Cua dừa là loài cua cạn rất lớn và cực khoẻ. Chúng có thể dùng càng kẹp vỡ quả dừa và thậm chí bắt cả chuột.
Có kích thước tới 1m, chúng không chỉ đơn giản là loài cua cạn lớn
nhất mà còn là những động vật chân đốt lớn nhất, thuộc nhóm động vật
bao gồm côn trùng, nhện và động vật giáp xác sống trên cạn.Cua nhện Nhật Bản thì to lớn hơn nhưng lại sống dưới nước nên không bị phiền toái nhiều về kích cỡ, trọng lượng cồng kềnh của mình.
Chúng ta biết về kích thước của cua dừa, nhưng hầu như không biết gì về số lượng loài động vật này. Do vậy chúng được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào nhóm động vật Chưa đủ Dữ liệu Nghiên cứu. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta chưa biết về cua dừa đủ tới mức có thể nói liệu loài này có đang bị đe doạ hay không.
Cua dừa sinh sống trên các đảo nhỏ nhiệt đới thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Dù mang tên cua dừa nhưng chúng ăn khá tạp, xơi từ các loại trái cây dày cùi cho tới các loài cua bé.
Để ăn được cùi dừa, chúng dùng cặp càng xé toạc xơ dừa rồi đập đi đập lại cho đến lúc sọ dừa vỡ toang ra.
Cua dừa sống trong các hang hốc mà chúng tự đào xuống lòng đất và lấy xơ dừa lót ổ. Khác với hầu hết các loài cua khác, chúng sống phần lớn trên cạn và chỉ quay lại biển để đẻ trứng.
Số lượng cua dừa trên thế giới chưa bao giờ được khảo sát đầy đủ cho nên chúng ta không biết hiện loài này có tổng số bao nhiêu con.
“Trước đây, loài cua này bị con người săn bắt, nhưng vài thập niên gần đây thì không,” Heather Koldewey từ Hội Động vật học London, Anh quốc nói.
Ngày nay, kẻ thù chính của cua dừa là chuột, nhóm ‘dân ngụ cư’ mới có mặt trên một số các hòn đảo cua dừa sinh sống.
Koldewey và các đồng nghiệp đã bắt đầu tiến hành cuộc khảo sát đầu tiên về số lượng cua dừa. Họ nghiên cứu cua trên ba hòn đảo thuộc quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương.
Còn quá sớm để nói về loài cua này, Koldewey nói. Việc khảo sát sẽ cần được tiến hành liên tiếp trong vài năm mới có thể đi đến kết luận chính xác.
Ở một số hòn đảo, có vẻ như chuột là mối đe dọa chính. Trên những đảo nhỏ có ít cây cối, chuột tấn công cua dừa nhiều hơn vì chúng chẳng có thứ mồi gì khác để ăn.
Nhưng đôi khi bọn cua dừa cũng “lật kèo”. Người ta đã quan sát được những vụ cua dừa lại quay ra ăn thịt chuột.
Ít nhất thì quần đảo Chagos cũng là nơi cua dừa tương đối an toàn. “Chagos là một khu bảo tồn đại dương được bảo vệ tuyệt đối và do đó những con cua đang được bảo vệ tốt,” Koldewey nói.
Bọn chuột đáng ghét có thể cũng bị tiêu diệt. “Quỹ Bảo tồn Chagos đã bắt đầu chương trình diệt chuột trong năm nay,” bà nói thêm.
Nguồn: BBC Earth.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét