19 thg 1, 2024

Tạp Ghi và Phiếm Luận : TUỔI THÌN RỒNG Ở THIÊN ĐÌNH - Đỗ Chiêu Đức

 Tạp Ghi và Phiếm Luận : 


                           TUỔI THÌN RỒNG Ở THIÊN ĐÌNH
                    
                                                Tuổi Thìn Rồng ở thiên đình
                                                 Làm mưa làm gió ẩn mình trong mây.

       TÝ, SỬU, DẦN, MÃO, THÌN... THÌN 辰 là ngôi thứ 5 trong Thập Nhị Địa Chi 十二地支, cầm tinh con RỒNG; Chữ Nho gọi Rồng là LONG 龍, là con thú đứng đầu trong Tứ Linh 四靈 : LONG LÂN QUY PHƯỢNG 龍麟龜鳳. Chữ LONG 龍 là tượng hình của một con vật thần thoại và cũng là một trong 214 bộ của "CHỮ NHO...DỄ HỌC" theo diễn tiến của chữ viết như sau :
              
Giáp Cốt Văn        Kim Văn            Đại Triện         Tiểu Triện           Lệ Thư

Ta thấy :
        Giáp Cốt Văn và Kim Văn là hình tượng của một loài thú bò sát như rắn ngẩn cao đầu, trên đầu có sừng, đang há miệng và trong miệng có răng, trông rất hung ác. Đến Đại Triện thì phần đầu được viết to ra và phần mình và đuôi được rút ngắn lên bên phải, kịp đến Tiểu Triện thì lại thêm vài nét trên lưng tượng trưng cho kì vi, đến Lệ Thư thì các nét được kéo thẳng như chữ viết hiện nay LONG 龍 là RỒNG.
       RỒNG là con vật thần thoại trong truyền thuyết Trung Hoa từ đời thượng cổ; có sừng, có vảy, có móng vuốt, có râu ria, Có thể ngắn có thể dài, có thể lớn có thể nhỏ, khi mờ khi tỏ, biết kéo mây làm mưa; mùa xuân thì bay lên trời, mùa thu thì lặn xuống vực sâu, biến hóa vô cùng. 

       Năm 2024 là năm GIÁP THÌN 甲辰. GIÁP là ngôi đầu của Thập vị Thiên Can là : GIÁP, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy. THÌN là ngôi thứ năm của Thập nhị Địa Chi là "Mười hai con giáp : Tý, Sửu, Dần, Mão, THÌN, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dẫu, Tuất, Hợi". GIÁP theo Dịch lý ngũ hành thì Đông phương Giáp Ất thuộc Mộc, là mùa Xuân, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, chủ màu Xanh. THÌN là Rồng, nên GIÁP THÌN là con rồng mang màu sắc của cây cỏ, là con Rồng Xanh, chữ Nho gọi là Thanh Long 靑龍 hay Thương Long 蒼龍 gì cũng được. Lạm bàn về chữ THANH và THƯƠNG như sau :
     * THANH 靑 : là chữ Hội Ý. Có phần trên là bộ SANH 生 chỉ thực vật cây trái còn sống (chưa chín); Phần dưới là chữ ĐAN 丹 chỉ động vật còn đỏ hỏn khi mới được sanh ra. Nên THANH là Màu xanh nói chung, chỉ còn tươi còn trẻ còn non, như THANH SƠN 靑山 là Núi Xanh; THANH MAI 靑梅 là Mai còn xanh non; THANH NIÊN 靑年 là Tuổi Xanh, tuổi còn trẻ...
     * THƯƠNG 蒼 : là chữ Hài Thanh. Có phần trên là bộ THẢO 艹 chỉ Hoa cỏ; Phần dưới là chữ THƯƠNG 倉 (là Bồ lúa) chỉ Âm. Nên THƯƠNG là màu xanh lá cây, là màu xanh tươi của hoa cỏ; như THƯƠNG THÚY 蒼翠 là Xanh biếc; THƯƠNG ĐÀI 蒼苔 là Rêu xanh; THƯƠNG THIÊN 蒼天 là Trời xanh...  
               
     Nên...
     Năm GIÁP THÌN 2024 là năm của con Rồng Xanh, của Thương Long hay Thanh Long; mà THANH LONG 靑龍 là một trong Tứ Linh 四靈 của Thiên Tượng 天象 trên trời, nên là một trong Tứ Tượng 四象. Căn cứ theo âm dương ngũ hành THANH LONG là con linh thú ở phương đông, thuộc hành Mộc nên có màu Xanh, đại biểu cho mùa Xuân và thuộc quẻ Chấn trong Bát quái. 
       THANH LONG hay THƯƠNG LONG còn là một nhóm Bảy vì sao ở hướng đông trong Nhị Thập Bát Tú. Bảy sao đó là :

       1. Sao GIÁC là GIÁC MỘC GIAO 角木蛟 : là con Giao long.
       2. Sao CANG là CANG KIM LONG 亢金龍 : là con Rồng vàng.
       3. Sao ĐÊ là ĐÊ THỔ LẠC 氐土貉 : là con Cáo.
       4. Sao PHÒNG là PHÒNG NHẬT THỐ 房日兔 : là con Thỏ.
       5. Sao TÂM là TÂM NGUYỆT HỒ 心月狐 : là con Chồn.
       6. Sao VĨ là VĨ HỎA HỔ 尾火虎 : là con Cọp.
       7. Sao CƠ là CƠ THỦY BÁO 箕水豹 : là con Beo.

      Bảy sao đó hình thành hình tượng của một con Rồng Xanh trên bầu trời Đông : GIÁC là hai sừng của rồng, CANG là cổ của rồng, ĐÊ là móng vuốt trước của rồng, PHÒNG là bụng của rồng, TÂM là tim của rồng, VĨ là đuôi của rồng, CƠ là móng vuốt sau của rồng. Bảy chòm sao này xuất hiện giữa trời tương ứng với mùa Xuân.
 
                         Hình tượng 7 nhóm sao THANH LONG trong Nhị Thập Bát Tú

       Hai sao PHÒNG và TÂM gần nhau nhất trong nhóm Thanh Long, có nhiều đặc điểm tương đồng về độ sáng, cấu tạo, chu kỳ,... nên thường được ví như là hai chị em sinh đôi. Còn trong đời nhà Minh, Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ được gọi là THANH LONG.

       NĂM THÌN là năm đứng sau năm Mão, là năm của con RỒNG, con vật thần thoại không có thật. GIỜ THÌN là từ 7 - 9 giờ sáng, là giờ mặt trời bắt đầu chiếu ánh sáng rưc rỡ lên vạn vật. THÁNG THÌN là Tháng Ba Âm lịch trong năm với tiết Thanh Minh và Cốc Vũ, cây lúa đã bắt đầu xanh tốt để trổ bông. Theo Tử Vi Đẩu Số thì người tuổi Thìn sẽ hợp với người tuổi Tý và tuổi Thân, cách nhau 4 tuổi; Thân Tý Thìn TAM HẠP mà ! Còn TỨ HÀNH XUNG là Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, cách nhau 3 tuổi; trong đó THÌN-TUẤT là 2 tuổi chánh xung với nhau, cách nhau 6 tuổi. Nên ngày xưa trai gái muốn kết hôn thì các ông bà hay coi tuổi. Hễ cách nhau 2 tuổi, 4 tuổi hoặc 8 tuổi thì TỐT, còn cách nhau 3, 6 hoặc 9 tuổi thì rất XẤU, vì sẽ lọt ngay vào Tứ Hành Xung của 3 nhóm : Tý Ngọ Mẹo Dậu hay Dần Thân Tỵ Hợi hoặc Thìn Tuất Sửu Mùi. Chạy trời cũng không khỏi nắng !
               
      THÌN là RỒNG, là con vật thần thoại sống ở trên trời như câu hát dân gian ở đầu bài viết :

                        Tuổi Thìn Rồng ở thiên đình,
                  Làm mưa làm gió ẩn mình trong mây.

      Theo Hào Cửu Ngũ của quẻ Càn trong Kinh Dịch《易經.乾卦》中,解説「九五爻」có câu :... Vân tòng long, phong tòng hổ 雲從龍,風從虎... Có nghĩa : Mây theo rồng, gió theo cọp, và chính xác hơn là "Long ngâm vân xuất, Hổ khiếu phong sanh 龍吟雲出, 虎嘯風生" Có nghĩa : Rồng rống  thì mây sanh, Cọp gầm thì gió nổi. Nên Rồng và Mây thường hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thật đẹp thật hùng vĩ trên bầu trời, nên cổ nhân mới ví những người quan trường đắc chí hay thi đậu ngày xưa như là "Rồng Mây gặp hội". Trong bài hát nói Kẻ Sĩ của cụ Nguyễn Công Trứ có câu :

                   RỒNG MÂY khi gặp hội ưa duyên,
                  Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.

      RỒNG MÂY hay MÂY RỒNG còn dùng để chỉ các bậc vua chúa ngày xưa, như khi gặp gỡ Thúy Kiều, Từ Hải đã bảo nàng :"Lại đây xem lại cho gần, Phỏng tin được một vài phần hay chăng ?" Thúy Kiều "ngắm" Từ Hải xong bèn đáp :

                       Thưa rằng : Lượng cả bao dong,
                 Tấn Dương được thấy MÂY RỒNG có phen!
                       Rộng thương cỏ nội hoa hèn. 
                 Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau...

      Ý của Thúy Kiều là : Tôi biết là ông có chí lớn rồi, có ngày ông sẽ khởi binh như Đường Cao Tổ đã khởi binh ở Tấn Dương để gầy dựng nên nhà Đường vậy! Có ngày ông sẽ thấy Mây Rồng, tức là có ngày ông sẽ xưng hùng xưng bá hay làm vua gì đó. Chừng đó ông đừng có quên thân "cỏ nội hoa hèn" là tôi đây nghen, thân bèo bọt của tôi còn chđể trông cậy vào ông đó !  Thấy Thúy Kiều nói trúng tim đen của mình, làm cho Từ Hải cũng cảm thấy sướng rơn và cũng rất tự hào mà hứa hẹn :

                          Một lời đã biết đến ta,
                Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau! 
        
                     Từ Hải gặp Thúy Kiều như Rồng Mây gặp hội

       RỒNG vừa bay trên trời lại vừa lội dưới nước; Bay trên trời là THIÊN LONG 天龍, còn lội dưới nước là THỦY LONG 水龍. Theo truyền thuyết dân gian cổ xưa ảnh hưởng bởi Đạo Giáo, RỒNG còn là vua ở dưới nước, được xưng tụng là LONG VƯƠNG 龍王, quản về thời tiết mưa gió của dân gian, nên những năm thiên tai hạn hán là phải cúng bái cầu đảo xin Long Vương ban cho mưa xuống. Vì khoa Địa Lý Học ngày xưa chưa phát triển, nên dân chúng cứ lầm tưởng là chung quanh đất liền mà ta ở gồm có bốn biển lớn, nên mới có câu "Tứ hải giai huynh đệ 四海皆兄弟", có nghĩa : Bốn biển đều là anh em với nhau cả; và cũng vì thế mà ta cũng có TỨ HẢI LONG VƯƠNG 四海龍王, là Bốn ông vua Rồng của Bốn biển. 
     Năm Thiên Bảo thứ 10 đời Đường Huyền Tông (751), nhà vua đã ban chỉ sắc phong xưng hiệu của Tứ Hải Long Vương như sau :

          1. Đông Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Đức Vương 廣德王.
          2. Nam Hải Long Vương  phong hiệu là : Quảng Lợi Vương 廣利王.
          3. Tây Hải Long Vương  phong hiệu là : Quảng Nhuận Vương 廣潤王.
          4. Bắc Hải Long Vương  phong hiệu là : Quảng Trạch Vương 廣澤王.
    
     Theo truyện "Phong Thần Diễn Nghĩa" và "Tây Du Ký" thì Tứ Hải Long Vương có tên gọi như sau :

          1. Đông Hải Long Vương tên là : Ngao Quảng 東海龍王:敖廣。
          2. Nam Hải Long Vương  tên là : Ngao Khâm  南海龍王:敖欽。
          3. Tây Hải Long Vương  tên là : Ngao Nhuận 西海龍王:敖潤。
          4. Bắc Hải Long Vương  tên là : Ngao Thuận 北海龍王:敖順。
            
                                           Tứ Hải Long Vương
          
      Đó là theo Đạo Giáo, còn trong Phật Giáo thì có đến Bát Bộ Thiên Long, thường được gọi là THIÊN LONG BÁT BỘ 天龍八部, bao gồm 8 loại thiên thần, chúng sinh, qủy quái, nhưng vì lấy "Thiên Chúng 天眾" và "Long Chúng 龍眾" làm đầu nên mới gọi là "Thiên Long Bát Bộ". Gồm có 8 bộ sau đây :
     
          1. THIÊN CHÚNG 天眾 : là thiên thần (Deva), đứng đầu bởi Đế Thích 帝釋. Thiên chúng trong Phật giáo là con người vẫn còn trong Tam giới 三界 (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới 欲界、色界、無色界)và Lục Đạo 六道(Thiên, Nhân, A Tu La, Súc sinh, Ngạ qủy, Địa ngục 天、人、阿修羅、畜生、餓鬼、地獄).
          2. LONG CHÚNG 龍眾 : là rồng (Naga) nhưng không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn, là chúa tể các loài trong nước. Kinh Phật kể rằng một con rắn tên là Mucilinda đã  cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão.
          3. DẠ XOA 夜叉 : (Yaksha) là Qủy thần (là thần ăn được quỷ) có thể tốt có thể xấu. Rất nhiều Dạ Xoa đã được Phật chuyển hóa thành Thần Hộ Pháp. Đứng đầu có "D Xoa Bát Đại Tướng" có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh.
          4.CÀN THÁT BÀ 乾達婆 : (Gandharva) Còn gọi là "Thần Thơm", không ăn thịt, không uống rượu, chỉ ngửi mùi thơm, nên thân thể tỏa mùi thơm nồng nặc, là nhạc thần phục thị cho Đế Thích.
          5. A-TU-LA 阿修羅 : (Asura) Nam rất xấu còn nữ thì thật đẹp. Thường hay ganh tị và đánh nhau với Đế Thích và thường bị thua, rất đau khổ không được vui sướng mặc dù có thể giàu có nhưng bị tâm ganh ghét đố kị làm cho đau khổ.
          6. CA LÂU LA 迦樓羅 : (Garuda) là Chim đại bàng cánh vàng đầu có một cái bướu to gọi là Như Ý Châu, tiếng kêu bi thảm, được người Trung Hoa bản địa hóa thành Đại Bàng Kim Xí Điểu. Ca Lâu La thích ăn rồng, khi chết chất độc xông lên cháy tiêu thành tro, chỉ còn một trái tim xanh biếc
          7. KHẨN NA LA 緊那羅 : (Kinnara) là Thần Âm nhạc của Đế Thích, giống người nhưng không phải người, vì trên đầu có một cái sừng, giỏi múa hát.
          8. MA HẦU LA GIA 摩睺羅伽 : (Mahoràga) là Đại Mảng Xà Thần, là thần rắn, mình người đầu rắn. Còn có tên là Địa long (Rồng trên mặt đất).

      Nhà văn Kim Dung đã mượn tên tám loại qủy thần phi nhân sức mạnh hơn người, mang hình dáng giống người nhưng không phải là người nầy để ám chỉ từng nhân vật trong bộ truyện võ hiệp THIÊN LONG BÁT BỘ của mình như : Kiều Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự, Du Thản Chi, Mộ Dung Phục, A Tử, Vương Ngữ Yên, Tần Hồng Miên... 
          
     Ngoài ra, trong Phật giáo còn có một LONG NỮ 龍女 tiếng Phạn là Nāga-kanya, nên còn đưọc dịch là Na Gia Long Nữ 那伽龍女, là con gái thứ ba của Sa-Kiệt-La Long Vương 娑竭羅龍王, chính là cô bé cầm tịnh bình với nhành dương liễu đứng bên cạnh Quan Thế Âm Bồ Tát đó. LONG NỮ còn có tên là THIỆN NỮ LONG VƯƠNG 善女龍王. Còn phía bên kia của Quan Âm Bồ Tát là Thiện Tài Đồng Tử, là Hồng Hài Nhi con của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công Chúa đó.
     Còn theo《Liễu Nghị Truyện 柳毅傳》của Lý Triều Uy 李朝威 đời Đường thì...
     Vào những năm Nghi Phụng đời Đường, có thư sinh là Liễu Nghị đi thi lạc đệ nên trở về phương nam. Khi đi ngang qua Kinh Dương của đất Thiểm Tây, gặp một cô gái chăn dê bên bờ sông; mặt mày buồn bã cứ trông về phía Nam mà rơi lệ. Liễu Nghị bèn hỏi rõ ngọn ngành, thì ra cô ta là Long nữ, con gái thứ ba của Động Đình Long Quân, gả cho con thứ của Kinh Hà Long Vương, bị ức hiếp đủ điều, lại bị đày lên chăn dê ở bờ sông vắng vẻ lạnh lẽo nầy. Liễu Nghị mới ngạc nhiên hỏi rằng : Thần tiên cũng chăn nuôi và ăn thịt dê sao ? Long Nữ đáp : Đây kông phải là dê thật mà chỉ là hóa thân của những công cụ để làm mây làm mưa mà thôi! Cảm thông với nỗi bất hạnh của Long Nữ, Liễu Nghị quyết định chuyển hướng đi về Nhạc Dương của Động Đình Hồ để đưa tin dùm cô gái. Khi đến nơi, theo lời chỉ dẫn dùng cây kim thoa của cô gái đưa cho gỏ ba cái vào một thành giếng cạn ở Nhạc Dương làm kinh động thuỷ Dạ Xoa đi tuần theo ven hồ đến đưa Liễu Nghị đi gặp Động Đình Long Quân. Sau khi biết con gái bị bạc đãi, Long Quân rất đau lòng, còn chưa biết tính sao thì người em trai là Tiền Đường Long Quân đã nổi giận hiện thân thành một con xích long bay thẳng đến Kinh Hà giết hết toàn gia của Kinh Dương Quân, đón Long Nữ trở về sum họp với gia đình. Cảm ơn cứu giúp của Liễu Nghị, Long Nữ muốn lấy thân mình báo đáp, nhưng với lòng chính trực và thiện lương của kẻ sĩ "Người quân tử vì nghĩa chớ không vì lợi" Liễu Nghị đã từ chối, rồi từ biệt Long nữ để về nhà. Long Nữ càng tỏ ra kính trọng nhân cách của Liễu Ngh hơn, nên mới âm thầm theo Liễu Nghị về tận nhà. Nào ngờ mấy mươi ngày ở long cung thì trên đời đã qua mấy chục năm rồi. Không còn ai nhận biết Liễu Nghị là ai nữa, may mà có Long nữ theo sau lại rước chàng về lại long cung để cùng chung sống những ngày hạnh phúc bên nhau.
    Còn trong truyện Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung thì Tiểu Long Nữ là đồ tôn của Lâm Triều Anh nữ sĩ và là sư phụ của Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá. Hai thầy trò nầy đã bức phá khỏi vòng lễ giáo lúc bấy giờ mà yêu nhau và kết hợp làm chồng vợ với nhau.

      Trong đời sống dân gian ngày xưa thì RỒNG là đấng chí tôn, là thiên tử, là con của trời, là ông vua cao cao tại thượng, như trong Cung Oán Ngâm khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã cho nàng cung phi nói về Vua như sau :

                 Mày ngài lẫn MẶT RỒNG lồ lộ,
               Sắp song song đôi lứa nhân duyên.

      Mặt Rồng là mặt của nhà vua, nói theo chữ Nho là LONG NHAN 龍顏. Tất cả những thứ gì của vua, chung quanh vua đều phải gán thêm chữ LONG vào. Như Thân thể của vua là LONG THỂ 龍體. Áo của vua mặc là LONG BÀO 龍袍. Giường của vua ngủ là LONG SÀNG 龍床. Xe của vua đi là LONG XA 龍車... Nhớ hồi nhỏ hay nghe bà con lối xóm nói chơi khi ai đó ban đêm cứ nằm trăn trở hoài không ngủ được là "Long Thể bất an, vì Long Sàng có rp !" Rệp cắn quá nên không thể  ngủ được ! Lại nhớ...
      Có một bận trong một "tua" du lịch đi thăm cố đô Huế, có anh hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi có tính hài hước. Khi nhắc đến chữ LONG dùng cho nhà vua anh ta đã thao thao bất tuyệt kể tiếp : Nào là ngựa của vua cởi là LONG CÂU 龍駒, nhãn của vua ăn là LONG NHÃN 龍眼, đồng hồ của vua đeo là "LONG-GHIN" (Longines)... làm cho mọi người trên xe đều cười ồ. Rồi anh ta ra câu đố cho mọi người đoán xem là : Khi nhà vua cưới vợ ngoại quốc sanh ra đứa con... thì đứa con đó gọi là LONG gì ? Mọi người trên xe đều ngưng cười, trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng có tiếng của một cô gái trẻ cất lên : LONG gì thì tui hổng biết, nhưng rõ ràng đó là đồ "LAI GIỐNG" mà ! Sau phút ngẩn ngơ, mọi người chợt hiểu ra vì cái giọng Nam kỳ Lục Tỉnh "LAI GIỐNG" hay "LAI DÓNG" gì cũng thế !
      Trở lại với con Rồng ở dưới nước là Long Vương, là vua của sông dài biển rộng, mặc sức vẫy vùng, những loài thủy tộc khác trông thấy đều phải sợ oai mà tránh xa ra cả. Nhưng khi lội vào vùng nước cạn, xoay sở khó khăn thì lũ tôm xú tép riu cũng lờn mặt mà dễ ngươi, như ông bà ta thường nói :

               龍游淺水遭蝦戲;  Long du thiển thủy tao hà hí,
               虎落平原被犬欺。  Hổ lạc bình nguyên bị khuyển khi.
Có nghĩa :
          - Rồng bơi nơi nước cạn thì tôm tép cũng giởn mặt. Còn...
          - Cọp mà xuống đồng bằng thì lũ chó cũng dễ ngươi.
            
      Cũng như cụ Nguyễn Du đã viết về Từ Hải trong Truyện Kiều khi sa cơ thất thế là :

                  Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn !

      RỒNG là con linh vật cao qúy mà các con vật khác đều muốn hóa thân thành Rồng. Như cá chép hóa rồng trong thành ngữ "Lý Diệu Long Môn 鯉躍龍門". Cá Chép chữ Nho là Lý Ngư 鯉魚. Diệu 躍 là Nhảy; nên Lý Diệu Long Môn là "Cá chép nhảy qua Long Môn" thì sẽ hóa thành rồng. Theo sách《Thái Bình Quảng Ký 太平廣記》Quyển 466 Long Môn 卷四六六“龍門” có ghi :
      Khi vua Vũ trị thủy, mở đường dẫn nước sông Hoàng Hà ra biển, thế nước rất lớn, nhưng đến Mạnh Tân của Lạc Dương thì chậm lại. Cá chép nơi đây lội ngược dòng nước lên đến Y Khuyết Long Môn của Lạc Dương; Nơi đây ba đào chuyển động sóng dậy ngất trời. Đàn cá chép đều hăng hái cố gắng nhảy lên để vượt qua. Con nào vượt qua được thì hóa thành rồng, con nào không vượt qua được té trở lại đầu đập vào đá nên còn để lại một vệt đen trên trán (chi tiết nầy giải thích cho vệt đen trên đầu các con cá chép mà ta thường thấy). 
        Thi Tiên Lý Bạch đời Đường trong ba bài thơ ngũ ngôn c phong《Tặng Thôi Thị Ngự 贈崔侍御》có các câu như sau :

               黃河三尺鯉,   Hoàng Hà tam xích lý,
               本在孟津居,   Bổn tại Mạnh Tân cư.
               點額不成龍,   Điểm ngạch bất thành long,
               歸來伴凡魚。   Quy lai bạn phàm ngư.
Có nghĩa :
         Con cá chép mình dài ba thước (khoảng 9 tấc Tây) của sông Hoàng Hà, vốn là ở nơi bến Mạnh Tân. Vì muốn thành rồng mà không được nên để lại một vết trên trán. trở về làm bạn với các bạn cá phàm tục khác. 

               Hoàng Hà ba thước lý ngư,
               Mạnh Tân là chốn cu cư bao ngày.
               Hóa rồng vỡ mộng về đây,
               Như bao cá khác bạn bầy cùng nhau.
          

      "Cá Chép Hóa Rồng" còn dùng để chỉ những người quan trường đắc ý, tuổi trẻ tài cao, một bước lên mây như các thư sinh ngày xưa thi đậu Trạng Nguyên, Tiến Sĩ vậy... Đó là các sĩ tử ngày xưa, ai cũng muốm hóa Rồng, không đa tình đáng yêu như cô gái Nam bộ hát trên sông nước...

                                Khá khen con cá hóa long,
                      Hóa Long không hóa, hóa lòng thương anh !

                          ...qủa là tình nghĩa thắm thiết biết bao nhiêu ! 

      Không phải chỉ riêng cá chép muốn hóa rồng, mà các bậc cha mẹ ngày xưa lẫn ngày nay đều cũng muốn cho con mình lột xác để hóa rồng, nên ta lại có thành ngữ "VỌNG TỬ THÀNH LONG 望子成龍". Có nghĩa : Mong mõi cho con được thành rồng. Không phải thành con rồng thật, mà là muốn cho con cái của mình có được những thành công vượt bực hơn người thường như : Thi đậu làm quan lớn hay phát tích làm giàu to như Vương Khải Thạch Sùng ngày xưa, như Bill Gates, Elon Musk... cuả ngày nay. Song song với thành ngữ "VỌNG TỬ THÀNH LONG 望子成龍"là "VỌNG NỮ THÀNH PHỤNG 望女成鳳". Con trai thì thành Rồng, còn con gái thì thành Phượng. Phượng của ngày xưa là có chồng làm quan lớn hay được tuyển làm phi tần của nhà vua; còn Phượng của ngày nay là các bà các cô có thành tích trên chính trường không thua nam giới như : Bà cựu Thủ Tướng của nước Đức Angela Merkel, cựu ngoại trưởng của Hoa Kỳ bà Hillary Rodham Clinton... hay có được một tấm chồng giàu sang phú quý...
                 
                       Vọng tử thành long                             Vọng nữ thành phụng
         
      LONG là RỒNG tượng trưng cho Vua, PHỤNG là PHƯỢNG tượng trưng cho Hoàng hậu; nên LONG PHỤNG dùng rộng ra thường để chỉ giới qúy tộc cao sang quyền qúy và phổ cập hơn nữa là dùng để chỉ những người có tướng mạo đoan trang uy nghi qúy phái hay những người có tài năng xuất chúng vưt trội hơn những người khác... đều được gọi là "NHÂN TRUNG LONG PHỤNG 人中龍鳳" có nghĩa là "Rồng Phượng trong đám người tầm thường". Tương tự như con người, chữ viết đẹp, những nét thư pháp bay bướm còn được ví như là LONG PHI PHỤNG VŨ 龍飛鳳舞, tức như là RỒNG BAY PHƯỢNG MÚA vậy ! Trong dân gian để tôn vinh cái thời gian đẹp nhất của con người khi kết hôn, cô dâu chú rể được ví như là Long là Phượng với hình ảnh của Rồng và Phượng xoay tròn quấn quít lấy nhau trong 4 chữ LONG PHỤNG TRÌNH TƯỜNG 龍鳳呈祥, có nghĩa Hình ảnh rồng phượng mang đến điềm lành cho cô dâu chú rể. Bánh cưới có hình rồng phượng gọi là LONG PHỤNG BỈNH 龍鳳餅. Sẵn lạm bàn thêm về 4 chữ LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴, có nghĩa : Chim LOAN và chim PHƯỢNG cùng hòa chung tiếng hót với nhau.
              
      LOAN PHỤNG 鸞鳳 : là chim Loan và chim Phượng Hoàng. LOAN 鸞 cũng là một loại chim thuộc hàng qúy tộc, tuy không bằng được PHỤNG HOÀNG 鳳凰 là chúa tể của các loài chim mà trăm loại chim khác phải bay đến để chầu chim Phụng Hoàng với thành ngữ BÁCH ĐIỂU TRIỀU PHỤNG 百鳥朝鳳. Còn thành ngữ LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴 là chỉ hai loài chim qúy tộc cùng kết thân với nhau và cùng nhau cất tiếng hót như sự hòa hợp vui vẻ giữa vợ chồng với nhau. Nên thành ngữ Loan Phụng Hòa Minh thường dùng để chúc cho đôi tân hôn trong đám cưới là như thế đó.
     Riêng loài Phụng Hoàng 鳳凰 thì Phụng là con trống và Hoàng là con mái. Như thành ngữ PHỤNG CẦU KỲ HOÀNG 鳳求其凰 là : Con chim trống PHỤNG cầu thân với con chim mái HOÀNG của nó. Đây cũng là tên của bản đàn nổi tiếng mà Tư Mã Tương Như đã đàn để quyến rủ người đẹp Trác Văn Quân. Như trong "Bích Câu kỳ ngộ" có câu:

                    Cầu Hoàng tay lựa nên vần,
               Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.

      Nhưng khi đi với LONG là RỒNG thì PHỤNG là PHƯỢNG lại trở thành con chim mái, như PHỤNG QUAN 鳳冠 là cái Vương Miện có hình chim Phượng hoàng của Hoàng Hậu đội trên đầu. PHỤNG LIỄN LOAN NGHI 鳳輦鸞儀 : là nghi thức đón vương phi hay hoàng hậu, là hai cái càng kiệu (đòn kiệu) chạm hình chim Phượng, xung quanh vây màn thêu chim Loan ; hoặc trên kiệu có tạc hình của con chim Loan ngậm màn trướng. Như khi Từ Hải đã xưng vương rồi cho 10 vị tướng quân đi đón Thúy Kiều với đầy đủ :   

                    Sẵn sàng PHƯỢNG LIỄN LOAN NGHI,
                     Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng.
      Vì RỒNG là biểu tượng của vua chúa, là tượng trưng cho giới qúy tộc, là hiện thân của những người tài giỏi... Nên ai cũng thích rồng, hoặc tỏ ra ta đây rất thích rồng, như câu truyện ngụ ngôn DIỆP CÔNG HIẾU LONG 葉公好龍, có nghĩa : "Ông họ Diệp thích Rồng" sau đây :
      Theo sách "Thái Bình Ngự Lãm quyển 389 太平御覽.卷三八九", phần《Trang Tử 莊子》Dật Văn 逸文 kể : Học trò của Khổng Tử là Tử Trương, tư chất thông minh, siêng năng cần học, biết phép đối xử với người chung quanh nên kết giao rộng rãi. Ông ta muốn tiến thân trên đường hoạn lộ, nghe tiếng Lỗ Ai Công chiêu hiền đãi sĩ, bèn tìm đến mong được trọng dụng. Nhưng ngày tháng cứ dần dà mãi mà chẳng thấy Lỗ Ai Công hỏi han gì đến cả. Ông ta bỏ đi và nhờ người kể lại câu chuyện sau đây với Lỗ Ai Công :"Thẩm Chư Lương 沈諸梁 người nước Sở, là Huyện doãn của Diệp huyện, nên mọi người đều gọi ông ta là Diệp Công 葉公. Diệp Công rất thích rồng, nên trong nhà ngoài ngõ đâu đâu cũng có hình dáng của con rồng, không phải khắc nên thì là vẽ nên. Ngay cả màn trướng gối nằm đều có thêu hình rồng. Một con rồng ở trên trời biết được nên rất cảm động, muốn cho ông ta biết được rồng thật là như thế nào, nên mới thừa dịp một đêm mưa gió hiện xuống nhà của Diệp Công. Thấy trời đổ mưa Diệp Công ra đóng cửa trước, bất ngờ thấy một cái đầu rồng to tướng hiện ra trước mắt, nhe nanh múa vuốt, ông ta hoảng hốt bỏ chạy vào nhà thì thấy nguyên một cái đuôi rồng to lớn từ phía sau nhà vươn tới, sợ qúa ông ta bèn ngất ngay tại chỗ. Con rồng rất ngạc nhiên, cứ ngỡ ông ta sẽ rất vui mừng khi thấy được rồng thật. Nào ngờ ông ta lại chết điếng như thế nầy. Thì ra Diệp Công chỉ thích những cái biểu tượng như rồng chứ không phải thật sự thích con rồng thật". Tử Trương kể câu chuyện nầy để châm biếm Lỗ Ai Công chỉ thích hư danh, muốn được tiếng là chiêu hiền đãi sĩ, chứ thật ra chẳng biết xem trọng kẻ sĩ gì cả. Gặp người hiền tài tìm đến mà cứ dửng dưng như không. Sau...
     Thành ngữ DIỆP CÔNG HIẾU LONG 葉公好龍 được dùng rộng ra để chỉ những người chỉ biết chạy theo xu hướng của thời đại. Người ta thích thì mình thích, người ta có thì mình cũng phải có theo, mà không biết có để làm gì. Làm ra bộ như ưa thích đến chừng gặp phải thực tế thì chẳng những không thích mà còn sợ hãi nữa là đằng khác. Âu cũng là chuyện thường tình của thói đời mà thôi !
         
                     Diệp Công hiếu Long

        Rồng hiện xuống thì gọi là GIÁNG LONG 降龍 hay LONG GIÁNG 龍降 như "chú tiểu Lan chỉ tay nói với anh chàng Ngọc" trong quyển tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên, tác phẩm đầu tay của nhà văn Khái Hưng, mà cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn  là : "Thưa ông, chùa Long Giáng kia rồi !". Lưng chừng một trái đồi cao, mái ngói mốc rêu chen lẫn trong đám cây rậm rịt, bốn góc gác chuông vượt lên trên từng lá xanh um... Sự tích Chùa LONG GIÁNG ở Bắc Ninh theo lời kể của chú tiểu Lan như sau : 

        Thái Tổ nhà Lý, khi còn hàn vi, nhờ đạo Phật rất nhiều nên lúc Ngài lên ngôi rồi, Ngài dốc lòng chăm chỉ sửa sang các chùa chiền. Đến đức Nhân Tôn vì bận việc chinh phục Chiêm Thành và chống chọi với nước Tàu nên trễ nãi đạo Phật.
        Ngọc Hoàng Thượng đế muốn giúp nhà vua tỉnh ngộ, liền cho một nàng tiên nga giáng thế đầu thai, tức là Văn Khôi công chúa. Công chúa nhan sắc diễm lệ một thời, nhưng khi lớn lên, chỉ ngày đêm học đạo tu hành. Sau vì nhà vua cố ý kén phò mã, công chúa liền đương đêm lẻn bước trốn đi, nhờ có các thần tiên đưa đường tới nơi này xin thụ pháp với đức Cao Huyền hòa thượng.
       Về sau có thám tử báo tin, đức vua mấy phen cho quan quân đến chùa đón công chúa về triều. Công chúa nhất định không nghe. Nhà vua nổi giận, truyền quan quân phóng hỏa đốt chùa. Ngọn lửa vừa nhóm, bổng một con rồng vàng hiện lên phun nước tắt ngay. Vì thế chùa này mới lấy tên là chùa Long Giáng từ thuở ấy...

      "Hồn Bướm Mơ Tiên" với mái chùa Long Giáng dưới ngòi bút của nhà văn Khái Hưng đã để lại một câu chuyện tình vừa đẹp vừa nên thơ vừa lãng mạn của bối cảnh lịch sử và phong trào văn học mới lúc bấy giờ.
                 
       Chữ 降 nếu đọc là GIÁNG thì có nghĩa là Sa xuống, Hiện xuống. Như Tiên GIÁNG trần, như chùa Long GIÁNG đã nói ở trên. Còn nếu đọc là 降 HÀNG thì có nghĩa là Đầu HÀNG, là HÀNG phục. Như "HÀNG LONG THẬP BÁT CHƯỞNG 降龍十八掌" trong các truyện võ hiệp của Kim Dung vậy. Đây là bộ chưởng pháp mạnh mẽ thuộc loại dương cương "MƯỜI TÁM CHƯỞNG CÓ THỂ HÀNG PHỤC RỒNG"; Uy lực của loại chưởng pháp nầy ta có thể thấy qua trong điện ảnh hay đọc qua các truyện với Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ, Hồng Thất Công và  Quách Tĩnh trong Anh Hùng Xa Điêu và trong Thần Điêu Hiệp Lữ. Đây là pho chưởng pháp trấn bang của Cái Bang. 
     Có rất nhiều người thắc mắc là không biết hết được tên của 18 chưởng pháp nầy. Xin được trình bày rất vắn tắt theo tài liệu tìm thấy trên mạng như sau :

1. Kháng Long Hữu Hối 亢龍有悔 :
      Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Thượng Cửu. Tư thế của Quách Tĩnh khi học chiêu thức nầy là chân trái hơi chùn xuống, cánh tay phải cong vào, cổ tay xoay một vòng tròn đánh ra một chưởng,"vù" một tiếng, nhánh cây tùng phía trước mặt kêu răng rắc rồi gãy rơi xuống đất.
     Nhờ có chiêu này, Quách Tĩnh đã khiến cho Sâm Tiên Lão Quái Lương Tử Ông, một cao thủ hắc đạo đã phải sất bất sang bang mấy bận, mà không làm gì được Quách Tĩnh cả, mặc dù chàng ta chỉ mới học được có một chiêu duy nhất nầy mà thôi !
 
2. Phi Long Tại Thiên 飛龍在天: 
       Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Cửu Ngũ. Chiêu nầy phải phi thân lên trên không, rồi từ trên đánh xuống, uy lực vô biên. Quách Tĩnh phải mất ba ngày mới học xong chiêu thức nầy.

3. Kiến Long Tại Điền 見龍在田 : 
         Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Cửu nhị. Khi ông Ngư áp sát Hoàng Dung; Quách Tĩnh đã vận kình vào chưởng trái, chưởng phải đưa thẳng ra theo thế Kiến Long Tại Điền để phòng hờ Ngư ông tấn công.

4. Hồng Tiệm Ư Lục 鴻漸於陸 : 
        Thuộc quẻ Tiệm trong kinh Dịch; Tượng Cửu Tam. Khi gặp Mai Siêu Phong, Quách Tĩnh vội vàng đánh ra hai chưởng "Hồng Tiệm Ư Lục" và "Lợi Thiệp Đại Xuyên 利涉大川" bức Mai Siêu Phong lùi lại xa xa để cho Hoàng Dung phi thân lên rường mà chạy...

5. Tiềm Long Vật Dụng 潛龍勿用 : 
        Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Sơ Cửu. Quách Tĩnh kêu lên :"Không xong rồi!" tay trái đã bị Mai Siêu Phong nắm lấy tê rần, nên vội vàng co tay phải lại, hai ngón trỏ và ngón giữa đưa lên, nửa quyền nửa chưởng đánh vào trước ngực của bà ta, đó chỉ là nửa chiêu của "Tiềm Long Vật Dụng".

6. Lợi Thiệp Đại Xuyên 利涉大川 : 
         Thuộc quẻ Di trong kinh Dịch, Tượng Thượng Cửu. Đã dẫn giải về chiêu thức ở trên.

7. Đột Như Kỳ Lai 突如其來 : 
        Thuộc quẻ Ly trong kinh Dịch; Tượng Cửu Tứ. Quách Tĩnh nghe tiếng của nàng kêu lên, tinh thần phấn chấn, tay trái đánh một chưởng, do chính là "Đột Như Kỳ Lai".

8. Chấn Kinh Bách Lý 震驚百里 :
         Thuộc quẻ Chấn trong kinh Dịch; Chấn là Hanh. Âu Dương Phong đánh bồi thêm chưởng thứ hai, chưởng thứ nhất kình phong chưa dứt, thì chưởng thứ hai đã ập tới. Quách Tĩnh bèn vội vàng đưa cả hai tay lên đẩy mạnh về phía trước, đó là chiêu Chấn Kinh Bách Lý có uy lực rất mạnh mẽ trong Hàng Long Thập Bát Chưởng

9. Hoặc Diệu Tại Uyên 或躍在淵 : 
         Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch, Tượng Cửu Tứ. Quánh Tĩnh đánh ra chưởng thứ hai là Hoặc Diệu Tại Uyên. Tay trái đánh ra trước, tay phải lòn dưới tay trái đánh ra sau, chưởng lực đánh thẳng vào bụng của đối phương.

10. Song Long Thủ Thủy 雙龍取水 : 
          Chiêu thức nầy có nguồn gốc từ kinh Phật, còn đợi tra cứu.

11. Ngư Diệu Ư Uyên 魚躍於淵 : 
          Chiêu thức nầy cũng có nguồn gốc từ kinh Phật.

12. Thời Thừa Lục Long 時乘六龍 :
         Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch, thuộc Càn Nguyên... Thế trượng rất mạnh bay về phía Giản Trưởng Lão, Quách Tĩnh nhảy lên phía trước đứng chặn ở giữa, xuất chưởng Thời Thừa Lục Long đánh về phía trượng đang phóng tới rất mạnh. Trượng bị nghiêng về một phía, Quách Tĩnh vội vàng đưa tay trái đón lấy.

13. Mật Vân Bất Vũ 密雲不雨 : 
         Thuộc quẻ Tiểu Súc trong kinh Dịch, Tiểu quá Lục Ngũ. Quách Tĩnh xuấy chiêu Mật Vân Bất Vũ, hai chưởng thay nhau đánh về phía trước đầu của Cừu Thiên Nhận, cánh tay trái gạt đi cây sào phía trước mặt, thân mình tiếp tục hạ xuống trước mũi thuyền địch.

14. Tổn Tắc Hữu Phu 損則有孚 : 
        Thuộc quẻ Tổn trong kinh Dịch, Ngươn Kiết. Quách Tĩnh thừa cơ đứng vững trên mũi thuyền, xuất thêm một chiêu rất ít khi sử dụng trong Hàng Long Thập Bát Chưởng, đó là chiêu "Tổn Tắc Hữu Phu".

15. Long Chiến Ư Dã 龍戰於野 :
         Thuộc quẻ Khôn trong kinh Dịch, Thượng Lục... Nào ngờ chiêu Long Chiến Ư Dã rất ư áo diệu, có thể thực có thể hư; thấy Cừu Thiên Nhận chận ngay vai trái của mình, Quách Tĩnh bèn đưa chưởng phải lên đánh "bùng" một tiếng, đánh ngay vai phải và ngực làm cho Cừu Thiên Nhận bay luôn ra cửa.

16. Lý Sương Băng Chí 履霜冰至 : 
         Thuộc quẻ Khôn trong kinh Dịch, Sơ Lục. Quách Tĩnh vội hít sâu vào, hai khủy tay hơi nâng cao, hữu quyền tả chưởng, một đánh thẳng một xô ngang, một nhanh một chậm cùng đánh ra một lúc, đó là chiêu Lý Sương Băng Chí.

17. Đê Dương Xúc Phiên 羝羊觸蕃 :
          Thuộc quẻ Đại Tráng trong kinh Dịch, Cửu Tam. Quách Tĩnh tránh qua hai mũi Thấu Cốt Đinh của Lương Tử Ông, hai tay vừa kiếm vừa chưởng, ra chiêu Đê Dương Xúc Phiên phóng thẳng vào mình Lương Tử Ông.

18. Thần Long Bãi Vỹ 神龍擺尾 :
        Thuộc quẻ Lý trong kinh Dịch.... Lê Sanh nghe phía sau có hơi gió và vạt áo cũng lay động, trong một thoáng bèn đưa ngược tay ra phía sau quét ngang một chưởng đúng là chiêu Thần Long Bãi Vỹ.        
        Đó là 18 chưởng được tìm thấy trên mạng google của bộ "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện".
       
       Các thành ngữ có chữ LONG mà ta thường gặp có :

      * TÀNG LONG NGỌA HỔ 藏龍臥虎 : hay NGỌA HỔ TÀNG LONG, là Rồng ẩn Cọp nằm. Nơi mà rồng cọp ẩn mình. Thường dùng để chỉ nơi các cao nhân, anh hùng hào kiệt ẩn náo; cũng dùng để chỉ hang ổ của các tay anh chị, sào huyệt của các băng đảng xã hội đen.
      * LONG NGÂM HỔ KHIẾU 龍吟虎嘯 : là Rồng gầm Cọp rống. Thường dùng để chỉ cái tiếng tăm thanh thế của những người có quyền thế, của hai kẻ giang hồ, hai tay anh chị đang gầm gừ với nhau.
      * LONG TRANH HỔ ĐẤU 龍爭虎鬥 : là Rồng và Cọp tranh đấu với nhau. Thường dùng để chỉ hai đối thủ, hai thế lực ngang tài ngang sức tranh đấu với nhau một cách quyết liệt, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào !  
      * HÀNG LONG PHỤC HỔ 降龍服虎 : là Hàng phục cả rồng lẫn cọp, chỉ người có khả năng siêu việt, có thể làm nên những chuyện phi thường mà người khác không thể làm được.
      * LONG BÀN HỔ CỨ 龍蟠虎踞 : là Rồng cuộn khúc, Cọp ngồi chồm. Chỉ thế đất hùng vĩ hiểm trở. Theo sách《Ngô Lục 吳錄》của Trương Bột 張勃 đời Tấn ghi chép : Cuối đời Đông Hán, Lưu Bị phái Gia Cát Lượng đến Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay) để liên kết với Đông Ngô cùng chống quân Tào Tháo. Gia Cát Lượng đến Kim Lăng thấy phía đông có dãy Chung Sơn hùng vĩ như rồng uốn khúc, phía tây có Thạch Đầu Thành như con cọp đang ngồi chồm thủ thế, địa thế vô cùng hiểm trở và hùng vĩ, bèn khen rằng :"Chung Sơn LONG BÀN, Thạch Đầu HỔ CỨ, thử đế vương chi trạch 鍾山龍盤,石頭虎踞,此帝王之宅". Có nghĩa : "Núi Chung Sơn như long bàn, thành Thạch Đầu tựa hổ cứ. Đây quả là chốn cư ngụ của bậc đế vương !". 
     * LONG MÃ TINH THẦN 龍馬精神 : Đây là câu thiệu mà ta thường thấy các chủ nhân ông sau khi ăn Tết xong mở cửa khai trương lại thường dán trong tiệm hay trong công xưởng, vì các ông chủ sợ nhân viên sau khi ăn Tết rồi thì uể oải vì còn nhớ cái không khí vui vẻ của ngày Tết mà làm việc một cách lôi thôi. Nên dán 4 chữ LONG MÃ TINH THẦN là muốn cho mọi người phấn chấn tinh thần lên xông xáo như rồng bay ngựa chạy vậy.

     Thành ngữ về LONG về RỒNG còn rất nhiều, kể không xiết kể... Vì RỒNG là linh vật có thể thông thiên triệt địa, lên trời xuống đất, nên mọi người đều mơ ước, thấy người sang nên muốn bắt quàng làm họ. Người Hoa thì thường tự hào là LONG ĐÍCH TRUYỀN NHÂN 龍的傳人, có nghĩa là truyền nhân của RỒNG, là con cháu hậu duệ của RỒNG. Còn người Việt Nam chúng ta thì cũng thường tự hào rằng mình thuộc dòng giống CON RỒNG CHÁU TIÊN là con cháu của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ.
             
     Mong rằng trong năm GIÁP THÌN 2024 nầy, mọi người đều cố gắng phát huy cái truyền thống RỒNG của mình để cho mọi gia đình đều được AN KHANG THỊNH VƯỢNG, VUI VẺ HẠNH PHÚC và suốt năm cứ bay lượn như RỒNG trên mây vậy.
     Mong lắm thay !

                                                                                杜紹德
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức
 Xem Thêm :
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét