17 thg 11, 2023

CHỮ NGHỈA LÀNG VĂN Kỳ 15/11/2023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

***

Nghè là gì?

 Một hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích nào đó.

Nghè có khi thờ thần hoàng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều (Cẩm Giàng – Hải Dương).

Nghè cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một ông thần trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính thờ cúng thường nhật, như Nghè ở Trường Yên là một kiến trúc phụ của đền vua Đinh.

Hiện Nghè ở Trường Yên được xem là ngôi nghè cổ nhất được tìm thấy từ thế kỷ XVII.

 Sáng tạo


Lần đầu tiên khái niệm “sáng tạo” được các nhà tư tưởng cổ Hy Lạp triết luận trong những bình giảng về viết văn, theo họ viết văn trước hết như là sự bắt chước của những người đi trước, nhưng người sáng tác vẫn có quyền được…sáng tạo.

Hay nói khác đi, thực sự không có…”sáng tạo”.

 

“Ký” nằm giữa văn học và báo chí, bài báo đòi chính xác, nhưng từ chối cảm nghĩ của người viết ra nó. Trong khi bài văn, phải chứa cảm nghĩ của tác giả. Anh viết gì thì viết, 

phải có tâm hồn, trí óc anh trong ấy, mới là viết văn.
”Ký” là văn, không phải báo, vì ký có chứa cảm nghĩ của…“ký giả”. Ký dễ bị nhầm với báo, vì ký kể chuyện thật, người thật.

(Thu Tứ)

Tại sao gọi người Bình Định là “dân Nẫu”

 Nói nôm na, tiếng Nẫu là tiếng địa phương của vùng Bình Định và Phú Yên có nghĩa là họ, hay người ta, vì là “đại từ nhân xưng” nó nằm ở vị trí ngôi thứ ba vừa số ít mà cũng vừa số nhiều.

 (Nguồn: Bình Định Xưa / Dansaigonxua)

Về trong phố xưa - 1

Tranh Bùi Xuân Phái được nhiều người sưu tập, nhất là những tranh nhỏ vẽ trên carton, trên giấy. Viết về anh cũng đã nhiều, từ bạn anh, Nguyễn Tuân với “Phố Phái”, đến Ngô Văn Tạo với “Bùi Xuân Phái” bài viết như một bài thơ xuôi dài tặng cho một đạo sĩ chưa hết cuộc hành trình… Rất nhiều nữa, Trần Hậu Tuấn, một người sưu tập tranh trẻ tuổi từ Hà Nội vào sống ở Sài Gòn, đã bỏ tiền ra in sách tranh của Bùi Xuân Phái, gồm nhiều tranh quý trong bộ sưu tập của anh, kèm với bài viết của: Thái Bá Vân, Dương Tường, Jeffrey Hantover (Mỹ), Francois Thierry (Pháp).

 Làm sao quên được căn phòng nhỏ treo đầy tranh, với chiếc ghế nệm dài màu đỏ sậm, gần như duy nhất, đặt cạnh cửa sổ không đủ ánh sáng, nơi anh ngồi vẽ, đọc sách, uống rượu, trò chuyện cùng bạn bè – cũng như chiếc divan duy nhất, nơi ngồi, nằm, rít thuốc lào, uống  rượu sảng khoái cùng bạn bè của anh Văn Cao ở phố Yết Kiêu, anh Phái thì ở ngõ 87 phố Thuốc Bắc.

Những lần ra Hà Nội, đi với Thái Bá Vân đến thăm, uống ly rượu cùng anh, hay cùng nhau ra ngồi uống bia hơi bên chân cầu, góc phố nào tôi không nhớ tên, từ Ô Quan Chưởng đi thẳng đến… Ô Quan Chưởng cũng là cảnh anh thường vẽ.

(Đinh Cường)

Bên lề chữ nghĩa

 Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Thắp hương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cho học giỏi

(Nguồn: Tôi đi đâu)

Về trong phố xưa - 2

Tôi đặc biệt yêu thích tranh phố của anh. Như yêu đôi vầng nhật nguyệt… rọi xuống trăm năm một cõi đi về… 

Ở Bùi Xuân Phái còn gần gũi hơn với màu gạch tường kinh niên, màu ngói già trăm năm mưa nắng bên góc phố với màu xám nâu rất trầm, rất buồn.

(Phố Hàng Bạc)


 

 

Như anh đã cất dấu nhiều kỷ niệm trong những vệt sơn dầu rạo rực như Vlaminck sau từng ô cửa ngẩn ngơ của phố Hàng Mắm, Hàng Bè, Hàng Bạc, Hàng Muối…

Lời nhạc và bước chân của chúng tôi thời tuổi trẻ, giang hồ đây đó, sáng ở đầu sông nhớ núi, đêm nằm trong núi nhớ sông. Buổi chiều lang thang trên đồi Montmartre lần đầu tiên cùng Thanh Tuệ, nay Thanh Tuệ cũng không còn nữa, mới thấy cái màu trắng loang lổ trên nền trời, góc phố của Utrillo thật là dữ dội. Cũng như Bùi Xuân Phái, hai hoạ sĩ vẽ phố cùng có những mảng màu trắng luôn ám ảnh tôi, màu trắng kỳ quái của một số phận tài hoa, hình như để chịu đọa đầy cho nghệ thuật.

Sau ngõ Phất Lộc, Ô Quan Chưởng, trong chúng ta, ai không có những góc phố mang nhiều kỷ niệm, mong một lần về.

(Đinh Cường)

 207 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nói cách khác, giá trị lớn nhất ở tuỳ bút Nguyễn Tuân là những phát hiện có tính thẩm mỹ; ở Vũ Bằng là những phát hiện có tính tâm tình và ở Võ Phiến là những phát hiện có tính nhận thức. Viết về cái gì, Nguyễn Tuân cũng chú ý, trước hết, đến khía cạnh mỹ thuật; Vũ Bằng chú ý, trước hết, đến các kỷ niệm và Võ Phiến chú ý, trước hết, đến ý nghĩa văn hoá.

 

Có thể nói đặc điểm nổi bật nhất trong diện mạo văn học của Võ Phiến chính là sự kết hợp hài hoà giữa tư cách nhà nghiên cứu và nhà tuỳ bút. Sự kết hợp này tạo ra sự sâu sắc cho nhà tuỳ bút Võ Phiến và sự duyên dáng cho nhà nghiên cứu Võ Phiến. Viết biên khảo, hiếm khi Võ Phiến kìm được cảm xúc và giữ được sự nghiêm nghị vốn được

xem như một quy ước có tính thể loại của phong cách nghị luận. Ông không những ghi nhận và phân tích tư liệu hay sự kiện mà còn xuýt xoa trầm trồ, thán phục hay than thở, cảm khái, đôi khi, một cách khá ồn ào. Giọng văn ấy làm cho các tác phẩm biên khảo của Võ Phiến trở thành nhẹ nhàng và hấp dẫn: ấn tượng nhẹ nhàng và hấp dẫn ấy khiến người đọc dễ ngỡ Võ Phiến đang nói chuyện phiếm, một cách tuỳ hứng, chứ không phải đang trình bày của một quá trình tích luỹ và phân tích tư liệu lâu dài và vất vả của ông. Từ cảm giác ấy, oái oăm thay, người ta đâm ngờ vực tư cách nhà nghiên cứu của Võ Phiến. Sự ngờ vực ấy không hề thấy khi người ta đọc Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam. Các thao tác nghiên cứu của những cây bút ấy đúng theo quy định của giới hàn lâm hơn Võ Phiến chăng? Không đâu. Sự khác biệt chỉ đến từ giọng văn. Giọng văn của một nhà tuỳ bút. Nó tạo ấn tượng là Võ Phiến đang… khảo chơi.

 

Chữ “khảo chơi” này là chữ của Võ Phiến khi ông giới thiệu Lê Văn Lân, một bác sĩ y khoa viết một cách “ung dung, khinh khoái”, “chập chờn khắp nơi” và “di chuyển thoăn thoắt” từ đề tài này sang đề tài khác. Rồi Võ Phiến bênh vực giùm cho Lê Văn Lân:

Nhưng ai bảo cái khảo chơi không quan trọng bằng cái khảo thiệt? Những nhà nghiên cứu cặm cụi đo từng cái xương sọ của người ta, hì hục khai quật di chỉ xưa, mằn mò nhặt nhạnh từng lưỡi búa mũi tên v.v… để tìm về nguồn gốc dân tộc, chắc gì khỏi mừng rơn khi có người nhờ lai rai đi nếm mắm mà chợt phát giác ra mối liên hệ gốc gác giữa các dân tộc từ bắc đến nam Á châu? Chợt nhờ mắm mà thấy ngay sự sai lầm của các sử gia từng chủ trương rằng dân Việt có nguồn gốc Hoa? Đi khảo thiệt với cái búa khảo cổ lăm lăm trong tay thì trông khả kính; nhưng kẻ tài hoa đi khảo chơi, chỉ mang theo chiếc lưỡi

giấu trong mồm, trông khả ái biết bao. Và gần gũi chúng ta biết bao.”

Đọc, tôi cứ ngỡ như Võ Phiến đang nói về chính ông.

(Đi tìm Võ Phiến - Nguyễn Hưng Quốc)

 Vài ý về dùng chữ trong thơ

 Nắng miên du chảy ngược chiều nỗi nhớ

Đây là 1 câu thơ trong bài thơ "nổ̉i tiếng" ở VN. Xin tác giả giải thích giùm "Nắng miên du" là gì? Nắng "đi vào giấc ngủ/ đi trong tư thế ngủ" hay nắng "bước đi đi hoài"?

 

Tuy nhiên câu thơ sau đây dùng cụm chữ Miên du rất ấn tượng:

Vô thường năm tháng bước miên du

(Trần Kiêm Đoàn)

 

Ở đây Miên du: Viễn du xa rộng kéo dài trong không gian và thời gian. Cùng một chữ nhưng hiểu rõ nghĩa nó, đặt đúng chổ thì câu thơ mới hay; chứ không thể dùng càn, cố tình tạo dáng làm câu thơ vô nghĩa và do đó ảnh hưởng xấu đến toàn bài.

(Nguyên Lạc)

Cái duyên nhà thơ Tú Mỡ với đất Phù Lưu

Trong bài viết “Anh Tú Mỡ bị Tây bắt” nhà văn Tô Hoài cho biết: sau Đại hội chiến sĩ thi đua họp tại Chiêm Hóa ở Tuyên Quang năm 1949, ở đó nhà thơ Tú Mỡ được phong là chiến sĩ thi đua ngành văn hóa, nhà thơ về gia đình đang tản cư ở Bắc Giang. Nhà văn Tô Hoài kể tiếp:

“Có đến mấy tháng đã qua, chưa thấy anh Tú Mỡ về cơ quan (Hội văn nghệ tản cư lên chân dãy núi Tam Đảo ở

Ngồi ngủ, ngủ ngồi đều ngủ cả
Đứng ăn, ăn đứng cũng ăn thôi

 

(Nguyên Lạc)

 Trần Thanh Mại và tác phẩm phê bình văn học

Trần Thanh Mại (1908-1965) đã từng viết truyện ngắn (Ngọn gió rừng, 1932), ký sự lịch sử (Tuy Lý Vương, 1938), tiểu thuyết lịch sử (Ngô Vương Quyền, 1944). Song các thể loại này dường như chưa đủ để lại dấu ấn cho ngòi bút Trần Thanh Mại. Ông thực sự nổi tiếng khi bước vào lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học với các tác phẩm Hàn Mặc Tử (1941) và Đời văn (1942). Ở bài viết này chúng tôi chú ý đến hai tác phẩm có tính chất chuyên luận, trong đó Trần Thanh Mại dựng lại chân dung của hai nhà thơ nổi tiếng Trần Tế XươngHàn Mặc Tử.

Xuất hiện cùng thời với Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu…nhưng Trần Thanh Mại lại mang một phong cách riêng rất “độc đáo”. Theo đánh giá của Vũ Ngọc Phan, lối phê bình của Hoài Thanh “rặt những cái hay cái đẹp”, của Trương Tửu “thiên kiến, không công bình”, của Trần Thanh Mại khách quan và “tiến bộ hơn, tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế”.

 

(Tôn Thảo Miên)

Cuộc di cư của chữ nghĩa

Với cái nhìn nhân bản thì chữ nghĩa có một cuộc sống, có dòng sinh mệnh, có thể mất, có thể còn, trôi nổi như đời sống một người. Nhiều chữ nay đã chết, nằm chôn vùi trong nghĩa địa của các Bảo tàng hay sách cổ. Nói ra cũng ngậm ngùi.

Xin trích dẫn một số chữ nghĩa làm bằng chứng về sự mất còn này. Trong lời mở đầu báo Nam Kỳ địa phận, số đầu tiên, năm 1907 có những câu như sau:

‘’Bổn báo kỉnh cáo, tòa báo đã ước ao cho con nhà Annam, đua nhau tấn tài, tấn đức, thông phần đạo, ngoan việc đời’’...

Tờ báo có ý khai đàng văn minh cho nhân dân đặng tấn phát cho mọi bề, việc đạo việc đời đều thông thuộc.
Xin trích dẫn một đoạn khác:

‘’Lời rao cần kíp. Bổn báo gửi cho mỗi người hai số nhựt trình đầu hết mà xem thử, như ai bằng lòng mua thì đem ba đồng bạc đến mượn cha Sở mua dùm’’.

Trong một trả lời bạn đọc, chúng ta nghe thử lời rao sau đây:

‘’Bổn báo có nhận được một mandat của một ông nào đó không đề tên, không đề địa chỉ, nhưng yêu cầu gửi báo’’.

Tức cười thật. Nhưng 25 năm sau, trong tờ L'Impartial viết vào ngày 20/11/1929, ta thấy lối viết đã nhẹ nhàng thông thoát hơn:

Sự giải phóng người Annam về phương diện thương mại và kỹ thuật chỉ là một huyền thoại.

Bạn đọc thấy có nhiều chữ được sử dụng cách nay một thế kỷ đã không còn được dùng nữa như bổn báo kỉnh cáo, nhựt trình, con nhà Annam, tấn tài tấn đức, khia đằng văn minh. Nhưng có nhiều chữ vẫn được dùng cho đến ngày nay như chữ Cha Sở và nhất là những chữ khá chuyên môn cách nay 70 năm như giải phóng, phương diện thương mại và kỹ thuật, huyền thoại vẫn còn được dùng. Nhất là chữ huyền thoại mà người viết có cảm tưởng là nó chỉ được dùng sau này trong Triết học Tây Phương mà thôi. Hóa ra nó đã có một nguồn gốc lâu đời đến thế. Vấn đề là tìm hiểu xem – những chữ bị mòn, mất đi... ở trên – tại sao chúng không còn được dùng nữa.

Tác giả tiểu thuyết Cậu chó - 2

Rồi cái ngày tháng 4/75 định mệnh, người người ùn ùn di tản ra nước ngoài, kẻ chạy vô sân bay Tân Sơn Nhất, người chạy ra Bến Bạch Đằng hay Tiòa Đại Sứ Mỹ. Tôi nhớ sáng 29/4, bác Tô Văn và gia đình, mượn được chiếc xe hơi chở hàng của bà chủ quán cơm Lê Lai để đưa bầu đoàn thê tử từ hẻm Quốc Thanh đến tòa soạn báo Trắng Đen để hỏi thăm tôi, tin về chiếc tàu chở gia đình ông chủ nhiệm Việt Định Phương đang đậu khúc nào trên Bến Bạxh Đằng, để bác cùng gia đình ra đó cùng ra khơi.

Tôi biết chiếc tàu đang đậu gần Cột cờ Thủ Ngữ, gia đình chủ nhiệm Trắng Đen cùng một số phóng viên đang có mặt ở trên chiếc tàu này. Nhưng vì Trọng Viễn (em ruột ông Việt Định Phương) có dặn tôi, không được chỉ cho bất kỳ ai đến chỗ neo tàu, vì tàu đã quá đông người. Cho nên tôi phải nói dối với bác Tô Văn, là tàu đả chạy từ đêm 28/4, đồng thời chỉ dẫn bác ra chỗ sông trước nhà thương Chợ Quán, đang có tàu đón người di tản

 Bác Tô Văn rất mừng và cho xe chạy ngay ra đó. Và sau đó…. Không bao giờ còn tin gì về bác Tô Văn – Trần Đức Lai nữa.

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Má bánh bầu xem lâu muốn chửi
Mặt chữ điền tiền rưỡi muốn mua

Nỗi băn khoăn của “con” và “cái” trong tiếng Việt

Với riêng loại từ "con", người viết nhận thấy có vài đặc thù: vừa dùng ám chỉ thiếu niên nam nữ, vừa phân định giới tính phụ nữ, và định loại cho số đông thầm lặng: thú vật.

Theo chữ nghĩa, những gì tự chúng có thể cục cựa, nhúc nhích được, đều là "con", từ "con người" cho tới "con vi khuẩn". Ngay tới cảnh vật, nếu chuyển động được, là "con" tuốt: con sông, con suối. Đối với "con đường", tuy không trực tiếp chuyển động, nhưng theo tôi, vì dòng xe cộ ngược xuôi khiến ta có cảm giác "đường" cũng chuyển động, thôi thì… "con" luôn cho khoẻ!

Ấy, không đơn giản vậy đâu! Bới lông tìm vết, rốt cuộc cũng ló ra vài thứ không thuộc vào số đông thầm lặng nói trên, không biết nhúc nhích, cục cựa gì ráo, mà "cái" giống người Việt ma mãnh kia, có lẽ nhằm hôm ăn không ngồi rồi, gán luôn cho "con": con ốc (đinh vít) và con dao. Cho "con ốc" có thể đôi co lý luận như sau: vì lỡ mang danh nghĩa một loài sinh vật có vỏ cứng, nên thành "con" là phải rồi, oan ức gì nữa? Còn dao? Rắc rối dữ!

(Ngô Nguyên Dũng)

Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử

 Từ họ Lý ra họ Nguyễn

 Tháng tư năm nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ ra lệnh buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.

Năm 1232, tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám

về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt. 

 

Vì vậy hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biên sang lập nghiệp ở bắc Cao Ly.

(Trần Gia Phụng)

 Học lại chữ Hán

 Tôi không nhờ các cụ ta giải đáp thắc mắc của tôi về cái nghiên mực, vì cụ nào cũng tin vào lời kể của các cụ, nên tôi mới đi hỏi người Tàu. Người mà tôi hỏi là ông Lý Văn Hùng, người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Ông nầy chỉ là thầy giáo Tàu thôi, nhưng đã viết được vài quyển sách về lịch sử cận đại của miền Nam bằng chữ Tàu, và nhứt là ông ta đã được chánh phủ của chế độ cũ của ta mời dạy Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc ở Văn khoa Đại học ta, nên tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng không dở lắm.

Nghe tôi kể chuyện nghiên mực, họ Lý cười rồi đáp ngay: “Chuyện nầy thì người Hoa chúng tôi cũng có kể, và quả có loại nghiên mực đó thật sự, và rất được người Tàu quý.

Nhưng người Việt Nam đã hiểu lầm về chữ nghĩa được chép ra ở các sách kể câu chuyện nầy. Chữ ngõa không phải chỉ có một nghĩa là ngói thôi đâu. Xưa, ngõa chỉ đất nung, tức gạch cũng được gọi là ngõa, chớ không gọi là chuyên như ngày nay.

Vậy là nghiên mực đó được làm bằng gạch của cung Vị Ương chớ không phải là bằng ngói của cung Vị Ương đâu

(Bình Nguyên Lộc)

Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Truyện ngắn”

Liêu trai chí dị - Bồ Tùng Linh

Liêu trai chí dị có kết cấu theo thể loại “truyện ngắn” với lời văn ngắn gọn. Với khuôn khổ hạn hẹp của thể loại truyện ngắn, khi miêu tả nhân vật, tác giả không như họa sĩ truyền thần vẽ tỉ mỉ từng chi tiết mà theo lối vẽ rồng điểm nhãn, nắm lấy những chi tiết có tính chất đặc trưng mà khắc họa.

Liêu trai chí dị chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chí quái đản đời Ngụy Tấn và truyện đời Đường nhưng cách viết thì có nhiều sáng tạo: chú ý những tình tiết éo le, luôn thay đổi cách viết để hấp dẫn người đọc. Liêu trai chí dị (những chuyện quái dị chép ở căn lều tạm), là tập Đoản thiên tiểu thuyết (truyện ngắn) gồm 431 thiên, ra đời vào đầu đời nhà Thanh (cuối thế kỷ 17) của Bồ Tùng Linh

Trong 2 từ Liêu Trai thì từ "Trai" là chính từ, còn từ "Liêu" chỉ là bổ túc từ. Từ "Trai" có rất nhiều nghĩa như "phòng học". Từ "Liêu" có nghĩa là "sơ sài" , "tạm bợ" . Vậy Liêu Trai có nghĩa là phòng học (cũng có thể là phòng đọc sách ngày xưa) sơ sài tạm bợ. Thật ra trước đó Liêu trai chí dị có tên là "Quỷ Hồ truyện". Nhưng có lời đồn rằng trong lúc ông đi thi hương, quỷ hồ cứ quanh quẩn ngoài lều khiến ông sợ hãi nên đổi tên thành Liêu trai chí dị.

Đề tài của Liêu trai chí dị do (1) Bồ Tùng Linh sưu tầm trong dân gian, hoặc rút từ truyện chí quái đời Lục triều và các truyện truyền kỳ đời nhà Đường rồi sáng tạo thêm. Hầu hết các truyện nói về thần tiên ma quái, hồ li lang sói, cho tới cây cỏ hoa lá, khói mây gạch đá, v.v…. Nhưng không chỉ vậy, xuyên suốt các tác phẩm là những câu chuyện về người và việc trong cuộc sống đời thường.

(Đỗ Ngọc Thạch)

(1) Bồ Tùng Linh (1640-1715), tự là Liêu Tiên và Kiếm Thần, cũng có người gọi ông là Liễu Tuyền cư sĩ, là một văn sĩ người Trung Hoa dưới triều đại nhà Thanh.

Bồ Tùng Linh sinh ở Truy Xuyên, Sơn Đông. Ông có thể có tổ tiên là người Mông Cổ. Năm 19 tuổi, ông đỗ tú tài trong khoa thi, nhưng phải mãi đến năm 71 tuổi ông mới đỗ cống sinh.

 

Chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ

 

Khổng tử người nước Lỗ đem đạo Nho đi rao giảng cũng được các vua chúa các nước theo. Cách mạng Tân Hợi 1911 thành công lật đổ phong kiến Trung Quốc. Chính phủ Trung Hoa dân quốc đã ra sắc lệnh bãi bỏ học thuyết Khổng tử, kể từ đây không thờ Khổng tử nữa vì trái với chế độ dân chủ.

 

Đến thời cách mạng văn hóa Tàu lại tổ chức phong trào “Phê Lâm, phê Khổng” rộng rãi khắp toàn quốc.

(Vũ Anh Tuấn)

 Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Truyện ngắn”

 

Ba ông tiên

 

(1) trích trong Liêu trai chí dị của Tản Đà dịch,

Tân Dân xuất bản năm 1939

 Một người học trò vào thi ở Kim Lăng, qua huyện T

bụng lấy làm thích lắm, mua rượu thết uống rồi cùng vui vẻ bày tỏ họ tên với nhau. Một người là Giới Thu Hành, một người là Thường Phong Lâm, một người là Ma Tông Từ.

 Rượu uống rất vui, trời tối lúc nào không biết. Giới nói: “Vậy chỗ nhà tranh không xa đây, xin tiện mời được quá bộ tạm nghỉ”. Thường và Ma đứng dậy lôi áo gọi đầy tớ cùng nhau mời cùng đi. Đến chỗ núi phía bắc làng, chợt thấy có nhà cửa, có dòng nước chảy quanh, phong cảnh thực đáng yêu. Vào nhà rồi nói, Ma nói: “Từ trước ta vẫn chơi với nhau bằng văn chương, nay ngày thi đã đến nơi, không nên bỏ uổng phí đêm tối, xin nghĩ bốn đầu bài, chọn lấy một, văn làm xong hãy cùng uống rượu”. Chúng đều theo, mỗi người viết một đầu bài, viết để ra trên kỷ, ai nhặt được bài nào, đến chỗ làm riêng nghĩ ngồi làm.

Chưa hết canh hai, mọi người đều xong cả bản ráp, rồi cùng đưa lẫn cho nhau xem. Ông đồ đọc ba bài làm rất là khen hay, chép bản thảo mà cất đi. Chủ nhân đem rượu ra kính khách, chén lớn uống ngụm to, đều say cả. Khách đứng dậy xin thôi, chủ nhân bèn đưa khách đến một chỗ mà ngủ.

 Trong lúc say không cởi giày nữa, mặc cả áo ngủ liền, tỉnh dậy thấy mặc trời đã lên cao, nhìn bốn xung quanh không có nhà cửa gì chỉ hai thầy trò nằm với nhau chổ hang núi. Sợ quá gọi đầy tớ dậy nốt, thấy ở cạnh có một cái động, như nước rót chảy ra, tự ngờ hay là mê chăng. Nhìn vào trong bọc, thời ba bài văn làm cũng còn cả. Xuống núi hỏi những người ở gần đó, mới biết chỗ ấy gọi là động ba vị tiên, vì trong động có ba con cua, rắn và ễnh ương rất thiêng, thời thường vẫn ngồi chơi người ta trông thấy cả.

Sau rồi ông đồ vào trường thi, được ba bài đều trúng cả với ba bài tiên làm cho, thành thử được đỗ đầu.

(nguồn: Nhị Linh)

Lãnh vũ hàn đăng, dạ thoại thì.

 Dịch thơ:

“Chí dị” làm xong, cất tiếng cười

Tóc mai trắng nõn, áo bào tơi

Mười năm mới hiểu lời Tô Tử (1)

Mưa lạnh, đèn tàn, kể láo chơi!

(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi dịch)

Thông thường, “Đề tựa” nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả hoặc tư tưởng của tác phẩm. Lời “Đề tựa” ở đây là của nhà thơ Vương Sĩ Trinh, hẳn là một “thi hữu” của họ Bồ cho nên đó vừa là “hướng người đọc” vừa là “bình luận” về Liêu trai chí dị của Vương Ngư Dương: “Đó là chuyện ma quỷ, Hồ ly (cho nên lúc đầu đặt tên cho tác phẩm là Quỷ Hồ truyện) nhưng đích thực là Chuyện đời thường”.

Vương Ngư Dương còn dùng lại câu nói của nhà thơ Tô Đông Pha “Cô vọng ngôn chi” như là muốn lôi kéo thêm bạn văn cho Bồ Tùng Linh trong việc chọn phương cách “Nói láo” này là rất cao tay! Và trong bài họa thơ, họ Bồ nói “Mười năm mới hiểu lời Tô Tử” thì quả là thủ pháp nghệ thuật “Nói láo” này không hề đơn giản, không dễ thực hiện mà cũng không dễ hiểu ngay được. Có lẽ, sau này, người ta đã mượn cái tích “Nói láo” này để nói về cái nghề nhà báo: tưởng như là nói láo mà chính là nói thực.

(Đỗ Ngọc Thạch)

 (1) Tương truyền, khi Tô Đông Pha ở Hoàng Châu, lúc tiếp khách, thường bảo họ kể những chuyện phóng đãng, không cần giữ lễ. Ai không nói được thì ông ép nói chuyện ma quỷ. Lại có người nói không có ma quỷ thì ông bảo:

“Cứ nói láo đi” (Cô vọng ngôn chi). Trong bài thơ Đề từ, Vương Ngư Dương đã sử dụng câu nói này.

 Những đòn trừng phạt bằng chữ nghĩa

Với Quan phủ Thạch Hà:
Quan phủ Thạch Hà, Hà Tĩnh, cũng có mối ân oán chi đó với cụ Trứ nên có lần chịu đòn đau của cụ. Trong một bữa tiệc, khi các các quan đã ăn uống say sưa rồi, cụ Trứ kể chuyện:
- Ở phủ Thạch Hà đất Hà Tĩnh quê tôi có một đứa bé thần đồng. Nó ứng đối tài tình không thể tưởng. Một lần tình cờ gặp nó, tôi đọc mau một câu thật dài để thách nó đối, thế mà nó đối hay và nhanh hơn cả người lớn mới tài chứ. Câu tôi đọc là thế này:
- Chống chõi như quan phủ Thạch Hà. Thạch là đá, hà là sông, giữa dòng sông ngăn đá. 

Nó tiếp lời tôi mà đối ngay như sau:
- Giàu có như bà huyện Kim Động. Kim là vàng, động là hang, trong cửa hang có vàng.

Các quan khách trong tiệc ôm bụng cười nghiêng ngửa, chỉ riêng quan Tri phủ Thạch Hà thì nửa cười nửa mếu lấm lét nhìn quanh.

Phụ bản: * Vì Quan phủ Thạch Hà dèm pha nên Nguyễn Công Trứ bị đi đày làm lính thú ở Thanh Hóa.

Hà Nội, Hà Lội ơi


Sự thật là trong bài viết của tôi không hề có bất cứ chi tiết nào là hư cấu. Thậm chí, có những chi tiết rất thật mà tôi không dám đưa vào vì nó quá khó tin

Chẳng cần suy nghĩ, ông trưởng khu phố văn hóa đã thuận miệng trả lời tôi ngay: "Có dạy đấy chứ, nhưng chúng nó đéo nghe…".

(Vương Văn Quang)

 Ai về Bình Định mà... xơi

 Biết tôi chuẩn bị quay lại Bình Định để trực tiếp tìm hiểu chuyện "đệ nhất khoái", cây cọ Đinh Dũng hấp háy:

- Ôi! Đất võ thì ăn với uống có gì đâu, ngoài xoài mí lị dừa, nhẩy?

Chàng hoạ sĩ gốc Hà Nội nhầm to nhé. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng mới lần đầu ghé vội Bình Định, phần đông du khách dễ nghĩ thế. Bởi tại tỉnh này, nhiều món ăn vẫn được "đính kèm" xoài xanh thái ghém hoặc / và nước cốt dừa. Chẳng hạn tạt qua thành phố Quy Nhơn, bạn gọi món sìa luộc thì các quán trên đường Bạch Đằng hay đường Trần Độc thường dọn trước tiên là dĩa rau sống cùng dĩa xoài xanh băm nhỏ và các thứ gia vị rồi mới bê tới dĩa nghêu đen, có nơi gọi vọp hoặc dộp dộp, tức con sìa. Người ta cũng không quên mời khách nhai bánh tráng dừa nóng dòn rôm rốp - món mà nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần cho rằng giúp bữa ăn có thêm chất nhạc... rock. Dẫu sao, xoài và dừa tỉnh Bình Định thuộc hàng "hảo xực" lẫy lừng tự xửa xừa xưa, đã được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rõ trong Đại Nam nhất thống chí rằng đó là những món đặc biệt dùng để tiến cống vua, chủ yếu gồm dừa Tam Quan, dừa Bồng Sơn, xoài Phù Cát, xoài Tuy Viễn.

Đất này trăm nhớ, nghìn thương,
Muốn ăn dừa nạo, tìm đường về thăm.

 (Phanxipăng)



Phanxipăng có họ tên Trần Ngọc Tĩnh

Chào đời năm Canh Tý 1960 ở thành phố Huế

Cựu sinh viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Hiện cư trú ở Sài Gòn

Tác phẩm

Vàng máu (Tiểu thuyết) - Cốt cách mùa xuân (Tập phóng sự)

Sài Gòn nay (Tập phóng sự) - Huế chừ (Tập phóng sự)

Lẩm cẩm quanh chuyện Từ điển chính tả tiếng Việt

Từ trước đến nay đã ấn hành nhiều cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt. Biên soạn tự điển không phải là công trình sáng tạo mà chỉ là công việc tra cứu, gom góp tài liệu (tự điển) đã ấn hành… rồi “hệ thống hóa” theo mẫu tự Alphabet để thực hiện. Ngày nay trên internet đã phổ biến vài cuốn tự điển nên có thể download rồi edit lại cũng dễ dàng.

Với cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt, đơn giản vì chỉ ghép những chữ (từ vựng) cùng đi chung với nhau. Ví dụ chữ ác: có ác cảm, ác chiến, ác đạo, ác độc, ác hại, ác khẩu, ác liệt, ác mộng, ác nghiệt, ác ôn, ác thú, ác tính, ác ý… Nếu kèm theo vài thành ngữ như: ác giả ác báo, ác giả ác lai, ác khẩu thụ chi, ác nhân ác đức, ác nguyệt đàm phong, ác quán mãn doanh. “Ác nhân tự hữu ác nhân ma” (Trong tự điển của Paulus Của Huỳnh-Tịnh năm 1897). Trong bộ sách kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung có tứ đại các nhân được xếp theo thứ tự cao thấp với chữ ác: Ác Quán Mãn Doanh, Vô Ác Bất Tác, Hung Thần Ác Sát, Cùng Hung Cực Ác.

 Cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của NXB ĐHQG Hà Nội (PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên – Thạc Sĩ Hà Thị Quế Hương) thực hiện đã ấn hành năm 2017. Mãi đến năm 2020,

giới truyền thông trong nước mới đề cập đến những sai sót, nhầm lẫn, tối nghĩa… và gần đây trên internet loan tải, gây xôn xao trong dư luận.

(Vương Trùng Dương)

Vương Trùng Dương tên thật Trần Ngọc Dưỡng, sinh năm 1945, quê Quảng Nam. 1990 ngụ cư tại Hoa Kỳ. Bút hiệu Vương Trùng Dương, Vương Chân Nhân, Nhất Dương Lão Nhân.

Viết cho báo Sài Gòn Times, Việt Nam Press, chuyên mục “Chuyện ruồi bu”. Thành viên Trung tâm Văn bút nam Cali.

 ***

Phụ đính I

Đám tang Hồ Hữu Tường - 1

Buổi chiều, nắng quái dị lay lắt. Tiếng máy xe Honda ầm ĩ. Cậu em hỏi:

"Chị rảnh không?"

"Chi vậy?"

"Rảnh em chở chị đi thăm ông Hồ Hữu Tường."

“Khùng điên gì đâu. Ông ta đang ở một trại tù nào, Xuyên Mộc, Hàm Tânn, Long Khánh, hay xa lắc, Gia Trung. Mấy cậu còn trai trẻ, hoàn cảnh nào cũng đùa được”.

"Em có đùa đâu. Ông ta đang ở nhà mà."

"Ủa, được tha rồi sao?"

"Chưa. Nhưng chết."

Ngồi lên yên sau, tôi nhờ cậu em đèo tới đó. Rồi công an, mật vụ, theo dõi, mượn cớ khó dễ thì sao? Mặc kệ. Thời buổi mà đi thăm người chết cũng là một trọng tội thì còn nói gì nữa.

 

Tới đầu con ngõ, sực nhớ thiếu một cái phong bì. Nhớ, quanh đây, có một nhà quen thân anh Nguyễn Chánh Lý. Tôi ghé. Quang đi vắng. Chỉ có người mẹ đang tụng kinh trên căn gác nhỏ. Cứ cắt ngang chầu kinh, hỏi xin cái phong bì. Bị gấp quá. Bà mẹ dừng tay chuông mõ, kiếm chiếc phong bì. Đưa, hỏi:

"Ai chết vậy?"

"Ông Hồ Hữu Tường, ngõ đối diện với bác đó."

"Trời Phật ơi. Ông ta à? Làm sao mà chết? Đang ở tù mà chết. Ông ta... Gượm, cho tôi góp một thẻ hương thắp cho ông ta với. Giời đất ơi. Nam Mô A di Đà Phật..."

 

(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)

 

Đám tang Hồ Hữu Tường - 2

 

Tôi đi xuống căn gác, tiếng chuông mõ trên lầu vọng theo. Con ngõ đang đường thẳng thì nở phình ra. Căn nhà nhỏ dựa vào một trạm biến điện, có rạp che trước sân, dễ nhận. Bàn gỗ kê dài, ghế băng. Bình trà, chén nhựa. Khá đông. Những ai vậy? Không thấy mặt một người quen nào. Có tới mấy người đàn bà. Chưa mặc tang phục. Quan tài đặt giữa nhà. Chắc phải tới đó trước để đốt một nén nhang.

"Mời chị dùng nước."

Ai đó nói. Giọng Chủng tiếp:

"Chị Nhã, bác gái ở đây này."

Một bàn tay đặt lên vai, đưa lên nữa, vuốt tóc tôi.

"Nhã Ca đây hả? Chào cháu. Bác có biết cháu. Biết thôi, phải nhờ bác trai chết, mới nhìn thấy mặt cháu."

Nhìn lên. Chưa bao giờ tôi thấy một người đàn bà đẹp như thế. Chưa bao giờ. Thật mà. Nhìn bà ta coi, dong dỏng cao, thanh tú. Còn nét mặt kìa, mắt sáng một cách kỳ lạ. Gò má cao, mắt mũi miệng cân bằng giữa sự hiểu biết, thông minh cùng nét lạnh lùng đến tàn nhẫn của sức chịu đựng. Chiếc phong bì trên tay sao bỗng ngượng nghịu quá.

"Đưa phong bì đây. Tốt. Tốt lắm."

Dõng dạc bình tĩnh, mà còn đầy thân mật nữa.

Một cái ôm vai, xiết nhẹ. Lại quay sang trả lời câu thăm hỏi của người khách khác tới viếng. Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra nhiều bộ mặt chìm nổi của công an, giả dạng đủ hạng người.

 

"Dạ, thưa... nhà tôi còn sống được từ trại tù, tới đầu con ngõ. Dạ thưa, tắt thở ngay đầu ngõ. Có kịp nhìn thấy nhà cửa không à? Dạ thưa, chẳng cần đâu, nhìn làm gì mọi thứ đã không còn như cũ... Vâng, thưa, lúc nhà tôi về tới nhà, chỉ có khoảng nơi trái tim còn hơi ấm...

Bà đưa tay lên.

"Dạ, tôi lấy kịp chút hơi ấm ấy. Dạ, nó vào hết đây."

 

Miệng có méo xệch đi. Nước mắt có rơi?

Không. Vẫn khuôn mặt bình tĩnh, tuyệt đẹp.

(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)

***

Phụ đính II

Họan quan



 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lê Văn Duyệt là một thái giám được ở chỗ màn trướng của Nguyễn vương (sau này là vua Gia Long), là người có công rất lớn trong việc khôi phục lại giang sơn của nhà Nguyễn. Về sau Lê Văn Duyệt với chức vụ Tổng trấn đã quyết định nhiều việc quan trọng ở vùng Gia Định - Đồng Nai ngoài ý muốn của vua, điều đó đã làm cho một số ông vua đầu triều Nguyễn lấy làm khó chịu và hết sức bất bình, đặc biệt là vua Minh Mạng (đương nhiên là bên cạnh đó còn có nhiều lý do bất bình tế nhị khác).

(Nguồn Tổng hợp: T.H và VTCNews)

Họan quan

Có lẻ vì nghi kỵ Tả Quân Lê Văn Duyệt, vốn là thái giám, nắm nhiều binh quyền, cho nên vua Minh Mạng ban chỉ dụ quy định thái giám chỉ làm việc hầu hạ trong cung mà thôi. Tấm bia khắc toàn bộ văn bản của chỉ dụ nay vẫn còn trong Văn Miếu ở Huế.

Rút kinh nghiệm từ những bậc tiền bối, bị thái giám nổi loạn chuyên quyền, đến thời Minh Mạng (1820 – 1841) vua đã ban hẳn một chiếu chỉ riêng dành cho thái giám: “Cho họ người nào việc ấy để sai khiến hầu hạ, nhưng mãi mãi không cho dự vào giai và phẩm hàm quan chức. Vì chức

vụ của họ là để nội đình sai khiến và truyền lệnh mà thôi. Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được tham dự, kẻ nào vi phạm phải trừng trị nặng, không khoan tha. Trẫm đã dặn dò, hết sức mưu tính sâu xa cho đời sau…”.

***

Thái giám VN có riêng một nghĩa trang trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, cách Huế chừng một cây số. Chùa Từ Hiếu còn được gọi là chùa Thái Giám.

Trúc Giang)

 Chùa Từ Hiếu Huế (Ảnh: @journeyinHue)

 


 Mời Xem : Chữ Nghĩa Làng Văn - Kỳ 1/11/2023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét