|
Hào Anh bị bắt tạm giam. Ảnh: tuoitre.vn |
(TBKTSG Online) - Thông tin về Hào Anh (19 tuổi, quê Cà Mau) bị công an Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng bắt tạm giam vì có liên quan tới một vụ trộm cắp trở thành đề tài nóng trên các báo và các trang mạng xã hội hai hôm nay.
Một lần nữa, nhiều người bày tỏ sự thất vọng, dành cho nhân vật này nhiều lời lẽ khá nặng nề. Và câu chuyện cùng hình ảnh đầy thương tích về một cậu bé 5 năm về trước bị vợ chồng ông chủ hành hạ trong một đìa tôm ở Đầm Dơi, Cà Mau được tái hiện. Những gì truyền thông làm được (phát hiện, đánh động để cơ quan chức năng vào cuộc giải cứu), kêu gọi các nhà hảo tâm giúp Hào Anh 800 triệu đồng và em đã dùng vào việc xây nhà, tiêu xài ra sao được thuật lại. Hào Anh xây nhà, Hào Anh chơi game online, Hào Anh đuổi mẹ và bố dượng ra khỏi nhà, Hào Anh có bạn gái, Hào Anh lười biếng bỏ việc… tất thảy những câu chuyện đó trở về trên báo chí, mạng xã hội một cách chi tiết để cho thấy rằng, Hào Anh, cậu thiếu niên đã khiến biết bao người từng rớt nước mắt thương cảm đã không chịu “trưởng thành” theo đúng như kỳ vọng của dư luận.
Ở đây, có thể chia sẻ khao khát về một cổ tích có hậu trong đời sống mà nhiều người nuôi dưỡng. Điều đó là chính đáng. Song, trong thực tế đời sống, nói một cách sòng phẳng, không ai có khả năng áp đặt cuộc đời, số phận người khác phải tốt đẹp theo chiều hướng chủ quan của mình, cho dù đó là chiều hướng hay tiêu chí tốt đẹp đến cỡ nào. Những áp đặt khiên cưỡng hời hợt sẽ dễ dẫn đến sai lầm tai hại, đó là sự gán nhãn lên đối tượng được (hay bị) quan tâm.
Lý thuyết gán nhãn (Labelling Theory) là một khái niệm xã hội học, cho rằng hành vi một cá nhân là do người khác xác định hay gán một cái nhãn nào đó. Ở đây, sự tỏ bày cảm xúc thất vọng trước những hành vi lệch lạc của Hào Anh hoàn toàn có thể xem là sự gán nhãn.
Nhìn lại toàn bộ sự kiện, cuộc đời Hào Anh là chuỗi dài bị gán nhãn. Sự gán nhãn trong quá khứ mà một cậu bé phải gánh chịu, đó là bị coi là gian dối, lười biếng, dẫn đến chuyện bị chủ đánh đập hành hạ dã man. Sau đó, dư luận xã hội lại gán lên cậu một cái nhãn khác: một kẻ được giải cứu đang được theo dõi, và đã gây ra thất vọng trong quá trình rèn luyện nhân cách.
Khi Hào Anh phạm phải những “lệch lạch” liên quan tới việc dùng tiền hỗ trợ để tiêu xài, chơi game online hay đẩy người thân ra khỏi nhà, thì cậu lại bị dán một cái nhãn khác: một thanh niên ăn chơi, hư hỏng.
Ngoài ra, từ khi được “giải cứu” khỏi những ngày tháng bị hành hạ ở đìa tôm, phải thấy rằng, đời sống của Hào Anh hoàn toàn không được tự do bởi tai mắt của dư luận. Nhất cử nhất động của cậu ta đều trở thành món mồi béo bở của truyền thông.
Một người trẻ có thể trộm cắp, xảy ra mâu thuẫn với gia đình, thậm chí có bạn gái hay có thể mê những trò chơi gây nghiện trong xã hội, cả chuyện một thanh niên mâu thuẫn, hành xử không phải với đấng sinh thành, nếu cá nhân đó đủ thành niên, thì có thể tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm đạo đức về hành vi của mình.
Mọi việc được giải quyết xong, là hết, có thể nỗ lực sống tiếp, không phải mang theo một vết nhơ nặng nề nào cả. Những sai lầm của những người trẻ không ai biết đến sẽ dễ dàng đi qua.
Nhưng với trường hợp này thì khác, những hành vi lệch lạc của Hào Anh liên tục bị đào bới, soi chiếu và phê phán dưới nhãn quan đạo đức nghiêm khắc và bị ghim lại một khi truyền thông đã không ngừng chú mục vào anh ta. Và rồi từ cái nhãn xấu mà dư luận đã thất vọng gán cho, Hào Anh liên tục trượt đi, tạo ra những lệch lạc hay vết nhơ tiếp theo trong cuộc đời.
Năm nay 19 tuổi, Hào Anh là một người trưởng thành, bình đẳng như mọi con người trưởng thành khác trước pháp luật. Chính vì vậy mà việc anh ta đã gây ra những sự việc không đúng chuẩn mực xã hội, thì hãy để bản thân anh ta hoàn toàn chịu trách nhiệm một cách sòng phẳng; chẳng có lý do gì tiếp tục tạo ra những trận đòn roi đầy nặng nề của dư luận hay cố gắng tô đậm thêm những vết nhơ trong cuộc đời con người này.
“Mọi người quên luôn cái tên Hào Anh càng tốt, chắc chắn tôi sẽ sống tốt hơn những ngày qua”, trả lời phỏng vấn từ phòng tạm giam sau vụ ăn cắp máy vi tính ở Đơn Dương, Hào Anh nói (Tuổi Trẻ ngày 7/7/2015).
Những lời mộc mạc đó chính là tiếng kêu cứu của một kẻ đang khao khát được trở về với một cuộc sống bình thường, bình đẳng, có quyền riêng tư, không bị ai theo dõi, không cần ai kỳ vọng hay có quyền gán nhãn lên cái đời vốn bầm dập thương tích của mình.
Nguyễn Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét