Radio
FM974
Chuyện
Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 28/09/15
Trên
con đường mòn, quanh co, mịt mờ bụi đất, lồi lõm, dài sâu hun hút, bên ngoài
thành phố Tehran, người lái chiếc xe mô tô hiệu Suzuki màu vàng, tiếp gục vặn
ga tăng tốc độ để xe chạy nhanh tới mức nào nó có thể chạy được, chiếc xe thỉnh
thoảng lên cao rồi xuống thấp như những nhịp sóng biển, vượt lên mấy ngọn đồi
nhỏ một cách nhip nhàng.
Người
lái xe cứ tiếp tục như vậy trên đường nhưng đến lúc tạm dừng lại nghỉ chốc lát,
tiếng máy xe ngưng hẳn, đâu đó lặng im, cổi bỏ cái nón an toàn trên đầu xuống,
đám đông hiếu kỳ đứng quanh đó không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra, là từ sáng đến
giờ họ đã xem một người con gái. Behnaz Shafiei là một trong số ít những người
phụ nữ lái xe mô tô băng đồi núi giỏi nhất ở Ba Tư, năm nay 26 tuổi, cô cho biết
cô thích lái xe mô tô từ hồi còn nhỏ xíu nhưng thật sự đam mê môn này từ ngày
lên mười mấy. Năm 15, khi Behnaz thấy một người đàn bà lái xe mô tô chạy vòng
vòng xóm, muốn chỡ gì thì chở, muốn làm gì thì làm, cô cảm thấy mình cũng muốn
được y như vậy. Đòi hỏi được quyền tham dự trong môn đua lái xe mô tô đã là một
sự tranh đấu khó nhọc bắt đầu từ Ba Tư, nơi mà đàn bà không bao giờ được cấp
cho bằng lái xe mô tô trên đường phố.
Behnaz nhớ lại việc
những người thanh niên phản ứng như thế nào khi thấy cô đẩy xe lên đường với ý
định muốn tranh tài, khi đó, họ la lớn một cách giận dữ “cô phải và nên ở nhà, nấu nướng, môn thể thao này không dành cho con
gái như cô”, điều này làm Behnaz bực tức gần như nổi điên, cô muốn chứng tỏ
cho họ biết là họ đã sai, mặc dù, trong khi đó, người đang huấn luyện, chỉ dạy
cho cô lái xe là một người đàn ông dễ thương và luôn luôn một mực ủng hộ cô ta.
Anh của Behnaz, thường giúp cô đủ thứ và người huấn luyện Behnaz là một quán
quân về môn này của Ba Tư tên Rasoul Najafi, hai người lúc nào cũng có mặt bên
nhau trên đường chạy và anh thường lái xe chạy trước để cho cô thấy làm thế nào
kiểm soát chiếc xe mô tô cho đúng cách và nhanh như mình muốn. Lúc mới bắt đầu,
Najafi cho biết, anh lấy làm lạ khi thấy có một cô con gái muốn tham dự môn đua
xe mô tô loại này ở Ba Tư nhưng giờ thì anh tin rằng, Behnaz là người có khả
năng tiến xa hơn nữa nhưng cô cần được có đủ phương tiện huấn luyện và người bảo
trợ giúp cô nhiều hơn.
Nhưng trở ngại lớn
nhất mà Behnaz hay những người phụ nữ khác, muốn tham dự môn thể thao này, phải
đối mặt một cách nhức đầu là cô không thể tranh tài cuộc đua xe ở Ba Tư, mặc dù
cô đã được một số tổ chức đua ở Âu châu và Hoa kỳ mời đến, hiện cô không có đủ
tiền bạc cho chuyến đi, vì không có ai bảo trợ giúp đở về mặt tài chánh. Vai
trò của phụ nữ trong các môn thể thao ở Ba Tư hiện thời vẫn còn là một vấn đề
bàn cải lớn, trong thời gian qua, nước này cũng đã có những lần hội họp bàn thảo
về chuyện này, trong đó có việc có nên cho phép đàn bà con gái đi xem các trận
tranh tài thể thao như túc cầu hay phổ thông hơn là đấu bóng chuyền. Phe đạo sĩ
và bảo thủ cương quyết, giữ vững việc ngăn cấm phụ nữ có mặt tại các sân vận động
nhưng phe ôn hòa và cấp tiến đang cố gây áp lực để điều này được thay đổi điều
này.
Trường hợp của cô
Niloufar Ardalan, là một vụ khác, củng khá nổi tiếng ở Ba Tư về sự tham dự của
phụ nữ trong lãnh vực thể thao, và cũng đã gây ra nhiều bất bình từ các tổ chức
thể thao trên thế giới. Niloufar là thủ quân của đội nữ túc cầu Ba Tư, chuyên về
loại “futsal”, chỉ có 5 người mỗi bên, nhưng không được dẫn đội mình đi tranh
tài ở Mã Lai mới vừa đây chỉ vì lý do duy nhất là, chồng cô không đồng ý cho cô
được tái cấp sổ thông hành, theo luật của Ba Tư, người vợ phải được sự cho phép
của chồng nếu muốn đi ra khỏi nước. Hỏi ý kiến của mình, cô gái lái xe mô tô
tên Behnaz không ngần ngại cho biết “cô tin một trăm phần trăm, không nên có một
sự phân biệt giữa đàn ông đàn bà về thể thao vì trong một số bộ môn, phụ nữ đã
chứng tỏ là họ thật giỏi không kém gì đàn ông”. Cô nói thêm, cô lái xe mô tô là
để thực hiện mơ ước tranh tài của mình chứ không phải lái cho vui và hy vọng,
ngày nào đó cô sẽ là người đại diện cho Ba Tư tranh tài với bộ môn lái xe mà cô
đã say mê nó rất nhiều.
Trở lại chuyện thủ
quân của đội túc cầu Ba Tư, cô Niloufar Ardalan, 30 tuổi, đã lỡ mất dịp dẫn đội
đi tranh tài ở Mã Lai, cuộc tranh tài lớn nhất trong 19 năm luyện tập như đã nói, chỉ vỉ không được tái cấp sổ thông
hành theo luật lệ của xứ Ba Tư. Đây là lần đầu tiên, một trận tranh tài thế giới
rộng rãi về túc cầu dành cho nữ cầu thủ được tổ chức, và cô đã tham gia đầy đủ
mọi lần huấn luyện của đội tuyển quốc gia, nhưng chồng cô lại chống đối việc
này. Trường hợp của cô đã được hàng ngàn người đàn ông và phụ nữ lên tiếng ủng
hộ trên các trang mạng điện tử. Maryam Tousi, người nữ lục sĩ, có lần chiếm kỷ
lục về chạy đua, viết trên trang mạng cá nhân, “cô rất hết sức buồn khi nghe tin của Niloufar” cũng như ông
Ebrahim Asgharxadeh, một dân biểu cấp tiến cải cách và người góp sức trong cuộc
cách mạng lật đổ Shah hoàng năm 1979 cho biết, “cô Niloufar,có tội hình sự gì, tại sao cô không được theo đội đi tranh
tài ở giải vô địch “futsal” Á châu và đi du lịch nước ngoài?”
Việc phụ nữ Ba Tư
được phép đi ra khỏi nước buộc vào tuổi tác và tình trạng hôn nhân của họ. Phụ
nữ độc thân, dưới tuổi mười tám cần phải có sự chấp thuận của cha mẹ, thường
al2 người cha mới có thể xin sổ thông hành nhưng phụ nữ độc thân trên tuổi đó
được đi du lịch tự do tuy nhiên phụ nữ có chồng, cần có giấy cho phép cho đi,
trừ khi trong hôn thú có ghi rõ người chồng không hành xử quyền này, nhiều người
phụ nữ Ba Tư hiện nay, chỉ đồng ý kết hôn với điều này kèm theo. Chỉ có trường
hợp đặc biệt mà họ không cần sự cho phép của chồng là, đi hành hương về Mecca,
Á Rập, khi đó họ được cấp chiếu khán xuất cảnh một lần mà thôi. Niloufar, tốt
nghiệp ngành Thể dục học, được báo The Guardian phỏng vấn năm 2005 tại Tehran
sau khi đội nữ túc cầu “futsal” Ba Tư thành công được sự dồng ý của hội túc cầu
quốc gia cho phép họ đi xem trận đấu tại sân vận động Azadi lần đầu tiên. Chồng
cô, được báo chí Ba Tư cho biết là, Mehdi Totounchi, một người ký giả và đọc
tin trên đài truyền hình của chính phủ, nói là anh ta muốn cô ở nhà để bắt đầu
nhập học vào năm tới.
Mặc dù, đạo luật kỳ
thị nam nữ vẫn còn áp dụng triệt để ở Ba Tư, nhưng con số phụ nữ đứng lên tranh
đấu cho quyền bình đẵng hiện ngày càng nhiều hơn và rất năng động. Cho tới gần
đây, đã có nhiều người tốt nghiệp đại học
là phái nữ và tại một số thành phố lớn, họ đã có việc làm bên cạnh phái nam.
Nhiều người cũng đang làm chức vụ lớn, có cả bộ trưởng, trong tháng tư năm nay,
chính phủ của tổng thống Hassan Rouhani đã bổ nhiệm người đàn bà làm đại sứ, lần
đầu tiên kể từ cuộc cách mạng hồi giáo năm 1979. Phụ nữ ngày nay có thể đi bỏ
phiếu và lái xe hơi nhưng buộc phải mặc áo chùng che toàn người, tuy nhiên, tại
các phiên tòa, lời chứng của họ chỉ có giá trị bằng phân nửa của đàn ông. Tuổi
con gái bị xử tội hình sự là 9 thay vì 15 dành cho con trai và vẫn còn đối xử bất
bình đẳng đôi với quyền thừa kế hay đi lại như trong hôm thứ tư vừa qua, một
tòa án ở Tehran được tường thuật là, đã phạt hai người đàn bà, số tiền 260 Mỹ kim
vì tội không mang khăn choàng che trùm đầu, không đúng theo mẩu mực hồi giáo.
Cho tới
hôm nay, dù đã có nhiều chỉ trích
khá nặng nề, từ dân chúng, nhưng cô Niloufar vẫn chưa được người chồng đồng ý
và giới chức có trách nhiệm về thể thao vẫn lặng thinh, không có hành động nào,
như vậy, trừ khi đại giáo chủ gật đầu
phán lệnh thì, thể thao ở Ba Tư, vẫn còn
là chuyện vẫn vậy như từ đó đến giờ, không phải chuyện của đàn bà phụ nữ.
Thuyên Huy .
Ảnh minh họa : 1 thiếu nữ Ba Tư ;từ +Viet Nam Su Kien VnEvent
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét