Có khá nhiều số loài động vật nổi
tiếng là phàm ăn. Nhưng chỉ có một số ít các loài là thực sự ngốn lượng
thức ăn nhiều tới mức kinh khủng.
Ăn như chết đói chết khát. Chúng ta đều có những lúc đói cồn cào, nhưng đã bao giờ bạn đói tới mức ăn hết bốn tấn hải sản chưa?Thành thật mà nói thì cá voi xanh, loài cá khổng lồ nơi đại dương và cũng là loài động vật lớn nhất hiện đang còn tồn tại trên Trái Đất này, xứng đáng giành ngôi vương trong chuyện ăn nhiều. Tính ra mỗi ngày con thủy quái khổng lồ này xơi hết 40 triệu con giáp xác nhỏ bé để đáp ứng nhu cầu cơ thể.
Nhưng có những loài động vật khác nổi tiếng là ăn nhiều, và một số loài trong chúng có lẽ sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
Giống như cá voi xanh, những loài động vật lớn sống trên cạn cũng có những bữa ăn đầy đặn, tương xứng với kích thước cơ thể.
Theo chuyên gia nghiên cứu voi châu Phi Norman Owen-Smith từ Đại học Witwatersrand, Johannesburg, Nam Phi, thì những con voi đực ăn lượng thức ăn khô tương đương với khoảng 1% trọng lượng cơ thể mỗi ngày, trong lúc các con voi cái trong thời kỳ nuôi con ăn tới 1,5% mới đủ.
Những con voi đực nặng tới 6 tấn, như vậy chúng cần ăn tới 60kg thực phẩm khô, tức là không tính phần nước ngậm trong các thức ăn này. Nếu tính cả nước thì trọng lượng có thể nặng hơn gấp bốn lần.
Bởi chỉ ăn cây cỏ cho nên voi phải giành phần lớn thời gian trong ngày đi kiếm đủ thức ăn cho mình. Chúng có thể ăn tới 18 tiếng mỗi ngày, tùy vào việc thứ đồ ăn chúng kiếm được là gì.
Tương tự, gấu trúc lớn để ra 14 tiếng mỗi ngày để ăn cây trúc. Các nhà nghiên cứu cho rằng cách ăn uống như vậy không phải là lý tưởng cho những con thú này, vốn có hệ tiêu hóa không thật thích hợp với cho việc phải xử lý rất nhiều chất xơ từ tre trúc. Điều này giải thích lý do vì sao gấu trúc phải ăn tới 12,5kg trúc mỗi ngày mới đủ dinh dưỡng cần thiết, và vì sao chúng thải ra nhiều phân đến vậy.
Nhìn chung, những loài chỉ ăn thực vật phải mất nhiều thời gian hơn cho việc ăn uống thì mới nạp đủ năng lượng, trong lúc các loài động vật ăn thịt có thể kết thúc bữa ăn một cách chóng vánh.
Loài dơi nâu nhỏ được cho là có thể ăn hết 1.000 con muỗi trong một giờ. Tuy nhiên giới khoa học gia tỏ ra thận trọng trước con số này.
Brock Fenton từ Đại học Western University, Canada, nói rằng số liệu trên là “vô nghĩa lý”, là sự lẫn lộn giữa hai cuộc nghiên cứu về hai loài dơi khác nhau, được thực hiện hồi thập niên 1950.
Fenton nói rằng một nghiên cứu tìm hiểu về những thứ có trong dạ dày của một con dơi tam thể sau một giai đoạn ăn uống, còn nghiên cứu kia thì ghi nhận số liệu về các con dơi nâu nhỏ trong phòng thí nghiệm khi chúng săn muỗi và ruồi dấm. Không nghiên cứu nào đưa ra được bức tranh chính thức về việc bao nhiêu con ruồi muỗi dơi nâu có thể ăn trong điều kiện tự nhiên.
Thêm nữa, dơi nâu ăn không chỉ muỗi: chúng thích săn cả những con mồi lớn hơn, như bướm ma chẳng hạn. Một nghiên cứu về dơi tại Canada cho thấy muỗn chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng thức ăn mà loài này tiêu thụ.
Cho nên có lẽ là hơi quá nếu ta nói rằng loài dơi này có thể cứ 3,6 giây lại ăn một con muỗi.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy dơi thực sự biết cách tối ưu hóa chiến lược săn mồi đê kiếm được nhiều chiến lợi phẩm nhất. Một nghiên cứu được thực hiện hồi 2016 cho thấy loài dơi nhà Nhật Bản lên kế hoạch cho bữa ăn sau thậm chí còn trước cả khi chúng đánh chén bữa ăn trước mắt. Chúng lên kế hoạch bay theo tuyến đường có thể giúp bắt thêm được mồi.Có những con vật có vú màu nâu cỡ nhỏ khác cũng khét tiếng không kém về sự săn mồi, phàm ăn quá mức: chuột chù.
Chuột chù Á- Âu (common shrew) cứ 2-3 tiếng đồng hồ là phải ăn một lần, và ngốn lượng thức ăn tương đương 80-90% trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Nhỏ bằng nửa chuột chù Á-Âu là chuột chù lùn (pygmy shrew), ăn lượng thức ăn tương đương 125% trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Những động vật có vú này có tốc độ trao đổi chất cực kỳ nhanh, khiến chúng tiêu thụ năng lượng một cách vô cùng nhanh. Do đó, chúng cần ăn liên tục nếu không muốn chết đói.
Nói về tốc độ trao đổi chất nhanh thì ta cũng cần phải nói tới loài chim ruồi nữa.
Loài chim kỳ lạ này ưa mật hoa, và đó là nguồn cung cấp năng lượng cho các chuyến bay cực tốn sức của chúng. Đập cánh liên tục tới 50 lần một giây, những chú chim ruồi nằm trong số một số loài có tỷ lệ trao đổi chất cao nhất trong số các loài động vật có xương sống.
Có lẽ bạn từng nghe nói rằng tính trung bình, chim ruồi ăn lượng đường tương đương một nửa trọng lượng cơ thể mỗi ngày, cứ 15 phút lại hút mật một lần. Thế nhưng có tới hơn 300 loại chim ruồi khác nhau.
“Lượng mật hoa chúng ăn khá là khác nhau giữa những loại chim ruồi khác nhau,” Adam Hadley, người đứng đầu nhóm nghiên cứu chim ruồi tại Đại học Oregon State University nói. “Chúng có kích thước cơ thể khác nhau rất nhiều, từ loại chim ruồi chỉ bé như con ong, nặng 2,5g, cho tới loại chim ruồi lớn, nặng tới 24g.”
Các loại chim ruồi lớn hơn thì hút nhiều mật hoa hơn, nhưng chúng lại tiêu thụ năng lượng chậm hơn các loại chim ruồi nhỏ. Tính ra theo tỷ lệ cơ thể, thì điều này có nghĩa là các loại chim ruồi cỡ nhỏ háu đói hơn.
Hadley nói những con chim này cũng dự trữ năng lượng để dùng vào những lúc cần kíp. “Rất thú vị là chúng có thể tích trữ lượng mỡ dự trữ tương đương tới 17% trọng lượng cơ thể mỗi ngày.”
Các loài khác lại chỉ cực kỳ phàm ăn trong một số thời điểm nhất định trong vòng đời của chúng. Chẳng hạn như việc biến đổi từ một con sâu dòi bé tí thành một con bướm đòi hỏi rất nhiều năng lượng.
Loài bướm khổng lồ vùng Bắc Mỹ, Polyphemus moth, được đặt tên theo tên gã khổng lồ một mắt trong sử thi của Homer bởi nó có một chấm đen khổng lồ ở mỗi bên cánh. Thế nhưng có lẽ gã khổng lồ ăn thịt người và con sâu tàn phá mùa màng khủng khiếp này có lẽ còn giống nhau hơn nhiều ở khoản phàm ăn.
Theo Sách Kỷ lục Thế giới Guinness, con sâu bướm này có thể ăn lượng thức ăn tương đương 86.000 lần trọng lượng cơ thể trong thời gian 56 ngày. Nhưng Andrei Sourakov từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida nói rằng đây là số liệu đáng ngờ. Có vẻ như nó giống với việc ta so sánh lượng thực phẩm một người ăn trong suốt tuổi ấu thơ rồi đem so sánh với trọng lượng người đó lúc mới chào đời.
Sourakov nói rằng một dự án gần đây tại Đại học Florida cho thấy bướm luna (luna moth), là loại có kích thước tương tự, thường ăn lượng thức ăn tương đương từ một nửa đến hai phần ba trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
“Tôi vẫn thấy đó là điều rất ấn tượng,” Sourakov nói. “Để so sánh với con sâu bướm đó thì con người chúng ta phải ăn khoảng từ 25 đến 90kg xà lách mỗi ngày.”
Ứng viên cuối cùng của chúng ta trong danh sách những loài phàm ăn nhất thế giới có lẽ không phải là những nhân vật nổi tiếng trong các quyển sách dành cho trẻ em. Dẫu cho thói quen ăn uống kỳ quặc của chúng có thể giúp cứu sống chúng ta, nhưng chúng bị coi là những kẻ hút máu người.
Đỉa y tế nổi tiếng về việc hút máu, và chúng được dùng để chữa các vết thương hoặc để làm loãng máu trong suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, hầu hết trong thế giới 700 loại đỉa khác nhau thật ra đều là những kẻ săn mồi của các loài động vật có xương sống.
“Loại đỉa lớn nhất mà tôi từng chứng kiến là những con đỉa khổng lồ vùng Amazon Haementeria ghilianni, và đỉa trâu châu Á Hirudinaria manillensis,” Mark E. Siddall từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ nói. “Đó là những con đỉa tiêu thụ nhiều máu nhất, rõ là như vậy,” ông nói về những con đỉa được nuôi nhốt, được cho ăn và không bị động vật nào khác săn bắt.
Nhưng trong đời sống tự nhiên, cơ hội có sẵn mới là điều quyết định mọi thứ. Đỉa trong rừng nhiệt đới thì quá nhỏ để có thể săn mồi, cho nên chúng phải chờ khi con mồi đi qua. Bởi việc chờ đợi có thể kéo dài, cho nên không ngạc nhiên gì khi có cơ hội là chúng sẽ hút máu no căng một trận, gấp bảy lần trọng lượng cơ thể.
Nguồn: BBC Earth.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét