3 thg 1, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn Kỳ 1/1/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

*

Họ Hồng Bàng

 

Chữ “hồng” ghép bởi hai “giang” là “sông nước” và “điểu” là chim. “Bàng” là “lớn”. Hồng bàng là loại chim nước lớn.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Họ Mạc

 

Họ Cơ, vào đời Chu (1134 tr.Cn -221 tr.Cn) Trung Hoa. Cuối đời Chu, họ này bị ly tán, đến đời Tần (221 tr.Cn – 205 tr.Cn), Hán (206 tr.Cn – 220 tr.Cn) có người đến Cự Lộc, làm quan Chấp kích ở đất Mạc, nên lấy tên đất làm họ là Mạc.

Một vài cách nói độc đáo của người miền Nam - 1

 

Thế nhưng, trải theo thời gian "hậu sinh khả úy" đã sử dụng những cụm từ mới, nói như ngôn ngữ @ là "bá cháy con bọ chét"/ "hết xẩy con bà bảy". Cực hóm. Cực kỳ lắt léo. Chỉ có thể là độc đáo của người Việt sử dụng tiếng Việt. Thí dụ, một khi nói đến trang phục hội hè, tiệc tùng, cần phải diện bảnh tỏn, đứng đắn, trang nghiêm và thanh lịch ắt phải chọn bộ đồ vía com lê - cà ra vách/ cà ra oách (complet - cravate).

 

Vậy mà tùy ngữ cảnh, nó lại trở thành cách nói chỉ đùa cho vui, chẳng hạn, anh A cười cười: "Chà, o mèo hay sao mà bữa nay bồ lại diện cà lê mỏ lết?".

Nhại âm ở đây rõ như ban ngày là com lê thành cà lê do cả hai cùng có "lê". Mà, đã cà lê thì dứt khoát phải đi chung với mỏ lết (2 từ này vay mượn từ tiếng Pháp clé/ clef - molette) - vốn là dụng cụ không thể thiếu của thợ máy.

Quán là gì?

Quán là một dạng đền gắn liền với đạo giáo. Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt thực chất giống như đền thờ thần thánh.



 

Đền Quán Thánh    

Có thể kể tới “Thăng Long Tứ quán” bao gồm: Chân Vũ quán (tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh); Huyền Thiên cổ quán (nay là chùa Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai); Đồng Thiên quán (nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành).

Bích Câu đạo quán
 

 

 

 

 

 

 

Một vài cách nói độc đáo của người miền Nam - 2

                                                                                                          Lại nữa, ta thường nghe nói la hoảng/ la làng/ la hét nhằm ngụ ý cất tiếng kêu to, hoảng hốt, hoảng sợ khi bất ngờ gặp điều/ chuyện gì đó. Cách nói này, trong Nam lại có "la tiều la quảng/ la quảng la tiều", xin nói ngay, "quảng" ở đây chính là "hoảng".

Hát cung văn

 1. Nguồn gốc ra đời

Hát cung văn, hát chầu văn, hát văn, mỗi tên gọi chỉ sự phát triển ngôn ngữ dân gian đi với hình thúc trình diễn, lệ thức hát cung văn. Hát cung văn xuất phát, ra đời từ sự sáng tạo những bài cúng của  thày cúng. Họ là những ông cung văn, hành nghề đầu tiên đi cúng trong dân gian.

 (Tuấn Giang)

 Chơi chữ

Chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt sao cho hai lựơng ngữ nghĩa khác hẳn nhau đựơc biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa.

Tạo nhiều trùng âm: Cái khó là trong câu ca dao làm sao lập đi lập lại cho trùng âm mà nghe vẫn hay: 
Anh hùng đến đó thì
Không
rồi lại trách vô tình . 

chi, đỗ, vừng  
Như đây với đó, xin đừng…
vò nhau . 

Con đường Dương Nghiễm Mậu

 

Khoảng cuối thập niên 50 và bắc cầu sang đầu thập niên 60 – cây cầu đến nay còn soi bóng tuyệt đẹp trên dòng sông đất nước – những tấm lòng đồng chí với những phá vỡ và những làm mới của văn học và cho văn học, đã được liên tiếp chứng kiến trong cùng một thời điểm, hai cuộc lên đường đi về những chân trời phía trước của một thế hệ những người cầm bút ở miền Nam.

 

Lên đường thứ nhất khởi sự từ Lên Đường Lớn: từ hiệp định chia đôi đất nước, từ Bến Hải và  tuyến 17, theo những bước chân trùng trùng của di cư một triệu. Đội ngũ tiền phong của nó là Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn và Nguyên Sa, những người trước vào từ miền Bắc, bài thơ thứ nhất viết dưới những mái lều vải tạm trú của sinh viên, hai người sau "viễn phương" hơn, lên khỏi những hầm rượu tả mạn sông Seine, mới từ Pháp về. Những vì sao đầu này của một vòm trời văn chương vừa dựng thoạt đầu là những lấp lánh lẻ tẻ. Trên tờ Đời Mới của Nguyễn Đức Quỳnh, Trần Văn Ân, từ Lửa Việt, Người Việt của sinh viên Hà Nội di cư. Rồi sau đến với nhau thành một họp mặt chung trên tờ Sáng Tạo.

 

Lên đường thứ hai, đã thấp thoáng trong dấu chân lên đường thứ nhất, nên có thể coi như một đồng hành, làm một gờm thành đầy khí thế của những người viết trẻ, tất cả đều ở tuổi hai mươi, và diễn đàn chính của họ là tờ Văn Nghệ, chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, anh ruột nhà thơ Quách Thoại. Họ là Viên Linh, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Du Tử Lê, Đỗ Quý Toàn, Trần Đức Uyển, là Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Nghiệp Nhượng. Và một người viết mới, tuy cùng một lên đường với bằng hữu nhưng độc lập, tách biệt, như đi một mình trên con đường riêng. Đó là Dương Nghiễm Mậu. *


(Mai Thảo)

Tiểu sử  


*
Dương Nghiễm Mậu tên thật: Phí Ích Nghiễm.  Sinh ngày: 19-11-1936 tại huyện Đan Phượng, Hà Đông. Mất ngày 2-8-2016 tại Sài Gòn.

Tác phẩm

Đêm tóc rối (1965), Cũng đành, Gia tài người mẹ, Tuổi nước độc, Đôi mắt trên trời, Ngày lạ mặt (1968), Địa ngục có thật (1969), Quê người (1970), Cái chết của...(1971), Kinh Kha, con chuỷ thủ và đất Tần bất trắc

Cầu Hiền Lương chia cắt đôi bờ Bến Hải

 

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nước ta có một sông Gianh làm ranh giới phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786).

Sông Bến Hải, còn gọi Rào Thanh, bắt nguồn từ vùng núi Động Chân, chảy theo vĩ truyến 17, thuộc dãy Trường Sơn,từ tây nam sang đông bắc, rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng thuộc quận Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Từ đầu nguồn sông Bến Hải chảy được 80km thì gặp sông Sa Lung từ phía tây bắc đổ vào, hai sông hợp lưu chảy tiếp ra biển, qua làng Minh Lương ở bờ bắc nên có tên là sông Minh Lương. Do phải kiêng húy tên vua Minh Mạng, nên cả tên làng và tên sông đều đổi thành Hiền Lương, cây cầu gần ngã ba sông cũng mang tên là Hiền Lương.

Địa danh Bến Hải nguyên là Bến Hói có nghĩa dòng sông nhỏ đọc trạnh ra.

(Võ Quang Yến)

Người vợ của Bùi Giáng - 1

Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ.

Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.

Tháng 7.2012, tôi trở lại thăm quê nhà ông - làng Thanh Châu (Quảng Nam). Ghé thăm nhà thờ tộc Bùi, được người phụ nữ chăm lo hương khói nơi đây cho xem gia phả của tộc. Qua câu chuyện: Nhà thơ Bùi Giáng đã có vợ. Hình tượng của bà và tình thương yêu, tiếc nuối ông dành cho bà là nội dung trong 4 tập thơ của ông: Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột và Màu hoa trên ngàn).

Bà nhớ lại Bùi Giáng được cha mẹ cưới vợ cho năm 1945, khi ông vừa 19 tuổi. Hôn nhân ngày trước thường do cha mẹ đôi bên sắp đặt. Có lẽ, cuộc hôn nhân của Bùi Giáng cũng không đi ra ngoài quy ước đó. Người phụ nữ giữ nhà thờ tộc Bùi xác nhận: “Chị Bùi Giáng về làm dâu nhà ông bà bác tôi (cha mẹ ông Bùi Giáng) năm 18 tuổi. Chị là người Duy Xuyên, đẹp lắm, tóc dài da trắng cái chi cũng đẹp. Tên thật của chị là Vạn Ninh”.

(Vũ Đức Sao Biển)

Đừng tưởng

Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau

(Bùi Giáng)

Người vợ của Bùi Giáng - 2

Ông Bùi Luân - em ruột Bùi Giáng - tỏ lòng quý mến của mình với người chị dâu: “Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: Chị không ở lâu trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai mươi tuổi…”.

 Vợ chồng Bùi Giáng được cha mẹ cho một khu vườn đẹp ở làng Trung Phước để lập nghiệp. Trung Phước là thung lũng trù phú ven sông Thu. Có lẽ cuộc hôn nhân trẻ trung này giữa miền đất Trung Phước không được êm ấm cho lắm. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số.

Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ:  Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò. Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh mình gieo xuống giữa dòng sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước hết chỗ mấy chục cây số đó, tới tận bến nhà”.

(Vũ Đức Sao Biển)

Nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo

Vũ Đức Sao Biển 

Tác phẩm :

Thao thức nhìn trăng

Thu hát cho người

Vũ Huyến - 1


Tôi đang ở Việt Nam thì nghe tin Vũ Huyến lâm trọng bệnh. Trước đó không lâu, tôi có đưa anh vào nhà thươngnhưng bác sĩ chịu thua, không tìm ra bệnh.

Hồi còn ở Việt Nam tôi với anh rất thân từ những năm cuối thập niên 60. Sang Mỹ, có một thời tôi ở nhà anh, một thời anh ở nhà tôi. Độ sáu bẩy năm sau này, chúng tôi không liên lạc thường xuyên như xưa vì một người một hoàn cảnh, một đời sống riêng.

Những giòng chữ này tôi viết như những lời kể chuyện, về anh và tôi. Vì trong một phần cuộc đời của tôi có anh, và trong một phần đời của anh có tôi. Năm 1967, tôi vào làm ở đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do số 7 đường Hồng Thập Tự, góc Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở đây tôi gặp một số người sau này đóng vai trò lớn trong cuộc đời văn nghệ của tôi. Một trong những người đó là Vũ Huyến.

 Những người trạc tuổi tôi chắc còn nhớ hình ảnh của một Vũ Huyến đẹp trai, mũi cao, da trắng, mái tóc bồng, nụ cười thật tươichiếc áo hoa cụt tay nhiều mầu, đứng trên sân khấu, cầm ghi ta, vừa đàn vừa hát song ca với Anh Ngọc trên các sân khấu đại nhạc hội và thỉnh thoảng sau này trên đài truyền hình.

 (Lê Tuấn)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày mai chẳng biết ra sao nữa
Mà có ra sao cũng chẳng sao

 Vũ Huyến - 2

 Vũ Huyến với cha là Kịch Sĩ Vũ Huân

Ban Gió Nam là ban kịch “Bắc” duy nhất tại miền Nam vào những năm 50 và 60. Các diễn viên nòng cốt của ban kịch Gió Nam là Vũ Huyến, Linh Sơn, Kiều Hạnh, Cẩm Thúy, Lữ Liên, Thúy Liễu, Hoàng Năm, Anh Tuấn (Tuấn Ria).

Tôi đóng chung với anh trong vở “Tội Ác và Hình Phạt”, Trương Đình Cử phóng tác từ chuyện Crime and Punishment của Dostoievsky, Hoàng Năm đạo diễn. Vũ Huyến đóng vai chính, vai chàng thanh niên giết bà già chủ tiệm cầm đồ; tôi đóng vai người bạn thân. Các diễn viên khác có Bích Thủy, Bích Sơn (kiều nữ), Linh Sơn, Kiều Hạnh, Vũ Đức Duy, Anh Tuấn, Phạm Đình Sĩ (ông Kiều Hạnh), tóm lại là hầu hết nhửng kịch sĩ Bắc đang sống tại miền Nam. Vở kịch này là vở kịch lớn nhất của đài truyền hình thuở sơ khai, mới chỉ là một studio rất nhỏ nằm trong Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh đường Thi Sách.

Sau vở kịch đó thì anh không còn đi hát và đóng kịch trên sân khấu hay truyền hình nữa mà chỉ hát và làm kịch trên đài phát thanh. Sau khi kịch sĩ Vũ Huân mất, anh không muốn tiếp tục, và Gió Nam tan rã. Tuy nhiên anh và tôi cùng làm một phòng ở đài phát thanh trong đó có những nghệ sĩ làm việc chung với chúng tôi như Hoàng Thư, Hoài Trung, Tuyết Hằng, Tuyết Anh, Thương Hà, Kiều Hạnh, Bích Thủy, Linh Sơn, Thanh Thoại, Hoàng Năm, Vũ Đức Duy, và mấy năm trước 75 có cả Thái Thanh.

(Lê Tuấn)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thà nhịn…đói chứ không nhịn…nói.

Vũ Đức Sao Biển - 1

Tốt nghiệp cử nhân Triết học Đông phương (Đại học Văn khoa) và Việt - Hán (Đại học Sư phạm Sài Gòn), ông chọn về dạy ở Bạc Liêu. Trong tạp bút Mẹ phương Nam, ông nhớ lại: “1970, tôi đến cái thị xã Bạc Liêu nhỏ bé khi những chiếc xe đang ngủ sầu trên bến, những con đò bỗng nhớ một dòng sông và cơn mưa chưa khô nước trên mặt đường. Bữa cơm đầu tiên diễn ra trong tiệm ăn Sừng Ký ngoài chợ. Không người thân thích, tôi đi tìm một chỗ trọ. Lúc này thì “gia tài” của tôi: Một chiếc vali hai chứng chỉ tốt nghiệp đại học, hai cây đàn. Tôi xách hành trang đi qua cây cầu gỗ hẹp và cũ. Trời lại mưa. Tôi đứng nép vào mái hiên của một ngôi nhà cổ khá lớn với hy vọng mong manh chờ cơn mưa tạnh, có thể kiếm ra một chỗ nào đó treo bảng cho ở trọ.

 

Bỗng nhiên, cánh cửa lớn của căn nhà mở ra. Một bà cụ mặc bộ đồ bà ba, dáng cao cao, khuôn mặt phúc hậu hiện ra: “Con vào trong nhà nấp mưa đi”. Tôi dạ một tiếng và bước qua ngạch cửa. “Mầy đi đâu mà mưa vầy còn đi” - bà bác hỏi. “Thưa bác, con kiếm chỗ trọ để ngày mai vào trường nhận nhiệm sở”. “Trường nào đó con?”. “Thưa bác, Trường Trung học công lập Bạc Liêu”. “Chèng ơi, tội nghiệp dữ hông? Mầy mới bây lớn đây mà đã được đưa về trường đó. Quê mầy ở đâu?”. - “Thưa bác, quê con ở Quảng Nam”. - “Vậy nữa. Thôi con vào trong này, coi nhà bác ở được không thì bác cho một phòng, hổng tiền bạc gì hết”.

Tôi xa mẹ bốn năm, nghe tiếng nói dịu dàng từ một bà mẹ phương Nam đôn hậu, rộng lòng, mới hỏi mấy câu đã xem tôi là con, cảm động muốn ứa nước mắt. Tên bác là bác Châu Hà”.

(Mai Quỳnh Nga)

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Trai mà nói giọng đàn bà
Tánh tình nhu nhược, còn là long đong

Vũ Đức Sao Biển - 2


 Biết thầy giáo đàn giỏi hát hay nên các em học sinh những lúc rỗi rãi lại đến nhà bác Châu Hà giặt đồ, dọn dẹp giúp thầy để nghe thầy hát. Hễ địa phương có chương trình văn nghệ nào là các em lại rủ thầy đi. Cũng bởi nhờ những lần như thế mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có dịp gặp gỡ
nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của Dạ cổ hoài lang. Để từ đó, ông mê mải “xề u xế u liu phạn”, bỏ công nghiên cứu bản nhạc bất hủ này và cho ra đời các nhạc phẩm chịu ảnh hưởng của Dạ cổ hoài lang. Nghĩa nặng tình thâm với Bạc Liêu là thế nên người ta cứ ngỡ Vũ Đức Sao Biển là dân Nam Bộ chính gốc khi nghe các bài ca về Bạc Liêu nói riêng và miền Nam nói chung của ông như: Điệu buồn Phương Nam, Đau xót Lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu, Tiếng cuốc đêm trăng...

 

(Mai Quỳnh Nga)

 Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Sự nghiệp phải có chỗ đứng,

Trên giường phải… cứng chỗ đó.

 Sơn Vương : Truyện trinh thám

 Với tác giả trinh thám khác như Sơn Vương (1907-1987), nhà văn, tướng cướp, người tù khổ sai, người có ý định làm chúa đảo, có khoảng 29 tác phẩm, được viết trong khoảng 1929-1931 khi tự do, nay đã được sưu tập gần đầy đủ. Một số tiểu thuyết trinh thám, kỳ tình của Sơn Vương nay được nhắc đến như Bát cơm chan máu (1929), Phản bạn vì tình (1930), Tướng cướp hào hoa (1931)...

Ngòai ra còn Nguyễn Thế Phương, bút hiệu Nam Đình, là nhà báo, nhà tiểu thuyết trường thiên liên hoàn với khoảng 25 tác phẩm, nay đã được sưu tập gần một nửa. Xét về cấu trúc và độ dài, Nam Đình là một “kiện tướng”, ví dụ Bó hoa lài (1932), Giọt lệ má hồng (1934)... Nam Đình luôn pha trộn giữa chất trinh thám và ái tình, văn phong mộc mạc, nhưng tình tiết khá hấp dẫn, bạn đọc vẫn còn nhớ Vô oan trái, Chén thuốc độc...

 

Từ văn học trinh thám nhìn rộng hơn, ngày nay, qua các sưu tập sơ bộ về văn học trinh thám đầu thế kỉ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã xem đây là mảnh đất triển vọng để phát triển nghề, và đã biết nơi đây sẽ giúp làm cho văn học sử trinh thám hiện đại Việt Nam hoàn chỉnh hơn.

(Lý Đợi)

Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

 Đàn ông có tiền dễ hư,

Đàn bà hư dễ có tiền.

 210 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 Trong kháng chiến chống Pháp, chuyến Nam Cao từ Hà Nam lên Việt Bắc, đã gặp vợ chồng Vũ Bằng đương tản cư ở vùng trung du Quế Quyển trên đường vào Chi Nê.

Nam Cao đã kể lại cho tôi nghe chuyện cuộc gặp gỡ này. Rồi truyện Đôi mắt Nam Cao viết đúng như câu chuyện gặp Vũ Bằng, chỉ có nhân vật chính được đặt tên là Hoàng. Mùa đông năm 1948, báo Cứu Quốc Việt Bắc chúng tôi đóng trên đỉnh Ích Cáy núi Phía Biếc, bên kia Đèo Giàng, xe nhà binh Pháp lên Cao Bằng quét đèn ven sườn núi suốt đêm. Nam Cao viết truyện ngắn ấy ở xóm người Dao bên Vàng Kheo, thoạt đầu đặt tên truyện là Tiên sư thằng Tào Tháo, nhưng rồi nghĩ lại - Nam Cao hay nghĩ lại. Khi nghĩ lại thì nhụt dần. Mặc dầu nhân vật Hoàng thốt lên câu chửi vì thích Tào Tháo quá, thích đến phải thốt lên câu chửi mới sướng. Trong câu chuyện thật, chị ấy đọc Tam Quốc cho cả nhà nghe khi trời tối cơm nước xong, vừa lên đèn. Chốc chốc, Hoàng lại gửi gắm ý tứ đẹp vào nhân vật Tào Tháo là câu chửi yêu. Nhưng rồi Nam Cao ngại, rồi đổi ra cái tên hiền lành là Đôi mắt.

Đọc hồi ký của Vũ Bằng viết, biết được Vũ Bằng ở Sài Gòn có nghe người ta kể truyện ngắn ấy của Nam Cao viết về anh và rồi Đôi mắt cũng đến tay anh. Vũ Bằng đã viết rằng anh bằng lòng Nam Cao đã miêu tả anh như nhân vật Hoàng, con người mơ màng bước vào trường kỳ kháng chiến, cái anh chàng nửa chán đời nửa yêu đời, nửa thông minh nửa dở hơi, vừa đi kháng chiến vừa sợ kháng chiến, cứ khật khưỡng trong nước sôi lửa bỏng như thế. Con người ấy bộc lộ tình cảm thước đo cuộc sống cũng đánh giá mình như vậy. Ở với kháng chiến thì ngao ngán, xa đi thì thương nhớ, càng xa càng thương nhớ. Thương nhớ mười hai là một nét anh hoa của tấm lòng với cuộc đời.

(Vũ Bằng… trích trong “Chân dung văn học” của Tô Hoài)

 Bên lề chữ nghĩa

 Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

 Ăn bún đậu mắm tôm
  (Nguồn: Tôi đi đâu)

 Giai thoại làng văn xóm chữ

Năm 1932, báo An Nam tạp chí bị đình bản lần thứ ba, ông Tản Đà mới tính sự đem báo vào Vinh. Vì thế ông năng phải đi Vinh luôn. Đã có một lần, sáng ông ở Hà Nội vào Vinh, và đêm lại đi luôn xe lửa ra Hà Nội. Chuyến ấy tôi cùng đi với ông ở Vinh về.

Hành lý của ông là một cái chai, một cái cốc, dăm quả nem và

một cái khăn mặt ướt, đựng trong cái rỏ tròn, bằng tre đan, có quai xách. Thường lúc buồn ông vẫn uống rượu trên tầu.

Xe chạy được vài ga, ông trùm vạt áo lên mặt để ngủ cho đỡ gió. Tôi hết chỗ nằm, phải ngồi cạnh ông để ngủ gật.

Đến một ga, một ông soát vé lên đánh thức hành khách rầm rĩ để làm bổn phận. Ông ta gắt người nọ, cự người kia. Đương đêm, ai phải dậy không khó chịu, và ai có thể nhanh nhẩu lấy được vé ra cho ông ta khám ngay.

 

Nhưng lạ một nỗi là ông ta không đánh thức ông Tản Đà, mà chỉ ngó nhìn vào cái rỏ, có lòi cái cổ chai ra mà thôi, rồi yên trí, hỏi vé tôi là người bên cạnh.

Thấy sự kỳ quặc, tôi hỏi, thì ông ta trả lời:

- Thôi, để ông ấy ngủ, ông ấy say đấy mà. 
- Ông nào mà ông biết đích thế? 
- Ông Nguyễn Khắc Hiếu chứ ai! Lần nào đi tầu không thế.

 (Tao Đàn, số đặc biệt – Nguyễn Công Hoan)

Thăng Long - Hà Nội xưa

 

Văn Miếu được xây lên trong địa hạt của xã Minh Giám (sau đổi thành Thánh Giám) huyện Thọ Xương. Cũng vì tên của xã này cho nên còn được gọi là đền “Giám” (theo Toan Ánh). Tại đây thờ đức Khổng Tử là chính; ngoài ra còn có những vị môn đệ xuất sắc của Ngài. Phải kể đến: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử (được liệt vào hàng Tứ Phối).

 

Năm Bính Thìn (1075) lập Quốc Tử Giám và chọn quan viên văn chức, người nào viết chữ thì cho vào đấy học tập.

Kể từ đó trở đi cho đến đời nhà Nguyễn (1808) lại lập thêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại kinh thành Huế. Như vậy, Quốc Tử Giám Thăng Long, trung tâm Nho học cấp cao cũng đã trải qua gần 1,000 năm. Trải qua nhiều thời gian thăng trầm cho đến nay, với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng nhiệt đới, vật liệu kiến trúc không chịu được với thời gian, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long đã bao phen hưng phế, đổ nát, lại qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, khu trường Quốc Tử Giám chỉ còn là nền đất bằng.

 (Văn Miếu và Quốc Tử Giám – Kiêm Thêm)

 Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Phương pháp viết sử trong sử học”

 - Tiên sinh đã làm việc thế nào? Đã gặp những sự khó khăn gì?

- Viết một bộ sử có ba công việctìm tài liệu, phê bình và chọn tài liệu, viết thành bộ sử. Công việc nào cũng khó khăn cả. Về việc tìm tài liệu, sách vở ta thiếu nhiều, những quyển có giá trị, quyển thì mất đi, quyển thì bị đốt... Những di tích lịch sử như thành quách đền chùa cũng vậy, cái còn, cái mất, thậm chí đến phủ chúa Trịnh, tính mới có hơn một trăm năm mà ngày nay không còn tí gì nữa; thành ra khó quá. Tôi (Trần Trọng Kim) đành chỉ tìm trong những bộ sách bằng Hán văn hoặc Pháp văn có trong trường Bác cổ Hà Nội. Về việc phê bình và chọn tài liệu lại càng khó hơn nữa. Đã nói phê phán, so sánh để rõ thực hư và để chọn thì nếu không có thừa, ít nhất cũng phải đủ tài liệu để phê phán và so sánh. Đằng này mình thiếu nhiều.

 Một lẽ nữa, như đã nói trước, những nhà chép sử của ta là người nhà vua, vì vậy nhiều sự thực bị nhà làm sử cố ý làm sai lạc để đem về cho triều đình nhiều sự vẻ vang hơn. Người ta đã cố ý, mình làm thế nào để tìm ra manh mối của sự thực. Tuy vậy, trong số những tài liệu tìm được, tôi cũng phải lựa chọn cẩn thận, bỏ những sự huyền hoặc, không thể có.

 Khi viết, tôi cố viết cho rõ ràng, cắt nghĩa từng việc một để ai xem cũng có thể hiểu. Tôi lại có ý nói nhiều về những việc trong nước, những vấn đề thuộc về chính trị, xã hội, văn hóa để bộ sử khỏi có cái tính cách một bộ sách ghi chép riêng chuyện nhà vua. Thỉnh thoảng tôi có đem ý riêng ra mà bàn, mục đích giúp sự suy xét cho duyệt giả, hoặc đem sự công bằng về cho một việc nhầm lẫn từ xưa.

Như nói về nhà Tây Sơn, tôi cần bàn về cái danh hiệu, phải bỏ hết những tình riêng, lấy công lý mà xét đoán, đem về cho nhà Tây Sơn cái chính danh kẻo phạm vào cái lỗi bất công đối với mấy vị anh hùng nước mình, mấy vị anh hùng đã có phen đã đánh đuổi được quân Tàu để bảo toàn lấy bờ cõi.

(Lê Thanh phỏng vấn Trần Trọng Kim - 1942)

 Chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ

Hai ông Gaspore de Amiral và Alexander de Phodes làm thành từ điển Việt - Bồ - La để lại bản thảo trong văn phòng tại Ma Cao.

Ông Alexander de Phodes mang từ điển này về cho in vào năm 1651 tại Rome. Trong bài tựa của từ điển Alexandre de Rhodes nói rõ việc này. Nhưng tên tự điển ông ghi tên ông nên người đời sau vẫn hiểu lầm là ông là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ.

 

Tóm lại chữ quốc ngữ hiện nay là do hai ông Gaspar do Auiral và ông Antonio Berbosa sáng tạo dùng ký tự Roman ghi âm tiếng Việt qua quá trình trao đổi với cư dân người Việt ở đàng ừong và đàng ngoài góp sức, sàng lọc, lựa chọn ra những âm tương đối chuẩn xác lập ra từ điển Việt - Bồ - La. Chữ viết đó qua thực tế sửa đổi, hoàn thiện dần cho đến ngày nay.

(Vũ Anh Tuấn)

 Ao nghiên ruộng chữ với người trăm năm cũ

Thể lọai “Tiểu thuyết hư cấu lịch sử”

 Bùi Viện là người đầu tiên tới Mỹ – Phan Trần Chúc

 

Cuộc đời Phan Trần Chúc, các sách nghiên cứu sử học Việt chép rất ít, chỉ biết ông sinh ở Thái Bình, sống ở Hà Nội. Ông viết cho tờ: Ngọ báo, Việt báo, Đông Tây,... và bên cạnh đó, ông còn là cây bút chuyên nghiệp, chuyên viết sách thuộc loại lịch sử ký sự, tiểu thuyết lịch sử.

Năm 1946, ông mất tại Hà Đông, hưởng dương 39 tuổi.

Các tác phẩm đã xuất bản, gồm: Triều Tây Sơn (1942), Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức (1942), Vua Hàm Nghi (Nam ký-Hà Nội, 1935), v…v…

Có lẽ ông (1907-1946) là tác giả Việt Nam đầu tiên viết về việc ông Bùi Viện đi Mỹ. Có rất nhiều bài viết sau này trích dẫn tác phẩm của ông là cuốn Bùi Viện với chính phủ Mỹ: lịch sử ngoại giao triều Tự-Đức. Cuốn này do Đại La xuất bản năm 1945 và tái bản năm 1946: “Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức” .

Trong cuốn Bùi Viện với chính phủ Mỹ: lịch sử ngoại giao triều Tự-Đức, ông cho rằng ông Bùi Viện đã hai lần sang Mỹ. Lần đầu gặp Tổng thống Abraham Lincoln. Lần thứ hai sau khi Lincoln đã chết. Lần đầu sang Mỹ gặp Tổng thống Lincoln, ông Bùi Viện thất bại vì không có quốc thư. Ở đây tác giả gọi Tổng thống Mỹ là “thống lĩnh Lincoln” và San Francisco là “Tân-kim-Sơn”.

 Hãy thử tìm hiểu giá trị lịch sử việc Bùi Viện đi Mỹ ở hai tác phẩm của Phan Trần Chúc.

Vài dữ kiện: Thứ nhất, sách của Phan Trần Chúc không ghi rõ thời điểm hai chuyến đi Mỹ của ông Bùi Viện.  Thứ hai, ông Bùi Viện sinh năm 1837, mất năm 1878. Năm 1868 đỗ cử nhân. Thứ ba, Abraham Lincoln làm tổng thống Hoa Kỳ từ 4 tháng 3, 1861 đến 15 tháng 4, 1865.

Chưa nói đến chính sử, chuyện Bùi Viện là người đầu tiên tới Mỹ của Phan Trần Chúc hoàn toàn hoang tưởng.

Năm 1962, Thái Văn Kiểm lúc đó làm cho bộ giáo dục đã viết về việc ông Bùi Viện đi Mỹ. Bài viết bằng tiếng Pháp, trên Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, Saigon. Và hiện nay, người ta có thể tìm thấy khá nhiều tác giả khác viết bằng tiếng Việt về cùng chủ đề. Tuy nội dung có thay đổi chút ít để có vẻ thuyết phục hơn như ông cử Bùi Viện gặp Tổng thống Ulysses Grant, sách của Bảo Vân hay bài viết của nhà sử học Hà Nội Dương Trung Quốc thay vì Bùi Viện gặp Tổng thống Lincoln trong bài “Người Việt Nam đầu tiên đến nước Mỹ.

(Trần Giao Thủy)

Sau khi học hỏì với ông Lý Văn Hùng, tôi ra về, nhưng ghé lại một tiệm nước Tàu ở Chợ Lớn để giải khát, loại tiệm mà họ đề bảng hiệu là “Trà Gia”. Tôi gọi một bình trà. Thế là ông chủ hiệu hô to lên cho hầu xáng bưng bình trà ra cho tôi.

Ông ta nói bằng tiếng Quảng Đông:

“Một bình trà cho kỷ xà hướng đông”.

Sao lại là ghế trà hở trời ? Không lẽ họ dám vô lễ đặt bình trà cho khách trên một chiếc ghế ? Còn cái bàn, trước mặt tôi thì để làm gì kia chớ ? Lúc anh hầu xáng bưng bình trà lại, để lên bàn, tôi hỏi anh ta:

-  Kỷ xà là gì ?

-  Là bàn dùng để bình trà. Cái bàn trước mặt thầy đó !

-  Vậy kỷ là bàn, chớ không phải là ghế ?

- Dạ, kỷ là bàn.

-  Sao người Việt Nam chúng tôi gọi cái ghế dài là trường kỷ ?

 Anh hầu xáng cười rồi đáp:

- Ai biết đâu. Chừng nào chính tôi gọi như vậy thì mới là kỳ đó, mới là đáng hỏi. Các ông khác nước, khác tiếng với chúng tôi, các ông dùng tiếng Tàu cách nào, chúng tôi đâu có biết được.

Trời đất quỷ thần ơi, hóa ra ta chưa thạo chữ Tàu sau hai ngàn năm học hỏi.

Tôi lại hỏi anh hầu xáng:

-  Còn tôi đang ngồi gần tường hướng tây, mà chủ anh lại bảo anh mang bình trà tới hướng đông là thế nào ?

 Anh hầu bàn lại cười mà rằng:

-  Hướng đông, trong ngôn ngữ của chúng tôi có nghĩa là bên tay trái, chớ không phải là phía đông.

Lại chết nữa. Hóa ra ta có hiểu gì nhiều về Hoa ngữ đâu nào.

(Bình Nguyên Lộc)

Nỗi băn khoăn của “con” và “cái” trong tiếng Việt

"Chiếc" cũng còn là loại từ dùng cho "lá", chẳng hạn "Chiếc lá thu phai", tựa một ca khúc tuyệt vời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. "…Mùa thu qua vội. Mười năm tắm gội. Giật mình ôi, chiếc lá thu phai…" Mà "lá" lại là loại từ định hình cho những vật thể mỏng, nhẹ, phất phơ: lá bài, lá thư, lá cờ, … Hoặc gợi hình chiếc lá: "lá gan", "lá phổi", "lá sách" là những bộ phận trong cơ thể con người, sẽ được bàn thêm ở phần dưới bài viết.

Nhưng, ngộ nghĩnh (hay cắc cớ) ở chỗ, một trang giấy cũng mỏng, cũng nhẹ, cũng phất phơ lại không được ban cho loại từ "lá", mà phải nói là "tờ giấy" mới đúng.

 Đặc biệt dành riêng cho những danh từ này có loại từ "quyển". Để rồi, chỉ cần nghe nói tới "quyển", ta có thể hình dung ra ngay đó là cái gì: quyển nhật ký, quyển tiểu thuyết, quyển tự điển, v.v… Bàn rộng ra, tập hợp của nhiều "quyển", tiếng Việt nói "bộ" hay "pho":

 Bộ sách, bộ tiểu thuyết, pho tự điển, pho kinh … "Bộ" cũng còn là loại từ đuợc dùng để chỉ định nhiều phần riêng lẻ thường được gộp chung với nhau: bộ bài, bộ chữ, bộ chén dĩa, bộ ấm trà, v.v…

Thay vì "bộ bài", "lá bài", người miền Bắc nói "cỗ bài", "cây bài", được Hoàng Cầm thầm thì gói ghém trong bài thơ "Cây tam cúc":

"Cỗ bài tam cúc mép cong cong 
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm 
Em đừng lớn nữa chị đừng đi”

(Ngô Nguyên Dũng)

Tác giả: Trần Giao Thủy tên thật Lã Mạnh Hùng, cựu học sinh Petrus Trương Vĩnh Ký niên khoá 1964-71. Hiện đang định cư ở Montreal, Canada.

Tác phẩm: Đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863, Petrus Trương Vĩnh Ký trong chuyến đi Tây 1863, Tấm bia chí sĩ Phan Bội Châu dựng năm 1918 tại Nhật Bản, Bùi Viện đi Mỹ, lịch sử hay ngụy biện…, Nhân dạng, hình ảnh của Bùi Viện

 Ai về Bình Định mà... xơi

Bánh ngon miền đất võ

 Từ phố biển Quy Nhơn lộng gió, ngược quốc lộ 19 lên thăm quê hương của vị anh hùng "áo vải, cờ đào" Quang Trung Nguyễn Huệ, rất có thể bạn được dân địa phương thết thứ bánh khá bình dị song khó tìm thấy tại những nơi khácbánh hai chín, một sống.

 Đó là bánh tráng cuốn thịt heo / lợn luộc và tàu hủ / đậu khuôn / đậu phụ; chấm nước mắm pha chanh, tỏi, ớt. Giáp Hoàng Linh - giáo viên trường THCS Quang Trung ở Quy Nhơn - nói:

- Bánh hai chín, một sống là món ăn chủ yếu của đoàn quân Tây Sơn trên đường Bắc tiến thần tốc nhằm tiêu diệt bè lũ Mãn Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.

Soạn sách Nước non Bình Định, thi sĩ Quách Tấn (1910-1992) viết món ăn lịch sử kia lại là bánh tráng cuốn thịt bò thưng: "Thưng là nấu chín mà không rục. Thịt bò tươi, xắt từng khúc lớn bằng cườm tay, bỏ vào trã bộng đổ nước sếch sếch, nêm mắm trộn đường bỏ gia vị rồi chụm lửa cháy riêu riêu dịu dịu. Khi hơi đã bốc đều thì lấy vung úp lại, để sôi trong vài giờ đồng hồ, nước khô thịt thấm. Khi nước rút hết vào thịt thì tắt lửa, để cho thịt nguội rồi đem hong gió cho khô. Khi ăn xé nhỏ. Mùi thơm vị thắm. Để hàng tháng không hư. Chính nhà Tây Sơn đã bày ra thịt thưng. Bánh tráng và thịt thưng, nhà Tây Sơn đã dùng làm lương khô khi đi đánh giặc xa. Mỗi người lính [được] cấp cho một số bánh tráng diễu, một số thịt bò thưng, một ít nước mắm. Đến buổi ăn, dừng lại, lấy bánh tráng cuốn thịt bò thưng mà ăn no, khỏi mất công nhúm lửa nấu cơm. Thật là tiện lợi."

 - Muốn ăn ngon hai loại bánh rặt Bình Định này, cần chấm nước mắm Bình Định, tiêu biểu là nước mắm Đề Gi, nước mắm Gò Bồi.

Kỹ sư thuỷ lợi Hoàng Trọng Cư đoan chắc thế, rồi đọc ca dao:

Gò Bồi có nước mắm ngon,
Đi đâu cũng nhớ cá tôm Gò Bồi.

(Phanxipăng)

 Lẩm cẩm quanh chuyện Từ điển chính tả tiếng Việt

 8. xuôi chiều mát mái tv xuôi chèo (chèo = chèo thuyền), đối với mát mái (mái = mái chèo). Dị bản: Chèo xuôi mát mái; Êm chèo mát mái.[K]

9. xung công tv sung công, sung là từ Việt gốc Hán = nhận thêm, nhập vào.

10. dằng xé; dằng níu tv giằng xé; giằng níu.

11. dày trông mai đợi tv rày trông mai đợi = Nay trông mai đợi. Vì rày có nghĩa là nay, nên thường thấy như: rày nắng mai mưa; rày đây mai đó; rày/nay trông mai đợi…

12. dãy nảy tv giãy nảy (giãy trong giãy đạp, không phải dãy trong dãy bàn ghế).

13. dẫy dụa, dẫy nẩy tv giẫy giụa, giẫy nẩy.

14. dấu diếm tv giấu giếm (giấu trong giấu kín; không phải dấu trong dấu vết).

15. dở trò tv giở trò (giở ra; không phải dở trong dở dang).

16. dục dịch. Tiếng Việt không có chữ này, chỉ có rục rịch

17. giây dưa tv dây dưa. Dây dưa (dây của cây dưa). Vì dây dưa bò lan, nhánh nọ đẻ nhánh kia, nên có một nghĩa bóng chỉ anh em họ hàng xa. Ví dụ: Hai nhà ấy có dây dưa gì với nhau đâu! (tương tự dây mơ rễ má). Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức): dây dưa. Nghĩa bóng: Họ hàng xa; lôi thôi không dứt.

(Vương Trùng Dương)

*

Phụ đính

Chữ nghĩa làng văn

Cao Bá Quát

 

Con đường công danh sự nghiệp vẫn thu hút ông mãnh liệt, ông vào kinh thi hội nhiều lần nhưng không đậu vì những lý do không phải do thiếu tài năng. Chẳng hạn có khoa thi chỉ vì quên tờ chứng nhận của lý trưởng trong tráp nên khi bị lục soát, ông đã bị khép vào tội “hoài hiệp văn thư” (mang giấy có chữ vào trong trường thi) và bị đuổi ra khỏi trường thi.

Giấc mộng khoa cử tan tành, ông than thở:

Trượng phu tam thập bất thành danh

Đạp biến thiên nhai khí vị bình

 

Tạm dịch:

Trượng phu ba chục chẳng nên danh

Mỏi gót nào nguôi nỗi bất bình.

Mời Xem :

CHỮ NGHỈA LÀNG VĂN Kỳ 15/11/2023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng  

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét