TÌNH
NGƯỜI
Đi làm về đến
nhà, Quốc thấy cha và một cụ già lạ mặt đang ngồi đàm đạo ở phòng khách. Hai người
trò chuyện một hồi lâu khách mới từ giả ra về. Quốc không hiểu hai ông cụ có
chuyện gì bí mật mà vẻ mặt người nào cũng trầm ngâm.
Trong bữa cơm
chiều hôm ấy, Quốc để ý thấy cha ăn cơm ít, vẻ mặt buồn thiu, nên lo lắng. Quốc
ân cần hỏi cha:
“Ba có khỏe
không ba? Con thấy ba không được vui và hình như ba ăn không ngon miệng.”
Ông Thắng không
trả lời câu hỏi của con mà ngỏ lời đề nghị:
“Chúa nhựt tới
mình đi miền Tây chơi nghe con?”
“Dạ được, con sẽ
thu xếp hành lý để cha con mình cùng đi. Ba muốn đi thăm ai vậy ba?”
“Thăm gia đình
người quen. Con ăm cơm xong, tắm rửa đi. Hôm nay, ba có một chuyện muốn nói với
con.”
Mẹ của Quốc qua
đời đã hơn một năm nay rồi. Thấy ba luôn buồn, sống cu ki một mình, Quốc thương
cha nhiều hơn lúc trước. Mỗi ngày, sau giờ làm việc Quốc về nhà với cha ngay,
ít giao du với bạn bè. Quốc dành nhiều thì giờ ở nhà với ba để ba bớt cô quạnh.
Phần ông Thắng, từ ngày phu thê ly biệt, ông thay vợ chăm sóc con. Quốc đã ngoài tuổi hai mươi rồi nhưng ông vẫn
giặt từ mảnh quần tấm áo, nấu từng món ăn con thích. Hai cha con chăm sóc nhau
thật chu đáo.
Rửa chén bát, tắm
rửa xong, thấy ba đang nằm võng đưa kẽo kẹt, gương mặt suy tư, Quốc kéo ghế
thân mật ngồi cạnh ba. Ông Thắng đứng dậy, đưa tay ra dấu bảo Quốc ngồi đối diện
với mình ở chiếc bàn dài. Ông trịnh trọng nói:
“Có một chuyện
bí mật ba mẹ đã giấu con hơn hai mươi năm nay, Quốc à. Ba suy nghĩ lung lắm,
bây giờ mới quyết định nói cho con hay.
Sau khi biết rõ mọi việc, con liệu định thế nào cũng được vì ba mẹ là
người có lỗi với con, với gia đình của con.”
Quốc thấy lạ quá,
tự hỏi, “Gia đình mình chỉ có gồm ba, mẹ và mình đây thì còn có gia đình nào nữa?”
rồi cầm lòng không đặng Quốc hỏi ba:
“Ba nói gì con
không hiểu. Gia đình con là gia đình ai ngoài ba má?”
Ông Thắng trả lời
rất ôn tồn, giọng như phân trần:
“Con ... ba xin
lỗi con ... hôm ... hôm nay ba phải cho con biết một sự thật đau lòng, một tội
lỗi mà ba đây chính là người gây nên. Con ơi, con chỉ là đứa con nuôi của ba
má, con ơi!”
Nghe ba nói đến
đó, Quốc cảm thấy như bị điện giựt. Quốc đứng dậy, run run nắm lấy tay ba, thì
thầm nói:
“Vậy thì làm sao
mà con biết được. Nhưng con nuôi thì đã sao, hả ba? Ba mẹ đã nuôi dưỡng, thương
yêu con như con ruột, con không thiếu một thứ gì, từ vật chất đến tình thương,
con mang ơn ba mẹ không hết. Cớ sao ba nói ba có lỗi với con?”
Ông Thắng bóp chặt
tay Quốc, nước mắt ràn rụa nói:
“Con ... con ngồi
xuống đi, bình-tĩnh nghe ba nói. Con ơi, con không phải là đứa con nuôi bình
thường mà là đứa con ba đã tước đoạt từ một gia đình đáng thương. Nói trắng ra
là ba ... ba đã bắt cóc con từ một ngôi làng hẻo lánh đem về nuôi.”
Đi từ ngạc nhiên
nầy đến ngạc nhiên khác, Quốc choáng-váng, mặt tái nhợt nhìn ông Thắng với cặp
mắt khác thường. Hai tay ông Thắng run rẩy, vẻ mặt thật bi thảm, cố nén lòng,
nói như ông đang tự thú tội với Đấng Tối Cao:
“Bấy lâu nay ba
ích kỷ, vì sợ mất con nên không dám tiết lộ bí mật này. Bây giờ con đã lớn
khôn, đến lúc ba phải nói hết sự thật để con về tìm lại gia đình của con và để
lương tâm ba đỡ cắn rứt. Nếu gia đình
con không thông cảm, căn cứ theo pháp luật, thưa ba vào tù thì ba cũng cam chịu.
Thú thật với con, giấu mãi bí mật nầy lòng ba nặng trĩu, như mang một cục đá to.
Càng nghĩ càng xấu hổ, càng khổ hơn là ngồi tù để chuộc tội.”
Ông Thắng ngồi lặng
im, khẻ thở dài rồi nói tiếp:
“Ba và mẹ gặp
nhau rất trễ, lúc cưới nhau người nào cũng gần tuổi bốn mươi. Sau năm năm chung
sống, mẹ con mới sanh được đứa con trai. Vì hiếm muộn nên ba mẹ cưng con như
vàng ngọc. Ba mẹ làm nghề bán đồ gốm, có nhiều mặt hàng như tô, chén, dĩa, nồi,
chão, chậu bông ... Ba mẹ không bán tại chợ, chỉ ở thôn-quê theo đường sông rạch.
Ghe bán đồ gốm thường chất hàng hóa trên mui, trước mũi và sau lái ghe, do đó
dân làng dễ thấy mặt hàng và kêu lại mua.”
Ghe chở đồ gốm
trên sông
Ngừng lại để uống
một ngụm nước trà, ông Thắng nói tiếp:
“Vào năm 1947,
lúc đứa con trai của ba mẹ đươc gần ba tuổi, nó bị sốt nặng và qua đời. Đứa con
mất đi, ba mẹ thấy như trời đất quay cuồng, sụp đổ. Nỗi đau đớn mất con và
không còn hy vọng được sanh con nữa làm cho ba mẹ buồn khổ vô cùng. Quá thương
con, mỗi khi mẹ con thấy mấy đứa trẻ trang lứa con mình là bà tủi thân, nước mắt
dâng trào, đôi khi ganh tị thấy người ta có con dễ dàng mà mình lại vô phước. Mỗi khi giao hàng nhà nào có trẻ con, bà cứ ở
nán lại để vuốt-ve, nựng-nịu, quên về ghe để còn đi bán nơi khác. Ban đêm nhớ
con, bà khóc rấm rứt. Bà sống như điên, như dại, sức khỏe ngày càng xuống dốc.
Vài tháng sau
đó, trong một chuyến bán hàng ở cù lao Long-Khánh, một cù lao nằm giữa sông tiền,
gần quận Tân-Châu và Hồng Ngự. Một hôm khi bán hàng xong, còn neo ghe lại để
dùng cơm, thình lình ba thấy một đứa bé trai kháu khỉnh đang ngồi một mình,
dùng lon xúc cát chơi ở mé sông. Nhà cửa ở vùng này thưa thớt, thật vắng vẻ. Ba sanh lòng tham, vội lấy cái bánh ngọt lên bờ,
ngó trước, ngó sau không thấy bóng người, ba đưa bánh cho đứa bé và ẳm vội nó
xuống ghe. Đứa bé mà ba lén dắt đi là con đó!
Ba trao con cho mẹ dỗ dành để con đừng khóc rồi ba nhanh tay chèo ghe đổi
hướng sang sông.”
Sông Tiền (ảnh từ Wikipedia)
Uống thêm một ngụm
nước nữa, ông Thắng kể tiếp:
“Cù lao được bao
bọc bởi con sông thật to, chung-quanh cù lao toàn là nước, nên hàng năm thường
có vài đứa bé chết đuối. Trong làng chưa từng có nạn bắt cóc trẻ con, nên khi
có đứa trẻ bị thất lạc, xóm giềng cứ ngỡ là đứa bé bị té xuống sông, họ cùng
nhau phụ mò tìm dưới nước. Có khi tìm thấy, nếu sớm thì cứu được đứa trẻ, còn
trể thì đành chịu mất con. Khi mò hoài không được, thì họ nghĩ xác đã bị trôi
đi vì sông to sóng lớn.”
Thấy nét mặt
sa-sầm của Quốc, ông Thắng biết nó giận mình rất nhiều song ông vẫn cố kiên nhẫn
thú tội tiếp:
“Sau khi đem con
đi an toàn, ba mẹ không còn đi bán hàng vùng đó nữa,mà đổi hướng về vùng Hậu
Giang. Con ở kín trong ghe nên không ai tìm ra tung-tích được. Vì bận buôn bán,
đứa con của ba đã chết hơn năm tháng ba chưa kịp đi khai tử. Do đó ba cho con
xài khai sanh của nó. Hai đứa tuổi suýt soát nhau, nhờ vậy ba qua mặt chính quyền
một cách dễ dàng.”
Nghe đến đây Quốc
rùng mình, nhìn ông Thắng như nhìn một tội nhân. Quốc cảm thấy ghê tởm ông, hỏi
thật lớn, giọng nói vô cùng bất mãn:
“Nhưng tại sao
hôm nay ba mới nói cho con biết?”
Ông Thắng nhìn
Quốc như van lơn, giải bày:
“Khi có con, ba
mẹ như bắt được vàng, như tìm lại được đứa con mình đã mất, giảm một phần nào nổi
khổ mất con. Lần lần ba mẹ không nghĩ con là đứa con nuôi nữa. Một năm sau, ba
mẹ bán ghe, về Sài Gòn mua gian hàng bán đồ gốm, để tiện con đi học. Tuy không
ai biết được việc làm tội lỗi của ba nhưng lòng ba vẫn luôn không yên. Có lúc
ba nghĩ đến nỗi khổ của ba mẹ thật của con khi mất con, ba thấy hối hận vì ba
đã từng trãi qua khổ ải như xé tâm can khi chia lìa đứa con ruột thịt của mình!
Biết tội lỗi của mình, nhưng ba me không đành xa con, cố giấu nhẹm tội lỗi để
giữ con lại.”
Khi nhìn thấy Quốc
tấm tức khóc, ông Thắng vội lấy khăn đưa cho con lau nước mắt rồi ông tiếp tục
thú tội:
“Vì u mê, ích kỷ,
ba đã dùng nhiều lý lẽ để bào chữa tội của mình. Ba thầm nghĩ, ba bắt cóc con
vì thương yêu con chứ không phải để đày ải con. Biết đâu hôm đó ba không ẳm con
đi, có thể con té xuống sông và đã bị cuốn trôi theo dòng nước rồi. Từ tội nầy
phát sinh ra tội khác, đó là ba lừa dối mọi người khi nhận con là con ruột của
mình. Tự xưng là cha của con, ba đã cướp lấy thiên chức ‘cha’ của người cha ruột
của con, đã dối gạt để được con gọi bằng cha. Thật xấu hổ biết bao! Trên hai
mươi năm qua, ba đã dạy con làm điều hay, lẽ phải nhưng ba nghĩ thẹn cho mình,
dạy người mà chính mình là kẻ phạm tội, thật đáng khinh rẻ! Riêng má của con, bà
cũng rất hối hận nên trước khi lìa đời má con trăn trối bảo ba phải hứa tìm cha
mẹ ruột của con, má con mới nhắm mắt yên lòng ra đi đó con!”
Nghe lời thú tội
chân thật của ông Thắng, Quốc cảm thấy giảm bớt phần nào sự tức tối trong lòng.
Quồc nôn nóng, muốn biết về cha mẹ ruột nên hỏi:
“Bây giờ ba biết
cha mẹ ruột của con ở đâu không?”
“Hồi chiều con
đã trông thấy ông khách trò chuyện với ba. Đó là chú Tôn, người bạn cũ của ba.
Ba biết chú ấy có bà con ở cù lao Long Khánh. Ba đã nhờ chú về cù lao dò hỏi
giùm. Chú cho biết từ trước tới giờ ở xóm đó có hai đứa bé bị chết đuối, một đứa
lên năm và một đứa lên ba tuổi. Đứa lên ba mất tích, không tìm được xác, cách
nay hơn hai mươi năm; còn đứa kia tìm được xác. Như vậy đứa mất tích luôn chắc
hẳn là con.”
Quốc lại thêm nóng
lòng muốn biết tình trạng gia đình của mình như thế nào nên hỏi dồn dập:
“Vậy cha mẹ của con
còn sống không? Anh em con thế nào?”
“Chú Tôn cho biết
con có tất cả năm chị em, con là đứa giữa. Ba con tên là Hòa, còn khỏe mạnh, mẹ
con qua đời đã hơn ba năm nay rồi.”
Quá hụt hẫng và
đau buồn, Quốc không muốn nhìn mặt ông Thắng nữa. Quốc gục đầu xuống bàn khóc nức
nở, miệng than thở, “Trời ơi! Mẹ tôi, mẹ ơi!” Lúc ấy, cơn giận như đốt cháy tâm
can, Quốc đứng dậy, dẫn Honda ra khỏi nhà, miệng lẫm bẩm, “Tôi không muốn ở đây
nữa!” Không thể ngăn cản được Quốc, ông Thắng chỉ biết vói mắt ngó theo con, lòng
rất buồn bã.
Ngồi trên xe, Quốc
không biết đi đâu, chàng quẹo đường nầy rồi rẽ sang ngã khác. Đầu Quốc nặng
trĩu, đau như búa bổ. Quốc không ngờ người cha mà mình coi như thần tượng, hết
dạ thương yêu, vậy mà là một kẻ bắt cóc trẻ con. Nghe tin mẹ đã qua đời, ngày
cuối cùng không gặp mặt con, Quốc giận ông Thắng vô cùng, không muốn sống chung
với ông một ngày nào nữa!
Chạy xe được một
hồi lâu, bất chợt Quốc thấy mình đã đến Bến tàu Sài Gòn, nơi mà mỗi chiều, khi
mặt trời tắt nắng, dân trong đô thành Sài Gòn hay đến hóng mát, vui chơi. Quốc dừng
xe bước vào một cái quán, gọi một ly cà phê đá, vừa uống vừa suy nghĩ miên-man,
lòng buồn não ruột.
Ngồi đó một hồi
lâu, ly cà phê đá và gió mát từ sông Sài Gòn thổi vào, làm Quốc tỉnh táo lại,
nguôi bớt cơn giận cha. Bỗng Quốc thấy cách đó chừng vài mét có một người cha
đang cỏng đứa con gái trên lưng, đi nghiêng bên này, ngã bên kia, rồi vừa đi vừa
nhún nhảy để chọc cười con. Đứa con thích thú, hai tay bé bỏng vỗ vào đầu cha
cười sặc sụa.
Nhìn cảnh cha
con người lạ ấy, Quốc nhớ lại thuở ấu thơ của mình, cha cũng chọc cười Quốc như
vậy nhiều lần. Hơn thế nữa, ông còn bò lên sàn ghe giả làm trâu, làm ngựa cho
Quốc cưỡi, mặc tình Quốc lấy tay đánh vào lưng cha thình thịch. Sau một ngày
buôn bán vất vả, khi về nhà vừa thấy Quốc là ba bế lên ngay, hôn chùm chụt và bảo,
bán hàng suốt một ngày mệt nhọc, thấy mặt con là ba khỏe ngay, con là liều thuốc
bổ của ba đó”.
Còn mẹ của Quốc,
bà đã từng thức nhiều đêm để săn sóc mỗi khi Quốc bi bệnh nặng, sốt cao. Có một
lần, Quốc nhớ rất rõ, ngày 30 tết mà mẹ phải nuôi Quốc trong bệnh viện. Coi như
năm đó cả nhà không có ngày tết. Khi có thức ăn ngon là ba mẹ dành phần cho Quốc.
Những lúc làm ăn thất bại, cha mẹ cam chịu thiếu thốn trong khi Quốc luôn đầy đủ.
So sánh với những trẻ con trong xóm, Quốc biết mình là một đứa trẻ được cưng
chiều nhất.
Kể từ khi mẹ qua
đời đến nay, ba rất cô đơn, Quốc là nguồn an ủi duy nhất của ba. Hai cha con
như bóng với hình, ngoài giờ làm việc là ở bên nhau, săn sóc nhau. Giận ba, muốn
bỏ nhà ra đi cho hả giận, nhưng nghĩ lại Quốc không đành lòng. Hơn nữa người ta bắt cóc trẻ con để lấy tiền, để đòi
tiền chuộc hoặc hủy hoại thân thể cho tàn tật hầu gây lòng trắc ẩn người đời,
cưỡng bức đi ăn xin ở đầu đường xó chợ để đem tiền nộp cho họ. Ông Thắng bắt
cóc Quốc là trường hợp đặc biệt. Ông đã nuôi dưỡng Quốc nên người, thương yêu
như con ruột. Ông biết hối lỗi, can đảm thú tội dù không ai tố cáo ông. Người đời
thường nói, “Ở đời mấy ai không phạm lỗi, điều quan trọng là khi biết lỗi phải
biết sửa mình.” Nghĩ như vậy, cơn giận cha gần như dịu đi. Quốc lái xe về nhà.
Khi Quốc về đến
nhà, đêm đã khuya nhưng đèn trong nhà còn sáng, Quốc biết cha chưa ngủ. Từ lúc
Quốc dẫn xe Honda ra khỏi nhà, lòng ông Thắng đau như cắt, ông ngồi một mình
trong căn nhà vắng lặng, lòng rối như tơ vò, buồn đau không kém lúc mất vợ và
con. Ông đi tới đi lui trong nhà nhiều lần, nhìn đâu cũng đầy kỷ niệm của những
ngày cả nhà sum họp bên nhau. Bây giờ trơ trọi có một mình, cái cô đơn trống vắng
quá lớn lao làm cho ông gần như điên dại. Ông nhìn lên tường, thấy tấm hình cả
nhà cùng hạnh phúc bên nhau, ông lấy bức hình xuống, để lên bàn., Ông ngắm thiệt
kỹ tấm hình như muốn in sâu hình ảnh người thân vào tâm khảm mình, rồi ông gục
đầu lên bàn, khóc như trẻ thơ, “Trời phạt tôi rồi! Trời phạt tôi rồi! Bây giờ
tôi không còn gì cả!”
Nghe tiếng gõ cửa,
biết con đã về, ông Thắng mừng quýnh, treo khuôn hình lên chỗ cũ, vội lau nước
mắt, ra mở cửa. Quốc biết ba cũng buồn lắm và thức đợi mình nên Quốc lên tiếng,
xoa dịu lòng cha:
“Khuya rồi sao
ba không ngủ ?”
Nghe giọng nói của
con mình như bình thường, ông Thắng khấp khởi mừng thầm, nghĩ rằng Quốc đã suy
nghĩ lại và tha lỗi cho ông. Ông âu yếm vỗ vai con, nói khẻ:
“Con cũng vậy,
ngủ đi con, sáng mai còn đi làm nữa.”
oOo
Theo lời chỉ dẫn
của chú Tôn, hai cha con Quốc đi tìm nhà của ông Hòa cũng dễ dàng, mặc dù bây
giờ nhà cửa đông đúc hơn xưa, nhưng cù lao nầy không thay đổi nhiều như những
nơi khác.
Con đường cái
trước nhà ông Hòa xưa kia là đường đất, nay đã tráng nhựa, nằm dọc theo con
sông Tiền. Hai bên đường có nhiều cây ăn trái. Qua cái sân rộng là căn nhà ngói
xưa, mái ngói đã rêu mốc. Trước thềm nhà có mấy chậu hoa sứ và vài chậu kiểng uốn
hình con nai. Hai bên hông nhà có mấy cây dừa cao vút, sau nhà um tùm tre, trúc
và cây xoài đang sai quả.
Thấy cha con Quốc
vào đến sân, một ông già độ sáu mươi tuổi, da sạm nắng, tóc bạc hoa-râm, dáng
người mảnh khảnh đang nguồi đan rỗ ở hàng hiên, vội vàng đứng dậy chào khách.
Quốc đoán chừng là cha ruột của mình, xúc động dâng trào. Cha Quốc tiến tới trước,
hỏi ông già:
“Xin lỗi, ông
cho tôi hỏi thăm, có phải ông là ông Hòa không?”
Nhìn hai người
hoàn toàn xa lạ, không biết tìm mình có việc gì, ông Hòa lo lắng trả lời:
“Dạ, tôi là Hòa.”
Ông Hòa vừa trả
lời vừa kéo ghế mời khách ngồi. Ở thôn quê người già cả hay uống nước trà, nên
nhà nào cũng có bình nước trà được giữ ấm trong cái võ dừa thật to, đặt trên
bàn khách. Bên cạnh bình trà là bốn cái tách úp trên cái dĩa trẹt, cũng thật
to. Ông Hòa vừa rót nước mời khách vừa hỏi:
“Chẳng hay hai
ông tìm tôi có việc chi?”
Ông Thắng hỏi khẽ:
“Dạ, thưa ông, tôi
nghe nói ông có một đứa con trai mất tích từ lâu, phải vậy không ông?”
Quá ngạc nhiên,
ông Hòa nghĩ thầm, tại sao khách lạ lại hỏi câu hỏi nầy, đây là việc riêng của
mình, đâu có dính liu với họ, mà sao họ lại biết chuyện buồn xa xưa của mình. Bị khơi lại một niềm
đau, ông Hòa trả lời, gương mặt rất sầu não:
“Dạ, không giấu
gì ông, lúc bấy giờ gia đình chúng tôi nghèo lắm, vợ chồng tôi làm ruộng ở sau
nhà, tôi để đứa con trai nhỏ lên ba tuổi cho hai chị nó trông coi. Con chị lớn
mười hai tuổi, đứa chị kế được tám tuổi. Hai cháu gái vì mê chơi nên quên để ý
đến em, có lẽ nó té xuống sông và chết đuối. Chúng tôi mò kiếm hoài không được.
Cháu mất tích tính ra hơn hai mươi năm rồi.”
Ông Thắng hỏi:
“Thưa ông, có phải
cháu mất tích vào năm 1947?”
Ngạc nhiên, ông
Hòa nói nhanh:
“Dạ phải, mà sao
ông biết năm con tôi mất tích?”
Ông Thắng không
trả lời câu hỏi mà hỏi thêm:
“Thưa ông, cháu
có dấu tích gì đặt biệt ở trên người không?”
“Dạ có, cháu có
bớt đen sau lưng.”
Quốc không còn
bình tỉnh nữa, Quốc vội đứng lên ôm ông Hòa, nước mắt ràn rụa nói:
“Con ... con đây
nè ba!”
Ông Hòa vừa sửng
sốt vừa xúc động mạnh, nước mắt đầm đìa, ông siết chặt Quốc vào lòng. Cả hai
cùng nghẹn ngào không nói nên lời. Rồi như sực tỉnh, ông Hòa không tin sự thật
con ông đã về vì sự trở về quá lạ lùng, huyền diệu. Ông kiểm soát giác quan
mình, thấy mình vẫn sáng suốt. Ông vén áo chàng thanh niên gọi mình là cha. Thấy
vết bớt đen trên lưng anh ta, tay ông run lên, ông rờ đầu, tay chân anh ta vì ông
biết rõ đúng là con của mình đã về thật rồi, về bằng xương, bằng thịt chứ không
phải về trong giấc mơ. Đoạn ông hỏi dồn dập:
“Vậy là con
không chết đuối hả Nghĩa? Cám ơn Trời Phật đã cứu con tôi! Mà sao lâu quá con mới
về? Thời gian qua con ở đâu? Ai nuôi con?”
Nghĩa không biết
trả lời như thế nào trong khi ông Thắng lúng túng không biết bắt đầu câu chuyện
ra sao, dáng dấp của ông trông thật đáng thương. Một vài phút sau, Nghĩa mới ấp
úng lên tiếng:
“Con đi lạc ba
à. Ba Thắng đây đã thương yêu, nuôi dưỡng con hơn hai mươi năm nay.”
Ông Thắng vô
cùng xúc động vì lời nói đại lượng của con, song ông biết mình cần nói hết sự
thật ra và ông phải tạ lỗi với ông Hòa nên ông ôn tồn kể hết mọi việc.
Sau khi nghe những
lời giải bày của ông Thắng, ông Hòa nắm tay ông Thắng nói:
“Năm xưa, nếu
tôi thấy anh bắt cóc con tôi, tôi sẽ đánh anh một trận rồi. Anh có biết không?
Sau khi mò tìm con dưới nước không được, gia đình chúng tôi buồn khổ vô cùng.
Những lúc tưởng con chết lạnh dưới sông, không mồ mả, thây bị phân rả trong
dòng nước lạnh hay làm mồi cho tôm cá, lòng chúng tôi khổ sở, ray rứt biết bao.
Anh đã đau khổ vì mất con, tại sao anh đành lòng bắt con tôi đi? Gây khổ đau cho
người để có niềm vui cho riêng mình là điều đáng trách. Nhưng anh Thắng à, chuyện
đã lâu rồi, hơn nữa anh có công nuôi dưỡng con tôi nên người, đó là công ơn rất
lớn. Anh có lòng cho cha con chúng tôi gặp lại nhau, tôi cám ơn anh nhiều lắm.
Thật tình mà nói, biết đâu số của nó là con của anh. Tôi chỉ tiếc là khi Nghĩa
về sum họp gia đình thì vợ tôi không còn nữa!”
Ông Thắng cảm động
trước tấm lòng rộng lượng của ông Hòa nên ông rối rít cám ơn. Ông đứng dậy lấy
từ trong giỏ ra nào la trà, rượu, nhang, đèn cầy, bánh và trái cây đặt lên bàn
thờ. Ông xin phép ông Hòa cho ông đốt nhang, lạy tạ tội với chị Hòa và bảo
Nghĩa lạy chào mẹ.
Ông Hòa cho biết,
hai chị của Nghĩa, chị cả tên Thanh, chị kế tên Nhàn. Cả hai điều có chồng con,
nhà họ cũng ở gần đây. Nghĩa là đứa con giữa, kế là đứa con trai tên Nhân, hai
mươi tuổi, đang học đại học tại Cần Thơ và đứa con gái út tên Liên, mười lăm tuổi
đang học lớp 10 trong xã nhà.
Nghĩa vui vẻ
nói:
“Vậy bây giờ con
có những năm anh chị em, không còn cô độc nữa.”
Ông Thắng tiếp lời
Nghĩa:
“Vậy từ đây về
sau ba gọi con là Nghĩa, chỉ khi con vào sở làm mới là Quốc.”
Ông Hòa cũng vui
cười, lòng thật phấn khởi. Ông âu-yếm nhìn con thật kỹ, Nghĩa có cặp mắt giống
mẹ như in, cái miệng và sóng mũi không khác ông tí nào, vóc dáng còn cao hơn
ông nữa. Không muốn người khác biết vụ bắt cóc ngày xưa, ông thận trọng dặn dò
Nghĩa, “Bất cứ người nào hỏi về con kể cả họ hàng, con chỉ trả lời vắng tắt là
con đi lạc, chỉ thế thôi, nghe chưa!”
Ba người đang
trò chuyện thì Liên, đứa con gái út của ông Hòa từ trường về nhà. Ông Hòa bảo
Liên đi mời hai gia đình hai gia đình của Thanh và Nhàn về nhà gấp, có anh
Nghĩa đã trở về. Liên vừa ra khỏi nhà, ông Hòa đưa Nghĩa đi viếng mộ mẹ ở sau
nhà, chỉ cách nhà độ một trăm mét. Ông Thắng cũng tháp tùng đi theo. Viếng mộ
xong, ba người vừa vô nhà thì hai gia đình của Thanh và Nhàn cũng vừa tới. Buổi
sum họp thật cảm động, hai chị và Liên mừng đến khóc nức nở. Ông Hòa, ông Thắng
cùng Nghĩa đều rưng-rưng nước mắt.
Hai anh rễ của
Nghĩa thân mật bắt tay mừng Nghĩa trở lại gia đình. Những đứa cháu, con của
Thanh và Nhàn ngơ ngác nhìn cậu Nghĩa như người ở hành tinh khác vừa xuất hiện.
Chúng thì thầm bàn tán, “Cậu Nghĩa còn đẹp trai hơn cậu Nhân nữa.”
Bữa cơm hôm nay
có đủ người thân, một bữa cơm sum họp tuyệt vời, người nào cũng thật vui. Thỉnh
thoảng ông Hòa trìu mến liếc nhìn Nghĩa, trong lòng tràn đầy hạnh phúc. Mấy con
của Thanh và Nhàn dùng cơm ở nhà sau, chốc chốc chúng vén màn cửa, hé nhìn cậu
Nghĩa cười lỏn lẻn thật dễ thương. Hai chị của Nghĩa thỉnh thoảng gắp bỏ thức
ăn vào chén, ép Nghĩa ăn nhiều hơn. Nghĩa thật ấm lòng. Ông Thắng cũng vui lây
cái không khí ấm áp sum vầy của gia đình ông Hòa nhưng trông gương mặt ông có
chút phảng phất buồn. Khi bữa ăn sắp tàn, ông Thắng lên tiếng:
“Thưa anh, bây
giờ cháu Nghĩa đã tìm được gia đình rồi, tôi xin trả nó về để phụng dưỡng anh
và phụ giúp anh nuôi hai đứa em ăn học.”
Ông Hòa ôn tồn
nói:
“Gặp lại con,
tôi rất mừng nhưng xét lại gia cảnh thì tôi nhiều con, anh chỉ có Nghĩa. Để
Nghĩa phụng dưỡng anh thì đúng hơn. Tuy anh không có công sanh nhưng có công dưỡng.
Thỉnh thoảng nó về thăm tôi là tôi vui rồi!”
Nghe ông Hòa
nói, ông Thắng rất mừng vì ông không phải xa con. Ông cầm tay ông Hòa, với lòng
thành thật biết ơn, ông nghẹn-ngào nói:
“Cám ơn anh đã
nghĩ đến tôi. Tôi không dám đòi hỏi gì cả, tùy anh quyết định.”
Ông Hòa vỗ vai ông
Thắng, phân trần:
“Gặp lại con,
tôi mừng quá, đâu muốn xa con nữa, nhưng bây giờ chúng ta nên xem nhau như người
chung một gia đình. Anh có một mình, đơn độc, anh cần Nghĩa hơn tôi. Anh thấy đấy,
ở thôn quê chỉ làm ruộng, nuôi cá. Tôi nhờ có vườn trái cây ăn trái nên cuộc sống
cũng tạm được. Nghĩa đang có việc làm ở Sài-Gòn thì con nó ở lại với anh tiện
hơn.”
Trước khi ra về,
Nghĩa xin địa chỉ của Nhân, lúc rãnh Nghĩa sẽ đi Cần Thơ thăm em. Ông Thắng đề
nghị:
“Anh Hòa, bây giờ
Nghĩa đã có việc làm vững chắc, lương hướng cũng khá, tôi xin phép anh cho con
được gởi hàng tháng một ít tiền, phụ anh nuôi hai cháu nhỏ đang còn ăn học. Đó
là dịp anh để cho con báo hiếu một phần nào.”
Nghĩa cũng xen
vào phụ-họa:
“Ba đừng ngại,
bây giờ con có thể phụ giúp ba,. Được phụ ba con mới an lòng.”
Ông Hòa không nỡ
phụ lòng tốt của hai người, ông nói:
“Con tính sao
cũng được, có lòng giúp ba, ba cám ơn con nhiều lắm, nhưng phải để dành tiền đặng
cưới vợ nữa, cho ba có cháu nội ẵm bồng chứ!”
Cả nhà cùng cười
vui vẻ, rồi họ chia tay ra về.
Trên đường về Sài
gòn, cha con ông Thắng thật vui. Riêng ông Thắng, ông đã thú tội, đã đem Nghĩa
về thăm gia đình, đã thực hiện được niềm ao ước của ông và lời trăn trối của bà.
Hôm nay làm được điều ấy, ông cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm khác thường, như vừa
trút bỏ khỏi gánh nặng ngàn cân. Lương tâm ông được an ổn, ông nguyện những
ngày còn lại trong đời, ông sẽ xem gia đình của Nghĩa như chính gia đình của
mình, vui buồn cùng chia sẻ nhau.
Ngước mắt nhìn đám
mây trắng trôi lơ lững trên bầu trời, ông Thắng bỗng thấy hình ảnh của bà thoáng
hiện, mỉm cười với ông. Khi ấy, ông tin rằng bà vừa siêu thoát. Ông thì thầm
nguyện câu “Nam Mô” ...
Hồ Thị Đậm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét