18 thg 7, 2016

Đọc Chuyện ngắn : Nơi Đây Chuyện Lạ (VC.Nam Mỷ)

 Luisa Valenzuela - Nguyễn Đức Nguyên  chuyển ngữ
Từ Tap Chí Da Màu.


Luisa Valenzuela sinh năm 1938 ở Buenos Aires, là nhà văn và nhà báo. Bà sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn học, mẹ  là nhà văn xuất chúng Luisa Mercedes Levinson. Nhà bà là nơi tụ họp của cộng đồng văn chương ưu tú nhất Argentina, với những khách thường xuyên như Jorge Luis Borges và Julio Cortázar.  Valenzuela đọc và viết rất sớm, năm 20 tuổi bà xuất bản truyện ngắn đầu tay “Ese canto” (1958).  Tác phẩm của bà chất vấn cấu trúc xã hội mang nặng tính đẳng cấp ở Argentina. Bà viết với quan điểm nữ quyền và nổi tiếng nhất với những cuốn Como en la guerra (1977), Cambio de armas (1982) và Cola de lagartija (1983), phê phán thể chế độc tài ở Argentina những năm 1970s và cùng lúc khảo sát, chất vấn cơ chế phụ hệ trong mọi tương quan quyền lực, xã hội, giới tính, và tính dục. 
Một trong những nhà văn hàng đầu của Argentina với phong cách đầy tính thử nghiệm và đi trước thời đại. Trả lời phỏng vấn với Paris Review, bà nói: “ Tôi thường thấy khó chịu khi những nhà nhận định người Mỹ dùng chữ siêu thực cho truyện của tôi. Tôi thì cho đó là một dạng hiện thực quá mức. Những nhà văn châu Mỹ La-tinh nhìn hiện thực rộng hơn,  chỉ có vậy- chúng tôi khảo sát phần bóng tối của nó”


 Nơi Đây Chuyện Lạ

Ở quán cà phê góc đường, quán cà phê ngon và đứng đắn nào mà chẳng ở góc đường, mỗi chỗ hẹn đương nhiên là điểm giao tiếp của hai con đường (hai đời sống) – Mario và Pedro, mỗi gã gọi một tách cà phê đen, rồi bỏ thật nhiều đường, đường thì miễn phí và bổ dưỡng. Mario và Pedro, cả hai đều cháy túi đã lâu – tuy hai gã không phiền hà gì, nhưng có lẽ đã đến lúc cả hai cần gặp vận may – hai gã chợt nhìn thấy cái cặp táp bỏ quên, và chỉ thoáng nhìn nhau, hai gã đều tự nhủ là vận may đến đúng lúc này. Ngay tại đây, cho chúng mình, trong quán cà phê góc đường, một cái quán như trăm cái quán khác. Trên chiếc ghế dựa vào cái bàn chỗ kia, cái cặp táp nằm chềnh ềnh, chưa có người nào quay trở lại tìm. Mấy tên thổ công đến rồi đi, Mario và Pedro đếch cần nghe chúng nói chuyện gì. Mấy tên thổ công này, ngày càng nhiều và chúng nói tiếng lờ lợ, có lẽ từ những vùng nội. Tôi tự hỏi không biết tại sao chúng đến, làm gì ở đây. Mario và Pedro, cả hai đứa cứ nôn nao không biết có kẻ nào sẽ ngồi xuống cái bàn ở góc quán đó, di chuyển cái ghế, và phát giác ra cái cặp táp mà hai gã gần như đắm đuối, liếm mép, rất thèm ve vuốt và hun hít. Thế rồi cũng có một tên đàn ông bước đến, và ngồi một mình ở cái bàn đó (có lẽ trong cái cặp táp chỉ toàn tiền với bạc, và tên đó sẽ khám phá ra điều đó với một cái giá rẻ mạt, một ly vẹc-mu có tí chanh, nhất là tên đó chỉ kêu nước giải khát sau khi suy nghĩ một hồi lâu). Mấy tên bồi quán bưng ra ly vẹc-mu, cùng với những món nhắm. Không biết khi tên đó nhìn thấy cái cặp táp nằm dương mình trên chiếc ghế bên cạnh, hắn sẽ bốc một trái ôliu nào, hay một miếng phô-mai nhỏ nào trước mặt, chậm rãi đưa vào miệng? Pedro và Mario không muốn nghĩ đến chuyện đó, nhưng không nghĩ không được. Thật sự mà nói, tên đó cũng có quyền, ít hay nhiều, lấy cái cặp táp như hai gã. Cũng thật sự mà nói, đó là do may rủi, hắn chọn đúng cái bàn, thế thôi. Tên đó cứ thản nhiên nhấm nháp, thỉnh thoảng lại bốc một món nhắm; còn hai gã ta, vì cháy túi như anh và tôi, cháy túi như tôi thì đúng hơn, không thể gọi thêm cà phê, nhưng điều đó không quan trọng; bây giờ tinh thần Pedro và Mario đang khủng hoảng vì tên đàn ông đó, hắn đang dùng móng tay móc những mẩu sa-la-mi dính răng, rồi nhâm nhi ly rượu, chẳng màng thấy hay nghe mấy tên thổ công nói gì. Bạn sẽ thấy chúng ở đầy mấy góc đường thành phố. Ngay cả Elba, mắt cận đặc, cũng nói như thế, bạn có biết không. Như trong mấy truyện khoa học giả tưởng, chúng như từ hành tinh nào rớt xuống mặc dù tạng hình chúng giống như những tên từ vùng nội, nhưng với những mái tóc chải chuốt, chúng rất đàng hoàng và trang nhã, tôi nói cho bạn nghe, có lần tôi có hỏi giờ một tên trong bọn nhưng chẳng đi đến đâu – có gì đâu, bọn chúng không đeo đồng hồ. Bạn nghĩ coi, nếu bọn chúng sống trong một khung thời gian khác chúng ta, thì cần gì phải đeo đồng hồ, phải không? Tôi cũng thấy bọn chúng chứ. Leo lên từ dưới lề đường, bọn chúng vẫn còn ở đấy ấy, mà ai mà biết bọn chúng kiếm tìm cái gì, mặc dù chúng mình biết bọn chúng bỏ lại nhiều lỗ hổng, bọn chúng leo lên từ mấy cái ổ gà khổng lồ này mà không ai lấp lại được. Cái tên đàn ông đang uống vẹc-mu đó không thèm nghe mấy tên thổ công nói chuyện; Mario và Pedro cũng vậy, hai gã chỉ lo đến cái cặp táp bỏ rơi trên chiếc ghế, chắc chắn là phải có gì quý giá trong đó nếu không làm sao nó bị bỏ quên, để hai gã lượm được, không phải cái tên đàn ông với cái ly vẹc-mu. Hắn ta nhâm nhi xong, xỉa cái răng, bỏ lại vài món nhắm hầu như không đụng tới. Hắn đứng dậy, trả tiền; tên bồi bàn dọn xạch mặt bàn, bỏ tiền boa vào túi, dùng một miếng giẻ ướt lau qua loa, rồi bỏ đi; thiệt tình, đã tới giờ ra tay, không còn khách nào phía bên này quán, còn phía bên kia thì toán loạn cả lên, Mario và Pedro biết rằng không thể trì trệ được nữa. Mario bước ra khỏi quán trước, gã kẹp cái cặp táp trong nách, vì vậy gã là người đầu tiên thấy cái áo khoác đàn ông nằm trên chiếc xe hơi đậu bên lề đường. Có nghĩa là, chiếc xe hơi đậu kế vỉa hè, và như vậy cái áo khoác, trên nóc chiếc xe hơi đó, cũng nằm kế vỉa hè. Một cái áo khoác tuyệt đẹp, chất lượng tốt khủng. Pedro cũng thấy nó, chân hắn cứ run lên, tại sao lại có chuyện trùng khớp nữa như vậy, gã đang cần một cái áo khoác mới, nhất là một cái áo trong túi nhét đầy xìn. Mario lúng túng không biết làm sao vớ cái áo. Pedro vớ lấy nó, và thế là hắn tiếc, tiếc mãi và tiếc hùi hụi khi hắn thấy hai người cảnh sát bước đến gần … “Tụi tui thấy chiếc xe đè lên cái áo. À không, cái áo nằm trên nóc một chiếc xe hơi. Tụi tui không biết làm gì, à không biết làm gì với cái áo” “Thì để nó lại chỗ mà các anh thấy nó. Đừng làm bận chân chúng tôi, chúng tôi có nhiều chuyện khác đáng lo hơn.” Chuyện khác đáng lo hơn. Như truy tố người này đến người khác chẳng hạn, nếu bạn cho phép tôi nói trại ra như vậy. Và như thế, cái áo khoác trứ danh đó nằm trong bàn tay run rẩy của Pedro, bàn tay đã âu yếm nhặt lấy nó. Gã đang thật cần một cái áo khoác như cái này, áo vét kiểu xì-po, lớp lót bên trong thật tốt, lót bằng xìn chứ không phải bằng lụa, cần gì bằng lụa? Và với những phần thưởng này trong tay, hai gã đi về. Hai gã không có gan bốc một tờ giấy bạc bóng tinh mà Mario nghĩ là hắn thấy khi gã khe khẽ mở cái cặp táp, và le con mắt nhìn vào – một ít tiền lẻ để trả tiền taxi hay chiếc xe buýt hôi hám. Hai gã cố gắng cảnh giác về những chuyện lạ đang xảy ra, những gì chúng chứng kiến tại quán cà phê, không biết là có liên quan đến hai món phần thưởng đang có trong tay hay không. Những kẻ lạ, một là chưa xuất hiện ở khu phố này, hai là họ đã bị thay thế: cứ hai cảnh sát ở mỗi góc phố thì hơi nhiều vì có quá nhiều góc phố. Buổi chiều hôm nay không phải là một buổi chiều xanh xám bình thường, thật sự mà nói thì chiều hôm nay không hẳn là may mắn như hai gã nghĩ. Đó là những khuôn mặt vô tri giác ngày thường, khác hẳn những khuôn mặt vô tri giác thấy vào hôm chủ nhật. Bây giờ Pedro và Mario như đã có một chút màu, với mặt nạ mới, có cảm tưởng là hai gã cũng hiện hữu, chỉ vì một cái cặp táp (một từ rất xấu) và một cái áo vét xì-po chợt nổi lên trước mặt. (Một cái áo khoác không được coi là mới – hơi cũ nhưng nhìn rất chỉnh tề. Đúng đấy: một cái áo khoác chỉnh tề). Buổi chiều nay không dễ dàng đâu, nói thật như vậy. Có cái gì đó lảng vảng trong không khí, với những tiếng còi hú, và hai gã bắt đầu cảm thấy bất an, bị động. Hai gã thấy cảnh sát tại mọi nẻo đường, trong những hành lang tối, cứ hai người một góc đường thành phố, nhấp nhô trên xe máy dầu xuôi ngược dòng giao thông như thể nhà nước có hoạt động tốt thì cũng chỉ vì đám cảnh sát, và có lẽ đúng như vậy, đúng như những chuyện thường tình, nhưng Mario không dám nói to vì cái cặp táp đã làm hắn líu lưỡi, đương nhiên trong đó đâu có dấu máy vi âm, đâu có ai bắt hắn cầm cái cặp táp phải không, đó chỉ là một ý nghĩ đầy hoang tưởng. Hắn có thể quẳng nó đi vào một ngõ tối – nhưng làm sao hắn có thể bỏ đống bạc vừa rơi vào tay hắn, mặc dù đó như một quả bom nổ chậm? Hắn cầm cái cặp táp một cách thong dong, mơn trớn hơn, không có vẻ là sợ nó nổ bùng. Cùng lúc đó, Pedro quyết định mặc cái áo khoác, tuy hơi quá khổ, nhưng trông không lố bịch. Hơi to và rộng, phải đó hơi rộng, nhưng không lố bịch; dễ chịu, ấm áp, đáng mến, chỉ hơi sờn góc, hơi cũ kỹ. Pedro bỏ tay vào túi của chiếc áo khoác (hai túi áo của gã đấy nhé), mần mò tìm thấy vài tấm vé xe buýt cũ, một khăn mù xoa cáu bẩn, vài tờ giấy bạc, và vài đồng tiền cắc. Hắn không đủ can đảm báo cho Mario biết, rồi đột nhiên hắn quay đầu lại, quan sát coi hai gã có bị theo dõi hay không. Biết đâu hai gã đã rơi vào bẫy, dường như Mario cũng cảm thấy như vậy vì hắn không nói tiếng nào cả. Mario vừa đi vừa huýt gió, vẻ thung dung như thể gã đã thường mang một chiếc cặp táp màu đen kỳ cục như thế suốt đời. Tình huống này không có vẻ tốt như lúc bắt đầu. Dường như không có ai theo dõi hai gã, nhưng biết đâu được; có người đang đi đến gần hai gã từ đằng sau, và biết đâu có kẻ cố ý để lại cái cặp táp và cái áo khoác vì một lý do mờ ám nào đó. Cuối cùng Mario quyết định thì thầm với Pedro: Thôi mình đừng về nhà, cứ đi thêm chút nữa, coi như là không có chuyện gì xảy ra, tao muốn ngóng xem coi mình có bị theo dõi hay không. Pedro đồng ý với đề nghị đó. Mario chợt nhớ lại cái lúc (chỉ mới có một tiếng đồng hồ trước) mà hai gã đã có thể cười nói huyên thuyên. Cảm thấy cái cặp táp càng lúc càng nặng, gã lại muốn quẳng cha nó đi. Nhưng bỏ cái cặp táp mà không xem xét nó chứa thứ gì à? Đúng là đồ chết nhát.
Hai gã cứ đi vẩn vơ lang bang đây đó, nhằm đánh lạc hướng kẻ theo dõi, có lẽ có đấy nhưng không lấy làm chắc chắn cho lắm. Bây giờ, không phải là Pedro và Mario đang đi dạo, mà hai cái áo khoác và cái cặp táp đã trở thành người. Chúng cứ đi và cuối cùng cái áo khoác nói: “Mình đi tìm cái bar bán rượu nào uống cái đi. Tao khát lắm rồi.”
“Với hai thứ này à? Khi mà mày và tao không biết là chúng từ đâu?”
“Phải, đúng thế. Có chút bạc ở trong một túi này này.”
Gã run rẩy ló bàn tay khỏi cái túi áo, chìa ra hai tờ giấy bạc. Một ngàn pê-xô chẵn. Gã không cần mần mò thêm trong mấy túi áo nữa, nhưng gã nghĩ gã-đã-ngửi-thấy thêm mùi tiền trong đó. Hai gã có thể xơi vài cái bánh mì kẹp săng-uých, từ cái tiệm cà phê vắng vẻ nhưng trông đẹp mắt kia. Có kẻ nào đó nói loáng thoáng, tên của nường gái kia là … thứ Bảy, không có bánh mì; không có gì cả, tôi chợt tự hỏi là cái trò tẩy não nào nhỉ … Vào thời điểm bất ổn, không có gì hơn là hai gã cần chú ý lắng nghe, dù điều bất lợi của các quán cà phê là tiếng ồn ào của đám đông trong đó sẽ lấn át những tiếng nói đơn lẻ. Này nghe này, mày cũng thông minh đủ để hiểu chứ. Hai gã để trí óc bị phân tán một chút, tự hỏi cái trò tẩy não nào nhỉ, và cái tên được gọi là thông minh đó có nghĩ là hắn thông minh thật không hè. Nếu chỉ là câu hỏi về tính cả tin, thì chúng đã sẵn sàng tin là không có bánh mì vào thứ Bảy, như thể chúng không biết là thứ Bảy thì cũng cần có bánh mì để làm bánh thánh cho Chủ Nhật, và Chủ Nhật thì mọi người cần chút rượu vang để sống qua cái hoang tàn khủng khiếp của những ngày làm việc. Khi lần mò trong cuộc sống – tại những quán cà phê – với một chút cảnh giác, hai gã có thể bắt sóng được đủ loại lời xưng tội, hiểu ra những lý luận sâu sắc nhất (ngu xuẩn nhất), vô cùng cần thiết bởi vì hai gã cần tỉnh táo và chỉ vì hai cái đồ vật xa lạ đó, chúng lại chiếm hữu, phủ trùm hai gã, đặc biệt là ngay lúc này khi mấy tên con trai nọ bước vào trong quán, thở hào hển, rồi ngồi xuống cái bàn với những-khuôn-mặt-không-có-gì-xảy-ra-ở-đây, lấy ra nào bút, nào viết, nào giấy, giờ thì đã trễ: cảnh sát đã theo chúng sát nút và đương nhiên sách vở đâu có qua mặt được cái nhìn tinh tường của những người bảo vệ pháp luật, và chỉ làm cho họ điên lên. Bọn cảnh sát đến ngay khi những tên sinh viên nọ chưa ngồi nóng đít, để mang lại trật tự, đẩy tên này, đưa tên kia: giấy tờ kiểm tra chúng mày đâu, đưa đây, đưa đây, đi thẳng ra ngoài kia vào những chiếc xe bít bùng, cửa đang mở toang kia. Pedro và Mario không biết làm sao mà thoát thân, tìm đường chạy cho dễ qua cái khối quần chúng đang vội vã bỏ quán cà phê lúc này, để trả lại quán sự yên tĩnh lúc đầu. Khi một tên con trai đi ra, hắn ta làm rớt một cái gói nhỏ dưới chân Mario, và theo phản xạ Mario dùng chân khều cái gói vào dấu đằng sau cái cặp táp đang để dựa vào ghế ngồi. Đột nhiên hắn phát sợ: hắn nghĩ mình điên hay sao mà quàng mấy thứ rơi rớt vào gần. Rồi hắn còn sợ hơn nữa: hắn biết là mình làm thế là để che chở tên con trai nọ, nhưng nếu không may biết đâu mấy tên cảnh sát chợt nghĩ trong đầu chuyện lục soát hắn? Mấy tên cảnh sát sẽ khám phá ra cái cặp táp mà không-biết-có-gì-trong đó, một cái gói không-thể-giải-thích được (đột nhiên hắn cảm thấy buồn cười, hắn có ảo tưởng rằng cái cặp táp là một quả bom, và hắn thấy chân cẳng hắn bay vù qua không khí, đồng tình cái cặp táp cũng bay theo, nổ tung ra, bung đầy giấy bạc giả). Mấy ý nghĩ này thoáng qua rất nhanh trong cái khoảng thời gian vi vút khi hắn giấu cái gói nhỏ, rồi mất biến. Tốt nhất là tẩy sạch trí não của mình, biết đâu có tên cảnh sát nào đó có tài ngoại cảm, hay có khả năng tương tự. Khi sự yên ổn trị vì ngàn năm trước đây, hắn đã nói gì với chính hắn? một trò tẩy não; trò tẩy não tự-phục-vụ để không ai biết được những gì xoay chuyển trong cái đầu điên rồ của hắn. Rồi mấy tên con trai đi mất, bị chở đi mất sau một hai cú đá từ đám-áo-choàng-xanh; cái gói nhỏ vẫn nằm dưới chân hai người đàn ông có-vẻ-đứng-đắn, hai người đàn ông với một cái áo khoác và một cái cặp táp (mỗi người giữ một trong hai món). Hai người đàn ông đứng đắn hay hai trự đàn ông bây giờ trơ trọi trong cái quán cà phê yên tịnh, một cái bánh mì kẹp loại lớn cũng không thể nào an ủi được hai gã. Hai gã đứng dậy. Mario biết rằng nếu hắn không đụng đến cái gói nhỏ, người hầu bàn sẽ gọi hắn trở lại, sẽ bể mánh. Hắn cầm luôn cái gói nhỏ, bỏ thêm vào khóm phần thưởng trong ngày, nhưng chỉ giữ một lúc thôi; hắn run run bỏ nó vào một thùng rác nằm ở một con đường trống. Pedro, bước bên cạnh, không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng không có gan lên tiếng hỏi. Thỉnh thoảng, khi rõ chuyện, câu hỏi có thể được đặt ra, nhưng những lúc thế này, nội cái sự thật là mình còn sống đã cô đọng tất cả những gì có thể hỏi và làm tiêu giảm giá trị của nó. Hai gã chỉ có thể tiếp tục bước, hai gã chỉ làm được có thế, thỉnh thoảng ngừng lại, thí dụ như để tìm hiểu tại sao người đàn ông ở phía bên kia khóc. Ông ta khóc một cách rất lặng lẽ, rất có tội nếu hai gã không ngừng để hỏi cho ra câu chuyện phiền muộn của ông ta. Các cửa hàng đã bắt đầu đóng cửa và một số cô gái bán hàng, trên đường về ngừng lại hỏi han: cái bản năng làm mẹ của người phụ nữ luôn luôn chờ đợi và sẵn sàng, người đàn ông vẫn khóc nức nở. Cuối cùng ông ta bật ra: Tôi không chịu đựng được nữa. Một nhúm người bâu quanh ông với ánh nhìn cảm thông, nhưng họ không hiểu gì cả. Khi ông ta lắc mạnh tờ báo và nói: Tôi không chịu được nữa, có người nghĩ là ông ta đọc tin tức và không chịu nổi cái sức nặng của toàn thế giới đè lên người. Họ tính bỏ đi, bỏ lại người đàn ông thiếu xương sống, không được cứng rắn này. Nhưng rồi ông ta giải thích, qua những tiếng nấc cục, rằng ông ta đã đi tìm việc làm cả mấy tháng nay, bây giờ không còn đồng xu để đi xe buýt về nhà, cũng không còn sức để tiếp tục đi tìm việc. “Việc làm,” Pedro nói với Mario. “Mình đi thôi, đây không phải là chỗ của mình.” “Mình cũng đâu có gì để cho ông ta đâu nhỉ. Nhưng tao ao ước là mình có.” Việc làm, việc làm, những người chung quanh đồng hưởng ứng, tim họ nhói lên, vì cái chữ việc làm này rất dễ hiểu, không như tiếng khóc. Nước mắt của ông ta cứ tiếp tục xoi xuống mặt nhựa đường và có ai biết được ai sẽ tìm thấy gì, nhưng không ai ngạc nhiên ngoại trừ ông ta, có lẽ ông ta đang tự nhủ là những giọt nước mắt của mình sẽ đâm vào mặt đường và khám phá ra nguồn dầu hoả. Và nếu mình chết tại đây, ngay bây giờ, vài ngàn năm tới mình sẽ biến thành dầu để một người nào đó, như mình sẽ dừng lại đây … Ý tưởng đó hay, nhưng tiếng hợp xướng của những người chung quanh ngăn ông khỏi đắm chìm trong cái ý nghĩ đó, cái ý tưởng- giả dụ- về cái chết (đoàn hợp xướng sợ là: ý nghĩ đó sẽ như cuộc đột kích vào cái đầu thanh thản của người dân thường, khi cái chết chỉ là một mẩu tin họ đọc trong tờ báo nhật trình). Không tìm được việc làm, đúng, ai cũng hiểu điều đó và sẵn sàng giúp ông ta. Hơn là cái chết. Và mấy cô gái bán hàng tốt bụng từ tiệm bán đồ kim loại mở bóp, lấy ra mấy tờ giấy bạc nhầu nát, ngay tức khắc có một cuộc quyên tiền tại chỗ, cô nào đanh thép hơn thì thu tiền người khác, hô hào họ cho thêm. Mario thì cố gắng mở cái cặp táp – của quý nào nằm trong đây để hắn có thể chia cho ông ta chút ít? Pedro thì nghĩ là hắn nên trở lại lục tìm cái gói nhỏ mà Mario đã bỏ vào cái thùng rác chỗ kia. Có thể trong đó có vài thứ đồ nghề, sơn cọ, ngay cả dụng cụ tốt để làm bom, bất kỳ cái gì cũng được để đưa cho ông ta, để ông ta khỏi bị tình trạng thiếu hoạt động đè bẹp. Mấy cô gái thì đang thuyết phục ông ta cầm lấy đống tiền lạc quyên. Ông ta cứ la lên là ông không muốn nhận của bố thí. Một cô gái giải thích là đó chỉ là của đóng góp tự ý của khách bàng quang nhằm giúp gia đình ông trong khi ông ta có được một bụng no đi tìm việc. Con cá sấu bây giờ lại khóc lên vì xúc động. Mấy cô gái bán hàng cảm thấy thoả mãn, hoan hỷ; Pedro và Mario cho đó là một điềm tốt. Có lẽ hai gã nên giữ ông này làm bạn đồng hành, Mario sẽ quyết định mở cái cặp táp, và Pedro sẽ lục thêm túi áo tìm thêm đồ dấu bí mật. Vì thế khi mọi người đi hết chỉ còn người đàn ông, hai gã nắm lấy tay ông ta và mời ông ta đi ăn. Mới đầu hơi e dè, ông ta hơi ớn hai gã: chúng có thể tìm cách lấy đống bạc ông ta vừa nhận được. Ông ta không còn biết là có đúng mình không còn khả năng tìm việc làm, hay việc làm của mình chính là giả vờ tuyệt vọng để người trong lối xóm này thương hại. Rồi một ý nghĩ chợt hiện: nếu mình tuyệt vọng thật và mọi người khác đối xử rất tốt với mình, thì có lẽ hai gã này cũng tốt như thế. Nếu mình đã giả vờ tuyệt vọng thì mình đóng trò không dở chút nào, biết đâu mình cũng có thể moi hai gã này thêm. Ông ta quyết định là tuy hai gã trông hơi kỳ quặc nhưng có vẻ lương thiện, và cả ba cùng đi đến một tiệm ăn rẻ tiền, cùng hưởng vài khúc xúc xích ngon với rất nhiều rượu vang. Con số ba, một người tự nhủ, đúng là một con số may mắn. Để xem coi còn điều tốt nào xảy đến cho họ không.
nguồn: http://www.scasd.org/cms/lib5/PA01000006/Centricity/Domain/1487/Strange%20Things%20Happen.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét