16 thg 10, 2015

Thành Phố Ma Bhangarh ở Ấn Độ

Tác giả: April Holloway, www.ancient-origins.net | Dịch giả: Nhóm biên tập Việt Nguyên

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn và thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Pháo đài bỏ hoang của Bhangarh được cho là nơi bị ám ảnh nhất ở Ấn Độ, mức độ ám ảnh lớn đến mức Tổ chức Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ cấm người dân vào khu vực này vào thời điểm giữa hoàng hôn và bình minh. Người dân địa phương cũng chuyển ra sinh sống bên ngoài ranh giới của pháo đài. Sự nổi tiếng của Bhangarh bắt nguồn từ hai huyền thoại lâu đời, một trong số đó liên quan đến một thầy phù thủy, người được cho là đã nguyền rủa Bhangarh do pháo đài được xây cao hơn nơi ông ta tu đạo [ẩn dật].
Thị trấn Bhangarh nằm trong khu đô thị Rajgarh ở bang Rajasthan, được thành lập năm 1573 trong thời gian cai trị của vua Bhagwant Das, và là nơi ở của Hoàng tử thứ hai của Ngài. Pháo đài thực sự là một thành phố nhỏ bao gồm đền thờ, cung điện, và nhiều cửa, bao phủ một khu đất rộng lớn dưới chân một ngọn núi. Mặc cho vẻ đẹp như tranh vẽ của nó, pháo đài chìm đắm trong những câu chuyện đen tối và hoàn toàn bị bỏ rơi từ năm 1783 khi những người đân địa phương rời bỏ làng đi.

Người dân địa phương tin rằng Công chúa Ratnavati cần phải trở về pháo đài Bhangarh để giải phóng thành phố khỏi lời nguyền của nó. (Nguồn: Tapish2409/Wikimedia Commons)

Qua cổng chính của pháo đài, ngày nay mang tên Bhoot Bangla (“Ngôi nhà ma”), có rất nhiều ngôi đền Hindu. Ngoạn mục nhất là các đền Hanuman, Đền Gopinath, Đền Someshwar, Đền Keshav Rai, Đền Mangla Devi, Đền Ganesh và Đền Navin.
Cung điện Hoàng gia tọa lạc tại ranh giới cuối cùng của pháo đài và được bảo vệ bởi hai chiến lũy nội bộ xuyên qua một thung lũng. Thị trấn nằm tách biệt khỏi khu đồng bằng bởi một thành lũy có 5 cổng.
Các truyền thuyết về Bhangarh
Theo truyền thuyết, thành phố Bhangarh bị nguyền rủa bởi một phù thủy mang tên Baba Balnath, người đã cho phép xây dựng thị trấn, miễn là chiều cao không được vượt quá nơi ông tu hành. Balnath cảnh báo rằng nếu điều này xảy ra, ông sẽ phá hủy toàn bộ thành phố. Khi hoàng tử nối dõi xây lâu đài cao tới nỗi bóng của lâu đài phủ trùm lên nơi tu hành của ông ta, tương truyền rằng toàn thị trấn đã bị ông ta nguyền rủa. Nhiều người tin rằng Balnath được chôn cất ở đó cho đến ngày nay.
Baba Balnath là người được cho là đã nguyền rủa Bhangarh khi nơi tu hành của ông ta bị che bởi bóng râm của tòa lâu đài. Đền Gopinath tại Bhangarh Fort. (Nguồn: Arindambasu2/Wikimedia Commons)
Baba Balnath là người được cho là đã nguyền rủa Bhangarh khi nơi tu hành của ông ta bị che bởi bóng râm của tòa lâu đài. Đền Gopinath tại Bhangarh Fort. (Nguồn: Arindambasu2/Wikimedia Commons)
Một truyền thuyết thứ hai có liên quan đến một thuật sĩ có tên Singhiya, người đã yêu Ratnavati, công chúa của Bhangarh. Theo truyền thuyết, Singhiya yểm bùa vào một lọ nước hoa do người hầu gái mua cho công chúa; nếu chạm vào nước hoa, công chúa sẽ yêu anh ta. Nhưng công chúa Ratnavati đã biết về tà thuật này và phá hỏng kế hoạch của thuật sĩ. Cay đắng, thuật sĩ đã đặt lời nguyền trên thành phố. Nhiều người tin rằng hồn ma của ông ta vẫn đang ám ảnh thành phố xấu số. Một số người dân địa phương tin rằng công chúa Ratnavati đã được đầu thai trở lại và Pháo đài Bhangarh đang chờ đợi sự trở về của nàng để chấm dứt lời nguyền.
Trong khi các truyền thuyết chẳng có gì hơn những câu chuyện mang màu sắc hư cấu, chúng vẫn được lan truyền rộng rãi và người ta tin rằng Tổ chức Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ đã đặt một biển hiệu ngay lối vào pháo đài Bhangarh cảnh báo về việc không vào Pháo đài khi trời tối. Người dân địa phương nói rằng bất kỳ ai vào pháo đài sau hoàng hôn đều không thể trở ra. Mặc dù vậy, chính những câu chuyện này đã thu hút hàng ngàn khách du lịch đến đây hàng năm, háo hức trải nghiệm thành phố bị nguyền rủa của Bahangarh.
Đăng tải dưới sự cho phép của trang gốc. Đọc bản gốc tại Ancient Origins

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét