(Nhân ngày lễ Mẹ 14-05-2017)
L.T.M.
Phật bảo rằng khi một người mất đi, thần thức của họ sẽ đi theo vòng sinh tử luân hồi, tái sinh vào một cuộc đời khác.
Mối
liên hệ của mọi người trong thế gian này do duyên nghiệp mà nên. Cha mẹ
vợ chồng con cái anh em gặp nhau ở kiếp này, đều có mối nợ duyên từ
kiếp trước.
Cuộc đời của mỗi con người sướng hay khổ, tuỳ thuộc vào cái nghiệp của muôn đời trước mà họ mang theo.
Trong các mối liên hệ về huyết thống, người ta nói nhiều nhất về mẹ.
Mẹ
là người đã nuôi dưỡng chúng ta từ những ngày đầu tiên khi mới tượng
hình. Bụng mẹ cũng là ngôi nhà đầu tiên cho ta trú ẩn và nuôi dưỡng cho
đến khi chào đời, lúc đó cuống nhau nối liền thân mẹ và thân con bị cắt
rời.Tưởng như đó là một dấu hiệu của sự chia cắt. Nhưng thực ra từ khi
chỉ là một cái phôi bé nhỏ đã có một sợi dây (nghiệp) vô hình cột chặt
cuộc đời mẹ vào núm ruột của mình. Đó là tình mẫu tử.
Tình mẫu tử thiêng liêng ở bất kỳ sinh vật nào.
Đối với thú vật, người ta gọi đó là bản năng. Nhưng với con người bản năng được gọi bằng những chữ văn hoa hơn:
Tình mẫu tử.
Chính
cái bản năng làm mẹ mà một con gà mái, sẵn sàng đương đầu với diều hâu,
để bảo vệ đám gà con, không hề biết mình quá nhỏ bé so với kẻ tấn công
muốn sát hại con mình.
Bản
năng làm mẹ cũng khiến cho chó mẹ trở nên vô cùng hung dữ, dù khi chưa
có con, nó là một con chó rất hiền. Nếu bạn thò tay vào ổ định bắt chó
con, chó mẹ sẵn sàng cắn bất chấp cả chủ nhà.
Khi
nói tới công lao của người mẹ, ngoài chuyện mang nặng, bản thân người
mẹ còn phải chịu đựng những cơn hành hạ về thể xác khi cưu mang một mầm
sống trong người.
Biết bao gian nan cực nhọc từ lúc tượng hình cho đến ngày khai hoa nở nhụy còn phải chịu cảnh banh da xẻ thịt vô cùng đau đớn.
Người
ta ví chuyện sinh nở của sản phụ, như một cuộc chiến giữa biên giới
sanh và tử . Có rất nhiều trường hợp người mẹ phải hi sinh mạng sống để
cứu đứa con.
Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.
Khi
sinh đứa con đầu lòng, tôi mới hiểu thế nào là banh da xẻ thịt, hoàn
toàn theo đúng nghĩa đen, chẳng có ví von chút nào. Cũng chẳng nói quá
thậm xưng, mà bây giờ bên VN người ta bảo là cường điệu. Vì vậy khi qua
Mỹ tôi thường nói đùa, mấy bà sanh ở đây không biết đau như mấy bà sanh ở
Việt Nam. Đau tới độ nhìn chỗ nào cũng toàn thấy đom đóm lập loè. Đau
để thông cảm cho các bà lăn lộn kêu gào chửi rủa mấy ông chồng.
Bên Mỹ người ta cho phép chồng vào xem cảnh mấy bà lúc lâm bồn, để cảm thương cho người vượt cạn.
Dù
đầu óc tiếu lâm, tôi cũng không thể nào cười nổi khi thấy một dãy các
bà bầu, chỉ mặc áo (để cho tiện) đứng xếp hàng một, mà tôi cũng không
ngoại lệ, cũng đứng trong hàng. Bụng bà sau đụng lưng bà trước. Chờ cô
mụ bảo leo lên giường, xem tới chưa (giờ em bé chui ra). Chưa tới bị
đuổi ra ngoài: chờ tiếp.
Mỗi
ngày bệnh viện Từ Dũ đỡ đẻ cho cả trăm bà bầu. Và khi sanh thì đâu có
phân biệt người giàu hay nghèo, hễ ai tới giờ thì mới được vô trong, vì
vậy phía trước phòng sanh các bà chen chúc đông như cái chợ. Sanh nhà
thương công thì phải chịu thôi.
Có điều nhà thương Từ Dũ là nơi có nhiều bác sĩ giỏi, và có đủ phương tiện để cấp cứu khi gặp trường hợp nguy kịch.
Vì
vậy đa số sản phụ chọn nhà thương Từ Dũ để tránh rủi ro. Dù có bị nhét
nằm chờ như cá mòi. Hơn nữa vào nhà thương công còn được miễn phí (cho
công nhân viên).
Tôi
bị xếp nằm chung trên một cái ghế dài để ở hành lang. Nằm tráo đầu
đuôi. Cái cô nằm chung cứ cằn nhằn than phiền chật quá, kêu tôi xích ra.
Tôi chiều lòng cô, ráng co người cho thật nhỏ lại, mà vẫn không làm cô
vừa lòng.
Khi
cơn đau dồn dập đến, lắng nghe một hồi, tôi nhận ra cơn đau đến theo
một chu kỳ như trong giản đồ của parabol. Bắt đầu râm ran ở dưới chân,
bò từ từ lên tới đỉnh, là lúc đau nhất, nhói lên một cái. Rồi như xe
tuột dốc, mình xả hơi được vài giây, rồi tới một chu kỳ mới. Ráng gồng
lúc cơn đau lên tới đỉnh. Tôi nhớ tới chuyện Hoa Đà rạch tay Quan Công
để rút mũi tên trúng độc. Tay còn lại Quan Công vẫn chơi cờ. Đừng quá
tập trung vào chuyện bị mổ, sẽ bớt đau. Khoa học ngày nay đã chứng minh
được điều ấy.
Chẳng
có việc gì ngoài việc nằm chờ, thôi thì ráng nghe ngóng cơ thể mình
phản ứng ra sao, cũng là cách làm cho cảm thấy bớt đau.
Niềm hân hoan sắp thấy mặt con, nên tôi cố nằm im nghe cơn đau của cơ thể.
Người ta nói trói chân vào đánh khen thay chịu đòn, thiệt là đúng cho mấy bà đẻ.
Giỏi hay dở thì cũng ráng chịu.
Chẳng
có bất kỳ một người thân nào bên cạnh để mà an ủi vỗ về hay làm nũng. Ở
VN, người nhà của sản phụ không được vào khu vực đỡ đẻ.
Cơn
đau càng lúc càng gần nhau, nghĩa là độ lớn của parabol càng lúc càng
nhỏ. cơn đau càng dồn dập.Cho tới khi chỉ cách nhau vài giây. Lúc đó tôi
mới được leo lên giường. Bây giờ cô đỡ chỉ việc lấy kéo bấm một cái
(cắt sống) để đứa bé chui ra cho nhanh khỏi ngộp thở.
Sanh ở VN thời bao cấp là một kinh nghiệm nhớ đời. Vì ai cũng bị xẻ thịt.
Mấy bà sanh dễ người ta bảo đẻ như gà.
Chẳng
biết bên Mỹ các bà bầu có thấy đom đóm trăng sao lúc sanh con không?
Chứ ở VN, ngoại trừ chuyện đau quằn quại, còn bị nghe các cô y tá quát
tháo. Có lẽ vì các cô phải làm việc nhiều quá. Tôi nghĩ thầm đi sanh mà
giống như tội phạm, chẳng hề có ý nghĩ mình được phục vụ. Mà có cảm
giác mình làm phiền, hay đến xin xỏ người ta ân huệ.
Vào
nhà thương công bị đối xử như vậy. Nhưng mấy bà trong xóm tôi, năm nào
cũng vào thăm Từ Dũ một lần. Mẹ tôi bảo mấy bà thề không sanh nữa là thề
cá trê chui ống. Có vẻ như chuyện đau và chuyện đẻ là hai chuyện khác
nhau.
Đau thì cứ đau,nhưng đẻ thì cứ đẻ. Trời sinh voi sinh cỏ.
Có điều bây giờ cũng chẳng còn cỏ nữa đâu. Người ta phá ruộng vườn để xây nhà hết rồi.
Như vậy xẻ thịt là nghiệp đầu tiên mẹ (ở VN) phải chịu.
Đau đến độ, người ta cắt sống mà vẫn không thấy đau.Vì khi các cơ co thắt để tống đứa bé ra còn đau hơn vết kéo (dù cắt sống).
Bản năng làm mẹ thật là diệu kỳ cho tất cả mọi sinh vật.
Ngay sau đó cảm giác đau biến mất tựa như chưa hề có, nhường cho niềm vui ập đến khi nghe tiếng con khóc.
Quan
sát cảnh bên Thái Lan người ta đỡ đẻ cho voi. Người ta cũng phải cột
chân con voi mẹ, mọi người chung quanh cũng hò reo hú hét, hồi hộp chờ
voi con chui ra, để đem đi lau chùi. Vừa dứt cơn đau là voi mẹ đã dáo
dác ngó quanh tìm con. Hoặc bò mẹ cũng biết liếm láp chùi rửa cho bê
con.
Đối với bất kỳ bà mẹ nào, đứa con chẳng bao giờ khôn lớn trong mắt bà.
Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.
Được ở gần con là hạnh phúc chẳng thể nào sánh được.
Mẹ cười con khóc từ giây phút đầu tiên, để rồi suốt đời còn lại, mẹ sẽ khóc cho con được cười. Cái nghiệp của mẹ là thế.
Chúng
ta thường nghe nói công cha nghĩa mẹ. Nhưng trong thơ văn người ta nói
rất ít về người cha, mà thường dùng mẹ để tôn vinh: Đất mẹ, tiếng mẹ đẻ.
Nhà văn Thanh Tịnh khi nói về ngày đầu tiên đi học, cũng nói mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi.
Trong đời sống hàng ngày, chỗ nào cũng thấp thoáng bóng hình mẹ.
Ngồi buồn nhớ mẹ năm xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
Trong thơ văn thì ôi thôi ngập tràn.
Nửa đời phiêu bạt tha hương,
Bóng quê dáng mẹ trĩu vương trong lòng.
Nhà
thơ Trần Trung Đạo khi vượt biên qua Mỹ, thưở chỉ có liên lạc bằng điện
thoại. Ông không biết mẹ mình vui hay buồn. Nên chỉ có thể đoán mẹ vui
hay buồn dựa vào tiếng nói. Ông mong mẹ mình vui, nên ước muốn:
Ví dầu níu được thời gian lại. Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Còn
trong ca dao tục ngữ, người ta ví mẹ già như chuối ba hương, như xôi
nếp một, như đường mía lau. Những món ăn thơm ngon của miền quê dân dã
ngày xưa.
Mẹ hi sinh mọi thứ cho con, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con.
Cơm
tẻ mẹ ruột. Khi ăn cơm tẻ chúng ta no lâu, no thật sự. Còn ăn các món
như phở, bún, bánh cuốn sẽ mau đói. Người dân quê đã ví mẹ như cơm tẻ
quả là một so sánh tuyệt vời.
Nhạc
Sĩ Phạm Duy đã viết một chuyện có thật vô cùng cảm động, về một bà mẹ ở
Gio Linh, chỉ có một đứa con trai duy nhất, theo kháng chiến. Chẳng may
con bà bị giặc giết, phơi đầu ở chợ.
Người
con đã già, nhưng mẹ còn già hơn. Bà đã gạt nước mắt mang khăn ra lấy
đầu con về. Bà không đành lòng nhìn thấy đầu con mình nằm phơi giữa chợ.
Bà có con nhưng nghiệp của bà cuối đời phải sống trong cô đơn cô quạnh.
Chẳng
ai muốn bỏ con mình, chẳng qua vì hoàn cảnh. Có ai biết rằng những
người mẹ phải đành đứt đoạn xa lìa núm ruột của mình, họ sẽ đau đớn thế
nào không? Bản thân họ đã đau khổ, xã hội còn lên án họ.
Điều đau đớn nhất cho người mẹ, vì chính đứa con là người kết tội họ nặng nhất.
Khi
đọc quyển tiểu sử của Steve Jobs, tôi không thể nào hiểu nổi. Ông đã
ngưỡng mộ Đức Phật, ông đã cạo đầu, đi đến tận nơi Đức Phật sinh ra để
học đạo. Mà mọi thứ ông có thể nghe theo, chỉ duy nhất một điều là không
tha thứ cho cả cha lẫn mẹ, vì đã từ bỏ mình khi mới sinh ra.
Mẹ
ông đã nhất định không huỷ cái thai, nên nhân loại mới có một được một
nhân tài. Bao nhiêu khó khăn mà bố mẹ ruột của ông phải đương đầu khi mẹ
ông biết mình có thai. Cho người khác nuôi, đó là chẳng đặng đừng. Lúc
nào họ cũng nghĩ đến đứa con của mình. Nên họ đã lấy nhau chính thức, để
ông có một đứa em gái cùng cha cùng mẹ, là chủ bút một tuần báo nổi
tiếng ở NY.
Ông
yêu quý đứa em ruột của mình, anh em gặp nhau mỗi tuần, dù hai bên ở
cách xa nhau. Nhưng ông từ chối gặp lại cha ruột, chỉ nói vắn tắt “too
late”.
Ông
đã không hiểu cho nỗi lòng của mẹ. Bà giao hẹn con mình phải được nuôi
dưỡng trong một gia đình trí thức. Bố mẹ nuôi phải có bằng đại học để
con bà lớn lên được ăn học tới nơi tới chốn.
Honesty
is not the best policy trong trường hợp của Steve Jobs. Bố mẹ nuôi
không hề giấu chuyện ông là con nuôi. Để cho năm ông 9 tuổi, khi kể
chuyện đời mình cho cô bạn hàng xóm.
Như vậy bố mẹ ruột của bạn đã không muốn có bạn, nên họ từ bỏ bạn.
Câu
nói này Steve Jobs đã nhớ mãi cho đến cuối đời. Dù ông có tài hoa xuất
chúng tới đâu, ông vẫn không loại bỏ được thành kiến bị bỏ rơi.
Phật
bảo rằng ” mọi sự do tâm”. Chính cái tâm sân hận, hay nói khác đi.
Chính cái kiêu mạn tự coi cái ta của mình là trên hết, đã hành hạ cái
thân. Nên suốt đời ông đau khổ vì mặc cảm bị bỏ rơi.
Nghiệp của mẹ lúc nào cũng hi sinh cho con, không bao giờ so đo hơn thiệt.
Mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi mẹ tính tháng tính ngày.
Các
bà mẹ chỉ biết thở dài nước mắt chảy xuôi. Coi như lo cho con là cái
nghiệp của mẹ. Như giòng nước mắt chỉ đi theo một chiều.
Mẹ
nuôi con như cái nợ đồng lần. Rồi những đứa con của bà, sẽ thành cha
thành mẹ. Lúc đó chúng sẽ hiểu, thế nào là nợ đồng lần. Dù Phật có bảo
rằng bất hiếu với cha mẹ là tội lớn nhất trong tất cả các tội của thế
gian.
Có mẹ là có tất cả. Người ta ví mẹ như mặt trời. Ai cũng chỉ có một người mẹ. Như mặt trời chỉ có một mà thôi.
Có
bà mẹ bên VN có sáu đứa con, tất cả đều bại não tật nguyền. Bà sống
trong nghèo khổ, nhưng vẫn vất vả bươn chải nuôi cả sáu con.
Những người biết chuyện họ thường chép miệng: nghiệp của bà này nặng quá.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mẹ cũng chẳng hề quản ngại khó khăn, quên bản thân mình để lo cho con.
Chẳng thế mà người ta thường nói:
Xảy cha con ăn cơm với cá
Xảy mẹ con liếm lá ngoài đường.
Thời gian còn ở nhà với mẹ, là thời gian sung sướng nhất. Cho tới khi lớn khôn phải ra ngoài tự lập. Những đứa con đã than thở:
Mẹ ơi! Con mẹ lớn rồi.
Nay con làm mướn kiếm lưng cơm người.
Cơm người khổ lắm mẹ ơi.
Không như cơm mẹ, chỉ ngồi xuống ăn.
Hoặc là mẹ còn gót đỏ như son.
Hình
ảnh người mẹ nhân từ, che chở cứu vớt cho con mỗi khi hoạn nạn là hình
ảnh Đức Mẹ Maria, hay Phật Bà Quan Âm. Mẹ Theresa với tấm lòng nhân từ,
cao cả bao la là một bà mẹ vĩ đại như mọi người đã biết.
Chẳng
có gì so sánh được tình mẫu tử, dù người ta có ví lòng mẹ bao la như
biển Thái Bình, như vầng thái dương, hay là gì đi nữa.
Hạnh phúc thay cho những người còn có mẹ. Những người được sống với mẹ, được nắm bàn tay mẹ, được nhìn thấy hình ảnh mẹ.
Bởi vì có những người con chẳng bao giờ có được diễm phúc đó: mẹ của họ đã nhắm mắt từ khi họ cất tiếng khóc đầu tiên trong đời.
Mẹ là một kỳ quan, trên tất cả mọi kỳ quan của thế gian.
Mỗi năm người ta lại rộn rịp kỷ niệm ngày Motherday. Con nhớ mẹ một ngày. Mẹ thương con một đời.
Dẫu con đi suốt cuộc đời
Vẫn không đi trọn những lời mẹ ru.
L.T.M.
(Từ Cảnh chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét