Xin được mượn cái tít bài của nhà báo Hoàng Linh cho bài viết này. Bởi câu chuyện mới xảy ra gần đây tại phiên chợ huyện Vị Xuyên (Hà Giang) quả là ấn tượng, lay động sâu sắc tận tâm can mọi người. Ở đây là tấm lòng của các bác sĩ Bệnh viện huyện Vị Xuyên nói chung, của bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc bệnh viện nói riêng. Giữa thời buổi lòng người đầy hoài nghi nhau bởi hai chữ kim tiền.
"Có anh đời còn... dễ thương"
Chuyện bắt đầu từ công việc nghề nghiệp của họ: Sản phụ trẻ Phàn Thị Thẩy, 20 tuổi, người dân tộc Dao sinh con lần thứ hai. Vào giờ phút thai nhi ra đời, các thầy thuốc ngỡ ngàng trước một tình huống bất ngờ- thai song sinh. Oái oăm thay, hai bé dính nhau ở phần bụng. Tư thế dính khiến cho các bé không thể bú mẹ như bình thường, và cũng không thể phát triển lành mạnh như mọi đứa trẻ.
Ai cũng biết, xưa nay bệnh viện huyện, lại là ở tỉnh miền núi cao và nghèo như Hà Giang, đến máy siêu âm vẫn là máy đen trắng, nhiều thiết bị kỹ thuật vẫn còn rất thô sơ, thì việc phẫu thuật cho hai bé song sinh dính nhau- không chỉ đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao, mà còn đòi hỏi các phương tiện thiết bị kỹ thuật, điều kiện chăm sóc đặc biệt.
Mà muốn cứu được hai bé, chỉ có cách chuyển các bé về Hà Nội, nơi có các bệnh viện phương tiện kỹ thuật cao cấp và bảo đảm.
Nhưng gia đình sản phụ Phàn Thị Thẩy quá nghèo. Gặng hỏi mãi, mới biết trong túi người chồng, chỉ có... 200.000 đồng. Mà nếu có vay mượn bà con làng bản, may ra chỉ được 02 triệu. Vì họ cũng nghèo như nhau. Đường về Hà Nội thì quá xa xôi. Và còn không biết bao nhiêu khâu, dịch vụ đều cần đến đồng tiền.
Trong khi sự sống của hai bé song sinh không thể chờ đợi.
Có lẽ trong đời làm thầy thuốc, chưa bao giờ bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung nghĩ tới giờ phút mình phải làm "cái bang"- đứng giữa chợ huyện Vị Xuyên. Ảnh minh họa: suckhoedoisong
|
Có lẽ trong đời làm thầy thuốc, chưa bao giờ bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung nghĩ tới giờ phút mình phải làm "cái bang"- đứng giữa chợ huyện Vị Xuyên, mặc bộ áo Blouse trắng, trưng tấm biển dán hình hai bé song sinh, để xin tiền khách đi chợ lại qua, mong chờ vào sự cứu giúp của những tấm lòng đồng loại.
Chiếc áo Blouse trắng đó là vật "làm tin".
Quả thật, việc làm bột phát và khẩn cấp của người thầy thuốc không quản ngại sự sĩ diện hay thị phi, và cũng không còn cách nào, như anh nói- lúc đó chẳng nghĩ được gì khác- đã giúp cho hai bé song sinh nhanh chóng được chuyển về Hà Nội. Dư âm của việc làm tử tế đó lay động các trang mạng xã hội đến hôm nay. Còn người viết bài thực sự đã khóc khi nhìn bức ảnh và đọc câu chuyện.
Thương số phận những người nghèo. Và thương quá việc làm của người bác sĩ trong cơn hoạn nạn của bệnh nhân.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Ca từ của nhạc sĩ họ Trịnh, may mắn thay, dường như vẫn hiển hiện trong đời sống này, chẳng phải để gió cuốn đi, mà là đểcuốn mọi tấm lòng vào những tấm lòng trắc ẩn trước số phận bất hạnh của con người, nhất là các bé em không may.
Và rồi, đứng ở phiên chợ vùng cao, làm "cái bang" bất đắc dĩ với chiếc áo Bouse trắng tinh, trong 02 giờ, người bác sĩ đã nhận được của cộng đồng gần 7,5 triệu đồng, số tiền đủ cho gia đình người sản phụ trẻ đưa con về kịp Hà Nội trong ngày. Theo Tuổi trẻ, ngày 16/7, cho tới hôm nay, nhờ các trang mạng xã hội, nhờ những tấm lòng kết nối, chia sẻ, số tiền giúp đỡ mẹ con sản phụ Phàn Thị Thẩy đã là 40 triệu đồng. Các y bác sĩ của bệnh viện đã giúp sản phụ Phàn Thị Thẩy có riêng một tài khoản ngân hàng đầu tiên trong đời, để chị có thể tiếp tục nhận được những tấm lòng của các nhà hảo tâm.
Cũng theo báo này, được thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã tặng bằng khen cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, và yêu cầu Bệnh viện Việt- Đức tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho hai bé.
Hẳn bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung lại thêm một bất ngờ. Còn người viết bài này chỉ nghĩ tới ca từ bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy may mà có anh (em) đời còn dễ thương.
Nhưng khi câu chuyện cảm động làm "cái bang" để cứu người của bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung và các y bác sĩ Bệnh viện huyện Vị Xuyên khép lại, cũng là lúc mở ra cho ngành y nói chung, các bệnh viện nói riêng một vấn đề cần cả xã hội chung tay chia sẻ, giải đáp. Đó là tình huống có những bệnh nhân nghèo phải cấp cứu mà không có tiền, cũng không biết nương tựa vào đâu, số phận họ sẽ ra sao? Mà người viết tin rằng những phận nghèo không may này cũng không ít!
Vì đâu phải lúc nào họ cũng có thể gặp được tấm lòng "cái bang" như của bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung?
Nhà Báo Kỳ Duyên chuyên trang Tuanvietnam và Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét