Thiết bị mới với sản lượng hàng năm 600.000 tấn ethanol bắt đầu hoạt động thử nghiệm hôm 28/12 tại Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.
Thiết bị sản xuất ethanol lớn nhất thế giới tại Hoài Bắc, tỉnh An Huy, ngày 28/12/2023. Ảnh: CMG
Việc vận hành thử nghiệm thiết bị sản xuất ethanol lớn nhất thế giới đã giúp xác minh mức độ tiên tiến và đáng tin cậy của công nghệ mới mang tên DMTE, theo Li Wei, giám đốc tại Tanxin Technology.
Thiết bị mới, với sản lượng đạt 600.000 tấn ethanol mỗi năm, có thể chuyển đổi khí lò luyện cốc thành ethanol, giúp tăng đáng kể giá trị gia tăng của than, mang lại giải pháp khả thi cho việc phát triển các ngành thép và hóa dầu ít carbon. Thiết bị do công ty Tanxin Technology thuộc Tập đoàn Khai thác Than Hoài Bắc chế tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến do Viện Vật lý Hóa học Đại Liên (DICP) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) và tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây Yanchang cùng phát triển.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển công nghệ DMTE, sử dụng khí tổng hợp hay syngas làm nguyên liệu thô để sản xuất ethanol bằng cách cacbonyl hóa dimethyl ete sau đó hydro hóa metyl axetat. Họ liên tục nâng cấp công nghệ, chất xúc tác và tối ưu hóa quá trình phản ứng, tạo nền tảng vững chắc cho việc công nghiệp hóa trên quy mô lớn.
Ethanol là chất phụ gia xăng rất tốt và cũng là một hóa chất cơ bản quan trọng. Chất này được sản xuất chủ yếu bởi Mỹ, Brazil và một số nước khác, với nguyên liệu thô thường là các loại cây trồng như ngũ cốc và mía.
Thị trường ethanol của Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn, theo trưởng nhóm nghiên cứu Liu Zhongmin, giám đốc DICP kiêm thành viên Viện Kỹ thuật Trung Quốc. Ông nói thêm, Trung Quốc thiếu khoảng 10 triệu tấn nhiên liệu ethanol vào năm 2022.
Liu cho biết, việc sản xuất ethanol không ngũ cốc ở quy mô lớn đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chuỗi công nghiệp hóa chất và an ninh chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Thu Thảo (Theo CGTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét