Đường sữa giả Trung Quốc về Việt Nam
Mới đây, dư luận Trung Quốc xôn xao trước bê bối sữa giả sau khi chính quyền thành phố Thượng Hải bắt giữ 6 người bị tình nghi làm giả và bán hơn 17.000 hộp sữa công thức giả cho trẻ em ở một số tỉnh, thành nước này.
Thực tế, nhiều năm qua, Trung Quốc thường xuyên xảy ra các vụ làm sữa giả, sữa kém chất lượng, đặc biệt là sữa bột công thức dành cho trẻ em ở quy mô lớn, không chỉ tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng, gây tác hại khôn lường đến sự phát triển của trẻ nhỏ mà còn làm hoang mang dư luận trong và ngoài nước này.
Điển hình là sự kiện hồi năm 2004, 179 em bé ở tỉnh An Huy, Trung Quốc được chẩn đoán mắc hội chứng đầu to và 13 em bé đã thiệt mạng vì suy sinh dưỡng lâu ngày do uống loại sữa được các cơ sở sản xuất sữa giả, sữa kém chất lượng ở nước này sản xuất.
Hay vụ phát hiện hơn 700 tấn sữa bột nhiễm melamine, một chất hoá học độc hại sử dụng trong các sản phẩm nhựa, phân bón và hoá chất làm sạch trong các sản phẩm sữa công thức của Công ty Sanlu (Trung Quốc) hồi năm 2008.
Vụ bê bối hơn 17.000 hộp sữa giả bị bắt giữ khiến dư luận Trung Quốc hoang mang, phẫn nộ. Ảnh newsweek.pl |
Tình trạng trên khiến người tiêu dùng Việt Nam lo lắng, bởi rất có thể số sữa giả được đóng trong vỏ hộp của các thương hiệu nổi tiếng có thể bị tuồn vào Việt Nam.
Bàn thêm về tình trạng sữa giả, sữa kém chất lượng tại Trung Quốc, TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho hay, nhiều năm nay, Trung Quốc đã làm giả, làm nhái rất nhiều sản phẩm của các hãng sữa lớn, nổi tiếng trên thế giới. Những sản phẩm ấy không chỉ xuất hiện ở thị trường Trung Quốc mà còn có mặt tại nhiều nước trên thế giới, trong đó không loại trừ Việt Nam.
Theo TS Tín, hàng giả Trung Quốc, trong đó có mặt hàng sữa, có thể theo ba con đường để vào Việt Nam:
Thứ nhất, người Trung Quốc mở doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng nhờ người Việt Nam đứng tên.
"Nếu để người Trung Quốc đứng tên, họ sẽ phải thành lập theo hình thức nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nên họ tìm cách lách luật đầu tư bằng cách nhờ người Việt Nam đứng tên giùm, thực chất đứng sau lưng là người Trung Quốc", ông Tín chỉ rõ.
Các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam dưới nhiều loại hình: triển khai các dịch vụ về du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, đa ngành nghề sản xuất, từ bia, rượu đến sữa... Trên danh nghĩa người Việt Nam đứng tên các doanh nghiệp này, nhưng thực đó là người Trung Quốc đứng sau lưng. Ý định của họ khi vào Việt Nam không phải chỉ để sản xuất hàng Việt Nam để tiêu thụ trong nước mà còn sản xuất những hàng không đúng chất lượng, thậm chí hàng giả, hàng nhái trên chính thị trường Việt Nam.
"Với mặt hàng sữa chẳng hạn, họ không nhất thiết phải sản xuất tại Trung Quốc rồi nhập vào Việt Nam mà có thể sản xuất ngay trên chính thị trường Việt Nam. Trong quá trình thành lập doanh nghiệp có thể không có vấn đề gì nhưng mục tiêu của họ là sản xuất các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái và tiêu thụ trên chính đất nước Việt Nam, điều đó rất nguy hiểm", TS Bùi Quang Tín cảnh báo.
Thứ hai, người Trung Quốc sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trên chính thị trường Trung Quốc. Người Trung Quốc không biết sản phẩm sữa trên thị trường Việt Nam thế nào nên họ cũng phải thông qua các đầu mối ở Việt Nam để nắm bắt nhu cầu, rồi các cơ sở ở Trung Quốc nhận đơn hàng từ chính thương nhân Việt Nam.
"Người Việt cũng làm hàng giả nhưng công nghệ còn sơ đẳng nên họ đưa các đơn hàng đó ra nước ngoài, mà Trung Quốc lại là quốc gia "siêu đẳng" về làm hàng giả với chi phí rất rẻ. Các sản phẩm đó sẽ theo nhiều con đường để nhập lậu về Việt Nam".
Thứ ba, thông qua chính nhu cầu của người dân ở nước sở tại mà Trung Quốc sản xuất và nhập lậu hàng giả vào các nước. Có thể nói Trung Quốc là cái nôi sản xuất hàng giả để đưa đi các nước.
Ngày nay, trên 70% hàng hóa trên thị trường Mỹ là "made in China", thậm chí vào Walmart trên 90% là hàng "made in China". Tuy nhiên, hàng Trung Quốc vào thị trường Mỹ hay châu Âu không đơn giản, dễ dàng như khi vào Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác.
Hàng Trung Quốc vào đi Mỹ, châu Âu chất lượng hơn hơn rất nhiều, tiêu chuẩn cao hơn và quy định pháp luật cũng như tính thực thi pháp luật ở các nước phát triển ngặt nghèo hơn. Đối với một số nước ở Đông Nam Á, như Lào, Campuchia, Việt Nam, khi sự quản lý còn lỏng lẻo thì hàng Trung Quốc có thể vào dễ dàng hơn.
"Trong ba con đường nói trên, con đường thứ hai - người Việt đặt hàng người Trung Quốc sản xuất hàng giả rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ, là thông dụng nhất. Nếu Trung Quốc thành lập doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, nói là dễ nhưng thực ra không đơn giản vì để sản xuất hàng giả hàng loạt phải tính trước hết đến vấn đề máy móc.
Sản xuất sữa không đơn giản chỉ là mấy máy móc cầm tay để có thể dễ dàng vào Việt Nam, nó là cả một nhà máy, một dây chuyền lớn, thậm chí họ có những máy móc tương tự như sản xuất hàng thật nhưng chất lượng kém hơn rất nhiều.
Trung Quốc không thể nhập cả dây chuyền qua Việt Nam để làm hàng giả được, bởi thế, cách làm hàng giả, trong đó có sữa, đơn giản nhất và hữu hiệu nhất hiện nay là sản xuất theo đơn đặt hàng ở Trung Quốc, nơi đó có sẵn máy móc, công nghệ, con người... tất cả chi phí đều rẻ hơn ở Việt Nam do sản xuất khối lượng lớn.
Thương nhân Việt Nam hưởng phần chênh lệch và phần này không hề nhỏ bởi giá thành phẩm của hàng giả từ Trung Quốc qua rất rẻ.
Chẳng hạn, một thùng bia Heineken bán trên thị trường Việt Nam giá 370.000 đồng, trong khi một thùng bia đó khi làm giả và bán ở biên giới chỉ tầm 70.000 đồng/thùng bia giả và nếu bán giá gốc từ Trung Quốc chỉ tầm 20.000-30.000 đồng. Rõ ràng, ở đây người Việt vì lợi nhuận đang tự hại đồng bào của mình", TS Bùi Quang Tín phân tích.
Phải coi là tội ác đặc biệt nghiêm trọng
Theo TS Bùi Quang Tín, đối với mặt hàng sữa, khi đối tượng tiêu thụ chính là trẻ em thì việc sản xuất sữa giả phải coi là tội ác đặc biệt nghiêm trọng.
"Các quốc gia như Mỹ, châu Âu... luôn đặt trẻ em lên hàng đầu, trẻ em là đối tượng được bảo vệ nghiêm ngặt và các tội danh liên quan đến trẻ em thường bị coi là đặc biệt nghiêm trọng, bị xem xét, xử lý rất nghiêm khắc.
Chẳng hạn, ở Mỹ, các tội danh liên quan đến tấn công tình dục đối với trẻ em bị xem là rất nghiêm trọng. Chưa nói đến sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, khi các phạm nhân xâm hại tình dục trẻ em vào tù, họ thường bị bạn tù khinh bỉ, đối xử tàn tệ.
Như vậy, nếu nhìn ở các nước, quy định pháp luật của họ rất nghiêm minh, chặt chẽ và rõ ràng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thực phẩm, sức khỏe, dinh dưỡng và quyền lợi của trẻ em. Ở Việt Nam, các quy định của pháp luật đều có nhưng hết sức lỏng lẻo, đặc biệt việc thực thi rất khó. Bởi thế, chúng ta cần nghiêm túc xem lại vấn đề này", TS Bùi Quang Tín chỉ rõ.
Cũng theo vị chuyên gia, mỗi loại sữa ngoại khi nhập khẩu vào Việt Nam đều có một công ty phân phối chính thức. Việc một hãng sữa lớn của Nhật mới đây muốn chỉ định nhập khẩu độc quyền tại Việt Nam cũng là một cách để đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và điều đó phù hợp với quy định pháp luật của họ.
"Chẳng hạn, mới đây Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Úc thông báo ngừng xuất bò cho 3 lò mổ ở Việt Nam vì những cáo buộc về ngược đãi động vật, điều đó cho thấy pháp luật của Úc quy định rất nghiêm ngặt. Vấn đề sữa Nhật cũng vậy, pháp luật Nhật quy định khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài thì sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, quá trình tiêu thụ đảm bảo hạn chế tối đa hàng giả, hàng nhái, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng ở các nước", ông Tín cho biết.
(Theo Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét