4 thg 7, 2015

Thơ Thiền Việt Nam - Đỗ Chiêu Đức

1. Vạn Hạnh Thiền Sư   行 禪 師

        Thiền sư VẠN HẠNH 萬行禪師 (?-1018) Nguyên họ Nguyễn, người làng Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thuộc thế hệ thứ mười hai dòng Thiền Nam Phương Tì Ni Đa Lưu Chi. Ông học thông tam giáo (NHO - THÍCH- ĐẠO), đã từng hết sức giúp vua Lê Đại Hành chống ngoại xâm, dựng xây đất nước, sau lại khuôn phò Lý Công Uẩn lên ngôi nên rất được kính trọng. Theo sách Thiền Uyển Tập Anh (1337), Ông còn để lại một số bài thơ, trong đó đặc biệt có bài THỊ ĐỆ TỬ (Bày tỏ với đệ tử) - Nhan đề nầy là do người đời sau đặt ra. Sách Thiền Uyển Tập Anh chép rằn: "Ngày 15 tháng 5 , năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), sư không bệnh, gọi chúng tăng đệ tử đến, rồi đọc bài kệ:
               
                      示 弟 子
              身 如 電 影 有 還 無 
              萬 木 春 榮 秋 又 枯 
              任 運 盛 衰 無 怖 畏 
              盛 衰 如  草 頭 舖

                    THỊ ĐỆ TỬ
         Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
         Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
         Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
         Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

      Sư lại bảo với các đệ tử rằng: "Các ngươi muốn đi về đâu? Ta không lấy chỗ trụ để mà trụ, cũng chẳng dựa vào chỗ vô trụ để mà trụ."  Ý muốn bảo ƯNG VÔ SỞ TRỤ... Một lát sau thì Sư qua đời. Vua cùng các quan làm lễ hỏa táng cho Sư, xây tháp Xá Lợi để hương khói phụng thờ...


             Chú thích bài kệ trên:

      THỊ ĐỆ T: THỊ có 2 nghĩa : CHỈ THỊ là Chỉ điểm, Chỉ vẽ, Ra lệnh. BIỂU THỊ là Bày tỏ, Tỏ Vẻ, Tượng Trưng nên THỊ ĐỆ TỬ có thể hiểu là: CHỈ ĐIỂM cho đệ tử, cũng có thể hiểu là BÀY TỎ lòng mình với đệ tử.
       ĐIỆN ẢNH: ĐIỆN là Tia Chớp, ẢNH là Cái bóng. Cái Bóng có được nhờ tia Chớp nên rất mong manh, thoáng cái thì đã mất.
       ĐIỆN ẢNH: Ngày nay ta gọi là Chớp Bóng, là Chiếu Bóng, là nghệ thuật thứ 7 của hiện đại.
       NHẬM: Ở đây là Phó Từ, có nghĩa: Mặc cho... là Phó mặc.
       VẬN là Thời Vận, là Vận Hạn.
       BỐ ÚY 怖 畏 : BỐ là chữ Hài Thanh, gồm bộ TÂM bên trái chỉ Ý, chữ BỐ là Vải Vóc bên phải chỉ Âm, nên BỐ là KHỦNG BỐ, là Sợ Hãi. ÚY là chữ Hội Ý, theo Giáp Cốt Văn thì phần trên là Cái đầu của chữ QUỶ, phần dưới là QUỶ cầm cây gậy để đánh người, nên ÚY là ÚY KỴ, là Sợ Sệt, là E Ngại. 
       BỐ ÚY là từ kép chỉ sự Sợ Hãi, E Ngại. Nghĩa trong câu thơ BỐ ÚY là LO LẮNG.
       LỘ 露 : Chữ hài thanh, phần trên bộ VŨ là Mưa chỉ Ý, phần dưới là chữ LỘ chỉ ÂM, nên LỘ có nghĩa là HẠT MÓC, là GIỌT SƯƠNG.
       PHÔ 舖 : Chữ hài thanh, phần trái là chữ XÁ là Nhà chỉ Ý, phần phải là chữ PHỐ chỉ Âm. PHÔ là Cái ngạch cửa nằm ngang bên dưới, nghĩa rộng là TRÃI RA, là PHÔ TRƯƠNG, là bày ra cho người ta thấy. Trong câu thơ có nghĩa:... như giọt sương bày ra trên đầu ngọn cỏ (Sẽ biến mất ngay khi tia nắng đầu tiên chiếu rọi!)

Nghiã bài kệ:
      Cái xác thân của ta hiện diện trên đời nầy giống như là cái bóng của tia chớp, có cũng như không, thoắt hiện đó rồi liền mất đó! Muôn loài cây cỏ mùa Xuân thì xanh um tươi tốt, đến khi mùa Thu thì héo úa vàng khô!  Mặc cho thời vận của cuộc đời thịnh hay suy gì cũng đừng nên lo lắng mà chi. Vì việc thịnh suy như là giọt sương phủ ở trên đầu ngọn cỏ vậy, chóng đến chóng tàn đổi thay liên tục và rất nhanh!

Diễn Nôm:
             Thân có tựa không như ánh chớp,
             Lá xanh thu úa ấy lẽ thường.
             Thịnh suy tùy vận không lo lắng,
             Suy thịnh như đầu cỏ nhuốm sương!
                               Đỗ Chiêu Đức
2. Mãn Giác Thiền Sư  滿覺禪師
           Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là một Thiền sư Việt Nam thuộc đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Sư nối pháp Thiền của sư Quảng Trí và truyền tâm ấn lại cho đệ tử là Bản Tịnh. Với bài kệ "CÁO TẬT THỊ CHÚNG 告疾示眾 ", ông được nhiều người coi là một nhà thơ đại biểu của dòng văn thơ đời Lý-Trần.
     Năm 1096, cuối tháng 11, Sư gọi chúng đệ tử đến, đọc bài kệ "Cáo tật thị chúng" như sau:
Kệ rằng:

        春去百花落,            Xuân khứ bách hoa lạc,
        春到百花開.            Xuân đáo bách hoa khai.
        事逐眼前過,            Sự trục nhãn tiền quá, 
        老從頭上來.            Lão tòng đầu thượng lai ! 
        莫謂春殘花落尽,      Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
        庭前昨夜一枝梅 !     Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
             Image result for 梅花    maivang-010130
Chú thích:
     CÁO TẬT THỊ CHÚNG 告疾示眾 : Bố cáo cho mọi người biết là mình bị bệnh.
     TRỤC 逐 : Chữ thuộc dạng HỘi Ý, gồm chữ THỈ là Loài heo ở bên trong trên và bộ Xước là Bước đi bên trái dưới. Ý là Đuổi Theo. Chữ TRỤC có 2 nghĩa chính :
     a). Đuổi, là Cưởng bức ai đó rời đi. Như Trục Xuất, Trục Khách.
     b). Lần lượt theo thứ tự. Như Trục Bộ là Bước từng bước một. Trục Niên là Hằng năm, hết năm nầy đến năm khác.
     VỊ 謂 : Chữ thuộc dạng Hài Thanh, gồm bên trái bộ Ngôn là lời nói chỉ Ý, bên phải là chữ VỊ chỉ âm nên Vị có nghĩa là Nói Rằng, Bảo Rằng.
     MẠC VỊ : Đừng bảo rằng, Chớ nói rằng.

Nghiã bài kệ:
       Mùa Xuân đã đi qua thì trăm hoa rơi rụng,
       Khi mùa Xuân đến thì trăm hoa lại đua nở.
       Sự đời lần lượt đi qua diễn ra trước mắt.
       Tuổi già thì lại đến từ trên đầu già xuống. (Ý chỉ tuổi già trước tiên được thể hiện qua mái tóc bạc đập vào mắt mọi người trước nhất! Ta cũng thường hay nói: Già từ trên đầu già xuống!)
       Chớ bảo rằng Xuân tàn thì trăm hoa rụng hết.
       Đêm qua, trước sân, một cành mai đã nở rộ (trong tiết Đông lạnh lẽo). Ý muốn nói: Không phải chỉ có mùa Xuân trăm hoa mới đua nở, trong mùa Đông giá lạnh cũng vẫn có những loại hoa nở rộ như thường! 

Diễn Nôm:

           Xuân tàn trăm hoa rụng,
           Xuân đến trăm hoa tươi.
           Việc đời qua trước mắt,
           Già đến trên đầu người.
           Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
           Ngoài sân, đêm trước, nở cành mai!

                      Đỗ Chiêu Đức

3. Hương Hải Thiền Sư  香海禪師
       Hương Hải Thiền Sư 香海禪師 (1628 - 1715), không rõ họ tên thật, tục gọi là Tổ Cầu, là một thiền sư Việt Nam ở thời Hậu Lê. Sư và Thiền sư Chân Nguyên là hai người đi đầu trong công cuộc phục hưng phái thiền Trúc Lâm đã có từ thời nhà Trần.
      "Vô tâm" là danh từ và phương châm rất đắc ý của Hương Hải. Hình ảnh đẹp nhất về vô tâm là hình ảnh mà ông đã trình bày cho vua Dụ Tông nghe, khi nhà vua hỏi về thâm ý của đạo Phật:

             Nhạn quá trường không,        
             鴈 過 長 空
             Ảnh trầm hàn thủy                    
             影 沉 寒 水
             Nhạn vô di tích chi ý                  
             鴈   無   遺   跡   之   意
             Thủy vô lưu ảnh chi tâm            
             水   無   留   影   之   心
          wildgeese3    

Chú thích:
     TRƯỜNG KHÔNG 長 空 : TRƯỜNG là Dài, KHÔNG là Không gian. TRƯỜNG KHÔNG là Từ Ghép chỉ BẦU TRỜI, chớ không phải Trời dài Trời ngắn gì cả!
     DI TÍCH 遺 跡 : DI là Để lại. TÍCH là Dấu Vết. DI TÍCH là Để lại Vết Tích.
     LƯU ẢNH 留 影 : LƯU là Giữ lại. ẢNH là Hình Bóng. LƯU ẢNH là Giữ lại Hình bóng.

Nghĩa bài kệ:
      Con chim nhạn bay ngang qua bầu trời, cái bóng của nó in xuống dưới dòng nước lạnh. Con nhạn đó không có Ý để lại vết tích của mình dưới nước, mà nước cũng không có lòng giữ lại hình bóng của chim nhạn. Tất cả đều là lẽ tự nhiên của VÔ TÂM, của TÂM VÔ SỞ TRỤ 心無所住 !

Diễn Nôm:

            Nhạn bay cao vút trên không,
            Bóng chìm dưới nước lạnh căm vô tình.
            Nhạn không có Ý để hình,
            Nước không lòng giữ bóng hình nhạn đâu !
                                 Đỗ Chiêu Đức

4. Huyền Quang Thiền Sư  玄光禪 師 .
         Huyền Quang Thiền Sư (1254-1344) tên thật là Lý Đạo Tái người châu Nam Sách. Từ nhỏ, ông có khiếu văn chương, năm 21 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương, được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện và nhận mệnh vua tiếp sứ Trung Quốc. Khi ông theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phượng Nhãn để nghe sư Pháp Loa giảng kinh, liền có ý muốn xuất gia. Sau đó mấy lần ông xin từ chức để đi tu, được vua Trần Anh Tông chấp nhận và giao cho sư Pháp Loa hướng dẫn. Ông trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm.
         Mời đọc một bài thơ có Ý Thiền của ông sau đây:

      Image result for 泛舟的意思     Image result for 泛舟的意思
     

       泛舟
小艇乘風泛渺汒,
山青水綠又秋光。
數聲漁笛蘆花外,
月落波心江滿霜。

            Phiếm Chu 
Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang,
Sơn thanh thuỷ lục hựu thu quang.
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại,
Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.

Chú thích:
       PHIẾM CHU 泛舟 : PHIẾM có 3 chấm thủy một bên, nên có nghĩa là TRÔI NỔI. CHU là Ghe Xuồng. PHIẾM CHU là Để mặc cho chiếc Thuyền trôi nổi trên sông. Trong bài TIỀN XÍCH BÍCH PHÚ mở đầu bằng câu : "Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt kí vọng, Tô Tử dữ khách PHIẾM CHU..." là chữ PHIẾM CHU nầy đó.

       CÂU 1 : Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diểu mang.
TIỂU ĐĨNH : là Chiếc Thuyền nhỏ. THỪA PHONG: là Cỡi gió, là Đón gió. PHIẾM là Trôi nổi. DIỂU MANG: là Mênh mông Vô tận. Câu 1 có nghĩa :
     "Chiếc thuyền con trôi nổi theo chiều gió trên dòng nước mênh mông vô tận."

       CÂU 2 : Sơn thanh thuỷ lục hựu thu quang.
SƠN THANH : là Núi Xanh. THỦY LỤC : là Nước Xanh. HỰU là Lại. THU QUANG : là Quang cảnh Mùa Thu. Câu 2 có nghĩa :
     "Lại cũng quang cảnh của mùa Thu với núi xanh nước biếc."

       CÂU 3 : Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại,
SỔ THANH : SỔ là Một Vài. SỔ THANH là Một vài âm thanh, là Một vài tiếng. NGƯ 漁 nầy có 3 chấm Thủy, có nghĩa : Thuộc Về Cá, nên NGƯ ĐỊCH : là Tiếng Sáo của những người đánh cá. LÔ HOA : là Hoa Lau Hoa Sậy. NGOẠI : là bên ngoài, phía ngoài. Câu 3 có nghĩa:
    "Ngoài xa của đám hoa lau là tiếng sáo vẳng đưa của các dân chài." (Tiếng sáo không thể đếm được, nên không thể nói là MỘT VÀI tiếng sáo. Vì tiếng sáo trên sông vẳng đưa theo gió nên nghe khi được khi mất. Chớ không phải có NHIỀU NGƯỜI thổi sáo! Chữ SỔ được thoáng dịch là Văng Vẳng là vì thế!)
       CÂU 4 : Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.
NGUYỆT LẠC : là Trăng lặn. BA TÂM : là Giữa lòng sóng. GIANG MÃN SƯƠNG : là Sông đầy cả sương. Câu 4 có nghĩa :
     Khi trăng lặn xuống giữa lòng sóng nhấp nhô  ở tận chân trời) thì sương cũng xuống tràn ngập cả dòng sông.

Diễn Nôm: 

              Thả Thuyền
Thuyền con trôi nổi gió xuôi dòng,
Nước biếc núi xanh thu mênh mông.
Tiếng sáo vẳng đưa bờ lau sậy,
Sóng dìm trăng lặn móc đầy sông!

        Ai bảo thơ thiền Việt Nam không nên thơ và không có Ý Thiền chứ?!

             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét