Ở Mỹ, tôi thấy họ chú trọng dạy cách viết, bố cục một bài văn (cả nói và viết) đơn giản và thực tế hơn là phân tích bình luận tác phẩm. Trẻ em được rèn cách tư duy tự do, phản biện độc lập từ bé mà ta quen gọi là academic freedom.
Ví dụ sau đây là đề văn lớp Ba ở Mỹ: “Con thích viết bằng bút chì hay bút mực? Tại sao con lại thích loại bút đó?”
Còn đây là đề văn lớp 12 ở Mỹ: “Theo em, nước Mỹ có nên dựng bức tường ngăn dòng người nhập cư từ Mexico như lời đề nghị của ông Trump không? Tại sao?” Hoặc: “Nếu có thẩm quyền làm gì đó tốt cho người Da Đỏ, em sẽ đưa ra chính sách gì? Tại sao?”
Hãy đối chiếu với đề văn điển hình của Việt Nam: “Hãy chứng minh rằng chị Dậu là tấm gương phụ nữ nông thôn chịu thương chịu khó, thương chồng thương con.” Hoặc: “Hãy phân tích để làm rõ tính đểu giả, khốn nạn, phản động và vô nhân đạo của chính quyền phong kiến thực dân.”
Theo người Mỹ, cách ra đề của giáo viên Việt Nam đã sai ngay từ đầu. Vì sao? Vì chị Dậu thương chồng thương con hay không, có chịu thương chịu khó hay không còn tùy vào TÔI nói, không phải tùy vào THẦY. Cũng vậy, chế độ phong kiến thực dân hoặc đế quốc đểu hay không đểu còn tùy vào TÔI chứ, sao THẦY lại có quyền chụp mũ ngay từ đầu?
Tôi thấy, ở Mỹ người ta chỉ dạy Văn Học Sử, nghĩa là bối cảnh và nguyên nhân các tác phẩm ra đời. Học sinh được tự do xuống thư viện, sau đó viết báo cáo thu hoạch với một đề ra rất mở:
"Trong văn học Anh thế kỷ 19, em thích nhất tác giả văn xuôi nào nhất? Hãy tóm tắt một tác phẩm văn xuôi nổi bật của tác giả đó và phân tích những điều em cảm nhận được?"
Nhìn chung, ở Mỹ và Tây Âu, người ta không chú trọng phân tích tác phẩm văn học mà chỉ chú trọng cách hành văn, bố cục, cách làm văn theo các thể loại (Argumentative, Analysis, Process Description, Letters, Description of Things and People…). Trong số này, khó nhất là thể loại văn Argumentative (Bình luận, Nghị luận) chỉ đến lớp cao mới học.
Nói tóm lại, phát biểu chính kiến và bảo vệ chính kiến là cách rèn văn cơ bản được chú trọng ở Mỹ.
Ngoài ra, người ta chú trọng thực tế cuộc sống để dạy. Ví dụ, các kiểu viết thư mời, thư từ chối, chấp nhận lời mời, thư tuyển dụng, thư cảm ơn, thư xin nghỉ phép, thư hoặc tin nhắn chia buồn với ai đó có người thân qua đời...Đó là những điều căn bản mà họ đào sâu cho trẻ em trong trung học phổ thông, trung học cơ sở.
À, tôi thấy ở Mỹ còn cấm học sinh viết dài. Thường đề bài đã hạn chế sẵn số từ. Dài lắm cũng chỉ 500 từ (làm tại lớp) và 3000 từ (bài làm ở nhà).
Ở Mỹ thường có cuộc thi viết Essay bàn luận về một đề tài xã hội nào đó. Cấp Quận và Cấp Bang là chính, hình như chưa có cấp liên bang.
Sau đây là ví dụ các đề thi viết văn kiểu Mỹ:
1. Nếu bạn được lựa chọn làm tổng thống Mỹ/thống đốc bang thì việc đầu tiên bạn làm là gì? Tại sao? Cách tiến hành? Hãy viết trong 3000 từ để biện luận cho ý tưởng của mình.
2. Nếu cần dẫn một bạn từ HN mới vô SG chơi cuối tuần một ngày thì con chọn Đầm Sen hay Sở Thú? Nhớ rằng chỉ có một ngày và chỉ được đi một trong hai nơi đó. Hãy biện luận cho lựa chọn của mình trong 1000 chữ.
Theo tôi, tâm trạng của Kiều ở lầu Ngưng Bích và tâm trạng của Chí Phèo ở vườn chuối không hề được hỏi đến trong cuộc sống. Đó là vấn đề của dân yêu văn, thích nghiên cứu văn học chuyên sâu. Ngay cả người lớn, giáo viên cũng chưa chắc cảm thụ thấu đáo và sâu sắc được.
Tại sao bắt tất cả phải học mấy thứ đó?
Người Mỹ không bao giờ đưa ra CÔNG THỨC. Họ cho người học tiếp cận với thực tế. Thực tế càng đa dạng và nhiều biến thì càng tốt. Người học sẽ phải tự luận ra công thức cho chính mình. Với các môn khác, các lĩnh vực khác họ cũng làm như vậy.
Ví dụ, họ không bao giờ nói và ca ngợi NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI. Họ không dùng khẩu hiệu và các loa tuyên truyền. Họ dẫn bạn đi thăm thú các công trình và bảo tàng, thăm những nhà tưởng niệm các vĩ nhân của họ. Bạn sẽ tự sẽ đưa ra kết luận.
Cách mà họ truyền giáo cũng thế.
Hồi tôi ở Mỹ, họ dẫn tôi đi ăn, đi uống, đi chơi. Đi gặp gỡ với những linh mục lỗi lạc và dễ thương. Họ cho tôi xem tận mắt giáo hội First Baptist Assembly của họ đã làm được gì. Họ muốn tôi tự cảm thán mà ngưỡng mộ. Người Mỹ là thế, họ không bắt ai ngưỡng mộ. Họ để bạn tự ngưỡng mộ từ thực tế những gì bạn nhìn thấy.
Trên đây là vài nhận xét còn nông cạn, mong các thầy cô và các nhà sư phạm chỉ giáo thêm. Cảm ơn các thầy cô.
Bài viết của diễn giả Đỗ Cao
TRẦN PHONG VŨ
Chia sẻ từ fb Nguyễn Bá Sang
Ảnh : Các lớp học rộng rãi và tiện nghi tại CATS Academy Boston
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét