Thời gian gần đây, đã có nhiều hội thảo về sự nghiệp của chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Điều đó đáng mừng; trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ai có công thì phải được công nhận.
Tôi mừng và tìm đọc lại một số tài liệu lịch sử viết về giai đoạn chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa. Khi đọc, tôi dậy lên trong tâm trí ít nhiều thắc mắc về thật, giả của một số sử liệu; sau đây là hai thắc mắc mà tôi thử lý giải.
1- “HOÀNH SƠN NHẤT ĐÁI, VẠN ĐẠI DUNG THÂN” (Một dãi Hoành Sơn, dung thân đến muôn đời).
Lời sấm trên, xưa nay, được cho là lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), một đại nho thông thái không những văn chương mà còn cả lý số, khi Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) cho người đến thỉnh ý trước khi vâng mệnh vua Lê chúa Trịnh vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558.
Wikipedia, ở mục “Nguyễn Hoàng”, có đoạn:
“ … Bàn mưu với bác họ là Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng ngầm sai sứ giả tới hỏi Trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm, người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái Bảo về trí sĩ, lúc đó đã có tiếng giỏi nghề thuật số. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn cái núi non bộ ở trước sân mà ngâm lớn rằng: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân, nghĩa là: Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được. Khi sứ giả về thuật lại câu ấy, Nguyễn Hoàng hiểu ý ngay.”
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong thời Nam – Bắc triều (1533 – 1592), sống và làm quan trong vùng do nhà Mạc (Bắc triều) cai trị (từ Ninh Bình trở ra) và rất được nhà Mạc ưu ái, trọng nể; bằng chứng là Ngài được phong tước Hầu (Trình Tuyền Hầu) rồi tước Công (Trình Quốc Công).
Còn Nguyễn Hoàng sống trong vùng do chúa Trịnh vua Lê (Nam triều) quản lý (từ Thanh Hóa trở vào).
Chúa Trịnh vua Lê và nhà Mạc là địch thủ của nhau, cai trị hai vùng riêng biệt. Làm sao có người từ vùng này sang vùng khác hỏi quốc sự với một vị quan lớn đang phục vụ chính quyền vùng đối nghịch và rất được trọng dụng?
Tôi không tin việc Nguyễn Hoàng cho người ra thỉnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trước khi vào Thuận Hóa năm 1558.
Có nguồn nói lời sấm trên là Nguyễn Hoàng nhận từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc cho người đến thỉnh ý trước khi về lại Thuận Hóa năm 1600.
Nguyễn Khoa Chiêm (1659 – 1736) trong “Nam triều công nghiệp diễn chí” viết:
“Năm Canh Tý, niên hiệu Hoằng Định năm đầu (1600), mùa hè, ngày mồng một tháng năm, hữu thừa tướng Đoan quốc công Nguyễn Hoàng thấy tình cảm đối xử của Bình An vương Trịnh Tùng ngày một thưa nhạt, phải tính kế giữ mình, nhưng không nghĩ ra cách gì, bèn sai người đem vàng bạc làm lễ vật đến biếu viên quan nhà Mạc đã hưu trí về làng là Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi kế giữ thân, Trình quốc công bèn lấy giấy bút viết tám chữ giao cho người tâm phúc của Nguyễn Hoàng đem về. Đoan quốc công Nguyễn Hoàng mở thư đọc thấy tám chữ: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung nhân” (Nghĩa là “Hoành Sơn một giải, dung thân muôn đời”). Đọc xong, Nguyễn Hoàng trầm ngâm nghĩ ngợi suốt cả một ngày mới chợt hiểu ra. Từ đó chỉ nghĩ cách tìm đường trở về trấn cũ.”
Chuyện Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng từ Thuận Hóa ra Bắc rồi từ Bắc trở lại Thuận Hóa có nguyên cớ như sau:
Năm 1592, chúa Trịnh vua Lê từ Thanh Hóa ra đuổi nhà Mạc lấy lại Thăng Long. Năm 1593, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa cùng đoàn tùy tùng ra Thăng Long mừng và ở lại giúp chúa Trịnh vua Lê dẹp tàn quân nhà Mạc, bình định lãnh thổ. Chúa Trịnh muốn giữ Nguyễn Hoàng ở lại đất Bắc, nhưng Nguyễn Hoàng không muốn và người ta đồn rằng Nguyễn Hoàng cho người hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và được dạy :”Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.”
Thông tin này cũng vô lý. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mất từ năm 1585, trước khi mất, chắc chắn phải đau yếu nhiều năm, thân thể mệt mỏi, trí não không còn sáng suốt. Vậy thì chuyện Nguyễn Hoàng cho người vấn ý để trở lại Thuận Hóa năm 1600 không có tính thuyết phục.
Tôi nghĩ là chuyện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Nguyễn Hoàng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” là do đời sau bịa ra.
Bịa ra làm gì?
Khi giữa chúa Trịnh đất Bắc và chúa Nguyễn đất Nam “cơm hết lành, canh hết ngọt”, chúa Nguyễn tạo ra giai thoại để tuyên truyền việc dựng riêng cơ đồ ở Đàng Trong là do Trời định qua lý số từ ông thầy giỏi là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
2- Về nguyên do Nguyễn Hoàng vô Ái Tử năm 1558
Sử ký nói rằng năm 1545, Nguyễn Kim - cha Nguyễn Hoàng - bị tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất trá hàng đầu độc chết, rồi Nguyễn Uông - anh Nguyễn Hoàng - cũng chết (không biết chết bao lâu sau Nguyễn Kim chết và chết vì lý do gì); Trịnh Kiểm - anh rể Nguyễn Hoàng - bị sử sách gán cho tội đã giết Nguyễn Uông để giành quyền lãnh đạo lực lượng chống nhà Mạc.
Do đó, Nguyễn Hoàng – em của Nguyễn Uông, con của Nguyễn Kim) sợ bị ám hại nên xin vào Thuận Hóa để tránh hậu hoạn.
Từ đó, người học sử từ thế hệ này sang thế hệ khác cứ tin ông anh rể Trịnh Kiểm ghét cậu em vợ Nguyễn Hoàng lắm lắm!!!
Tôi đọc sử biết Nguyễn Hoàng vào Ái Tử cùng với đoàn tùy tùng cả trên ngàn người gồm một số quan tướng tài ba, quân sĩ cùng người tình nguyện lấy từ vùng Thanh Nghệ. Lại thêm, Tống Phước Thị đương trấn thủ Thuận Hóa cùng bộ máy chính quyền không thuyên chuyển đi nhận nhiệm vụ, nhiệm sở mới mà đều ở lại giúp Nguyễn Hoàng.
Tôi đọc sử biết hai họ Trịnh - Nguyễn, ngoài Trịnh Kiểm lấy Ngọc Bảo (con gái của Nguyễn Kim), còn kết tình thông nghị thêm một lần nữa: con gái Nguyễn Hoàng là Ngọc Tú lấy Trịnh Tráng (con của Trịnh Tùng, cháu nội của Trịnh Kiểm). Ông nội và cháu nội (Trịnh Kiểm và Trịnh Tráng) lấy hai cô cháu (Ngọc Bảo và Ngọc Tú). Loạn luân rồi đó mà người ta vẫn làm!!! Vì sao? Tôi nghĩ họ làm để củng cố giao hảo.
Tôi đọc sử biết Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1558, đến tháng 6 năm 1569, ra Bắc yết kiến vua Lê, lạy mừng chúa Trịnh, tháng Giêng năm Canh Ngọ (1570) trở về Nam, được Trịnh Kiểm tâu trình vua Lê cho kiêm lĩnh trấn thủ Quảng Nam (vùng đất từ nam đèo Hải Vân đến tỉnh Phú Yên bây giờ) thay Nguyễn Bá Quýnh rút về trấn thủ Nghệ An. Điều đó chứng tỏ sự tin dùng tài năng Nguyễn Hoàng của vua Lê chúa Trịnh.
Tôi đọc sử biết Nguyễn Hoàng vào Nam 35 năm rồi (1558 - 1593), cơ ngơi tương đối ổn định, khi nghe họ Trịnh đuổi họ Mạc ra khỏi Thăng Long, đã kéo đoàn ra Bắc mừng và ở lại tiễu trừ tàn quân họ Mạc đến 8 năm (1593 - 1600) mới về lại Thuận Hóa. Nếu họ Trịnh, họ Nguyễn thù ghét nhau thì Nguyễn Hoàng có dám đi chuyến này không?
Tôi còn biết, qua mối thân quen, ở làng Trà Liên (Trà Bát cũ) và các làng lân cận, hiện giờ người mang họ Trịnh khá đông; đặc biệt tôi có số liệu ở làng Trà Liên: Làng Trà Liên có 5 họ chính, thứ tự tiền khai khẩn (khai khẩn ruộng nương thuở ban đầu) như sau:
1- Họ Nguyễn hiện giờ khoảng 90 hộ;
2- Họ Cao: ...
3- Họ Trịnh hiện giờ 264 hộ;
4- Họ Hồ hiện giờ khoảng 250 hộ;
5- Họ Bùi: ...
Như thế, ở làng Trà Liên, hiện giờ, hậu duệ họ Trịnh chiếm số đông, chưa kể trong quá trình lịch sử, người họ Trịnh từ làng Trà Liên đã ra đi định cư ở những nơi khác vì lý do này hay lý do nọ; vậy thì họ Trịnh đã vào đây trước lúc Nguyễn Hoàng vào hay cùng đi trong đoàn Nguyễn Hoàng. Nếu như họ Trịnh, họ Nguyễn thời ấy không thân tình thì làm gì có họ Trịnh vào đây sớm thế.
Chiếu vào những cứ liệu trên, tôi nghĩ rằng sử viết do sự oán thù giữa họ Trịnh và họ Nguyễn mà Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa là bịa đặt.
Tại sao bịa đặt?
Khi cơ đồ ở phương Nam đã vững vàng, chúa Nguyễn muốn hùng cứ một cõi riêng, không phụ thuộc dưới quyền chúa Trịnh nữa, họ bịa ra chuyện khi Nguyễn Kim mất năm 1545, họ Trịnh bắt đầu ức hiếp hãm hại họ Nguyễn vì sợ quyền lực cai trị đất nước bị họ Nguyễn giành lại lúc có thời cơ.
Theo sử gia Trần Viết Ngạc trong bài “Nguyễn Hoàng – Bốn trăm năm nhìn lại” đăng trên Nghiên Cứu Lịch Sử ngày 04/01/2018, chuyện Trịnh Kiểm ám hại họ Nguyễn có chép trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (trong lời chú của dịch giả) và những tác giả viết về chúa Nguyễn, triều Nguyễn đều lấy lại thông tin; “tuy nhiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (chính văn), Phủ Biên Tạp Lục, Đại Việt Thông Sử đều không nói đến sự kiện Trịnh Kiểm ám hại Nguyễn Uông và cả câu chuyện Nguyễn Hoàng nhờ chị Ngọc Bảo xin vào trấn Thuận Hóa theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
Tôi nghĩ việc Nguyễn Hoàng được cử vào Thuận Hóa năm 1558 mang tính tích cực, là do thiện ý của vua Lê chúa Trịnh, và của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng là người có tài kinh bang tế thế (sách sử nào cũng nói điểm này), vì thế, Ngài được cử đi ổn định vùng đất mới có nhiều tài nguyên với mong ước dùng vùng đất này làm bàn đạp mở cõi về phương Nam.
HOÀNG ĐẰNG - 04/12/2023
(1) Bài đã đăng trên đặc san TÌNH QUÊ của Hội Đồng Hương Quảng Trị tại TP. Đà Nẵng Xuân Giáp Thìn 2024, muốn phổ biến thêm trên trang này.
Mời Xem :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét