Bữa ăn sáng ở phòng chờ xuất viện đã ở đoạn kết, mọi người dự cuộc vẫn chưa hết lưu luyến.
Trước khi vào điều trị ở bệnh viện tâm thần này họ đều là những thành viên tốt của xã hội.
Chỉ vì, sức khỏe của họ đã không chịu nổi lòng tốt của họ, nên đâu đấy trong sự thái quá của ý chí họ đã bị bệnh tâm thần. Nhưng thôi đó là chuyện cũ kĩ, chuyện của trước kia, còn bây giờ thì ổn cả rồi.
Ngày hôm nay họ tập trung ở căn phòng này, với chứng chỉ sức khỏe tốt, tâm thần họ đã trở lại bình thường. Trong bầu không khí vui chung, hồ hởi, phấn khởi tất cả những cái mắt vui vẻ nhìn nhau tin tưởng.
Bỗng có một người nói:
– Tôi có tiền đây.
Một số người nói: " thế à", một số khác nói "hay lắm", cũng có người lặng thinh.
Thấy vậy người vừa nói đó nói lại to hơn, như hô một khẩu lệnh:
– Tôi… có tiền đấy.
Cả nhóm người có vẻ như cùng ngơ ngác một chút. Trong nhóm có tiếng trả lời cũng to như thế:
– Hay lắm, gọi bia tiger gọi thêm đồ nhắm, chúng ta sửa đổi bữa ăn sáng thành buổi liên hoan. Thưa các bạn, chúng ta kéo dài ra cái vui vẻ này.
Thật đúng là cho dù ở đâu thì hễ có tiền là niềm vui có thể được kéo dài thêm ra, và kéo dài cho tới khi người nói câu "tôi có tiền đây" lại tự nhiên đứng lên giữa cuộc tiệc hét to:
– Thôi chết rồi!
Thấy mọi người mải vui vẻ không để ý mấy, ông ta hét to hơn:
– Thôi… chết… tôi rồi!
Bây giờ thì cả nhóm người mới lại ngơ ngác một chút, giống như lúc trước. Người đã từng bình tĩnh hô to "Hay lắm, gọi bia tiger…" thì bây giờ vẫn hô to: bình tĩnh.
– Này bạn kia! chết rồi cái gì đấy?
Người có tiền trả lời toáng lên:
– Hết tiền của tôi rồi!
Cả nhóm người vẫn im lặng.
Trong sự im lặng chung ấy, có tiếng nói nghe rất rõ: Đề nghị mọi người trật tự, và tất cả đã trật tự ngay, ước chừng trật tự kéo dài được độ ba mươi giây. Kế liền đó là một người khác đứng lên. Ông này là bạn đồng hương và đồng bệnh của ông vừa yêu cầu mọi người trật tự. Hai người này làm cùng cơ quan, cùng vào viện tâm thần một ngày nhưng ở khác buồng. Hôm nay họ lại cùng xuất viện để tái hòa nhập vào xã hội.
Ông ta đứng giữa đám đông, để một tay lên ngực nói:
– Thưa các bạn đồng bệnh… Có cuộc vui nào không kết thúc, hỏi?
Thấy không ai trả lời được, ông hạ giọng xuống và nói âu yếm:
– Chúng ta sẽ sống có ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết mở ra liên tục những cuộc vui, không chỉ cho riêng ta mà cho cả mọi người. Thưa các bạn một khi ta biết tổ chức tốt, ta sẽ có tất cả. Phải không các bạn?
Trong đám đông nổi lên tiếng xì xầm: Tay này khá đấy. Tay này cũng văn chương lắm đấy.
Kệ cho mọi người xì xầm, ông ta dùng cái tay đang đặt sẵn lên ngực từ trước, tự đập liên hồi vào chỗ trái tim rồi nói tiếp:
– Thưa các bạn, như tôi đã nói với các bạn, và như các bạn đã biết, cuộc vui nào cũng có lúc kết. Chúng ta nên kết bữa liên hoan sáng ở đây và theo tôi mở ra cuộc vui mới không cần tiền, chỉ cần một viên phấn. Điều quan trọng là phải có quyết tâm, nhất trí cao. Thế nào các bạn đồng bệnh đồng ý không?
Tất cả đều đã trật tự và nhất trí cao. Ông đang nói lại tiếp tục nói:
– Nào nữ đồng chí đứng gần cửa, ra ngay phòng trực ban điều (xin) một viên phấn vào đây.
– Chỉ một loáng sau ông ta có phấn trong tay. Ông yêu cầu tất cả cùng bắt tay thu dọn mặt bằng cho thoáng. Ông lấy phấn vạch một đường thật rõ xuống sàn xi măng rồi nói:
– Tất cả chúng ta sẽ chui qua sợi dây này. Ai chui qua được, người đó sẽ có danh dự cao quý nhất.
*****
Hôm nay có vị khách trên bộ đến thăm Viện. Bà Viện Trưởng đã mời vị khách quý tham quan những hơn mười người đã lành bệnh đang ở phòng chờ xuất viện.
Tới nơi, mọi người và vị khách đều ngạc nhiên khi thấy tất cả nhóm lành bệnh ấy đang ngồi trên sàn với đủ dáng vẻ: ôm đầu, tựa gối, trán nhăn mắt nheo, trông rất suy tư, mà chóp mũi của ai ai cũng máu chảy toe toét dính lẫn với bụi phấn trắng.
Cái ông bầy ra trò chơi chui qua dây vẽ, đã đàng hoàng tự đứng ra thay mặt mọi người tiếp đón và trình bầy hoàn cảnh. Vị khách cũng thấy có buồn cười, nhưng vẫn vỗ vai ông ta khen: "KHÁ". Còn bà giám đốc lo lắng nhìn vị khách quý trên Bộ. Bà biết không thể cho bệnh nhân ra viện với cái mũi bê bết máu như thế. Vị khách cũng biết. Nhưng ông hiểu khác, ông an ủi bà: Đồng chí đừng lo, không sao cả. Bây giờ chúng ta chỉ cần chữa mũi thôi. Họ giờ đây đã biết nghĩ cả rồi, đồng chí cứ tập trung họ ở đây điều trị cho lành mũi rồi xuất viện luôn.
Thuốc mỡ loại tốt làm lành da rất mau. Những cái mũi đã mài xuống sàn xi măng sẽ được liền da ngay sau lúc bôi thuốc chỉ độ mươi giờ đồng hồ. Điều quan trọng là những vị đó phải ngừng ngay việc chui qua sợi dây vẽ kể từ khi mũi đã được bôi thuốc.
Một tuần qua rồi, hơn mười cái mũi ở phòng chờ xuất viện vẫn tóe máu, bà Viện Trưởng nghĩ ngợi lung lắm về sợi dây. Một chiều ráng mỡ gà kia bỗng bà cười to một mình và nói: "hay lắm", chồng bà không hiểu, ông hỏi bà: Gì thế mình? Bà trả lời: họ phải chui qua cái dây mình ạ! Ông nhướng cao cặp lông mày đợi bà giải thích. Bà chỉ cười nói "hay lắm". Nhưng bà cũng nhìn ông và cũng hiểu ông chưa hiểu bà. Bà nói: Mình ở chuyên môn khác không hiểu đâu, phải có cùng tầm tư duy với họ mình ạ. Vấn đề vẫn là "quan niệm" thôi, thật vậy đấy mình ạ. Mình yêu ơi! Mình làm gì cũng nhớ hộ em câu này: "Quan niệm là điểm tựa của hành động" đấy mình.
Mai mình đưa em đi làm và đón em về nhé, dần dà rồi mình sẽ hiểu nghề của em.
Còn chồng của bà lại rụt rè nghĩ rằng "xin đừng cho tôi một điểm tựa… tôi mệt lắm rồi".
*****
Ông chồng của bà Viện Trưởng Viện Tâm Thần vẫn đều đặn đưa đón vợ trên đường đi làm của ông. Ông thường kể chuyện với mọi người ở cơ quan ông về phương pháp điều trị xuất sắc của vợ, về sợi dây vẽ, về những cái mũi…
Ai cũng biết vợ ông đã vẽ sợi dây khác lên trần nhà và những vị sứt mũi kia đã sung sướng, đã thoải mái vì vấn đề được giải quyết thỏa đáng. Những người được xuất viện đã tái hòa nhập vào xã hội.
Ông còn kể rằng: Các cậu biết không? Có một bệnh nhân đã được điều trị lành bệnh, vợ tớ cho làm người giúp việc riêng. Có lần ở phòng cô ấy mất điện, tay giúp việc đó trèo lên treo người vào móc đèn, vợ tớ bảo hắn xuống mau, hắn nói: Ồ không được em còn đang tỏa sáng để chị làm việc mà?
Vợ tớ nhăn trán, nhưng không lâu đâu, ước chừng khoảng ba mươi giây, rồi tiếp tục làm việc vì cô ấy hiểu ra ngay là anh ta lấy thân mình thay thế bóng đèn.
Tớ hỏi vợ tớ: Sao mình không cho hắn xuống? Vợ tớ trợn tròn to mắt lườm tớ gắt giật cục: Mình thật vớ vẩn cho hắn xuống để mất điện à? Nghĩ ngợi một lát (cũng không lâu đâu chừng khoảng ba mươi giây) vợ tớ dịu mắt xuống thành đột ngột mơ màng, đổi sang giọng dịu dàng âu yếm nói với tớ:
Chẳng nhẽ mình không thấy được tinh thần tuyệt vời của anh ta sao?
Các cậu thấy không vấn đề là quan niệm thế nào thôi.
Khi ta đã có một quan niệm tốt thì… ờ, vợ tớ nói đúng, một khi hiểu đúng tầm cỡ tư duy của họ và cùng tư duy ngang tầm với họ thì có gì là không ổn nào…?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét