|
Trên 90% nguồn nước của vùng ĐBSCL nhận được từ sông Mêkông. Dưới những tác động của các đập thủy điện và nhu cầu dùng nước ngày càng lớn ở các quốc gia thượng nguồn, vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. |
(TBKTSG) - Các chính sách can thiệp còn chưa đồng bộ, mới chỉ hướng đến tác động của biến đổi khí hậu mà chưa đánh giá đúng mức tác động của các hoạt động can thiệp của con người trên dòng Mêkông, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Sông Mêkông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, với chiều dài gần 5.000 ki lô mét và một lưu vực rộng lớn khoảng 795.000 ki lô mét vuông. Lưu lượng nước của sông Mêkông khá lớn, đứng thứ 10 trên thế giới, hàng năm đạt trung bình khoảng 475 triệu mét khối. Tài nguyên nước sông Mêkông đã và đang giúp phát triển sinh kế cho nhiều cộng đồng trong lưu vực.
Việc gia tăng sử dụng nguồn nước để sản xuất nông nghiệp và xây dựng các đập thủy điện phía thượng nguồn trong thời qua đã làm suy giảm nguồn nước và biến động dòng chảy, đồng thời với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đây là tác động kép gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Một số giải pháp đã được đưa ra, tuy nhiên chưa đồng bộ và mới hướng theo tác động do biến đổi khí hậu mà chưa đánh giá đầy đủ những tác động ảnh hưởng từ các hoạt động phía thượng nguồn.
Những tác nhân
Tài nguyên nước sông Mêkông đã và đang có những thay đổi về lưu lượng cũng như động thái của dòng chảy theo mùa. Sự thay đổi này do từ các yếu tố tự nhiên và do tác động từ hoạt động của con người trong lưu vực.
Mở rộng diện tích nông nghiệp.
Diện tích sản xuất nông nghiệp đã và đang được mở rộng ở các quốc gia trong lưu vực sông Mêkông như Myanmar, Lào, Campuchia, do đó nhu cầu sử dụng nước ở phía thượng nguồn ngày càng nhiều. Vì vậy, lượng nước từ thượng nguồn sông Mêkông chuyển về hạ lưu càng lúc càng giảm đi và chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.
Trên 90% nguồn nước của vùng ĐBSCL nhận được từ sông Mêkông. Dưới những tác động của các đập thủy điện và nhu cầu dùng nước ngày càng lớn ở các quốc gia thượng nguồn, vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. |
Các đập thủy điện.
Phía thượng nguồn sông Mêkông thuộc tiểu lưu vực phía Trung Quốc với tám đập thủy điện, tiểu lưu vực của Thái Lan, Lào và Campuchia với 17 đập thủy điện đang được quy hoạch và hai thủy điện đang trong quá trình xây dựng là Xayabury và Don Sahong (Lào).
Quá trình xây dựng và vận hành các đập thủy diện đã gây ra thiếu hụt nguồn nước và làm thay đổi dòng chảy của sông, gây ra những khó khăn về sản xuất và thời vụ canh tác nông nghiệp ở vùng ĐBSCL.
Thiếu hụt phù sa.
Nguồn phù sa đóng góp vào quá trình bồi đắp vùng đồng bằng và vùng duyên hải của ĐBSCL. Đây là nguồn chất dinh dưỡng thiên nhiên cho sinh vật và tạo sự phì nhiêu cho đất nông nghiệp vùng hạ lưu. Tuy nhiên, những đập thủy điện trên sông Mêkông đã ngăn chặn và làm giảm lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về phía hạ lưu. Sự thiếu hụt lượng phù sa làm mất cân bằng sông tạo ra hiện tượng sông đói (hungry river) và gây ra xói lở ven bờ để bù đắp lượng phù sa thiếu hụt. Những hiện tượng sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu trong những năm qua đã gây tác hại đến đời sống cư dân ven sông.
Giảm lượng phù sa sông cũng sẽ làm cho đất ngày càng kém màu mỡ, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đất. Để có thể giữ ổn định năng suất lúa thì phải gia tăng lượng phân bón hàng năm khiến cho thu nhập của nông dân bị giảm.
Xói lở đất.
Khai thác cát trên sông là một trong những vấn đề đã được các nhà khoa học cảnh báo vì làm giảm lượng phù sa, ảnh hưởng đến sự vận chuyển chất dinh dưỡng, tính ổn định của ĐBSCL và làm thay đổi dòng chảy tự nhiên dẫn đến gia tăng phạm vi xói lở bờ sông và khu vực ven biển.
Hạn hán và xâm nhập mặn.
Đã có sự thay đổi khá rõ rệt về khí hậu trong vùng ĐBSCL. Nhiệt độ tăng cao cùng với mùa khô kéo dài, thiếu hụt nguồn nước đổ từ sông Mêkông đã gây ra tình trạng hạn hán khá khắc nghiệt và mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trong những năm qua.
Suy giảm nguồn thủy sản.
Ngoài ngành nuôi thủy sản nước ngọt, tài nguyên thủy sản tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định sinh kế cho cộng đồng vùng ĐBSCL. Các đập thủy điện sẽ ngăn chặn và làm giảm nguồn cá di chuyển từ thượng nguồn xuống hạ lưu và việc thiếu nước ngọt sẽ ảnh hưởng ngành nuôi và chế biến thủy sản vùng ĐBSCL.
Những tác động đến các hệ sinh thái. Sự thiếu hụt nguồn nước, phù sa từ dòng chính sông Mêkông và xâm nhập mặn sẽ gây nên tình trạng suy thoái đất, và đưa đến sự thay đổi và suy giảm các hệ sinh thái nông nghiệp, đa dạng sinh học ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Tóm lại, với những tác động nêu trên, một viễn cảnh không sáng sủa có thể sẽ xảy ra nếu không có các giải pháp kỹ thuật và những chính sách hợp lý cho vùng ĐBSCL.
Tài nguyên đất sẽ bị suy giảm nghiêm trọng từ những tác động thiếu nguồn nước, phù sa và xâm nhập mặn. Các hệ sinh thái nông nghiệp sẽ bị thay đổi và suy giảm cùng với sự suy giảm đa dạng sinh học, và việc sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nghề thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất của vùng đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu hụt cũng như ô nhiễm nguồn nước. Sẽ phải tăng vốn đầu tư để duy trì năng suất, nhưng hiệu quả kinh tế sẽ là vấn đề cần xem lại, và sẽ là bài toán khó cho người dân nghèo ở vùng ĐBSCL.
Yêu cầu khẩn thiết về chính sách
Những vấn đề nêu trên đã được các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đề cập khá nhiều, Chính phủ đã có những chương trình và các ngành liên quan đã đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện điều kiện sản xuất của vùng ĐBSCL.
Các kịch bản về mực nước biển dâng đã được mô hình hóa và chỉ mang tính trình bày diễn thế trong tương lai. Một số giải pháp cho vùng ĐBSCL đưa ra chỉ mang tính cục bộ cho từng ngành mà chưa mang tính tổng hợp để giải quyết vấn đề chung về phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng đồng bằng dưới tác động kép: thiếu hụt nước từ sông Mêkông và xâm nhập mặn, mực nước biển dâng.
Sự cần thiết của việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã được đề cập, nhưng mô hình sản xuất phù hợp trong điều kiện khó khăn về nguồn nước vẫn chưa cụ thể và điều quan trọng là các chính sách cũng như chuỗi giá trị của nông sản, đặc biệt là nông sản từ chuyển đổi cơ cấu sản xuất vẫn chưa được đề cập.
Trên 90% nguồn nước của vùng ĐBSCL nhận được từ sông Mêkông. Dưới những tác động của các đập thủy điện và nhu cầu dùng nước ngày càng lớn ở các quốc gia thượng nguồn, vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nằm cuối nguồn sông Mêkông. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nước và những tác động có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL mới chỉ đặt thành vấn đề mà chưa có kế hoạch hành động cụ thể với những chính sách hỗ trợ cho các địa phương trong việc ứng phó với những tác động khắc nghiệt trong tương lai.
Tăng trưởng kinh tế bền vững phải song song với việc duy trì các hệ sinh thái khỏe mạnh và nguồn nước. Do đó cần phải có ngay những can thiệp hiệu quả để tránh những suy thoái môi trường vĩnh viễn, trong đó, sự can thiệp bằng chính sách phải được xem là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các chính sách phù hợp cho sản xuất nông nghiệp và các ngành có liên quan trong tình hình hiện nay và viễn cảnh tương lai cho vùng ĐBSCL vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và đề xuất thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét