Mỗi người Việt Nam mình là một nhà thơ! Nhưng không phải chỉ mấy anh mới biết làm thơ thôi đâu nhe. Mấy em cũng biết làm thơ và làm thơ rất tới!
“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No.
Anh có thương em thì mua một chiếc đò.
Ðể em đi lại mua cò gởi thơ”
Câu ca dao nầy là của mấy em Xứ Cần Thơ đó thôi!
Ðêm cuối năm sầu lưu lạc! Nhớ quê nhà quá đỗi, tui bèn tẩn mẩn đem câu hát ru nầy ra chẻ nhỏ gặm chơi. Tui săm soi từng chữ coi có bớt được chút nào nỗi buồn xa xứ hay không?
Trường Ðại học Văn Khoa, môn ‘Ca dao Giảng luận’ thầy tui, ngày cũ, cho rằng: Thơ truyền khẩu của ông bà mình là Ca dao, (từ Hán Việt). Ca có chương khúc, có vần, có điệu để hát và tấu (đàn hòa theo). Dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.
Nhưng tui hổng có chịu cách cắt nghĩa tréo ngoe như vậy! Vì tui cho đây là lời hát ru của ông bà mình vốn làm ruộng nên đâu có hưỡn mà học chữ Hán, chữ Tàu; thì làm gì có cái chuyện viết theo thể phú, thể tỉ, thể hứng gì ráo của mấy ông Tàu.
Lời hát ru đa phần là buồn quá mạng, tất phải có vần có điệu cho nó mùi, cho nó dễ nhớ, dễ thuộc. Câu lúc dài, lúc ngắn. Gieo vần có lúc ở giữa (yêu vận) có lúc ở cuối câu (cước vận); rồi vần với chữ tiếp theo sau là liên vận lên trầm, xuống bổng tuỳ theo cái tình cảm bồi hồi lai láng lúc khoan lúc nhặt, lúc thưa lúc dày, lúc chậm lúc mau.
Nhưng tui hổng dám cãi; vì sợ thầy ‘quạu’ đeo cho bài thi của tui hai cái hột vịt!
1. Cái Răng.
‘Chợ Cái Răng xứ hào hoa.
Phố lầu hai dãy xinh đà quá xinh.
Có trường hát cất rộng thinh.
Ðể khi hứng cảnh thích tình xướng ca!”
Cái Răng là cái Cà ràng. Người Thổ (Khmer) ở miệt Xà Tón (Tri Tôn, Châu Ðốc) nơi có đất sét tốt, làm cà ràng, nồi, ơ, trách, chất đầy một ghe, chở xuống vùng đất nầy bỏ sỉ cho vựa nó bán.
Năm dài chày tháng, cái vùng đất chuyên bán mấy cái ‘cà ràng’ nầy được gọi là Chợ Cái Răng.
Cà ràng hình số 8. Một đầu vách lú lên cao, chắn gió, để lửa không tạt ra ngoài để cơm mau chín, canh mau sôi. Tới cái eo thắt lại đủ chỗ đút vô vài ba cây củi. Xong lại phình ra chang bang, đối xứng với cái đầu trên. Trước khi lấy lá dừa khô nhúm lửa, mình cào tro còn sót lại ở trên đầu cà ràng xuống; không cho tro rớt ra ngoài.
Nhớ hồi Má tui đi coi vợ cho tui, vô nhà người ta mà Má cứ xăm xăm xuống bếp làm như ở nhà mình vậy.
Tui hỏi: “Chi vậy Má?”
“Thì tao coi cái bếp có sạch hông mới cưới nó cho mầy. Chớ cái bếp mà bung thùa cắt cái, mầy cưới về thì con vợ mầy chỉ biết nấu nước sôi”.
Má tui thiệt là bà già trầu mà. Nếu em yêu hổng biết nấu cơm canh gì ráo thì tui đi ăn tiệm còn ngon hơn nữa, có sao đâu nè?
2. Ba Láng.
Láng là vùng đất thấp. Mùa khô láng đầy bùn nhão nhẹt khó đi. Mùa nước nổi, láng nước tràn linh láng; xuồng ghe phải vẹt bèo mà đi. Dân cư thưa thớt; chỉ muỗi, đỉa, vắt thì nhiều. Một Láng đã khổ như vậy thì Ba Láng ắt phải khổ gấp ba.
3. Vàm Xáng.
Còn cái Vàm Xáng là ngã ba sông, nơi thằng Tây nó đem xáng vào để đào kinh.
Một là dẫn nước ngọt từ sông Hậu vô để rửa phèn cho dân làm ruộng, lập vườn. Hai là đem phù sa sông Hậu bồi đắp cho những vùng đất trũng. Ba là tiện bề đi lại bằng đường thủy. Bốn là chợ búa sẽ mọc lên, buôn bán ì xèo, kinh tế phát triển.
Kinh Xáng mới đào,
Tàu Tây mới chạy.
Thương thì thương đại,
Bớ điệu chung tình!
Con nhạn bay cao khó bắn,
Con cá lội dưới ao quỳnh khó câu!’
Xáng chạy bằng hơi nước thoát ra từ nồi ‘súp de’, chụm bằng củi tràm, củi đước sắp sẵn dọc trên bờ nơi xáng đào sắp tới.
Xáng là con quái vật khổng lồ, máy nổ ầm ầm vang xa năm ba cây số. Xáng mạnh tới 350 mã lực với gàu bằng sắt, múc sâu tới 9 thước, được 375 lít, thổi bùn ra xa đến 60 mét.
Mấy thằng Tây làm cai, đứng cao trên xáng, hò hét chỉ huy đám ‘cu li’ người Việt. Trong số ‘cu li’ đó cũng có nhà thơ đã đặt ra câu hát ru truyền khẩu buồn nẫu ruột gan là:
“Ðèn treo dưới Xáng tỏ rạng bờ kinh.
Em có thương anh thì nói cho thiệt tình.
Ðừng để anh lên xuống một mình bơ vơ”
4. Xà No
Vùng đất tên Xà No (Srok Snor) vì có nhiều cây điên điển. Ðất rộng người thưa, hoang vu chưa có chủ, nên hai thằng Tây Duval và Guéry xin chánh quyền thực dân Pháp cho đào con kinh Xà No. (Kinh chớ không phải kênh nhe bà con)
Toàn quyền Lanessan (1891 - 1894) cho đấu thầu ở Paris năm 1893. Con kinh mới cắm “bông tiêu”, xáng chưa nổ máy… chưa đào mà Toàn quyền Paul Doumer (1897 1902) đã ký nghị định số 338 ngày 14, tháng Hai, năm 1901 cho không hai thằng Tây Duval và Guéry 2,500 mẫu đất tốt hạng nhất (tọa lạc tại làng Nhơn Nghĩa, tổng Ðịnh Bảo, tỉnh Cần Thơ)
Năm 1901 bắt đầu đào kinh Xà No tới tháng 7, năm 1903 là xong. Quân nhạc từ Sài Gòn xuống thổi kèn đồng tò le, tí le. Cả bọn gồm Toàn quyền Paul Beau (1902- 1918), đám quan chức địa phương, thân hào nhân sĩ có máu mặt xúm nhau ăn nhậu, khui sâm banh lốp bốp; lại có cả nhảy đầm.
Ðiền Tây mướn bọn cựu lính Pháp có súng ống hẳn hòi làm cai điền. Tá điền nào bê trễ việc đong lúa ruộng, hoặc lén lút bắt trộm cá, tôm; ít thì bị bạt tai, đá đít. Nhiều thì giải lên Nhà việc đóng trăn rồi ra hầu Tòa.
Những người nông dân đó đã đổ mồ hôi sôi nước mắt mà vẫn bị mạt hạng cùng đinh có câu hát ru buồn rười rượi:
“Phải chi tôi ở nhà gạch nhà lầu?
Mỗi năm xâu thuế hai đầu cũng cam.
Phải chi tôi làm chú lái, ông bang?
Mỗi đêm ra dỏ canh làng cũng ưng!
Tôi nghèo cháy nóp chai lưng…
Úy trời đất ơi! Sao không để tôi đi làm thuê làm mướn?
Ðặng sống cầm chừng với vợ con!”
Rồi những người Việt theo bợ đít Tây như Tổng đốc Phương được 2,223 mẫu, thuộc các làng Hỏa Lựu, Hòa Hưng, Vĩnh Hòa Hưng.
Còn bọn hương chức hội tề chạy chọt, đút lót cho Tây thì giành đất mặt tiền, “đất mứt”, (sát bờ kinh) lấn bà con dân ngu khu đen vào tuốt bưng biền.
Xưa giờ nơi nào có hơi tiền là có Chú Ba tới hè. Nhiều nhà máy xay lúa, chành lúa mọc lên. Ghe chài từ Chợ Lớn kéo xuống ăn lúa, đậu đầy nghẹt cả một khúc sông. Chợ được chánh quyền sở tại cất lên để thâu huê chi, buôn bán ì xèo.
Lỡ một cục đất chọi chim cũng không có… thì đành:
“Ngồi trên mui ghe chài lớn.
Cầm lái về kinh xáng Thới Lai.
Nhìn thấy khói đốt đồng mù mịt lên khơi.
Bây giờ anh mới biết chán đời đi ghe”.
Mà sao ông anh chán đời đi ghe đến vậy? Chẳng qua là trên ghe rày đây mai đó. Nếu có vợ rồi cũng đâu được đem theo, trừ con vợ của thằng chủ ghe chài cho theo để nấu ăn cho cả bọn.
Nếu còn cu ki, chưa có em nào, là thôi rồi Lượm ơi! Ðành:
“U Minh, Rạch Giá thị (thiệt) quá sơn trường!
Gió rung bông sậy dạ buồn nhớ em”.
Hu hu!
Làm ruộng thì không có đất. Ði ghe thì buồn thiệt! Buồn mới có ca dao. Ca dao khiến mình yêu đất, yêu người, yêu em yêu dù cho đôi ta đã ngàn trùng xa cách, cách nhau cả ngàn dặm biển.
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.
Tranh Bảo Huân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét