Vận chuyển ngựa khỏi đảo là hành vi bất hợp pháp nếu không có giấy phép xuất khẩu đặc biệt, và luật đảm bảo rằng các chú ngựa chỉ được chuyển đến các nhà nhân giống và người yêu ngựa chứ không phải các lò mổ. Hiệp hội Ngựa lùn Newfoundland được thành lập nhằm quảng bá, đăng ký và bảo vệ loài ngựa này.
Số lượng cá thể ngựa từ đó tăng dần, ước tính khoảng 250 chú ngựa giờ đây có thể được nhân giống tiếp. Hầu hết chúng sống ở Newfoundland, nhưng cũng có một số lượng nhỏ sống ở Nova Scotia và Ontario.
Vì thế, thật ấn tượng khi quần đảo Change cô lập lại có thể bảo tồn rất nhiều ngựa, và hầu hết là tại Khu bảo tồn Ngựa Newfoundland, một cơ sở nhân giống và bảo tồn gần như chỉ do một phụ nữ vận hành.
Netta Ledrew lớn lên ở Đảo Change và luôn sẵn có tình yêu với loài ngựa này. Bà là một người dân địa phương Newfoundland đã giúp khiến nơi này trở nên nổi tiếng về sự hiếu khách. Tài năng kể chuyện của bà càng nổi bật hơn bởi giọng nói du dương đúng kiểu người vùng Newfoundland
Khu bảo tồn do một phụ nữ trông nom
Khu bảo tồn này lần đầu tiên được đưa vào hoạt động năm 2005 do một nữ người địa phương tên Beverly Stevens, nhưng để vận hành được một khu bảo tồn tại một nơi hoàn toàn cô lập ở một tỉnh heo hút như thế này đòi hỏi rất nhiều thứ. Khi Stevens quyết định đưa các chú ngựa lên đất liền, LeDrew không thể chịu được ý nghĩ sẽ mất các chú ngựa, và bà đề nghị sẽ nhận làm việc ở đây.
“Thật đáng xấu hổ nếu thấy chúng ra đi,” bà nói. “Vì thế tôi nhận làm phần việc của mình để giữ chúng sống.”
Ngày nay, Netta làm việc một mình, quản lý một nông trại 12 chú ngựa. Không có nhân viên toàn thời gian nào khác ngoài một mình bà làm việc ở đây.
“Tôi có nhiều tình nguyện viên trong thị trấn đến giúp khi tôi cần,” bà cho biết. Những hành động tử tế này không hiếm gặp ở vùng nông thông Newfoundland.
Gia đình hạnh phúc
Lúc khởi đầu, LeDrew có 5 chú ngựa, và sau đó chúng bắt đầu nhân giống. Giờ đây, trong số 12 chú ngựa thì 10 là của LeDrew và hai chú ngựa là được gửi nuôi ở đây. Ngựa Lily sinh năm 2006, sau đó là Jigger sinh năm 2007. Ba chú ngựa sau sinh năm 2008. Chú ngựa Kate của Cove sinh năm 2010, sau đó là Charlie.
Những chú ngựa được coi như con bà và LeDrew nhớ ngày sinh của từng con. Bà cũng cho bạn biết chi tiết về dòng họ của bất cứ chú ngựa nào, bắt đầu với những anh em, rồi đến ông cố, ông tổ của chúng. Mạng lưới dòng dõi loài ngựa này phức tạp hơn bạn tưởng, khi chỉ có một số ít để nhân giống, những thông tin này là đặc biệt cần thiết để tránh chúng giao phối cận huyết.
Chăm sóc đặc biệt
Mỗi chú ngựa đều có môt tính cách riêng, và vòng đời dài của chúng có thể kéo dài đến 30 tuổi, nghĩa là LeDrew sẽ hiểu biết những sinh vật này hầu hết cả cuộc đời chúng. Chú ngựa già nhất ở khu bảo tồn đã 36 tuổi. Tên của nó là St George’s Princess (Nàng Công chúa của Thánh George), và theo LeDrew, nó có ‘hàm răng không tốt’. Công Chúa cần được ăn các loại ngũ cốc mềm đặc biệt làm từ cỏ linh lăng.“Khi tôi ghé qua chuồng buổi sáng, nó sẽ đòi ăn món đó,” LeDrew cười.
Công việc yêu thương
LeDrew mất tới 10 giờ mỗi ngày để dọn rửa chuồng và cho ngựa ra ngoài ăn cỏ. Tất cả những người muốn đến mua ngựa đều phải qua kiểm tra và sàng lọc; LeDrew muốn những chú ngựa của bà sẽ có một mái nhà tốt. Về mùa hè, bà giới thiệu mọi người đến khu bảo tồn và cho mọi người cưỡi ngựa. Trong mùa đông, tìm ngũ cốc cho ngựa ăn có thể khó khăn và khi có bão, những chuyến phà không thể đến đảo.
Đó là công việc cực kỳ tốn tiền. Khu bảo tồn hoạt động hoàn toàn dựa trên sự đóng góp từ thiện, tất cả số tiền thường được chi cho thức ăn và chăm sóc móng ngựa. LeDrew không nhận tiền cho những nỗ lực của bà, nhưng sự tình cảm gắn bó lũ ngựa với bà khiến bà cảm thấy đáng bỏ công sức ra cho chúng.
“Tôi gọi chúng là những chú ngựa nhỏ đã kiến tạo nên Newfoundland,” Letta LeDrew nói.
Giấc mơ của LeDrew là số lượng ngựa sẽ trở lại như xưa, khi chúng còn hàng ngàn con.
“Đó là một loài động vật nhẹ nhàng, rất thân thiện với trẻ em và dùng để cưỡi cũng rất tuyệt,” bà nói.
Tác giả Candice Walsh
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét