Virgilio Piñera- Nhà thơ, tiểu thuyết gia, kịch tác gia Cuba. Chào đời ở Cárdanas năm 1912, qua đời tại Havana năm 1979, Virgilio Piñera di tản sang Buenos Aires (Á căn đình) năm 1946. Ông kết bạn với Gombrowicz và Borges. Piñera chuyển dịch Gombrowicz. Borges đăng thơ, truyện ngắn của Piñera trên tạp chí Sun, tờ báo văn nghệ uy tín của ông. Năm 1958, Piñera trở về quê hương sống vĩnh viễn, vài tháng trước khi cuộc cách mạng trên hòn đảo thành công. Ðồng tính, ông bị chính quyền Castro chia cách và cấm in sách. Bậc thầy của phi lý, Piñera đã ảnh hưởng đến tư duy của nhiều thế hệ nhà văn. Tác phẩm nổi tiếng: Las furias (Ðiên loạn, thơ, 1941), Cuentos Fríos (Cổ tích lạnh, truyện ngắn, 1957), La carne de René (Thịt của René, tiểu thuyết, 1959), và hai kịch bản Aire Frío (Khí lạnh, 1962) và Dos Viejos Pánicos (Hai cơn hoảng loạn cũ, 1968). Nguyễn Đăng Thường chuyển ngữ
Bơi
Tôi đã tập bơi trên cạn. Bơi trên cạn có nhiều lợi ích hơn bơi dưới nước. Ta sẽ không bị chìm vì đã đụng đáy, và cùng với lý lẽ trên, ta đã chìm nghỉm trước rồi. Ta cũng tránh được chuyện thiên hạ bị ép buộc đi vớt ta trong ánh đèn lồng, hay dưới ánh sáng chói chang của một ngày đẹp trời. Ðiểm cuối cùng: sự vắng mặt của nước khiến bạn khỏi bị trương phình.
Tôi cũng không muốn giấu giếm mà phải nói ngay cho các bạn rõ rằng bơi trên cạn có nhiều điểm tương đồng với hấp hối. Thoạt tiên, ta liên tưởng đến những nẩy giật của cái chết. Tuy vậy mà không phải vậy: dù ta đang hấp hối, nhưng ta vẫn còn đó, vẫn sống nhăn, tươi tắn, và thoải mái, ta lắng nghe tiếng nhạc bay vào khung cửa sổ, và ta ngó con giun đang bò.
Trong khoảng thời gian đầu, bạn bè chỉ trích quyết định của tôi. Họ tránh cái nhìn của tôi và họ rút vào một xó khóc nức nở. May thay, cơn khủng hoảng chóng tàn. Nay thì họ đã biết rõ tôi rất ưu ái sự bơi lội trên cạn. Thỉnh thoảng, tôi chắp hai tay lại, phóng xuống những phiến đá lát cẩm thạch, và tôi cầm lên đưa cho họ con cá nhỏ thộp được dưới đáy biển sâu.
(1957)
Bài học của bóng tối
Ba bị mù, và đó là chuyện không thể vãn hồi được. Bác sĩ mắt đã dứt khoát: với số tuổi đã cao, giải phẫu sẽ nguy hiểm. Ba sẽ là một người mù cộng vào số những người mù. Một người mù đã đến tuổi tám mươi đáng kính. Một bà bạn của gia đình (nổi tiếng vì nói thẳng) không ngớt nói với ba: “Hãy tính sổ đi, ông bạn già… Tám mươi tuổi đời với đôi mắt đã trông thấy những cái tốt đẹp nhứt, và năm hay mười con mắt khác để không ngó thấy những cái xấu xa nhứt. May mắn quá rồi, ông bạn ơi!”
Lý giải như vậy tất nhiên đã không làm hài lòng ba, nhưng ba đã tự giải khuây bằng cách hợp tác với má để sáng chế nghệ thuật mù lòa. Từ buồng riêng, tôi nghe tiếng ông già tôi cười khi bà già tôi chạm người vào đồ đạc hay làm đổ cà phê chị tôi để trên bàn. Tôi nghe ông bố già nói: “Bà không bao giờ trở thành một con mù tốt!”
Thật ra, má tôi đang cố hết sức nhưng vẫn không thích ứng được với hoàn cảnh mới. Hơn nữa, bà chơi gian. Ban đầu, ba cho phép má nhắm mắt bước trong nhà. Nhưng chẳng bao lâu ba đã khám phá trò lường gạt của má. Ba nổi giận. Má ôm mặt khóc và hứa không tái phạm, nhưng tánh ba đa nghi nên ổng đã bịt mắt má với một miếng dải băng dày. “Bây giờ thì bà loạng choạng, ba nói, bà làm bể chén dĩa tôi mua cho bà khi cưới bà. Chỉ mới tuần lễ trước đây thôi bà đã khoe khoang với ai đó muốn nghe bà là bà sẽ không bao giờ làm bể chén dĩa. Không và không, Maria, bà sẽ không bao giờ là một kẻ mù tốt!”
Ngược lại, ba rất hoan hỉ với đứa cháu gái. Con nhỏ này có thể tự hào rằng mình là một con bé “mù” hoàn hảo! Phải xem hai bàn tay của nó: chúng mò mẫm các tấm vách như để dọn đường cho cả cơ thể vinh quang đi xuyên qua mê cung những căn buồng, tiếp theo là hai bàn tay rung rẩy và cơ thể lạng quạng của ba.
Hôm nay, chúng tôi có một buỗi lễ nhỏ, ở nhà. Ba ăn mừng sinh nhựt một năm bị mù. Chúng tôi tiếp đón bà con và vài người hàng xóm. Ba phát cho họ những cặp kiếng đen. Buổi dạ tiệc rất ồn ào, và lạ thay, không một ai phạm lỗi vụng về. Ba thổi tắt mười sáu ngọn nến trong tám mươi ngọn nến trên chiếc bánh ngọt. Rồi mọi người nhấp sâm banh và có cả nhảy nhót.
Từ nay, không còn ai dám bảo bị mất thị giác là một tai họa vô phương cứu chữa.
(1961)
Sự trần truồng cứu nguy
Tôi ngủ trong một thứ xà lim. Giữa bốn tấm vách trơ trụi. Ánh trăng lọt qua khung cửa tò vò. Không có được một tấm nệm tồi tôi nằm dưới đất. Phải thú nhận tôi bị lạnh. Chưa là mùa đông nhưng tôi trần truồng và vào khoảng đó của năm nhiệt độ xuống rất thấp lúc gần sáng.
Bất giác ai đó kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Nửa tỉnh tôi thấy đứng trước mặt tôi một người đàn ông trần truồng như tôi. Hắn nhìn tôi, con mắt dữ tợn. Tôi kết luận rằng hắn coi tôi như kẻ thù không đội chung trời. Tôi ít ngạc nhiên về chuyện đó hơn sự lục soát cuống cuồng của hắn ở một chỗ bé tí như vậy. Hắn đã bỏ quên một cái gì?
– Anh đã đánh mất một vật gì?
Hắn nói dù không để trả lời tôi:
– Tôi tìm vũ khí để giết anh.
– Giết tôi à?…
Tiếng tôi nghẽn trong họng.
– Ðúng, tôi muốn giết anh. Tôi tình cờ bước vô đây. Tuy nhiên, anh thấy đó, tôi không có vũ khí.
– Với hai tay của anh. Tôi nói với hắn, bất kể tôi đang kinh hãi nhìn hai bàn tay sắt của hắn.
– Tôi chỉ có thể giết anh với một vũ khí.
– Anh đã thấy không có vũ khí ở đây, trong xà lim này.
– Vậy thì đời anh thoát chết, hắn bảo tôi, giọng cười nhạo, che chở.
– Và cả giấc ngủ của tôi nữa, tôi đáp.
Và tôi lại tiếp tục ngáy ngon lành.
(1957)
Nguồn: Dịch theo 3 bản tiếng Pháp: “Natation” (Bơi), “La leçon des ténèbres” (Bài học của bóng tối), “Une nudité salvatrice” (Sự trần truồng cứu nguy) của Liliane Hasson trong tuyển tập Nouveaux contes froids (Tân cổ tích lạnh), Virgilio Piñera, Éditions Métailié. Paris, 1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét