Chúng ta sống nơm nớp trong cái hộp bêtông đó, vậy mà vẫn không an lòng. Hàng ngày truyền thông tận tình báo cho ta đủ các loại tin tức kinh hãi về các vụ cướp của giết người. Tôi nhớ có lần sởn hết da gà khi xem một clip của gia đình nọ ở ngay trong Sài Gòn. Trong đó, kẻ trộm – kẻ cướp thì đúng hơn vì hắn lăm lăm cầm con dao nhọn, gỡ rất nhẹ nhàng cánh cửa sập bằng sắt trong gara, đi tỉnh bơ như một đấng chủ nhà vừa lấy sổ đỏ lên hết lầu nọ đến lầu kia, vào hết phòng nọ đến phòng kia, bưng lên bưng xuống hết laptop đến điện thoại. Thậm chí có lần đang đi xuống chợt quên gì đó, hắn lại đi lên, mở cửa phòng vào lần nữa. Hãi hùng hơn và cũng là may mắn chăng, khi tất cả các phòng đó đều có người trong gia đình đang say ngủ. Nếu chẳng may một người chợt thức dậy và phát hiện có kẻ lạ mặt đang đi tới đi lui trong nhà mình, hoặc đang lom khom nơi bàn viết gỡ cái laptop, rồi thét lên thì hậu quả sẽ thế nào?
Những ngày qua nhiều lần tôi muốn khóc. Có những đêm đang ngủ tôi bừng thức, lo sợ cánh cửa chưa đủ chắc, ổ khoá mỏng manh quá, hàng rào quanh nhà thấp quá, cửa sổ mở ra trong đêm bất cẩn quá… Tin tức về những vụ thảm sát và trộm cướp ngập tràn báo chí, đẩy lên tột độ cảm giác về sự bất an vốn chưa bao giờ tụt về mức trung bình trong cuộc sống của người Việt hiện tại. Chúng ta là những kẻ bị trừng phạt chăng?
Tại sao ở các nước khác người dân có thể sống bình yên trong ngôi nhà gỗ với những cánh cửa kính không chấn song mở ra không gian thênh thang không hàng rào, em bé sáu tuổi có thể một mình tung tăng đi bộ hay đón buýt đến trường, phụ nữ có thể thoải mái đeo nữ trang ra phố, một người có thể dừng lại nửa đêm trên đường để giúp người khác mà không sợ bị gài bẫy? Còn ngay trên xứ mình, với đồng bào mình, tại sao từ rất lâu rồi thấy ai xin đi nhờ xe dọc đường thì mình làm lơ chạy thẳng? Tại sao bây giờ không thể có chuyện mở cửa cho người lỡ độ đường xin ngủ nhờ? Tại sao không chỉ biến không gian sống thành những cái pháo đài san sát nhau mà tận đáy lòng chúng ta cũng run rẩy thế này? Tại sao chúng ta phải share những bài viết dặn nhau giữ gậy gộc trong tầm tay để chống với dao nhọn của kẻ cướp mà không chỉ đơn giản dạy con gọi số điện thoại khẩn cấp? Tại sao rất muốn coi đó là một vụ án tuy kinh khủng nhưng xã hội nào cũng có, thời nào cũng từng xảy ra để tự trấn an mình, mà không thể an lòng? Tại sao và từ bao giờ câu thần chú chúng ta tự nhắc đi nhắc lại với chính mình và dạy con cháu là “đừng tin ai cả”?
Không còn tin ai cả. Không dám tin vào điều gì cả. Tin vào pháp luật – cái xương sống của xã hội ư? Trong không ít trường hợp, “bộ đầu” dường như mắc chứng cận thị. Tin vào tâm linh, quy luật ở hiền gặp lành, ác giả ác báo ư? Bị cười vào mặt: “Đồ điên, thời này là thời mạnh được yếu thua. Không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều”. Những cái barie hiện thực và tâm lý ngăn người ta lại trước điều ác ngày càng cong oằn trước hiện thực nghiệt ngã.
Rồi trong hoang mang, chúng ta cố bấu víu những đấng bảo trợ vô hình: cúng bái, tế sao, kiêng cữ, lễ thờ… hối hả như một cuộc chạy đua hối lộ thánh thần. Trưa hôm nay, tôi nghe một câu cảm thán: “Bây giờ chỉ còn dám tin vào vận mạng, ông trời cho được đến lúc nào biết lúc ấy mà thôi”.
Những pháo đài tua tủa chông nhọn bên ngoài, mà run rẩy tận nền móng bên trong!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét