Mimmi Diệu Hường Bergström dịch từ tiếng Anh
Giải
thưởng Cikada* của Viện Thụy Điển được thành lập vào năm 2004 để kỷ
niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson (1904 –
1978), người đã đoạt giải Nobel văn học. Giải Cikada dành cho các nhà
thơ Đông Á, do nhà văn, nhà thơ, tiến sĩ Lars Vargö là Chủ tịch Hội đồng
giám khảo.
Ông Lars Vargö từng là Đại sứ Thụy Điển tại
Lithuania, Hàn Quốc, Nhật Bản và là trưởng Ban đối ngoại Quốc hội Thụy
Điển. Nhà văn Lars Vargö từng đoạt nhiều giải thưởng văn học uy tín của
Thụy Điển, Nhật bản, Hàn Quốc. Ông là tác giả của tập thơ “Trăng mùa
đông” và nhiều tác phẩm về Văn hóa, Lịch sử, Kinh tế xã hội Nhật bản.
Lars Vargö còn là Chủ tịch Hội thơ Haiku Thụy Điển.
Nhân dịp nhà thơ Mai Văn Phấn của Việt Nam
được tặng giải thưởng Cikada (2017), nhà văn Bão Vũ** đã có cuộc trao
đổi với tiến sĩ Lars Vargö về sự kiện này.
- Bão Vũ: Thưa tiến sĩ Lars Vargö,
chúng tôi rất vui mừng biết tin nhà thơ Mai Văn Phấn, tiếp sau nhà thơ Ý
Nhi được trao giải thưởng Cikada quý giá do ông là Chủ tịch Hội đồng
giám khảo. Nhân sự kiện này, ông có thể cho biết thêm: Giải Cikada chú
trọng đến các nhà thơ Đông Á viết bằng các ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn.
Hai tác giả Ý Nhi và Mai Văn Phấn làm thơ chủ yếu viết bằng tiếng Việt
rồi dịch ra tiếng Anh, Pháp… và Thụy Điển. Như vậy, các nhà thơ được xét
trao giải không nhất thiết phải viết bằng tiếng Trung, Nhật, Hàn? Và do
đó, những nhà thơ viết bằng các ngôn ngữ khác thuộc vùng Đông Á vẫn có
thể hy vọng được trao giải Cikada khi được dịch ra tiếng Thụy Điển hay
những ngôn ngữ khác như Anh, Pháp?
- Lars Vargö: Ban đầu, giải hướng tới các
nhà thơ viết bằng tiếng Trung, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn. Bởi nhà thơ
Harry Martinson, người từng đoạt giải Nobel văn học đã dành sự quan tâm
đặc biệt đến thơ ca được viết bằng các ngôn ngữ này. Song, vấn đề này đã
được hội đồng giám khảo đưa ra trao đổi đôi lần, và cuối cùng, chúng
tôi đi tới quyết định xét tới các nhà thơ Việt Nam. Biết rằng tiếng Hán
đã từng được sử dụng ở Việt Nam từ xưa, mặc dầu hiện tại nó không còn
phổ biến, nhưng lý do thực sự hội đồng giám khảo đề xuất các nhà thơ
Việt Nam bởi chúng tôi linh cảm rằng Harry Martinson sẽ rất đồng tình về
việc mở rộng này. Hơn hết, các nền văn hóa Đông Á cũng có ảnh hưởng sâu
sắc lẫn nhau và khía cạnh tiên quyết chúng tôi hướng tìm chính ở tư
tưởng của nhà thơ. Tôi không dám chắc trong tương lai ban giám khảo sẽ
mở rộng hơn nữa tiêu điểm và xét đến các nhà thơ Đông Á khác. Trong
trường hợp chúng tôi phát hiện những nhà thơ xuất sắc, mà bản sắc văn
hóa của họ phù hợp để chúng tôi có thể nhận ra một bức tranh văn học đẹp
đẽ ở đất nước ấy cũng như nền văn hóa chúng tôi tìm kiếm.
- Bão Vũ: Xin ông cho biết, ngoài ý
nghĩa cao đẹp về con người và thiên nhiên, giải thưởng Cikada có sự quan
tâm nào đến những đặc điểm truyền thống về ngôn ngữ ở mỗi quốc gia
thuộc khu vực Đông Á khi những nhà thơ khu vực này được dịch ra tiếng
Thụy Điển hay tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, mà theo lẽ thường trong dịch
thuật, bản dịch sẽ khác đi khá nhiều về đặc thù của ngôn ngữ chính?
- Lars Vargö: Nhà thơ người Mỹ Robert
Frost có câu nói nổi tiếng “Thơ ca bị đánh mất trong dịch thuật!”. Tôi
nghĩ có phần đúng. Tuy thế, theo tôi chất thơ sẽ còn đọng lại nếu có bản
dịch tốt. Trong trường hợp Mai Văn Phấn, tôi thấy không xảy ra điều
đáng tiếc như vừa nói. Thơ ca của ông thực trong sáng và tôi đồ rằng rất
ít sự thất bản trong các bản dịch thơ ông.
- Bão Vũ: Tác
phẩm của mỗi nhà thơ đều có những nét riêng chinh phục độc giả. Ông có
thể vui lòng cho biết điều chính yếu nhất của thơ Ý Nhi và thơ Mai Văn
Phấn đã khiến Hội đồng giám khảo Cikada đồng thuận trao giải thưởng cho
họ?
- Lars Vargö: Hội đồng giám khảo đều đồng
tình về chất lượng thơ của hai nhà thơ này. Họ có lối viết giản dị và là
những nhà thơ xuất sắc. Khi nói như vậy, nghĩa là chúng tôi đã đủ cảm
nhận về tính độc đáo trong những trang viết của họ. Chúng tôi không đi
tìm những kiểu thơ đặc biệt, mà quan trọng, nó phải lột tả được sự trân
trọng tính bất khả xâm phạm của đời sống một cách sâu sắc. Có nghĩa, ít
nhiều phải là những nhà thơ rất nhạy bén, để có thể diễn tả được vẻ đẹp
mỏng manh của số phận con người trên trái đất và trong toàn bộ cuộc sống
này.
- Bão Vũ: Là nhà thơ, đồng thời cũng là
một học giả am tường về văn hóa phương Đông, ông có nhận xét gì về sự
đồng điệu và cả sự khác biệt giữa thơ Mai Văn Phấn với thơ của các nhà
thơ Thụy Điển hiện nay?
- Lars Vargö: Quả thực có sự đồng điệu
giữa thơ Mai Văn Phấn và thơ Harry Martinson. Có sự tương tác giữa con
người và thiên nhiên ở đó, có giọng điệu hài hước và vị tha lồng trong
việc phản ánh những bất toàn của đời sống xã hội. Con người không thể
hoàn hảo và không thể trông đợi về điều hoàn hảo, song ít nhất là họ có
thể cố gắng tôn trọng lẫn nhau hơn là đối kháng. Theo quan điểm của tôi,
có hai nhà thơ Thụy Điển khác nữa cũng có sự đồng điệu về thơ ca với
Mai Văn Phấn, đó là Gunnar Björling (1887-1960) và Werner Aspenström
(1918-1997).
- Bão Vũ: Ông có quan tâm đến thể thơ
6/8 của Việt Nam, chúng tôi gọi theo Hán ngữ là “lục-bát”? Nguyễn Du,
nhà thơ Việt Nam thế kỷ 18 được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới
với tác phẩm lớn “Truyện Kiều” gồm 3.254 câu thơ thể 6/8. Đó là thể thơ
dân gian có vần điệu đặc biệt mà hầu hết các nhà thơ Việt Nam trong đó
có Mai Văn Phấn đã từng làm thể thơ này và khá nhiều người đã thành
công. Nếu, theo tinh thần Cikada – Con ve sầu với tiếng kêu rất
dân dã mà tha thiết của loài côn trùng đáng yêu như những nghệ sĩ dân
gian hết mình vì nghệ thuật, có thể khiến ngày nào đó Hội đồng giải
thưởng Cikada sẽ xem xét tới những nhà thơ Việt Nam chuyên viết thơ 6/8?
- Lars Vargö:
Tôi không biết nhiều về thể thơ truyền thống 6/8 của Việt Nam, bởi tôi
không biết tiếng Việt và cũng chưa từng nghiên cứu nó. Giờ được ông giới
thiệu về thể thơ này tôi sẽ cố gắng đọc và tìm hiểu. Thật ra tôi rất
yêu thích thơ truyền thống Trung Hoa thời Đường và Tống, tôi cho rằng có
sự tương đồng nào giữa chúng chăng. Tôi thực sự háo hức được tìm hiểu
thêm về thơ ca truyền thống của Việt Nam. Còn điều đó có đưa đến việc
trao giải cho các nhà thơ sáng tác theo thể thơ lục bát hay không thì
tới nay tôi vẫn chưa dám nói trước. Chắc chắn chúng tôi sẽ không có phản
đối gì về thể thơ này, nếu nhà thơ đó thực sự xuất sắc, tại sao lại
không chứ?
- Bão Vũ: Rất cảm ơn ông!
_______________
(*) Giải thưởng Cikada – theo tiếng Thụy Điển,
Cikada là “Con Ve sầu”. Tên của giải thưởng được lấy cảm hứng từ tập thơ
“Cikada” của nhà thơ Martinson, xuất bản năm 1953. Giải thưởng này được
trao cho các nhà thơ Đông Á như một sự công nhận nguồn cảm hứng tuyệt
vời mà Harry Martinson tìm thấy cho thơ mình trong văn học các nước Đông
Á, và cũng bởi nền thi ca phong phú của các quốc gia này xứng đáng tốt
hơn sự công nhận của quốc tế. Từ năm 2004 đến nay đã có 10 tác giả được
trao giải thưởng Cikada gồm: 3 nhà thơ Nhật Bản, 3 nhà thơ Hàn Quốc, 1
nhà thơ Trung Quốc, 1 nhà thơ Đài Loan, và 2 nhà thơ Việt Nam là Ý Nhi
(2015) và Mai Văn Phấn (2017).
(**) Nhà văn Bão Vũ sinh năm 1942. Trước khi là
nhà văn, ông là một kiến trúc sư có nhiều thành tựu trong kiến trúc. Nhà
văn Bão Vũ là tác giả của 6 tập truyện ngắn, 4 cuốn tiểu thuyết và
nhiều bài báo về kiến trúc đô thị văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu văn
học. Từng đoạt nhiều giải thưởng về kiến trúc và văn học trong nước,
trong đó có giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nhà văn Việt
Nam, v.v… và từng được đề cử giải thưởng văn học ASEAN. Các tác phẩm của
Bão Vũ có trong các thư viện lớn của nhiều nước như Thư viện Anh quốc,
Thư viện quốc gia Pháp, Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện trường đại học
Harvard, v.v… và Thư viện của nhiều trường đại học và các tiểu bang của
Hoa Kỳ. Các tác phẩm “Vết thương trong không gian”, “Cô gái không biết
khóc” và “Ca nương” của Bão Vũ đã được dịch ra tiếng Anh. Nhiều tác phẩm
văn học của Bão Vũ được đưa lên màn ảnh. Ông từng ở trong Hội đồng Văn
xuôi của Hội Nhà Văn Việt Nam.
1 Bài Thơ của Mai văn Phấn :
MÙA TRĂNG
Trăng đã về bên kia
Phủ lên những nụ hôn khác
Màn sương, mùi cỏ khác
Nơi ấy một dòng kênh
Bóng con thuyền nhỏ qua cầu
Bờ đá nằm im nghe mồ hôi lạ
Giọt giọt trăng khuya
Bàn tay em tìm trăng
Từng ngón đêm loé sáng
Một con đường thanh sạch
Thức dậy làn hương
Chuỗi thanh âm tràn dâng ngày
Men theo trăng, cười nói trăng
Nghẹn thở một màu trong suốt.
II.
Vang trên mặt cỏ rối, lá cây
Nơi đại ngàn không nhìn thấy
Mặt nước giãn căng không sóng đi qua
Màu óng ả trên lưng chim bói cá
Cho anh thành vạt trăng
Anh dìu em lồng lộng váy hoa
Hôn em, ngón tay út
Nâng em lên trăng
Mưa thuận gió hoà gót chân
Trái tim rộn ràng ngực đất
Dòng trăng cuồn cuộn thân cây
Lướt nhanh nữa cho đất đai thêm sáng
Dấu chân, bàn tay anh dài theo
Hay chậm lại lắng nghe anh nói
Cả phố phường, triền dốc, cửa sông
Cùng ngô lúa đang tập cười, tập hát...
III.
Con bồ câu đã về
Mang cả buổi chiều
Kẹp trong đôi cánh
Một buổi chiều khoác bộ lông màu lam
Cổ và đỉnh đầu khoang trắng
Cùng móng chân bé xíu bước lên trăng
Ngày chói gắt và rạng rỡ
Rũ trên đoá hoa trinh nữ
Dịu dàng khép lại
Đây là thời khắc ái ân
Thắp sáng lãnh địa bóng tối
Mùa phồn sinh thụ phấn, kết hạt
Mặn nồng thiêm thiếp trăng khuya
Bó gối những gốc cây
Nhắm mắt ngọn đồi gió
Hạt giống rơi trong bùn ngấu thảnh thơi
Ngày mai mặt đất này
Và thế giới sẽ đổi khác.
Nguồn: Bầu trời không mái che, NXB Hội nhà văn, 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét