Có
người đã nói về ”Chuyện Tử Tế”. Tôi xin phép được kể mấy câu chuyện
nhảm nhí. Chuyện nhảm nhí trong xã hội ta thì đủ loại, có khi các bạn
còn biết nhiều hơn tôi cho nên hầu chuyện cùng các bạn tôi phải đắn đo
ghê lắm. Cũng may mỗi người chúng ta quan niệm ”chuyện nhảm nhí“ một
cách khác, thành ra có khi chị A thấy chuyện kia hay ho, chị B lại cho
là nhảm nhí, lúc khác cô X cho cuốn sách này sâu sắc hấp dẫn, cậu Y lại
thấy nó nhạt nhẽo buồn cười. Chính vì thế mà hôm nay tôi xin kể vài câu
chuyện nhảm nhí theo cách nhìn của tôi, có thể bạn đồng tình, cũng có
thể bạn chê tôi là nhảm nhí, bề nào thì tôi cũng thành công vì đã kể
được câu chuyện nhảm nhí rồi.
Chuyện tôi sắp kể sau đây liên quan tới chữ nghĩa.
Có ông tổng biên tập của một nhà xuất bản nọ thường hay dặn dò nhân
viên mình là đừng có chọn các bản thảo trinh thám hình sự, vụ án… Ðó là
chuyện nhảm nhí không xứng vớí tầm cỡ và uy tín của nhà xuất bản. Nhưng
viết chuyện kinh dị mà tinh vi đầy hình tượng như Edgar Poe thì ai có
thể nói là không ”văn học”, còn viết kiếm hiệp mà bay bướm, lãng mạn,
uyên bác như Kim Dung thì đã có mấy nhà văn nào sánh nổi?
Vậy thì cái chất nhảm nhí nó nằm ở đâu?
Trở lại chuyện ông tổng biên tập nọ. Sau khi chê bai chuyện vụ án,
chuyện hình sự, ông cho ra đời một cuốn tiểu thuyết kể chuyện ”chuyển
biến tốt “của một cô tiểu thư học trường Tây, biết nhảy đầm, biết chơi
đàn piano, đùng một cái biến thành thanh niên xung phong và qua lao
động, qua đời sống tập thể cô ta đã ”chuyển biến“ thành một người tốt,
cô bỏ anh bồ giàu ở thành phố và yêu một anh thanh niên xung phong, cả
hai đều trở thành những con người mới. Những tiểu thuyết tuyên truyền
chính trị loại dễ dãi như thế ra đời những năm đầu giải phóng thì được,
mà xuất bản bây giờ thì thấy đã chướng rồi, nói chi tới chuyện văn học
hay không văn học.
Nhưng nghệ sĩ muôn đời vẫn là nghệ sĩ, giống như họa sĩ Van Gogh từng
nói: “Thà không là nghệ sĩ, quyết không làm nghệ sĩ hạng nhì.“
Thế nhưng những tiểu thuyết loại ấy vẫn có hàng trăm độc giả ái mộ viết thư về nhà xuất bản yêu cầu tái bản.
Vậy thì ai là người nhảm nhí?
*
Năm 1987 là năm đại nạn của các nhà xuất bản. Ðại nạn vì giá giấy
tăng, công in tăng, giá thành cuốn sách tăng, độc giả không có tiền mua,
sách bán ế. Có nhà lỗ 40 triệu, có nhà lỗ hai, ba chục triệu. Các vị
giám đốc nói đùa với nhau: ”Chuyến này chắc anh em mình đóng cửa nhà
xuất bản”
Nhưng đó là chuyện của các vị. Còn tôi, kẻ viết bài thì nhân chuyện
ấy mới nghĩ ra được một chuyện nhảm nhí. Truyện này khi tôi nghĩ ra, có
kể cho anh Lưu Trọng Văn (một nhà viết kịch trẻ tuổi đẹp trai chưa vợ)
nghe và anh ta rất khoái, hăm he sẽ viết thành kịch. Trong khi chờ đợi
kịch ấy thành hình, tôi xin phép kể hầu các bạn.
Ngày kia thủ trưởng các nhà xuất bản, các tờ báo trong cả nước họp nhau lại:
-Giấy một triệu một tấn, giá thành một trang sách lên tới hai trăm đồng. Tôi không làm nổi, tôi phải dẹp tiệm thôi.
-Tôi cũng sẽ đóng cửa tờ báo của tôi, một vị chủ bút nói, không thể bù lỗ mãi được.
Một vị khác phản đối:
-Không được. Không có sách báo, quần chúng sẽ mất phương hướng, quần
chúng sẽ nghe ai? Sẽ đi về đâu? Tôi không thể tưởng tượng nổi một nước
mà không có sách báo.
Nhưng cuối cùng các vị đều đồng ý đóng cửa các tờ báo và các nhà xuất bản để đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm.
Một năm sau họ kéo nhau trở về nước.
Và họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy phố phường tấp nập, nhân dân ai nấy
đều tươi cười hớn hở, không còn nạn ngủ đầu đường xó chợ, không còn
người ăn xin. Hỏi ra, giá cả rất ổn định, nhân dân ai cũng no đủ và tin
tưởng chế độ.
Các vị đều ngớ người, chẳng hiểu vì sao có sự lạ, bèn chặn hỏi một người qua đường:
-Chào bạn, chúng tôi ở nước ngoài mới về, thấy xã hội ta đổi mới nhiều quá, xin bạn cho biết có phép lạ nào đã xảy ra vậy?
Người qua đường thản nhiên đáp:
-Có gì đâu. Trước đây chúng ta chỉ lo nói suông mà không ai chịu làm
việc, còn bây giờ thì mọi người đều im lặng mà làm việc. Thế thôi.
Ðó là một chuyện rất nhảm nhí do chính tác giả bài báo này nghĩ ra kể
lại cho các bạn giải trí trong chốc lát, tuyệt đối không hề có ý xiên
xỏ vị nào, xin các vị tha tội.
Tuy vậy chúng ta không thể tưởng tượng được một xã hội mà không có
sách báo. Nhưng sách báo phải như thế nào? Chuyện đó phần lớn phụ thuộc
vào độc giả chứ nào phải chỉ là chuyện của nhà báo nhà văn.
Ðộc giả ngày nay họ rất kỳ cục. Sách dày không đọc, ưa đọc sách mỏng,
sách vừa vừa. Chuyện cao siêu không đọc lại thích chuyện dễ dãi, chuyện
gay cấn hồi hộp giựt gân hay tình ái éo le thì chuộng mà chuyện thường
ngày thì chê. Ðọc sách trước hết họ đọc cốt chuyện, cốt truyện nào gay
go, có thể kể lại một cách hào hứng thì thích, tác phẩm nào viết theo
lối ”truyện không có truyện“ như kiểu Thao Thức hay Trăm Năm Cô Ðơn thì
chê. Lại có số độc giả khác ưa truyện ”trăn trở“. Chuyện ”chống tiêu
cực“ hoặc chuyện ”đặt vấn đề”. Càng đặt vấn đề gay gắt, càng chống tiêu
cực quyết liệt họ càng khoái, chính vì thế mà một vài nhà văn trẻ hiện
nay có đất sống.
Người khác lại nghĩ rằng độc giả hiện nay thích truyện dịch hơn
truyện trong nước. Nhưng truyện dịch là thứ nào? Hết Nhà Thờ Ðức Bà
Paris đến Những Kẻ Khốn Khổ, Ðồi Gió Hú, Cuốn Theo Chiều Gió… cũng lại
chuyện tình ái giựt gân cả. Các nhà xuất bản xào đi nấu lại những món ăn
cũ rích ấy mà vẫn được ưa chuộng. Còn nếu có ai đó dại dột mà in các
tác phẩm loại như Thao Thức, Ðám Cháy… thì nên chuẩn bị kho mà chứa sách
ế.
Thì ra không phải độc giả thích truyện dịch hơn truyện trong nước mà
chỉ đơn giản là thích truyện gay cấn. Truyện gay cấn bao gồm săn bắt
cướp, vụ án, đặt vấn đề, chống tiêu cực, danh tác cổ điển bên Tây bên
Tàu, chuyện tình ái lãng mạn bi thương…
Trong những loại sách này, có cái giá trị, có cái rẻ tiền nhưng dường
như độc giả cũng chẳng quan tâm đến điều ấy. Ðời sống khó khăn quá,
căng thẳng quá, họ thích đọc cái gì hấp dẫn, giựt gân, giải trí trong
giây lát.
Khổ tâm cho các anh nhà văn ôm mộng viết tác phẩm lớn, ôm mộng ”làm
văn học“ chẳng khác nào Lý Bạch ngày xưa ôm vầng trăng dưới đáy nước để
chịu chết chìm.
*
Có cô nhà văn trẻ nọ đặt vấn đề với nhà xuất bản:
-Nếu các anh cứ in những sách có hiệu quả kinh tế thì bạn trẻ chúng tôi làm sao có cơ hội in được sách?
Tổng biên tập bèn đi một đường lả lướt, ký giấy tạm ứng cho cô
500.000 đồng để cô viết một tác phẩm. Viết xong, sửa chữa vài lần, thấy
có thể in được, nhưng khi hỏi cơ quan phát hành thì ”người “ bảo:
-Tác giả “mới” quá không dám nhận.
Thế thì bố ai dám in. Ðành bỏ. Một nhà văn có tên tuổi hơn, đó là anh
Nguyễn Hữu Ðức có gởi cho chúng tôi một tập truyện ngắn rất dễ thương,
thông minh, tinh tế và rất có nghề. Tôi đã biên tập bản thảo ấy, đưa đi
đánh máy hoàn chỉnh, họa sĩ làm xong maquette, chỉ chờ in. Nhưng thăm dò
ông phát hành thì “người“ lại bảo:
-Tác giả không ăn khách, chỉ nhận hai ngàn cuốn.
Chính tôi đành phải đem bản thảo lại trường đại học Dược, trả lại cho thầy Nguyễn Hữu Ðức.
Hai anh em dẫn nhau ra căn-tin của trường uống ly cà phê bít tất. Uống xong ngửa mặt lên trời mà than rằng:
-Ôi! Cái nghiệp viết văn sao mà buồn vậy!
ĐÀO HIẾU
(Trích “NGƯỜI ĐÀN BÀ TRÊN ĐỒI CỎ”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét