20 thg 7, 2016

Bá quyền ‘nhân đạo’: Anh quốc đã dùng uy vũ hàng hải để tiêu diệt nạn nô lệ như thế nào?

Café Luật Khoa
Không phải lúc nào trong lịch sử thế giới, bá quyền hàng hải cũng được sử dụng cho những mục đích quốc gia ích kỷ và hẹp hòi. Vương quốc Anh, từng sở hữu 1/4 thế giới với biệt danh “Vương quốc mặt trời không bao giờ lặn”, đã  dùng bá quyền hàng hải để giúp thế giới loại trừ một tệ nạn cổ xưa: sự sở hữu và buôn bán con người như nô lệ. Trong việc sử dụng bá quyền hàng hải này của mình, người Anh còn gián tiếp góp phần cho sự phát triển của công pháp quốc tế trên biển. 
Phán quyết ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài Quốc Tế (Permanent Court Of Arbitration – PCA) tại La Haye về tranh chấp lãnh hải trên biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã làm nóng lại các tranh luận về luật quốc tế và về việc thực hành chủ nghĩa bá quyền hàng hải – sử dụng sức mạnh quân sự, hay bán quân sự, để áp đặt và thao túng trên một hải phận quốc tế, thay vì tuân theo các quy định sẵn có của luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp trên biển.
Một số lực lượng hiếu chiến mang tư tưởng bá quyền trong nội bộ của một số cường quốc như Trung Quốc thường có khuynh hướng xem vũ lực quốc gia và luật pháp quốc tế như lửa với nước, chỉ có thể chọn dùng một thứ giữa hai thứ này và theo đó phải chọn dùng vũ lực quốc gia, vốn là thứ giúp bảo vệ quyền lợi và tham vọng của đất nước một cách hữu hiệu và thuận tiện hơn là luật pháp quốc tế, vốn lằng nhằng và phải chịu ảnh hưởng quốc tế.
Những cá nhân mang tư duy như thế có lẽ nên tìm hiểu thêm về lịch sử việc thực hành chủ nghĩa bá quyền hàng hải, cụ thể hơn là của một cường quốc từng sở hữu một phần tư diện tích đất đai thế giới nhờ vào sức mạnh quân sự và thương mại hàng hải của họ: vương quốc Anh.
Trận hải chiến Trafalgar năm 1805 khi hải quân Anh đánh bại hải quân liên minh Pháp – Tây Ban Nha và chính thức xác lập sự làm chủ tuyệt đối bằng sức mạnh quân sự trên biển của vương quốc Anh (Tranh của họa sĩ William Lionel Wyllie – Nguồn ảnh: artfund.org)
Lịch sử của chủ nghĩa bá quyền hàng hải Anh cho thấy họ không phải lúc nào cũng bên trọng bên khinh trong việc chọn sử dụng vũ lực hay luật pháp mà cũng có lúc biết sử dụng song song và uyển chuyển cả hai để đạt được những mục đích của mình.
Một may mắn (hay an ủi?) cho lịch sử nhân loại là vương quốc Anh đã không chỉ dùng bá quyền hàng hải để xâm chiếm thuộc địa và vơ vét tài nguyên thế giới (những việc không thể phủ nhận là vẫn để lại những thiệt hại và di chứng lâu dài) mà còn dùng bá quyền đó để áp đặt các giá trị đạo đức và pháp luật của họ.
Một trong những giá trị mà người Anh muốn tuyên truyền trong giai đoạn họ mạnh mẽ nhất chính là sự tự do khỏi nạn nô lệ. Người Anh thế kỷ 19 đã muốn bài trừ nạn nô lệ một cách tận gốc không chỉ trên lãnh thổ quốc gia của họ mà còn tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong bài báo khoa học “Luật biển thế kỷ 19 và việc thủ tiêu chế độ nô lệ của Anh quốc” (The Nineteenth Century Law of the Sea and the British Abolition of the Slave Trade) đăng trên tạp chí Niên Giám Luật Quốc Tế tại Anh năm 2008, giáo sư công pháp quốc tế Jean Allain tranh luận rằng vương quốc Anh đã hoàn toàn có thể dùng sức mạnh tuyệt đối trên biển để nhanh chóng thực hiện tham vọng bài trừ nô lệ của mình, nhưng người Anh đã chọn việc kiên nhẫn bài trừ nô lệ bằng cả luật pháp quốc tế lẫn vũ lực trong một quá trình kéo dài đến bảy thập niên.
Trích đoạn “Luật biển thế kỷ 19 và việc thủ tiêu chế độ nô lệ của Anh quốc”
(The Nineteenth Century Law of the Sea and the British Abolition of the Slave Trade)
(British Yearbook of International Law, Vol. 78, No. 1, 2008, p. 342-388.):
“…Vương quốc Anh nổi lên sau chiến thắng trong chiến tranh Napoleon như là một bá quyền hàng hải không địch thủ. Nhằm bài trừ việc buôn bán nô lệ, Anh quốc tìm cách xác lập một quyền trong thời bình vốn đã có ích cho tất cả các quốc gia hàng hải trong thời chiến: quyền khám xét tàu thuyền ngoại quốc.
Trong khi quyền khám xét tham chiến đã được xác lập rõ trong thời kỳ chiến tranh Napoleon, quyền khám xét tham chiến này được giới hạn vào việc khám xét các tàu thuyền phe trung lập để xác định xem các tàu thuyền này có thực sự thuộc phe trung lập hay là chỉ đang mang cờ giả; và vào việc khám xét để đảm bảo không có hàng lậu trên tàu.
Vào đầu thế kỷ 19, một số án lệ tại Anh và Hoa Kỳ đã xem xét vấn đề có nên tồn tại một quyền khám xét tàu thuyền ngoại quốc trên hải phận quốc tế trong thời bình nhằm bài trừ việc buôn bán nô lệ hay không.
Thực trạng buôn bán nô lệ kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 là những trang đen tối nhất trong lịch sử loài người (Tranh của họa sĩ Auguste Francois Biard – Nguồn ảnh: wikimedia.org)
Cuối giai đoạn chiến tranh Napoleon, một số phán quyết của các tòa địa phương ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương sẵn sàng chấp nhận một quyền khám xét trên cơ sở một sự nâng tầm luật quốc gia lên thành luật quốc tế nhờ dựa trên thuyết luật tự nhiên (natural law). Tuy nhiên tới năm 1825 thì việc nâng tầm luật quốc gia này bị đảo ngược bằng một số phán quyết mới theo khuynh hướng thuyết luật thực định (positivism) trong diễn dịch luật quốc tế.
Các phán quyết mới này của Tòa Hàng hải Anh và của Tối Cao Pháp Viện Mỹ đặt nặng việc phải có sự đồng thuận của một quốc gia có chủ quyền khác để chiến thuyền ngoại quốc có thể khám xét các tàu thuyền của quốc gia đó trong thời bình trên lãnh hải quốc tế, bất kể khu vực tài phán. Vương quốc Anh theo đó chuyển sang sử dụng bang giao quốc tế để tìm cách phát triển quyền khám xét tàu thuyền trong thời bình.
Trong thời chiến tranh Napoleon, các tòa án hàng hải Anh quốc thường sẵn sàng dùng quyền khám xét dựa trên thuyết luật tự nhiên để xử phạt các tàu thuyền tham gia buôn bán nô lệ. Các quyết định này xâm phạm vào quyền của một số nước trung lập và không phù hợp với luật quốc tế nói chung bởi vì nó cho phép việc thu giữ tàu thuyền khi những tàu thuyền này không vi phạm một nghĩa vụ quốc tế nào mà chỉ vi phạm luật quốc gia của tàu thực hiện việc khám xét và thu giữ.
Trong vụ Tàu Amedie năm 1810, một chiếc thuyền Hoa Kỳ chở 105 nô lệ từ bến Bonny (nay thuộc Nigeria) tới bến Matanzas ở Cuba bị xử phạt bởi tòa hàng hải thành phố Tortola (thuộc quần đảo Virgin của Vương quốc Anh) vì tội buôn bán trái phép. Bên bị đơn kháng án thất bại. Các quan tòa phúc thẩm ghi nhận là thông thường họ không có nghĩa vụ xem xét việc áp dụng luật địa phương sở tại:
Tuy nhiên những thay đổi gần đây trong luật pháp của nước ta đã khiến cho vấn đề trong vụ việc này hiện lên trên những cơ sở khác. Hiện nay, và cả tại thời điểm chiếc tàu bị bắt, chúng ta có một mối quan tâm trong việc ngăn chặn việc mua bán mà chiếc tàu này tham gia. Việc buôn bán nô lệ đã hoàn toàn bị bài trừ trên đất nước chúng ta, và cơ quan lập pháp của chúng ta đã tuyên bố rằng việc buôn bán nô lệ từ Châu Phi là đi ngược lại các nguyên tắc của công lý và nhân văn…
[Chúng ta] bây giờ có quyền hành động theo luật pháp của mình và xác định trước nhất rằng việc buôn bán trong vụ việc này là trái luật và theo đó buộc bên bị can phải làm công việc chứng minh rằng họ được phép buôn bán trong vụ việc này dựa trên luật quốc gia của chính họ. Trong hoàn cảnh vụ việc này, Tòa nghĩ rằng không có một bị can nào có thể xin được Tòa này trao trả lại những con người mà họ đang vận chuyển trái phép sang nước khác với mục đích bán những con người đó làm nô lệ…”

… [Án lệ Tàu Amedie và các án lệ giống vậy] đã bị thay thế bởi phán quyết trong vụ việc Tàu Le Louis năm 1817.
Trong vụ việc này, một thuyền của Pháp đang đi từ Châu Phi tới đảo Martinique vùng Caribe thì bị một chiến tuyền hải quân Hoàng gia Anh chặn lại với nghi vấn là thuyền Pháp tham gia buôn bán nô lệ. Thủy thủ đoàn Pháp chống cự dẫn đến cái chết của 12 thủy thủ Anh và 3 thủy thủ Pháp. Thuyền Pháp bị bắt giữ và đưa về lại Sierra Leone nơi nó bị phán quyết tịch thu vì được thiết kế và trang bị sẵn sàng cho việc chuyên chở nô lệ.
Trong phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán và thượng nghị viên Stowell xem xét xem có thể tồn tại một quyền khám xét tàu thuyền nước ngoài trong thời bình không – nếu không thì việc kháng cự của thủy thủ đoàn Pháp là hợp pháp…
… Thượng nghị viên Stowell quyết định rằng cho dù mục đích của hải quân Anh đáng ca ngợi nhưng hành động chặn bắt tàu của hải quân Anh không hợp pháp. Nếu vương quốc Anh muốn tiếp tục công việc bài trừ việc buôn bán nô lệ thì họ phải làm việc đó trong khuôn khổ luật pháp quốc tế


Bá tước Stowell của Anh – vị quan tòa đưa ra phán quyết pháp lý quan trọng chống lại hải quân của chính vương quốc Anh, làm thay đổi cách thức nước này chống nạn nô lệ quốc tế (Nguồn ảnh: wikimedia.org)
… Dù ngay từ năm 1817 các tòa hàng hải Anh đã xác định là việc ngăn chặn buôn bán nô lệ không cho phép quyền khám xét tàu ngoại quốc trên hải phận quốc tế trong thời bình, phải đến 8 năm sau đó nguyên tắc này mới được công nhận tại Hoa Kỳ…
…Như vậy tới năm 1825 thì công pháp quốc tế – ít nhất là công pháp quốc tế Anh-Mỹ – đã thống nhất được quan điểm.
Các nguyên tắc luật pháp hình thành từ sự thống nhất quan điểm này có nguồn gốc từ thuyết luật quốc tế thực định (positive international law) trong đó cho rằng sự đồng thuận của các nước là yếu tố phải có cho việc hình thành quyền tài phán trên các tàu thuyền quốc tế. Trong khi các án lệ thông luật ban đầu tìm cách nhấn mạnh vào một quan điểm theo thuyết luật tự nhiên cho rằng sự đáng kinh tởm của nạn nô lệ, vốn đã bị xem là phạm pháp tại nhiều địa phương, ban cho các nước quyền đánh dập việc buôn bán nô lệ dựa trên luật quốc gia của thuyền làm nhiệm vụ chấp pháp.
Từ vụ Tàu Le Louis trở đi thì Vương quốc Anh không sử dụng thông luật của họ để biện minh việc đánh dập việc buôn bán nô lệ nữa; án lệ này cho thấy rõ rằng khám xét tàu thuyền trên hải phận quốc tế cho mục đích đó là vi phạm luật quốc tế.
Vì vậy người Anh bắt đầu nghe theo tư vấn của thượng nghị viên Stowell và tìm cách mưu cầu “sự nhất trí đồng thuận của các nước khác… bằng việc bảo đảm tự tuân thủ, bằng việc khuyên can, bằng tất cả các công cụ hòa bình mà con người có thể sử dụng để thu hút sự ưng thuận của người khác.”
Khi phương pháp nói trên không thành công, chúng ta có thể thấy là vương quốc Anh sẵn sàng sử dụng sức mạnh và các biện pháp cưỡng chế để đạt được mục tiêu tối thượng của họ là dập tắt nạn buôn bán nô lệ thông qua việc xác lập quyền khám xét tàu thuyền…
… Án lệ Tàu Le Louis xác định rõ là vương quốc Anh không thể trông cậy vào một đặc quyền thông luật để phát triển các phương tiện đánh dập buôn bán nô lệ. Tuy nhiên vương quốc Anh đồng thời cũng tích cực trên phương diện quốc tế ngay từ trước khi có án lệ này: ngay từ khi thương lượng dàn xếp hậu quả chiến tranh Napoleon, người Anh đã tìm cách xây dựng một công cụ toàn cầu tạo điều kiện cho việc dập tắt nạn buôn bán nô lệ và tạo điều kiện cho quyền khám xét tàu thuyền đa phương nhằm đảm bảo chấm dứt nạn buôn bán này.
Trong khi vương quốc Anh duy trì mục tiêu ngoại giao chiến lược này suốt 75 năm thì trong giai đoạn này vì nhu cầu thiến thuật họ dành phần lớn thời gian tạo dựng một mạng lưới các hiệp định ngoại giao song phương với nhiều nước về vấn đề quyền khám xét tàu thuyền.
Mạng lưới các hiệp định ngoại giao này cuối cùng nhập lại trong Nghị quyết chung năm 1890 tại Hội nghị Brussels [nơi vương quốc Anh và gần như tất cả các cường quốc hàng hải trên thế giới bao gồm Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Hà Lan cùng đồng thuận bài trừ việc buôn bán nô lệ].
Bằng một cách chậm rãi, Anh quốc đã khép nhiều quốc  Bằng một cách chậm rãi, Anh quốc đã khép nhiều quốc gia vào mạng lưới các hiệp định song phương của họ và cô lập những nước nằm ngoài hệ thống này, để cuối cùng đi đến mục tiêu ban đầu của họ: đẩy nạn buôn bán nô lệ ra khỏi vòng luật pháp trên toàn cầu…”
(nguồn : Tạp Chí Luật Khoa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét